Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Phương pháp trình bày nền màu hành chính chính trị trong hệ thống bản đồ du lịch

    Phương pháp nền chất lượng được dùng để trình bày nền màu bản đồ hành chính – chính trị (HC-CT). Nền màu này thường được áp dụng trong bản đồ du lịch như bản đồ vị trí du lịch nhằm xác định rõ vị trí của không gian lãnh thổ liền kề hoặc hệ thống lãnh thổ cấp cao hơn. Yêu cầu nền màu trình bày trên bản đồ đạt được những điểm sau:

    – Dễ phân biệt giữa các lãnh thổ HC-CT với nhau.

    – Số màu nền ít nhất.

    – Nhìn tổng thể thì các màu nền lãnh thổ phải có độ sáng như nhau.

    – Màu chọn phải trong sáng, không quá sẫm, xỉn, che mất các yếu tố khác trong khu vực HC-CT.

    Để đạt được những yêu cầu trên, cần nghiên cứu những vấn đề sau:

    1. Cách chọn màu dễ phân biệt.

    Để giải quyết vấn đề này thì ta dựa vào vòng tròn màu ở hình 1.
     
     
    Dãy màu quang phổ của ánh sáng trắng được trình bày trên vòng tròn để nhận biết các điểm sau:

    – Vùng màu từ hồng tới lục là khu vực màu ấm, phần còn lại là khu vực màu lạnh. Tính chất các màu ấm (hồng, đỏ, da cam, vàng, lá mạ và lục) là nổi trội, gần gũi và ấm áp. Còn các màu: lam, chàm, tím là màu lạnh có tính chất xa xăm và lạnh lẽo.

     
    – Nếu kẻ một dây cung cắt qua vòng tròn thì hai màu ở hai đầu của những dây cung đi qua tâm vòng tròn sẽ có mức độ tương phản lớn nhất, như màu đỏ – lục ở hình 1. Những dây cung càng ngắn thì hai màu ở hai đầu càng ít tương phản về sắc thái, như màu da cam – vàng ở hình 1.

    – Cho nên muốn chọn màu nền lãnh thổ HC-CT cạnh nhau tương phản nhiều thì lựa chọn các màu ở hai đầu dây cung càng lớn càng tốt.

    – Màu lam được chọn riêng để thể hiện vùng diện tích biển, ao, hồ. Do đó không nên dùng màu lam và các màu lân cận có sắc thái gần giống với màu lam để tô màu cho nền lãnh thổ HC-CT. Nếu lạm dụng màu này thì gây cho người đọc bản đồ tưởng lầm đó là khu vực biển hay ao, hồ.

    – Như vậy, trừ màu lam, các màu còn lại trên vòng tròn màu đều được dùng để tô màu cho các nền lãnh thổ HC-CT của bản đồ.

    Vấn đề còn lại đặt ra là nên chọn những màu nào và cần bao nhiêu màu sẽ được khảo sát ở các mục dưới đây.

    2. Lựa chọn số màu

    Phương pháp nền chất lượng được dùng để thể hiện lãnh thổ HC-CT, nhưng điều khác biệt của nó so với các loại bản đồ nền chất lượng khác là các màu nền ở những lãnh thổ cách xa nhau thì có thể giống nhau vì mục đích của nền màu chỉ là dễ phân biệt được vị trí và hình dáng. (Hai đơn vị hành chính được thể hiện cùng một màu, không có nghĩa là chúng giống nhau về chất lượng).

    Có các phương án về chọn màu của các lãnh thổ (LT) liền kề nhau, nhưng thực ra số màu ít nhất cần dùng dao động từ 2 đến 4 màu như chứng minh ở hình2.
     

    Số màu ít nhất để trình bày các lãnh thổ HC-CT dao động từ 2 màu khi tiếp giáp 1 lãnh thổ, 3 màu khi tiếp giáp với số lãnh thổ chẵn và 4 màu khi tiếp giáp với số lãnh thổ lẻ. Như vậy, trên bản đồ HC-CT, dựa vào số lãnh thổ tiếp giáp với một lãnh thổ nào đó mà quyết định số màu để trình bày màu nền. Tuy nhiên, ta có thể chọn số màu nhiều hơn số màu tối thiểu để giải quyết các đặc điểm riêng trong việc trình bày cụ thể nền màu của bản đồ. Và cũng cần lưu ý rằng số màu để in thường ít hơn số màu nền, vì có nhiều màu nền được tổng hợp từ các màu in khác nhau.


     

     

    3. Lựa chọn tên màu

    Tên màu cụ thể để trình bày các lãnh thổ HC-CT được xác định từ việc kẻ các dây cung (để xác định 2 màu), tam giác nội tiếp (để xác định 3 màu), tứ giác nội tiếp (để xác định 4 màu) bên trong vòng tròn màu, v.v… như ở hình 3.
     

    4. Lựa chọn độ sáng của các màu nền.

    – Yêu cầu các nền màu trình bày trên các lãnh thổ HC-CT cần phải có độ sáng cảm nhận tương đương như nhau. Điều kiện này phụ thuộc vào đặc tính của mỗi màu được chọn, diện tích lãnh thổ màu bao phủ và ảnh hưởng các màu để cạnh nhau.

    – Độ sáng của màu gần tương đương với độ chói. Độ chói phụ thuộc vào cường độ nguồn chiếu sáng lên bề mặt lớp màu nền. Nguồn chiếu sáng tới mỗi lớp màu nền bị chia ra các phần: phản xạ, thấu xạ, tán xạ và hấp thụ với các tỉ lệ phần trăm khác nhau. Chỉ có các tia phản xạ hay thấu xạ đi tới mắt thì ta mới nhận biết được màu của đối tượng. Như vậy, độ sáng (S) của màu được thể hiện bằng số phần trăm giữa tia phản xạ (Sf) theo công thức S = (Sf/S).100%.

    – Đại lượng này có thể được đo bằng máy Đensitômét.

    – Việc cảm thụ độ sáng phụ thuộc vào trạng thái của mắt, não bộ, yếu tố ảnh hưởng của các màu xung quanh và diện tích mảng màu.

    – Muốn thay đổi sự cảm thụ màu (DS) theo cấp số cộng thì cần phải thay đổi lượng màu (DB) kích thích vào mắt theo cấp số nhân. Đặc điểm đó được thể hiện bởi công thức: DS = k.lgDB (k là hằng số cụ thể cho mỗi màu).

    – Màu xung quanh của một màu nền có thể làm cho nó sáng lên (như màu đen xung quanh màu xám) hoặc tối đi (như màu đỏ xung quanh màu lục). Cũng có thể làm cho nó ngả sang màu khác như màu đỏ nhạt xung quanh màu vàng làm cho ta thấy như là màu da cam v.v…

    – Hai diện tích khác nhau được phủ bởi cùng một màu có độ sáng như nhau thì ta lại cảm nhận thấy vùng có diện tích lớn hơn thì màu nền đậm hơn so với vùng diện tích nhỏ. Hiện tượng này luôn luôn thấy rõ đối với các lãnh thổ HC-CT được bôi phủ cùng một màu nhưng có diện tích khác nhau. Đó là ảo giác của mắt người. Do đó, để có được cảm nhận độ sáng của màu như nhau ở các vùng diện tích khác nhau thì ta phải giảm độ đậm của màu ở vùng có diện tích lớn hay tăng độ đậm của màu ở vùng có diện tích nhỏ, tùy thuộc vào mức độ diện tích lãnh thổ HC-CT lớn hay nhỏ gấp bao nhiêu lần. Việc làm này đối với công nghệ chuẩn bị in và chế bản in trước đây rất tốn kém và vất vả, nhưng đối với công nghệ số được áp dụng hiện nay thì không khó khăn lắm mà chỉ đòi hỏi sự cảm nhận tinh tế về màu sắc của người trình bày bản đồ.

    – Ảo giác xa gần của màu cũng làm ảnh hưởng tới việc trình bày màu nền của lãnh thổ HC-CT trên bản đồ. Nơi bôi phủ các màu lạnh làm cho ta nhận thấy lãnh thổ đó xa ra và nhạt nhẽo, còn nơi phủ màu ấm thì lãnh thổ đó đập ngay vào mắt và cảm thấy đậm đà và gần gũi hơn. Do đó, muốn màu lạnh gần lại thì ta tăng độ đậm của màu lên và muốn màu ấm ra xa thì ta dùng màu ấm nhạt đi.

    – Như vậy, để trình bày màu nền của các lãnh thổ HC-CT trên bản đồ thì cần phải giải quyết các vấn đề ảo giác của một màu ở các vùng có diện tích khác nhau và đặc điểm riêng biệt trình bày cụ thể cho mỗi lãnh thổ HC-CT trên bản đồ. Ngoài màu lãnh thổ HC-CT, trên bản đồ còn có màu lam – nền màu của biển, sông, hồ và màu bo đường viền địa giới cũng là vấn đề liên quan cần giải quyết để sao cho chúng nổi bật và dễ phân biệt khi ở cạnh nhau. Mục đích giải quyết các vấn đề trên là làm sao các màu nền các lãnh thổ HC-CT phải có độ sáng tương đương nhau và tương phản nhau để cho chúng nổi bật. Muốn giải quyết vấn đề trên thì phải nắm vững các quy luật và các phương pháp trình bày ở trên. Nghệ thuật – kỹ thuật này phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng tinh tế của họa sĩ – kỹ sư bản đồ khi trình bày tác phẩm bản đồ.

    5. Một số điểm cần chú ý khi trình bày và in bản đồ theo công nghệ số

    Việc trình bày nền màu các lãnh thổ HC-CT trên bản đồ có thể tô bằng màu nước trên giấy hoặc dùng các phần mềm trên màn hình máy vi tính. Trình bày nền màu theo công nghệ cũ thì không có vấn đề gì lớn, nhưng rất khó khăn trong việc phục chế đúng với màu đã chọn.

    Với công nghệ mới cho phép thay đổi nền màu rất dễ dàng, máy tính cho biết rõ ràng số tỉ lệ phần trăm từ 3 màu cơ bản tạo ra màu cần dùng và sau đó in ra phim để chế khuôn in ốpsét. Tuy vậy trong công nghệ mới lại nảy sinh vấn đề là màu nền trên màn hình, trên tờ in từ máy in phun và trên tờ in từ máy in ốpsét có sự sai lệch khá lớn. Chúng tôi nhận thấy sự khác biệt này phụ thuộc vào các yếu tố như phần mềm đồ họa, chất lượng và thể loại máy in phun hay laze cùng với mực in và máy in ốpsét cùng với mực in được dùng. Thực chất của vấn đề là ta sử dụng các thiết bị và vật tư của các hãng khác nhau, hoặc các thiết bị của một hãng nhưng không đồng bộ.

    Để đạt được yêu cầu trình bày màu nền ở phần đầu bài báo thì cần phải xác định mối liên hệ màu nền trên màn hình máy tính với màu nền phù hợp trên tờ in từ máy in phun hay máy in laze cụ thể và đối với bản đồ cụ thể. Việc làm cũng tương tự như vậy đối với sự liên hệ màn hình với tờ in từ máy in ốpsét.

    Việc xác định mối liên hệ ở trên có thể dựa theo cách thực nghiệm dò tìm. Đầu tiên là trình bày màu nền các lãnh thổ HC-CT, sau đó ghi lại các thông số tỉ lệ phần trăm của các màu thành phần (3 màu cơ bản) để tạo ra mỗi màu nền tổng hợp. Tiến hành in thử nghiệm trên máy in phun theo đúng tỉ lệ bản đồ được thiết kế để khảo sát màu nền chọn đã hợp lý hay chưa. Nếu thấy màu chọn không hợp lý so với các yêu cầu đã đề ra thì dựa vào kinh nghiệm mà điều chỉnh số tỉ lệ phần trăm của các màu thành phần. Việc thử nghiệm này có thể phải tiến hành vài lần tùy theo kinh nghiệm của người trình bày bản đồ. Ngoài ra, nền màu các lãnh thổ HC-CT chỉ có thể đạt yêu cầu đề ra khi phối hợp thể hiện với các yếu tố phần tử nét.

    Có thể nói, việc ứng dụng các phương pháp trình bày trên sẽ làm tăng chất lượng cho bản đồ du lịch sử dụng nền màu HC-CT với các ưu điểm trực quan, rõ ràng, đẹp. Từ đó tạo điều kiện làm nổi bật các yếu tố nội dung du lịch cần thiết.

    Bài cùng chuyên mục