Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Xây dựng thang tầng màu địa hình mới trên bản đồ du lịch

    I. Các phương pháp thể hiện địa hình

    Địa hình là một trong những yếu tố quan trọng trên các bản đồ du lịch như bản đồ vị trí địa lý du lịch, bản đồ tiềm năng tài nguyên du lịch, bản đồ đánh giá tài nguyên du lịch, bản đồ quy hoạch du lịch, đặc biệt là các bản đồ du lịch về tuyên truyền quảng cáo, bản đồ du lịch cẩm nang, bản đồ cho từng loại hình du lịch cụ thể,… Từ trước tới nay, con người đã cố gắng dùng nhiều phương pháp để thể hiện địa hình trên bản đồ và các phương pháp đó ngày càng chính xác hơn, dễ nhận biết địa hình hơn, đẹp hơn. Có thể kể ra các phương pháp sau:

    1. Phương pháp vẽ phối cảnh hình thể núi non có từ xa xưa với độ chính xác thấp và ngày nay vẽ với độ chính xác cao hơn.

    2. Phương pháp gạch nét với thang độ dốc xuất hiện ở thời trung cổ.

    3. Phương pháp ký hiệu cho một số địa hình nhỏ (như đèo, hố, tảng đá, núi đá vôi,…).

    4. Phương pháp ghi điểm độ cao và độ sâu.

    5. Phương pháp đường bình độ hình thành khi các máy đo quang học trắc địa được chế tạo để đo vẽ bản đồ từ thực địa.

    6. Phương pháp tô đường bình độ được vẽ một bên đậm và một bên mảnh (như bóng ruộng bậc thang trong các bức ảnh chụp).

    7. Phương pháp thang tầng màu là bôi phủ màu vào từng tầng đường bình độ theo một dãy màu biên soạn.

    8. Phương pháp tô bóng địa hình bằng bút lông với màu nước hay bằng bút chì.

    9. Phương pháp phối hợp là dùng một vài cách thể hiện trên để tổng thể địa hình được nổi rõ hơn và đọc địa hình được chính xác hơn.

    10. Phương pháp nhìn ảnh địa hình lập thể bằng kính một mắt màu xanh và một mắt màu đỏ, hoặc bằng kính lập thể.

    11. Phương pháp mô hình nổi (bản đồ nổi).

    12. Phương pháp mô hình địa hình nhìn một phía là địa hình trong không gian 3 chiều được thể hiện trên mặt phẳng hai chiều nhờ phần mềm tin học của máy tính điện tử và máy vẽ. Thực chất phương pháp này là phương pháp vẽ phối cảnh nhưng ở trình độ cao của khoa học bản đồ và công nghệ tin học.

    13. Phương pháp mô hình địa hình nhìn mọi phía (nhà tranh tròn) là sự kết hợp mô hình nổi được nối ghép với hình ảnh của phong cảnh dựng đứng. Người xem đứng một chỗ ở giữa mô hình nhìn mọi phía của phong cảnh địa hình.

    II. Các loại thang màu địa hình

    Bài báo này chỉ đề cập tới phương pháp bôi phủ màu vào từng thang tầng đường bình độ theo một dãy màu biên soạn. Phương pháp này ra đời khi các yếu tố địa hình trên bản đồ được thể hiện bằng đường bình độ và nó được sử dụng rộng rãi trên các bản đồ địa lý tự nhiên khái quát một khu vực. Có nhiều đề xuất về các thang tầng màu, nhưng việc dùng thang tầng màu nào thì cần phải nêu ra các luận cứ xác đáng để bản đồ trở thành một công cụ cung cấp thông tin nhanh và nhiều nhất cho người đọc. Ta có thể khái quát qua về các loại thang màu đã có:

    1. Thang màu đồng nhất (chỉ biến đổi một tính chất của màu)

    Một màu khi thay đổi độ sáng ta cũng có được một gam màu từ đậm đến nhạt. Loại thang màu này thể hiện cho địa hình theo hai nguyên tắc là địa hình càng lên cao thì dùng màu càng sáng và ngược lại càng lên cao thì dùng màu càng đậm.

    Ở thể loại này có thang vàng – nâu (vàng nhạt, vàng, nâu, nâu xám) và ngược lại là thang nâu – vàng (nâu xám, nâu, vàng, vàng nhạt). Màu nâu chính là màu vàng hòa lẫn với màu xám với liều lượng khác nhau.

    Một thang màu đồng nhất nữa là thang màu vô sắc (trắng, xám nhạt, xám, đen và ngược lại). Thang màu này ít được sử dụng vì màu xám hay đen che lấp nhiều đối tượng nội dung khác của bản đồ, nhất là khi dùng thang màu càng lên cao càng sáng làm cho vùng đồng bằng tối lại và nhiều nội dung bị che lấp.

    2. Thang màu hỗn hợp

    Loại thang màu này xây dựng trên cơ sở biến đổi hai hay ba tính chất của màu sắc (sắc thái, độ sáng và độ bão hòa). Do đó có rất nhiều thang màu đa dạng được dùng để thể hiện địa hình trên bản đồ:

    – Thang màu lục – nâu là loại thang thay đổi cả 3 tính chất của màu sắc. Màu lục để thể hiện vùng đồng bằng và màu nâu thể hiện vùng núi cao.

    – Thang màu lục – da cam – đỏ hơn hẳn thang lục – nâu vì nó làm tăng hiệu ứng lập thể địa hình.

    – Thang màu quang phổ của ánh sáng trắng ở khu vực màu ấm. Cụ thể là thang: lục – lá mạ – vàng – da cam – đỏ.

    – Thang màu cảnh quan là thang có gam màu dựa trên sự phân bố màu tự nhiên của địa hình ở các độ cao và ở các vĩ độ khác nhau, vào những thời điểm khác nhau (lúc ban mai hay chiều tà), do ánh sáng mặt trời và bầu khí quyển tạo nên. Lúc chiều tà thì gam màu biến đổi: màu vàng trên đỉnh núi, thấp dần là màu da cam, sau đó là màu hồng và tím. Trên cơ sở này P.A.Skvôrsôv đưa ra thang màu cảnh quan từ thấp tới cao như: lục, lá mạ, vàng, vàng – nâu, nâu, tím – hồng, hồng – da cam, da cam, vàng sáng. Đây là gam màu chuyển tiếp liên tục mà tác giả thể hiện rất thành công trên bản đồ cảnh quan phía nam nước Nga ở vùng Cápcazơ tại vĩ tuyến 42o bắc bán cầu.

    – Thang màu K.Poiker gồm 5 tầng màu vô sắc thể hiện vùng đồng bằng, còn vùng đồi núi dùng dãy màu: lục – xám, lục, vàng – da cam, da cam, đỏ. Thang mầu này có tới 15 tầng màu thay đổi liên tục các tính chất.

    – Thang màu Imgof xây dựng cho bản đồ địa hình từ thấp lên cao với dãy màu: chàm – xám, lam – xám, lam, lục, lá mạ, vàng, hồng. Thang này có ưu điểm là địa hình nổi, nhưng nền màu chàm – xám ở vùng đồng bằng che lấp mất nhiều nội dung quan trọng của bản đồ.

    – Thang màu độ sâu dùng cho bản đồ địa hình biển và hồ, từ nông tới sâu với dãy màu: lam sáng, lam, lam đậm, tím – hồng, chàm đậm.

    III. Đề xuất thang tầng màu địa hình cho bản đồ du lịch.

    Sau nhiều thử nghiệm các loại thang màu địa hình cho thể loại bản đồ du lịch, tác giả đề xuất thang tầng màu sau:trắng, xám nhạt, lục xám, lục, lá mạ, vàng, da cam nhạt, da cam, hồng, hồng nhạt dần. Lý giải của vấn đề là: thể loại bản đồ du lịch chứa nhiều nội dung chuyên sâu về du lịch. Các nội dung đó lại tập trung cả ở vùng đồng bằng và vùng núi cao, đặc biệt là vùng có độ cao thấp. Do đó vùng thấp phải dùng nền màu trắng và xám rất nhạt thể hiện địa hình thì mới có thể đọc tốt các yếu tố nội dung du lịch của bản đồ. Để tạo độ nổi trội của núi thì dùng màu da cam và hồng để tạo hiệu ứng gần, còn phía chân núi dùng màu đối lại là màu lục và xám để tạo độ sâu. Đỉnh núi màu hồng nhạt dần làm cho việc tô bóng giữa bên sườn sáng và tối nổi bật hơn, đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi để đọc rõ những yếu tố nội dung khác của bản đồ.

    Kỹ thuật xây dựng thang màu cho tờ bản đồ cụ thể như sau:

    – Thống kê một số điểm độ cao của đỉnh núi trên tờ bản đồ và quyết định lấy vùng độ cao đó làm đỉnh của thang màu (màu hồng nhạt).

    – Chia số bậc thang nhiều hay ít phụ thuộc vào địa hình cao hay thấp và khoảng cao đều trên bản đồ. Thang tầng có thể là mỗi tầng màu tương ứng với khoảng cao như nhau hoặc có thể tương ứng với khoảng cao đều khác nhau.

    – Chọn màu cho từng bậc phụ thuộc vào địa hình cao hay thấp.

    – Tô màu thang tầng trên bản đồ.

    – Đánh giá sự phù hợp thang tầng màu với địa hình trên bản đồ.

    – Điều chỉnh màu sắc từng thang tầng màu trên bản đồ sao cho chúng có độ sáng gần tương đương như nhau.

    – In bản đồ bằng máy in phun hay máy in laze.

    – Điều chỉnh tiếp màu sắc từng thang tầng trên bản đồ vì máy in và phần mềm có các đặc thù riêng (không tương thích).

    Địa hình trên bản đồ du lịch nên thể hiện kết hợp nhiều phương pháp như: đường bình độ, đường bình độ với cách vẽ bên sáng nét mảnh và bên tối nét đậm hoặc bên sáng màu sáng và bên tối màu tối, thang tầng màu, tô bóng địa hình, ghi điểm độ cao, ký hiệu địa hình. Có như vậy địa hình mới nổi rõ và tăng độ chính xác cho địa hình. Còn việc lựa chọn thang tầng màu nên dùng loại thang màu đề xuất nêu trên, vì nó tăng khả năng đọc nội dung ở vùng đồng bằng và lại thấy rõ vùng cao thấp của địa hình trên lãnh thổ bản đồ.

    Thang tầng màu trên đã được áp dụng rất hiệu quả cho thể loại bản đồ du lịch. Đó là thể loại bản đồ không những đòi hỏi những yếu tố về độ chính xác và nội dung cao mà còn hết sức coi trọng yếu tố thẩm mỹ của bản đồ. Với việc ứng dụng này, chất lượng bản đồ sẽ tăng cao vì các yếu tố chuyên môn về du lịch sẽ được đọc rất rõ trên nền bản đồ và yếu tố địa hình cũng rất trực quan gây thiện cảm đối với người đọc. Sử dụng loại bản đồ này, các nhà nghiên cứu cũng như khách du lịch dễ dàng tìm kiếm địa chỉ mà mình cần nghiên cứu, tham quan.

     

    Tài liệu tham khảo

    Trần Trung Hồng, 2001. Trình bày bản đồ. Nhà xuất bản Giao thông Vận tải. Hà Nội.

    Bài cùng chuyên mục