Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Thị trường khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam và những vấn đề đặt ra trong quản lý khách du lịch Trung Quốc tại Việt Nam

    nctd-2018-mai-tq   Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch:Cục Du lịch quốc gia Trung Quốc   (CNTA) đóng vai trò là Cơ quan quản lý nhà nước về Du lịch, chịu trách nhiệm quản lý phát triển và xúc tiến ngành công nghiệp du lịch Trung Quốc.

    Cơ cấu tổ chức của CNTA:

    + Cục trưởng: Lý Kim Tảo và 04 Phó Cục trưởng

    + Các Vụ tham mưu thuộc Cục Du lịch quốc gia Trung Quốc gồm có: Văn phòng, Vụ Điều phối tổng hợp; Vụ Kế hoạch Tài chính; Vụ Marketing và Truyền thông; Vụ Chính sách và Pháp luật; Vụ nhân lực; Vụ Quản lý du lịch

    + Văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài do CNTA quản lý: 16 văn phòng đại diện tại 13 quốc gia và vùng lãnh thổ, gồm: Nhật bản (2); Singapore, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ (2); Canada, Pháp, Đức (2), Tây Ban Nha , Úc, Nga và Hồng Công).CNTA thực hiện xúc tiến qua trang web: http://www.chinatourism.ch/html/about/02/

    Chức năng và nhiệm vụ của CNTA

    1.     Nghiên cứu hướng dẫn, chính sách và kế hoạch phát triển du lịch

    2.     Phối hợp với các cơ quan chức năng khác để thực hiện chính sách phát triển du lịch

    3.     Nghiên cứu chiến lược khai thác thị trường du lịch quốc tế

    4.     Thúc đẩy sự phát triển của thị trường du lịch nội địa

    5.     Tổ chức điều tra, đánh giá các nguồn lực du lịch

    6.     Thực hiện các chính sách du lịch outbound đối với Hồng Công, Macao và Đài Loan

    7. Chỉ đạo hệ thống giáo dục và đào tạo trong du lịch

    8. Chỉ đạo các cơ quan du lịch địa phương xây dựng chính sách phát triển du lịch

    9. Thực hiện các chức năng và nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Đảng và Hội đồng quốc gia.

    Lượng khách quốc tế đến Trung Quốc (inbound) và doanh thu du lịch quốc tế của Trung Quốc:

       + Khách du lịch quốc tế của Trung Quốc được thống kê bao gồm: khách đi lịch trong ngày và khách lưu trú qua đêm, khách mang quốc tịch nước ngoài và khách mang hộ chiếu Hồng Công, Ma Cao, Đài Loan đi du lịch Trung Quốc đại lục. Năm 2016, khách nước ngoài đến TQ là 31,48 triệu lượt, khách mang hộ chiếu Hồng Công: 81,06 triệu lượt, Ma Cao: 23,5 triệu lượt, Đài Loan: 5,73 triệu lượt.

       + 15 thị trường nước ngoài hàng đầu gửi khách quốc tế đến Trung Quốc (năm 2015): Hàn Quốc (4,44 triệu lượt); Nhật Bản (2,49 triệu lượt); Việt Nam (2,16 triệu lượt); Hoa Kỳ (2,08 triệu lượt); Nga (1,58 triệu lượt); Malaysia (1,07 triệu lượt); Mông Cổ (1,01 triệu lượt); Philippines (1,0 triệu lượt); Singapore (0,9 triệu lượt); Ấn Độ (0,73 triệu lượt); Canađa (0,68 triệu lượt), Thái Lan (0,64 triệu lượt), Úc (0,63 triệu lượt); (Đức (0,66 triệu lượt). Việt Nam xếp thứ 3, số liệu khách Việt Nam bao gồm cả khách du lịch biên giới. (Nguồn: CNTA)

    Năm

    Số khách quốc tế (triệu lượt)

    Trong đó, khách lưu trú qua đêm (triệu lượt)

    Trong đó, khách quốc tịch nước ngoài

    Tốc độ tăng trưởng khách quốc tế (%)

    Doanh thu du lịch quốc tế (tỷ USD)

    2016

    138,0

    59,27

    31,48

    3,5

    120

    2017 (mục tiêu)

    143

    69,5

    3,5

    126

              Nguồn: Cục Du lịch quốc gia Trung Quốc

        Khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài (Outbound):Theo CNTA, năm 2016 là 122 triệu lượt, tăng 4,3% so với năm 2015. 10 điểm du lịch nước ngoài chính của khách TQ: Thái Lan (8,04 triệu), Hàn Quốc, Nhật, Indonesia, Singapore, Mỹ, Malaixia, Maldives, Việt Nam và Philippines. 10 điểm du lịch biển hàng đầu của khách TQ: Phuket, Bali, Jeju, Okinawa, Boracay, Maldives, Sabah, Nha Trang, Saipan, Srilanka.. Việt Nam trong danh sách 10 điểm đến outbound và 10 điểm du lịch biển của khách TQ.

       – Chi tiêu du lịch nước ngoài (2016): Theo số liệu CNTA: 109,8 tỷ USD, tăng 5,1%. Theo số liệu UNWTO: 261 tỷ USD, tăng 11,7% so với năm 2015, giữ vị trí thứ nhất về chi tiêu trong các thị trường outbound quốc tế.

       Khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam

       Trung Quốc là thị trường gửi khách số một thế giới về số lượng khách và khả năng chi tiêu. Theo báo cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), năm 2016, đã có trên 135 triệu lượt khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài, tăng   6% so với 2015, chi tiêu 261 tỉ USD (chiếm 21% tổng chi tiêu của khách du lịch quốc tế toàn cầu). Năm điểm đến hàng đầu của khách du lịch Trung Quốc năm 2017 là: Thái Lan (9,5 triệu lượt), Nhật Bản (7,4 triệu), Hàn Quốc (4,17 triệu), Việt Nam (4 triệu), Indonesia (2,06 triệu). Khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài có đặc điểm là thường đi theo các đoàn lớn, qua các công ty lữ hành gửi khách với tour du lịch trọn gói giá cạnh tranh. Khách Trung Quốc chi tiêu nhiều cho hoạt động mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí tại điểm đến.

    nctd-2018-mai-tq-1

    Nguồn: GSO

    Thị trường khách Trung Quốc là thị trường quan trọng hàng đầu đối với nhiều điểm đến trong khu vực và trên thế giới. Nhiều quốc gia rất coi trọng và áp dụng các chính sách nhằm thu hút khách Trung Quốc. Do đó, cạnh tranh điểm đến để thu hút thị trường khách này giữa các quốc gia ngày càng khốc liệt, đặc biệt tại khu vực Châu Á và Đông Nam Á.

    Đối với Việt Nam, thị trường khách Trung Quốc luôn chiếm tỉ lệ 28-30% trong tổng lượng khách quốc tế đến. Năm 2017, Việt Nam đón hơn 4 triệu lượt khách Trung Quốc trong tổng số gần 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng 48,6% so với năm 2016. Sáu tháng đầu năm 2018, khách Trung Quốc đến Việt Nam đạt 2,568 triệu lượt, tăng 36,1% so với năm 2017. Các địa bàn đón khách Trung Quốc chủ yếu là Khánh Hòa, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Quốc, Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh…Tại Khánh Hòa, lượng khách Trung Quốc chiếm tới 60% tổng lượng khách quốc tế đến, trong khi đó con số này lần lượt là 30% và 20% tại Đà Nẵng và Quảng Ninh.

     nctd-2018-mai-tq-2

    Nguồn: GSO, 2017

    Dự báo trong thời gian tới, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam sẽ tiếp tục tăng nhờ chi phí rẻ, thời gian di chuyển ngắn, số lượng, tần suất chuyến bay giữa hai nước không ngừng tăng lên. Hiện có trên 10 hãng hàng không Việt Nam và Trung Quốc khai thác 30 đường bay từ 20 thành phố Trung Quốc tới Việt Nam với tổng tần suất đạt trên 500 chuyến/tuần. Tuy khách Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ cao nhưng so với nhiều nước trong khu vực, con số này còn khiêm tốn.

    Trong tổng lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam, khách đi bằng đường hàng không chiếm tỷ lệ khoảng 70%, trong đó, khách đi theo các chuyến bay thuê bao (charter) ngày càng tăng. Theo điều tra năm 2017 của Tổng cục Du lịch, khách Trung Quốc chi tiêu trung bình khoảng 897,4 USD cho một chuyến đi Việt Nam và có xu hướng tăng lên, trong đó khoảng 32% chi cho lưu trú.

    Một số vấn đề đặt ra với việc quản lý tour du lịch giá rẻ

    Trong bối cảnh cạnh tranh du lịch ngày càng gay gắt trong khu vực và trên thế giới, nhiều hãng lữ hành đã áp dụng biện pháp thu hút khách du lịch bằng tour du lịch giá rẻ. Việc tổ chức, quảng bá, bán các tour du lịch giá rẻ thường chỉ áp dụng được cho một số phân khúc thị trường, nhóm khách có thói quen đi theo đoàn và chi tiêu nhiều cho mua sắm hàng hóa, dịch vụ ngoài tour.

    Về bản chất, tour du lịch giá rẻ là hình thức cạnh tranh bằng giá theo cơ chế thị trường. Tour du lịch giá rẻ là cách thức bán hàng với giá tour cơ bản thấp, bao gồm dịch vụ tối thiểu tại điểm đến, tuy nhiên, khách du lịch sẽ được khuyến khích sử dụng nhiều dịch vụ khác như mua sắm, tham quan, vui chơi, giải trí, ăn uống… Việc liên kết, tái phân bổ lợi nhuận giữa các công ty lữ hành, hãng hàng không và các cơ sở dịch vụ tại điểm đến sẽ đảm bảo lợi ích của tất cả các bên tham gia chuỗi giá trị phục vụ khách du lịch.

    nctd-2018-mai-tq-3

    Tour giá rẻ thường diễn ra với các hình thức sau : (1) Tổ chức gom khách thành các đoàn lớn dưới hình thức bán buôn để được hưởng chính sách ưu đãi về giá và các hỗ trợ khác từ các hãng vận chuyển, cung ứng dịch vụ, nhờ đó giá Tour được giảm đáng kể; (2) Thuê nguyên chuyến bay để vận chuyển khách du lịch. Do đặc điểm chỗ trên máy bay đã được mua trước trọn gói nếu không bán được cho khách thì cũng không lưu trữ được, nên sau khi tính toán điểm hòa vốn, các công ty lữ hành bán các Tour giá rẻ với mức giá vé máy bay thấp hoặc bằng 0; (3) Tour cho khách đi ngắn ngày, cắt giảm chương trình tour hoặc ép khách phải vào các điểm mua sắm khép kín chỉ phục vụ riêng khách đi theo tour giá rẻ với hàng hóa chất lượng thấp, giá cao gấp nhiều lần giá trị thực tế; (4) Tour đi theo đường bộ vào Việt Nam: Công ty lữ hành của nước bạn vẫn thu tiền của khách nhưng bán lại khách cho công ty du lịch hoặc HDV của Việt Nam với giá rẻ hoặc bằng 0. Vì vậy, các Công ty Du lịch Việt Nam hoặc HDV phải lấy chi phí mua sắm, sử dụng dịch vụ để bù đắp chi phí cho các dịch vụ cơ bản theo chương trình đã ký kết với khách.

    Về mặt tích cực: do khách du lịch vẫn phải chi trả cho các dịch vụ lưu trú, ăn uống, thăm quan, vận chuyển và các dịch vụ khác tại điểm đến nên tour du lịch giá rẻ vẫn tạo ra doanh thu, việc làm, khuyến khích sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ dịch vụ và hàng hóa. Đối với các hãng hàng không, tour du lịch giá rẻ là đòn bẩy tăng khả năng thu hút khách, duy trì sự ổn định các đường bay. Bên cạnh đó, tour du lịch giá rẻ đã làm giảm tính mùa vụ của du lịch, giúp tăng lượng khách vào mùa thấp điểm, giúp các nhà đầu tư du lịch có nguồn thu ổn định, thu hồi vốn; duy trì và đem lại doanh thu cho điểm đến.

    Về mặt tiêu cực: tour giá rẻ về lâu dài sẽ làm xấu hình ảnh của điểm đến nếu không được quản lý một cách có hiệu quả. Việc tìm kiếm doanh thu từ mua sắm hàng hóa dịch vụ ngoài tour để bù đắp cho chi phí tổ chức tour đã tạo ra sức ép lớn cho các công ty lữ hành gửi khách, nhận khách và hoạt động quản lý điểm đến, một số nguồn thu từ các dịch vụ mua bán hàng hóa của khách du lịch chưa được quản lý chặt chẽ dẫn đến không kiểm soát được doanh số và thất thu thuế. Bên cạnh đó, việc thanh toán, giao dịch trực tuyến của khách du lịch (thông qua thiết bị chấp nhận thẻ (máy POS), thanh toán bằng QR code, các ứng dụng thanh toán trên điện thoại thông minh…) không thông qua hệ thống Ngân hàng, vi phạm quy định pháp luật về quản lý và thanh toán ngoại tệ tại Việt Nam.

    Yêu cầu đặt ra là: việc quản lý tour du lịch giá rẻ cần phải đáp ứng yêu cầu cơ chế thị trường, đồng thời phải quản lý được chất lượng dịch vụ du lịch, bảo vệ quyền lợi của khách du lịch, hình ảnh điểm đến cũng như các nguồn thu thuế cho nhà nước.

    Điểm mấu chốt để duy trì và tồn tại được tour giá rẻ là sự tồn tại của những cửa hàng hoạt động kinh doanh khép kín mang tính lừa đảo, thường do người nước ngoài núp bóng điều hành và có sự tiếp tay, đồng lõa của Công ty lữ hành và hướng dẫn viên Việt Nam.

    Để xử lý, ngăn chặn mặt tiêu cực, phát huy mặt tích cực của tour giá rẻ thì cần tập trung vào các giải pháp: (1) Nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương; tăng cường kiểm soát đối với các cửa hàng hoạt động kinh doanh khép kín mang tính lừa đảo, thường do người nước ngoài núp bóng điều hành, kiểm soát chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, không cho giao dịch chui, trốn thuế, chuyển tiền trái phép ra nước ngoài. (2) Kiên quyết xử phạt và rút giấy phép hoạt động đối với những doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên có vi phạm pháp luật về kinh doanh lữ hành, ảnh hưởng đến quyền lợi của du khách.

    Trách nhiệm của các Bộ, ngành đối với việc quản lý tour giá rẻ: (1) Bộ VHTTDL tăng cường phối hợp với các địa phương thanh, kiểm tra hoạt động kinh doanh lữ hành và hướng dẫn viên; Hướng dẫn, tuyên truyền cho du khách về các điểm cung ứng dịch vụ trên địa bàn; Phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý du lịch các quốc gia gửi khách đến Việt Nam để tạo ra sự minh bạch trong việc cung cấp thông tin đầy đủ cho khách du lịch. (2) Việc ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật dẫn đến sự thất thoát về kinh tế trong hoạt động kinh doanh tour giá rẻ đòi hỏi sự quản lý liên ngành, chặt chẽ, đồng bộ đặc biệt là của chính quyền địa phương, các Bộ, ngành Công an, Công Thương, Ngân hàng, Thuế, Quản lý lao động… để tăng cường quản lý các cơ sở mua sắm trong việc chấp hành các quy định về niêm yết giá, xuất xứ hàng hóa, chất lượng hàng hóa, có biện pháp phát hiện, xử lý nghiêm cơ sở mua sắm vi phạm trong kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; quản lý về ngoại hối, trong đó tập trung vào việc thanh toán, chuyển tiền của các doanh nghiệp lữ hành với đối tác nước ngoài, việc thanh toán trực tuyến bằng ngoại tệ tại các điểm dịch vụ, điểm mua sắm… phục vụ khách du lịch.

    Công tác quản lý đối với thị trường khách Trung Quốc

    Trước những vấn đề phát sinh trong hoạt động kinh doanh đón khách Trung Quốc, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các đơn vị chức năng và các cơ quan quản lý du lịch ở địa phương triển khai nhiều hoạt động quản lý, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh tour giá rẻ.

    Trong năm 2017-2018, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch triển khai Kế hoạch kiểm tra hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn viên và quản lý điểm đến, đã tiến hành nhiều đợt thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên có liên quan đến hoạt động kinh doanh tour giá rẻ trong đó tập trung chủ yếu tại các địa bàn như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Kiên Giang. Các cơ quan chức năng đã xử phạt, rút giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế đối với những doanh nghiệp vi phạm; thường xuyên chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các địa phương, nhất là các trọng điểm du lịch đón khách Trung Quốc để nắm bắt tình hình, có biện pháp xử lý kịp thời khi có tình huống liên qua đến khách Trung Quốc; hướng dẫn, yêu cầu các địa phương có phương án quản lý, ứng xử linh hoạt khi lượng khách Trung Quốc tập trung đông vào mùa cao điểm như xây dựng lực lượng hỗ trợ, đội ngũ tình nguyện viên hỗ trợ du khách, phân khu dành riêng cho khách Trung Quốc tại một số điểm tham quan; tăng cường phối hợp liên ngành, nhất là với lực lượng Công an, Biên phòng cửa khẩu để quản lý hoạt động kinh doanh lữ hành, quản lý người nước ngoài tham gia hoạt động du lịch tại Việt Nam.

    Mặc dù công tác quản lý hoạt động kinh doanh khách Trung Quốc đã được quan tâm nhưng hiệu quả chưa cao do một số nguyên nhân sau: công tác thực thi pháp luật và quản lý điểm đến tại các địa phương chưa quyết liệt, một số địa phương còn lúng túng, chưa có kinh nghiệm và nguồn nhân lực để quản lý thị trường khách Trung Quốc, nhất là khi lượng khách tăng đột biến; sự phối kết hợp giữa các cấp, các cơ quan chức năng chưa thường xuyên, kịp thời đồng bộ, nhất là sự phối hợp của cơ quan thuế, quản lý thị trường với ngành du lịch.

    Hoạt động kinh doanh lữ hành liên quan đến nhiều dịch vụ khác nhau. Ngành du lịch chỉ trực tiếp quản lý hoạt động của doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên, khách sạn… còn các khu vui chơi giải trí, nhà hàng, điểm mua sắm hàng hóa do các ngành khác quản lý. Để quản lý tour giá rẻ ngoài vai trò và trách nhiệm của ngành du lịch cần sự phối hợp chặt chẽ và vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, quản lý thị trường, thuế, ngân hàng, công an, quản lý lao động…

    Tour giá rẻ đón khách Trung Quốc thường có sự tham gia điều hành trực tiếp của người Trung Quốc, những người này thường cư trú dài hạn hoặc xuất nhập cảnh Việt Nam nhiều lần, do đó cần tăng cường công tác quản lý xuất nhập cảnh, cư trú, quản lý lao động của người nước ngoài tại Việt Nam.

    Để quản lý và đạt được hiệu quả từ việc đón khách du lịch qua tour giá rẻ đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ, chia sẻ lợi ích giữa công ty lữ hành với các nhà cung ứng dịch vụ, tạo ra các sản phẩm du lịch có mức giá cạnh tranh. Phát triển du lịch không chỉ nhằm vào việc thu hút tăng lượng khách đến mà nhằm vào mục tiêu lớn hơn là tăng chi tiêu của khách du lịch, phát triển bền vững. Cần có chính sách khuyến khích phát triển các trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí với hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam để thúc đẩy tăng tiêu dùng tại chỗ của du khách, đồng thời hỗ trợ hoạt động kinh doanh lữ hành.

    Hoàng Mai

    Bài cùng chuyên mục