Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ môi trường du lịch

    Hiện nay, bảo vệ môi trường không còn là khái niệm “xa lạ” đối với mọi người dân ở các nước đã và đang phát triển vì con người đã dần nhận ra rằng để có cuộc sống yên ấm trên “Hành tinh xanh” này cần phải tự bảo vệ lấy các điều kiện sống của mình. Đối với các nước còn đói nghèo, công việc này gặp nhiều khó khăn hơn do người dân phải vật lộn với thiên nhiên để duy trì cuộc sống, để có được những điều kiện sống cơ bản nhất đáp ứng nhu cầu ăn, ở hàng ngày; do vậy việc tuân thủ các quy định ràng buộc phục vụ cho lợi ích của cả cộng đồng sinh sống trên địa bàn rộng lớn hoặc lợi ích mang tính lâu dài thường khó thuyết phục.

    Du lịch là ngành kinh tế “không khói” và được coi là thế mạnh “xuất khẩu tại chỗ” nên được nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, quan tâm đầu tư phát triển. Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu để thu hút khách du lịch, qua đó tăng cường hiệu quả của hoạt động du lịch chính là tạo những sản phẩm và dịch vụ du lịch hấp dẫn đáp ứng được sở thích, nhu cầu của du khách. Tuy nhiên, vấn đề sức hấp dẫn du lịch không chỉ được quyết định bởi chất lượng của sản phẩm và dịch vụ du lịch mà còn của cả chất lượng môi trường du lịch. Nếu sản phẩm du lịch hấp dẫn nhưng môi trường du lịch kém chất lượng thì ngành du lịch cũng vẫn không tạo được nền tảng vững chắc cho sự phát triển. Hiểu theo một cách đơn giản, môi trường du lịch là vẻ đẹp cảnh quan, là chất lượng nước và không khí, là vệ sinh môi trường, là văn hoá ứng xử, cách đón tiếp của con người tại điểm đến của khách du lịch, là tiện ích của nơi lưu trú, là thủ tục hải quan đối với khách du lịch …

    Để đảm bảo môi trường du lịch có chất lượng ngày càng cao, qua đó càng thêm phần hấp dẫn khách du lịch thì đòi hỏi các thành phần liên quan đến quá trình phát triển của du lịch đều phải đẩy mạnh sự tham gia của mình, tạo nên sức mạnh tổng hợp cho nỗ lực này và duy trì lâu dài trạng thái tích cực cho sự phát triển bền vững. Nhiều quốc gia, bao gồm cả các nước đã có ngành công nghiệp du lịch phát triển ở trình độ cao và các nước trong giai đoạn mới phát triển du lịch đều đã có các bài học kinh nghiệm về lĩnh vực này. Do có giới hạn nên trong khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến các kinh nghiệm quốc tế liên quan đến lĩnh vực quản lý nhằm bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường du lịch tại các điểm du lịch.

    1. Liên quan đến quản lý nhà nước

     

    Quản lý nhà nước có vai trò quyết định đối với phát triển du lịch nói chung và bảo vệ môi trường du lịch nói riêng. Nhà nước với các công cụ quản lý và điều tiết vĩ mô có thể đưa ra các quyết định và hoạt động cụ thể có tác động trực tiếp và mạnh mẽ tới việc khai thác sử dụng tài nguyên du lịch và bảo vệ môi trường du lịch, một điều mà không thành phần nào khác có liên quan có thể làm được. Ngoài việc đưa ra một hệ thống pháp luật hoàn thiện giúp cho việc quản lý tốt tài nguyên và môi trường du lịch, nhà nước có thể xem xét đưa ra các chính sách ưu tiên nhằm tạo điều kiện tiền đề để tiến hành các công tác này. Với quyền lực của mình, nhà nước đưa ra các quy định ưu đãi về thuế và cho phép lập ra các loại quỹ phục vụ cho mục đích bảo vệ tài nguyên và môi trường của ngành.

    Ví dụ như tại Nepal, dự án Bảo tồn khu vực Annapuna (ACAP) là một ví dụ điển hình về việc xây dựng Quỹ Bảo tồn từ các hoạt động du lịch, dự án được sử dụng tiền từ nguồn thu vé vào cổng khu bảo tồn Annapuna (15 USD/khách nước ngoài và 1,5 USD/khách từ các nước trong khu vực Nam Á) cho các chương trình bảo vệ tài nguyên, môi trường trong khu vực. Trong dự án Upper Mustang (phần mở rộng của các chương trình ACAP), Chính phủ Vương quốc Nepal đã quyết định trích trả lại 60% lợi nhuận du lịch vào các hoạt động bảo vệ tài nguyên, môi trường trong khu vực.

    Nhà nước còn là đầu mối phối hợp với các Tổ chức bảo tồn quốc tế để xây dựng các dự án bảo vệ tài nguyên, môi trường . Một trong số những dự án thành công trong lĩnh vực này là Dự án bảo tồn TAMAR của Chính phủ Braxin. Nhờ có dự án, việc gìn giữ tính đa dạng của tài nguyên và chất lượng trong sạch của môi trường đã được phối hợp chặt chẽ với việc phát triển du lịch để tạo ra một tiềm năng bền vững và thực sự đã thúc đẩy hiệu quả tích cực của du lịch qua sức hấp dẫn cao đối với du khách .

    Một ví dụ khác là tại khu nhà trọ trong rừng mưa nhiệt đới Sukan ở Malaysia, từ người chủ nhà trọ tới khách du lịch đều hiểu rằng cần phải áp dụng các công nghệ có lợi cho môi trường là sử dụng nguồn năng lượng sạch tự nhiên. Tại đây, năng lượng mặt trời được khai thác triệt để phục vụ đáp ứng các nhu cầu du lịch và không gây ra tác động tiêu cực tới môi trường. Tiếp theo việc sử dụng năng lượng mặt trời ở các khu lưu trú, để giải quyết vấn đề chuyên chở khách du lịch, Chính phủ Malaysia đã có chính sách cụ thể khuyến khích sử dụng động cơ điện với mục đích giảm thiểu tiếng ồn và khí thải.

    2. Liên quan đến việc quản lý khu, điểm du lịch

     

    Một trong những vấn đề mấu chốt đặt ra đối với mục tiêu bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch là tránh hiện tượng quá tải mà biện pháp hữu hiệu là quản lý mật độ và công suất phục vụ của các nhà trọ tại các khu, điểm du lịch bởi vì đây chính là những điểm thường xảy ra tình trạng quá tải đặc biệt vào những mùa đông khách và dẫn đến những tác động tiêu cực.

    Một trong những kinh nghiệm được phổ biến cho lĩnh vực này là dự án Du lịch Sinh thái bản địa ở Ryo Blanco tại Ecuador. Dự án này đã có biện pháp xây các điểm đón khách cách trung tâm cộng đồng khoảng 1 km. để giảm bớt mật độ xây dựng nhà trọ tại khu trung tâm nhằm hạn chế tác động tiêu cực xảy ra giữa khách du lịch và người dân địa phương. Tại Senegan, dự án Du lịch Nông thôn tổng hợp ở Hạ Casamance lại chú ý đến vấn đề hạn chế công suất phục vụ của các nhà trọ, “khống chế công suất được đón tối đa 20 – 40 khách/lần và chỉ được xây dựng ở các làng có số dân bằng hoặc lớn hơn 1000 người” chứ không cho phép tăng công suất các nhà trọ cũ. Tại khu vực Upper Mustang của Nepal, để tổ chức các hoạt động du lịch nhưng không ảnh hưởng quá tải tới môi trường, một số biện pháp đã được áp dụng như hạn chế số lượng khách tới khu vực này như thông qua giá (giá tour tương đối cao 700 USD/người với tour đi bộ 10 ngày) hoặc giới hạn 1000 khách/ năm.

    Vấn đề khác liên quan đến quản lý khu, điểm du lịch là phải tiết kiệm nhiên liệu và năng lượng thay thế củi đốt. Việc sử dụng củi làm nhiên liệu đốt sẽ dẫn đến sự suy giảm nhanh chóng về diện tích rừng tự nhiên. Các hậu quả dễ dàng nhận thấy từ sự mất rừng này là biến đổi khí hậu, sụt lở và xói mòn đất, suy giảm đa dạng sinh học v.v…, đã từng xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Nhận thức được vấn đề này, tại Nepal dự án ACAP đã đưa ra chương trình năng lượng thay thế củi đun, trước mắt là khuyến khích việc sử dụng dầu hoả trong các nhà trọ để phục vụ các nhu cầu của khách du lịch. Trong đó ACAP đã cung cấp một khoản vay với lãi suất thấp cho những người có kho dầu chấp nhận cung cấp dầu với giá thấp nhất; chuyên chở các bếp dầu cũng như hỗ trợ việc sửa chữa và bảo dưỡng bếp. Đến nay, không nhà nghỉ nào ở Annapuna sử dụng củi đốt và đã chuyển sang dùng dầu để nấu, sưởi ấm và thắp sáng… Ngày nay việc sử dụng các loại năng lượng khác như khí đốt hoá lỏng, năng lượng mặt trời, nồi nấu hoàn lưu, đun nấu và sưởi ấm bằng điện đã được áp dụng triệt để. Các chủ nhà trọ nhận thấy rằng du khách không ngại trả thêm một khoản tiền nhỏ cho các hoạt động dịch vụ theo tiêu chuẩn này.

    Việc giữ gìn vệ sinh môi trường và cảnh quan cũng cần được quan tâm. Tại rất nhiều điểm du lịch hiện nay, do sự quản lý lỏng lẻo và thiếu thông tin, nhận thức chưa cao của du khách cũng như của các cộng đồng địa phương dẫn đến việc môi trường ngày càng bị xuống cấp bởi các nguồn ô nhiễm gây ra. Nhiều Chính phủ một mặt đã tiến hành hàng loạt các biện pháp để giữ gìn vệ sinh môi trường như xây dựng các trung tâm thu gom, xử lý rác và nước thải, mặt khác tổ chức các đợt tuyên truyền vận động và trợ giúp các cộng đồng địa phương tham gia vào công tác giữ gìn vệ sinh môi trường. Các nhà trọ và các khu du lịch ở Nepal là những ví dụ tiêu biểu cho công tác giữ gìn vệ sinh công cộng nhờ những biện pháp quản lý và cơ chế khuyến khích như “cho vay ưu đãi để xây dựng các nhà vệ sinh sạch sẽ”. Các điểm thu rác được bố trí hợp lý và có chỉ dẫn cụ thể. Các chủ nhà nghỉ đã được dự án hỗ trợ về tài chính như cấp vốn vay với lãi suất thấp và kỹ thuật để quản lý và xử lý các chất thải rắn này một cách thích hợp. Tại Thái Lan, các hoạt động đã được tiến hành nhằm giữ gìn vệ sinh môi trường, giữ gìn kiến trúc truyền thống và áp dụng tiêu chuẩn “lá xanh” để đánh giá việc bảo vệ môi trường sinh thái đối với các khách sạn. Các hoạt động này đã góp phần gìn giữ những nét độc đáo trong truyền thống dân tộc Thái và bảo vệ môi trường sinh thái, tạo ra sức hấp dẫn độc đáo đối với khách du lịch nước ngoài khi tới thăm đất nước này. Chính phủ Thái Lan đã kêu gọi các khu làng mạc ở vùng nông thôn hãy giữ nguyên vẻ đẹp nguyên sơ của mình, bảo vệ cây cối và giảm tiếng ồn.

    3. Liên quan đến cộng đồng địa phương

     

    Trong quá trình phát triển du lịch, đặc biệt là các loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên, môi trường, thì sự tham gia của cộng đồng địa phương có vai trò quyết định bởi họ vừa là đối tượng để thu hút khách du lịch, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm du lịch vừa là một nhân tố quản lý, tổ chức thực hiện các hoạt động kinh doanh du lịch và bảo vệ môi trường nơi họ sinh sống. Đảm bảo lợi ích cho cộng đồng địa phương luôn là yếu tố cần thiết và gắn liền với sự bảo vệ môi trường của quá trình phát triển du lịch. Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân gây sự mâu thuẫn giữa người dân địa phương và những người tham gia vào hoạt động du lịch, từ đó ảnh hưởng đáng kể đến việc duy trì chất lượng môi trường. Một trong những yếu tố môi trường thường dẫn đến suy giảm nghiêm trọng trong quá trình phát triển du lịch là việc sử dụng quá mức nguồn nước sạch. Thông thường thì khách du lịch bị cuốn hút tới các điểm du lịch ấm áp, có khí hậu tương đối khô, đây cũng chính là những nơi mà lượng mưa ít, nguồn nước sạch hiếm.

    Ví dụ ở khu vực Địa Trung hải, các khách sạn có thể dễ dàng tiêu thụ 400 lít nước/ngày cho một khách, trong khi đó người dân địa phương một người chỉ cần tối đa 70 lít nước trong một ngày. Tương tự như vậy, tại vùng Caribê, khách du lịch sử dụng một lượng nước gấp 3 lần người dân địa phương.

    Ngoài ra, các loại hình du lịch vốn được gọi là “gần gũi với môi trường” hay “du lịch xanh” như đánh gôn cũng tiêu thụ một lượng nước sạch rất lớn, lấy ví dụ từ hiện tượng bùng nổ các sân gôn ở Thái Lan, mỗi sân gôn một ngày cũng tiêu thụ hết khoảng 3000 mét khối nước. Tương tự như vậy, vấn đề quản lý sử dụng đất phục vụ mục đích phát triển du lịch cũng cần phải tính tới lợi ích kinh tế của cộng đồng địa phương. Tại Thái Lan, từ năm 1987 đến nay đã xây dựng khoảng 50 sân gôn chủ yếu để phục vụ khách du lịch Nhật Bản, mỗi sân gôn như vậy chiếm diện tích đất là 1,6 km2 và đó cũng chính là nguyên nhân chính dẫn đến việc thiếu đất canh tác cho người dân địa phương. Việc quy hoạch bảo vệ các diện tích đất rộng lớn sẽ giải quyết được vấn đề người dân địa phương xâm nhập những khu vực này để làm nghề nông, hoặc tìm chất đốt, cỏ khô và các vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, nếu xem xét vấn đề này trên góc độ lợi ích mà người dân địa phương thu được từ du lịch thì là không đáng kể. Sự mâu thuẫn này được thể hiện rõ nét nhất ở những địa điểm có sự tăng trưởng nhanh về dân số và vấn đề chủ chốt ở đây là việc thiếu đất canh tác do quy hoạch đất cho để phát triển du lịch thiên nhiên hoang dã. Vì vậy, để có thể phát triển du lịch bền vững cần phải kết hợp hai mục tiêu bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên với phát triển cộng đồng. Nói cách khác là phải có sự cân bằng giữa nhu cầu của khách du lịch, nhu cầu của người dân địa phương và nhu cầu của môi trường thiên nhiên thông qua các chính sách phát triển du lịch bền vững.

    4. Liên quan đến đơn vị và cá nhân kinh doanh du lịch

     

    Ngoài việc tuân thủ mọi quy định của nhà nước đối với việc sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, các đơn vị và cá nhân kinh doanh du lịch cần phải tiếp thị một cách có trách nhiệm. Tạo ra và tiếp thị những sản phẩm có tác dụng khuyến khích du khách thưởng thức một cách khôn ngoan tài nguyên thiên nhiên, văn hoá, lịch sử là nhiệm vụ của người kinh doanh du lịch. Trong các tài liệu quảng cáo cần cung cấp những thông tin đáng tin cậy. Khi có thể, cần củng cố, tăng cường khả năng nhận thức về môi trường trong các chương trình tiếp thị.

    Tại Brazil, nơi có các hoạt động du lịch dựa vào thiên nhiên phát triển mạnh, công ty Aretic Edge Tour, chuyên tổ chức các tour du lịch mạo hiểm và du lịch sinh thái đã áp dụng một số biện pháp để tổ chức khai thác du lịch dựa vào thiên nhiên nhưng tích cực bảo vệ thiên nhiên như đặt ra các nguyên tắc tổ chức gồm: giới hạn lượng khách cho mỗi nhóm tham quan dưới 10 người; không sử dụng động thực vật tại điểm du lịch làm thức ăn; thực phẩm đem theo được chuẩn bị sẵn và đóng gói; nước bẩn đổ xa nguồn nước sạch; rác đốt tại chỗ hoặc đem đi; đi hàng một trên đường mòn; không cắm trại tại những nơi tập trung những đàn thú hoang; dọn sạch nơi cắm trại trước khi rời đi…

    Thông qua các bài học kinh nghiệm trên có thể thấy rằng các quốc gia đều muốn du lịch của mình phát triển nhanh để đemlại những hiệu quả tích cực cho sự phát triển kinh tế của quốc gia mình nhưng cũng đều chú trọng đến việc bảo vệ môi trường du lịch cho sự phát triển lâu dài. Như vậy, để đảm bảo cho phát triển du lịch bền vững, mục tiêu bảo vệ môi trường phải luôn được đặt song song với các mục tiêu khai thác tài nguyên và phát triển du lịch. Nói một cách khác, để “con ngồng vàng tiếp tục đẻ trứng vàng cho hôm nay, cho ngày mai và sau này; việc quan trọng là người chủ cần đảm bảo điều kiện sống cho nó, trong đó môi trường là một trong các yếu tố quyết định”.
     
     

     

    Bài cùng chuyên mục