Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Một số quan điểm, giải pháp phục dựng giá trị du lịch của hòn Phụ Tử, tỉnh Kiên Giang

    Điêù kiện để phát triển du lịch của một vùng, địa phương hay một khu du lịch là phải có tài nguyên du lịch hấp dẫnthu hút khách du lịch, hệ thống sản phẩm du lịch với chất lượng đáp ứng nhu cầu của du khách; cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng du lịch đáp ứng yêu cầu tiếp cận điểm đến du lịch để sử dụng dịch vụ du lịch.

    Tài nguyên du lịch bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên, gồm cảnh quan thiên nhiên, các yếu tố địa hình, địa mạo, khí hậu, thuỷ văn, hệ sinh thái và các yếu tố tự nhiên khác; tài nguyên du lịch nhân văn gồm truyền thống văn hóa, các yếu tố văn hoá, văn nghệ dân gian, di tích lịch sử, cách mạng, khảo cổ, kiến trúc, các công trình lao động sáng tạo của con người và các di sản văn hoá vật thể, phi vật thể khác có thể được sử dụng phục vụ mục đích du lịch (Luật Du lịch). Những yếu tố tài nguyên du lịch là tiền đề phát triển sản phẩm du lịch, hình thành và phát triển các khu du lịch, điểm du lịch, đồng thời cũng động lực thúc đẩy phát triển du lịch đối với một vùng, địa phương. Do đó giá trị của tài nguyên, thực trạng bảo tồn, những biến động của tài nguyên có những ảnh hưởng mang tính quyết định đến mọi hoạt động du lịch của khu du lịch, điểm du lịch hoặc địa bàn du lịch.

    Khu du lịch Phụ tử Kiên giang hàm chứa đầy đủ các yếu tố tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn gồm cảnh quan tự nhiên, được tạo thành bởi quần thể kiến trúc núi đá, hang động và các đảo đá ven bờ, trong đó nổi bật là hòn Phụ Tử và tài nguyên nhân văn gồm quần thể kiến trúc chùa Hang và những giá trị phi vật thể liên quan. Sự kết hợp hài hoà giữa kiến trúc công trình với các hang động, núi đá và cảnh quan bãi biển đã đem lại giá trị cảnh quan, nhân văn độc đáo, đưa khu du lịch đã trở thành một trong những điểm đến du lịch quan trọng nhất của tỉnh Kiên Giang và khu vực đồng bằng sông Cửu Long, thu hút lượng khách du lịch ngày càng lớn.

    Sự kiện hòn Phụ bị đổ ngày 09/8/2006 đã làm biến đổi một trong những thắng cảnh quốc gia nổi tiếng ở phía Nam đất nước và là biểu tượng của du lịch Kiên Giang, có ảnh hưởng nhất định đến hoạt động du lịch tại khu vực này. Việc khắc phục sự cố trên đang được các cấp, ngành tỉnh Kiên Giang nghiên cứu cẩn trọng và kỹ lưỡng. Nhằm góp phần vào việc nghiên cứu phương án khắc phục hợp lý và có hiệu quả góp phần vào việc phát triển du lịch Kiên Giang bền vững, cần thiết phải thống nhất một số vấn đề liên quan về bảo tồn, phục dựng di sản trên góc độ phát triển du lịch.

    1. Thống nhất nhận thức về giá trị du lịch của hòn Phụ Tử làm cơ sở xác định quan điểm hợp lý phục hồi cảnh quan khu du lịch:

    Hiện nay những ý kiến phục dựng hòn Phụ còn từ một số xuất phát điểm khác nhau, sẽ dẫn đến những định hướng và giải pháp phục hồi nhiều khi trái ngược nhau về khoa học và mục tiêu. Do đó, cần thiết phải thống nhất quan điểm, mục tiêu chủ đạo của của công tác phục hồi này là bảo tồn những giá trị của tài nguyên du lịch nhằm phục vụ phát triển du lịch của khu du lịch Phụ Tử và tỉnh Kiên Giang.

    Phải coi những giá trị hấp dẫn của hòn Phụ Tử là yếu tố động lực tạo nên các hoạt động du lịch tại khu vực này. Tính hấp dẫn của một loại tài nguyên du lịch được thể hiện ở mức độ thu hút trên cơ sở đánh giá những giá trị cụ thể về mỹ quan (vẻ đẹp của cảnh quan, nghệ thuật), thể chất (giá trị nghỉ dưỡng, bảo vệ tăng cường sức khoẻ, thoả mãn sở thích, nhu cầu ẩm thực, môi trường), tinh thần (nhu cầu thăm viếng, tham gia lễ hội, nhu cầu tín ngưỡng tâm linh) đối với du khách. Ngoài ra vị trí của tài nguyên, sự kết hợp giữa tài nguyên đó đó với các yếu tố tài nguyên khác cũng có ý nghĩa sống còn đối với giá trị và mức hấp dẫn của tài nguyên. Nói một cách khái quát là giá trị và mức độ hấp dẫn của yếu tố tài nguyên không chỉ được đánh giá ở một khía cạnh đơn thuần về mặt nghệ thuật, khoa học, tâm linh.. của tài nguyên cụ thể đó, mà cần được đánh giá một cách tổng hợp các yếu tố liên quan tạo nên sự thu hút khách du lịch đến với tài nguyên đó.

    Hòn Phụ Tử nằm trong quần thể di tích Hòn Chông (gồm hòn Phụ Tử, Chùa hang và Bãi Dương) đã được xếp hạng di tích thắng cảnh cấp quốc gia. Đồng thời quy hoạch chi tiết khu du lịch được UBND tỉnh phê duyệt đã xác định là một sản phẩm du lịch tham quan của khu vực. Hòn Phụ Tử là một trong những yếu tố tạo lập cảnh quan tự nhiên, tài nguyên tự nhiên, được khai thác phát huy tác dụng phục vụ du lịch.

    Về giá trị cảnh quan và mức độ hấp dẫn du lịch, vẻ đẹp của hòn Phụ Tử gắn liền với hệ thống núi đá vôi-hang động và đảo đá cùng mặt biển, tạo sức thu hút rất lớn khách du lịch đến khu du lịch Phụ Tử. Sự huỷ hoại hòn Phụ là mất đi một trong những yếu tố tài nguyên quan trọng của khu du lịch, tạo sự trống vắng trong cảm nhận về cảnh quan độc đáo vùng biển Kiên Giang, khu du lịch mất đi một điểm tham quan quan trọng.

    Tuy nhiên, nếu thực hiện đánh giá giá trị, mức độ hấp dẫn du lịch theo nguyên tắc trên, thì hòn Phụ Tử chỉ là một yếu tố quan trọng chứ không phải là duy nhất để tạo sự hấp dẫn khách du lịch đến với khu du lịch mang tên tài nguyên này nói riêng và du lịch Kiên Giang nói chung. Mặt khác thông qua những phân tích, đánh giá trong quá trình lập quy hoạch chi tiết phát triển khu du lịch Phụ Tử, hòn Phụ tử cũng dược đánh giá là một ( không phải là duy nhất) trong hệ thống các yếu tố hấp dẫn du lịch của khu du lịch. Theo góc độ về nghệ thuật cảnh quan, sự thiếu hụt của hòn Phụ chưa tạo ảnh hưởng lớn đến bố cục và vẻ đẹp của cảnh quan chung khu du lịch.

    Do đó cần tổ chức ngay công tác thống kê, khảo sát đánh giá cụ thể mức độ thu hút khách du lịch tham quan đối với hòn Phụ Tử (thông qua số lượng khách đến khu du lịch Phụ Tử tham quan, chiêm ngưỡng hòn Phụ Tử) và khu du lịch Phụ Tử trước và sau sự cố tự nhiên vừa qua cũng như và những thiệt hại về du lịch của sự cố này.

    Với giá trị được đánhh giá cụ thể, thống nhất quan điểm phục dựng hòn Phụ phải gắn bó chặt chẽ công tác bảo vệ tài nguyên, nâng cấp cảnh quan khu du lịch. Đặt hòn Phụ Tử trong tổng thể cảnh quan khu du lịch để có định hướng và xác định mức độ thực hiện phục hồi yếu tố tự nhiên này nói riêng và cảnh quan khu du lịch nói chung.

    2. Thực hiện phục hồi tài nguyên du lịch theo nguyên tắc phục hồi giá trị di sản của Luật Di sản:

    Từ quan điểm và mục tiêu bảo tồn yếu tố tài nguyên phục vụ du lịch Phụ Tử, cần thiết thực hiện công tác phục dựng với những nguyên tắc và nội dung sau:

    2.1. Là một thành tố quan trọng trong tổng thể di tích được xếp hạng, mọi hoạt động ứng xử với hòn Phụ Tử cần tuân thủ các qui định của Luật Di sản Văn hoá gồm:

    a. Phục hồi tài nguyên theo nguyên tắc giữ gìn tính nguyên gốc của di tích. Mọi hoạt động trùng tu đều trước hết và chủ yếu nhằm duy trì các thành phần gốc, di tích gốc. Không giữ được gốc, thì mọi sự đầu tư trở nên vô nghĩa, hơn nữa, còn nguy hại cho di tích đó. Tôn trọng và giữ gìn bằng mọi biện pháp các thành phần gốc; hạn chế tối đa mọi sự thay thế, nhất là thay thế bằng các chất liệu và vật liệu mới; không làm giả các thành phần của di tích cũng như toàn bộ di tích.

    b. Vận dụng các cấp độ trùng tu phù hợp với mức độ huỷ hoại của di tích như gia cố, tu sửa, thay thế, phục hồi từng phần hoặc phục hồi toàn phần (phục nguyên, hoặc tái thiết) một di tích đã bị huỷ hoại hoàn toàn như trường hợp hòn Phụ.

    Tuy vậy, một di tích được phục nguyên vẫn có những hạn chế nhất định, trước tiên bởi sự mô phỏng cái mà đã không còn nữa. Kinh nghiệm thực tiễn các nước và ở nước ta đã cho kết quả tiêu cực trong hoạt động phục hồi một số di tích ở cấp độ trên.

    Với tư cách là yếu tố cảnh quan thiên nhiên, sự xuống cấp của hòn Phụ Tử cũng là hiện tượng của qui luật tự nhiên. Các biện pháp nhân tạo, cưỡng lại qui luật của tự nhiên, về mặt kỹ thuật không tương thích sẽ tạo ra một loại tài nguyên mới mang tính nhân tạo đồng thời cũng đem lại giá trị mới cho tài nguyên khác với giá trị gốc của nó và từ đó ý nghĩa cũng như tính hấp dẫn của tài nguyên sẽ khó còn được như trước.

    Đối với hòn Phụ, việc phục nguyên toàn bộ di tích sẽ gặp nhiều khó khăn về mặt kỹ thuật, nghệ thuật và đặc biệt ý nghĩa bảo tồn nguyên gốc. Để đảm bảo tính khoa học cho công tác này, cần xây dựng một hồ sơ khoa học với đầy đủ những căn cứ xác thực và những đề xuất có sức thuyết phục cao như các chuyên gia về văn hoá đã khuyến nghị.

    2.2. Là tài nguyên du lịch, việc phục hồi cần bảo đảm mục tiêu phát huy tác dụng phục vụ du lịch bền vững, cụ thể gồm:

    a. Giữ gìn giá trị hấp dẫn du lịch;

    b. Tiếp tục phát huy hoặc nâng cao một bước tác dụng của tài nguyên phục vụ du lịch;

    c. Biện pháp phải bảo đảm tính khả thi về kỹ thuật và tính bền vững của tài nguyên được phục hồi;

    d. Bảo đảm điều kiện và hiệu quả kinh tế.

    3. Bốn mục tiêu nói trên cần được luận chứng phân tích thấu đáo trong dự án bảo tồn tài nguyên khu du lịch gắn với việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch và dự án đầu tư phát triển khu du lịch Phụ Tử đã được phê duyệt làm cơ sở quyết định đầu tư.

    4. Dự án bảo tồn tài nguyên khu du lịch cần có căn cứ và nội dung như sau:

    4.1. Nghiên cứu, xác định cụ thể vị trí, đánh giá giá trị của hòn Phụ Tử trong phát triển du lịch trên địa bàn với tư cách là yếu tố tạo lập cảnh quan tự nhiên được đánh giá về mức độ và giá trị nghệ thuật, mỹ quan, mức độ hấp dẫn du khách. Giá trị khoa học địa chất, kinh tế du lịch, khả năng khai thác, phục vụ hoạt động du lịch với tư cách là sản phẩm du lịch tham quan đã được xác định tại quy hoạch khu du lịch.

    4.2. Dự báo, phân tích hiệu quả phát huy giá trị tài nguyên phục vụ du lịch của công tác phục hồi:

    a. Tính hấp dẫn du khách;

    b. Loại hình, chất lượng sản phẩm du lịch;

    c. Hiệu quả kinh tế, văn hoá-xã hội.

    4.3. Phương án bảo tồn, trung tu tài nguyên bị huỷ hoại.

    4.4. Tổ chức thực hiện dự án bảo tồn, trùng tu tài nguyên du lịch:

    Trùng tu, bảo tồn tài nguyên tự nhiên là công việc mang tính khoa học, liên quan đến các vấn đề kiến trúc, lịch sử, kỹ thuật, mỹ thuật vv… không thể tương đồng với việc tu sửa nhà cửa hoặc các công trình nhân tạo khác. Mọi hoạt động ứng xử đối với tài nguyên tự nhiên có giá trị khoa học, du lịch và tâm linh như hòn Phụ Tử cần hết sức cẩn trọng.

    Khi có quyết định dự án phục hồi, công tác trùng tu bắt buộc tuân thủ trình tự sau: nghiên cứu tư liệu và khảo sát hiện trạng, thiết kế phương án kỹ thuật – thẩm định và phê duyệt – thi công dưới sự giám sát của nhà chuyên môn và nghiệm thu và đưa vào khai thác, sử dụng.

    Những quan điểm, nguyên tắc và phương pháp nêu trên đã được qui định tại Luật Di sản Văn hoá, Luật Du lịch, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng và các Nghị định liên quan về công tác điều chỉnh qui hoạch, lập, thực hiện dự án đầu tư bảo tồn phát triển tài nguyên du lịch trong đó hòn Phụ Tử.
     

    Bài cùng chuyên mục