Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Hợp tác, liên kết trong đào tạo nhân lực du lịch

       1.hoptaclienket2 Trong bối cảnh và xu hướng phát triển mới với những cơ hội thuận lợi, khó khăn, thách thức, du lịch Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và từng bước chuyển dịch sang phát triển về chất dựa vào đầu tư khai thác yếu tố con người. “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã định hướng phát triển du lịch của đất nước trong gia đoạn tới, phát triển tập trung về chiều sâu, đảm bảo hiệu quả bền vững với tính chuyên nghiệp cao, có chất lượng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh. Chính vì vậy những giải pháp thích ứng của hệ thống đào tạo du lịch và đơn vị sử dụng nhân lực du lịch cần thể hiện rõ những liên kết chặt chẽ trong đào tạo mới đáp ứng nhu cầu của xã hội và xu hướng hội nhập trong thời gian tới.
       Khái quát một số vấn đề về liên kết đào tạo nhân lực du lịch trong thời gian qua
       Du lịch được xác định là ngành kinh tế tổng hợp mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội cao. Hiện nay,  du lịch Việt Nam đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng khách du lịch quốc tế và trong nước, yêu cầu cấp bách đặt ra cho ngành du lịch là phải chuẩn bị nguồn nhân lực đủ về số lượng, đạt chuẩn về chất lượng, đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với nguồn nhân lực vừa mang tính đặc thù, vừa hết sức tổng hợp, phải hội đủ kiến thức kinh tế thị trường, kiến thức về văn hóa, lịch sử, địa lý, pháp luật, an ninh, an toàn, ngoại giao… Đối với các doanh nghiệp du lịch thì đây là bài toán khó chưa có lời giải đáp và đối với các cơ sở đào tạo du lịch thì đây là nhiệm vụ nặng nề cần rất nhiều sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Thực tế khó khăn trên đòi hỏi một sự liên kết hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp du lịch, các cơ quan quản lý, cộng đồng… với cơ sở đào tạo du lịch.
    Hoạt động liên kết, hỗ trợ đào tạo du lịch với các tổ chức nước ngoài
    Được sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan quản lý nhà nước và Tổng cục du lịch, hoạt động liên kết đào tạo nhân lực ngành du lịch đạt được những kết quả đáng khích lệ, thu hút được vốn tài trợ, kinh nghiệm và công nghệ cho phát triển nguồn nhân lực. Có thể điểm qua một số chương trình dự án hỗ trợ công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành du lịch trong thời gian qua:
       –    Từ năm 1997 đến năm 2006, chính phủ Đại công quốc Luxembourg đã tài trợ cho ngành du lịch Việt Nam 03 dự án ODA không hoàn lại ( Dự án VIE/002; VIE/009; và VIE/015 với tổng vốn tài trợ 10.375.999 EURO) để tăng cường năng lực đào tạo cho các trường chuyên đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch. Cả 3 dự án đã kết thúc, đạt được tất cả các mục tiêu đề ra, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển đội ngũ giáo viên, hoàn thiện chương trình, giáo trình đào tạo du lịch.

       –    Dự án phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam (dự án EU): do ủy ban Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ, 2006 -2010 với mục tiêu cụ thể là “công nhận và nâng cấp chất lượng dịch vụ của người lao động ở trình độ cơ bản trong lĩnh vực lữ hành và khách sạn” và năm 2011-2016 là Dự án “Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh Châu Âu tài trợ” với nhiều hoạt động đào tạo về du lịch có trách nhiệm.

       –    Dự án “Tăng cường năng lực nguồn nhân lực ngành du lịch và khách sạn Việt Nam” do chính phủ Đại công quốc Luxembourg tài trợ thực hiện từ 20-01-2010 đến 31-12-2012. Với mục tiêu tổng quát hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch ở các vùng du lịch trọng điểm tại Việt Nam do chính phủ Việt Nam chỉ định (dự án VIE/031).

       –    Tài trợ của Tây Ban Nha bồi dưỡng kiến thức về phát triển du lịch bền vững cho cán bộ quản lý nhà nước và đại diện một số doanh nghiệp của 14 tỉnh, thành phố miền Trung (2012)
       –    Dự án ADB “Phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mekong mở rộng” với kinh phí 2,5 triệu USD (đào tạo cán bộ quản lý nhà nước về du lịch và liên quan đến du lịch, đào tạo lao động của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong du lịch (2011-2015)
       –    Hoạt động liên kết đào tạo du lịch với các cơ sở đào tạo nước ngoài được đẩy mạnh trong khuôn khổ hợp tác đa phương hoặc song phương. Các đối tác liên kết chủ yếu là các cơ sở dào tạo du lịch trong ASEAN, Trung Quốc, Úc, Canada và một số nước Châu Âu.

    Việt Nam hiện có 20 cơ sở đào tạo du lịch tham gia mạng lưới cơ sở đào tạo du lịch Châu Á Thái Bình Dương (APETIT). Trong đó có 7 trường cao đẳng, 1 viện nghiên cứu, 2 trường trung học, còn lại là trường đại học. Các cơ sở đào tạo du lịch tham gia mạng lưới cơ sở giáo dục ASEAN (ATTEN): 6 cơ sở (trong đó có 05 trường đại học, 01 trường cao đẳng). Hình thức liên kết đào tạo đa dạng như kết hợp đào tạo trong nước và chuyển tiếp tại nước ngoài, đào tạo qua mạng và trao đổi sinh viên thực tập, mời chuyên gia vào giảng dạy.

       Một số cơ sở đào tạo mới về tình nguyện viên quốc tế vào làm việc, hỗ trợ đào tạo nhân lực du lịch. Một số doanh nghiệp du lịch có vốn đầu tư nước ngoài có nhiều chuyên gia quốc tế giỏi vào đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ, góp phần đáng kể nâng cao chất lượng nhân lực du lịch Việt Nam.
    Có thể nói, với sự hỗ trợ tích cực từ bạn bè quốc tế cả về vật chất và tinh thần, trong thời gian qua, công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam cũng đã có những bước tiến đáng kể. Rất nhiều các cơ sở đào tạo đã được trang bị các thiết bị và công cụ phù hợp nhằm giúp cho người học tiếp cận được với thực tế công việc nhiều hơn và công tác giảng dạy đặc biệt là đối với khối ngành đào tạo nghề gắn nhiều hơn giữa lý thuyết và thực hành. Một số lượng giảng viên đã có cơ hội được đi học tập ở nước ngoài để nâng cao tay nghề và trình độ… Tuy nhiên, việc duy trì và đảm bảo chất lượng, tính liên tục trong giáo dục đào tạo về du lịch để kế tục và phát huy một cách hiệu quả các kết quả đã đạt được khi dự án kết thúc vẫn còn là một vấn đề lớn hiện nay.
       Liên kết đào tạo du lịch trong nước
       Bên cạnh sự thúc đẩy của các dự án liên kết nước ngoài, việc ký kết các thỏa thuận hợp tác liên kết đào tạo trong nước cũng được quan tâm và tiến hành dưới nhiều hình thức khác nhau. Điều này đã khắc phục dần tính tự phát trong đào tạo và gắn với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp hơn. Liên kết đào tạo giữa nhà nước – Nhà trường – Nhà sử dụng lao động đã có những bước tiến đáng kể. Nhiều cơ sở du lịch liên kết với nhau, với doanh nghiệp, Hiệp hội Du lịch và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xây dựng chương trình đào tạo, cấp chứng chỉ các trình độ, ngành nghề do đối tác đặt hàng, tham gia đóng góp, xây dựng và đánh giá chương trình đào tạo theo từng đặc điểm ngành nghề, vùng miền, tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo tiếp cận tốt hơn với nhu cầu đào tạo, khảo sát doanh nghiệp để đánh giá chất lượng đào tạo và hoàn thiện, đổi mới chương trình đào tạo cho phù hợp với thực tế. Một trong những ví dụ điển hình đó là việc thành lập Ban đào tạo trong Hiệp hội lữ hành Việt Nam, điều này cho thấy yếu tố gắn kết trong công tác đào tạo đã dần được đưa vào quy hoạch phát triển với quy mô lớn hơn và phạm vi rộng hơn.
    Bên cạnh đó, việc tham gia của doanh nghiệp vào việc xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo chính quy và phi chính quy cũng trở nên phổ biến hơn.  Công tác đào tạo được triển khai tại các trường theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp đang được các cơ sở đào tạo tích cực triển khai nhằm gắn mục tiêu đào tạo gắn với thực tiễn hơn.
       Tuy vậy, việc liên kết đào tạo trong nước vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, vẫn còn rời rác, chưa bài bản, thiếu tính bền vững nhất là trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều thay đổi… Thông tin về nhu cầu đào tạo và nhu cầu lao động đến các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp chưa được làm thường xuyên dẫn đến tình trạng “cung” không gặp “cầu”
       Các cơ sở đào tạo, các đơn vị liên quan, các doanh nghiệp trong liên kết đào tạo nhân lực du lịch
       Các cơ sở đào tạo
       Theo con số thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch : Đến tháng 8/2010 cả nước có 284 cơ sở tham gia đào tạo du lịch, gồm: 62 trường đại học; 80 trường cao đẳng (trong đó có 8 trường cao đẳng nghề); 117 trường trung cấp (trong đó có 12 trường trung cấp nghề); 02 công ty đào tạo và 23 trung tâm, lớp đào tạo nghề. Theo quy định, các cơ sở đào tạo có thể đào tạo các bậc đào tạo thấp hơn; cơ sở đào tạo du lịch chuyên nghiệp có thể tham gia đào tạo nghề. Vì thế,  hiện nay cả nước có 346 lượt cơ sở đào tạo tham gia đào tạo du lịch các cấp đào tạo từ dưới sơ cấp đến sau đại học. Trong đó, 115 lượt cơ sở tham gia đào tạo đại học và cao đẳng du lịch, 144 lượt cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp và 87 lượt cơ sở đào tạo nghề du lịch (trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề).
       Theo loại hình sở hữu có cơ sở đào tạo công lập và ngoài công lập, cơ sở đào tạo đầu tư trong nước và các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài; Hình thức tổ chức đào tạo chính quy và không chính quy, các hệ ngắn hạn và dài hạn.
       Mạng lưới đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch hiện có gồm các trường, trung tâm đào tạo của doanh nghiệp, của các địa phương và Bộ Văn hóa. Thể thao và Du lịch cũng đã bước đầu được hình thành, nâng cấp và tăng cường năng lực đào tạo, bồi dưỡng. Trường Bồi dưỡng cán bộ quản lý văn hóa, thể thao và du lịch đảm nhiệm đào tạo lại, bồi dưỡng công chức, viên chức ngành Du lịch. Hầu hết các tỉnh, thành phố đều có trung tâm chuyên đào tạo, bồi dưỡng nghề du lịch ngắn hạn hoặc trung tâm đào tạo đa ngành nghề tham gia đào tạo, bồi dưỡng du lịch.
    Theo quy định về cấp độ đào tạo thì cả nước có 346 lượt cơ sở đào tạo tham gia vào đào tạo du lịch từ công nhân đến sau đại học. Trong đó 115 lượt cơ sở tham gia đào tạo đại học và cao đẳng du; 144 lượt đào tạo trung cấp chuyên nghiệp và 87 lượt cơ sở đào tạo nghề du lịch (Cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề). Các cơ sở đào tạo, tổ chức đào tạo theo hình thức chính quy và không chính quy, ngắn hạn và dài hạn.
       Theo sở hữu có công lập và ngoài công lập, cơ sở đào tạo đầu tư trong nước và các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài. Hiện nay mạng lưới cơ sở đào tạo nhân lực du lịch đã phủ kín được hầu hết các tỉnh, phần lớn tập trung ở các đô thị, trung tâm du lịch, địa bàn đông dân cư, tạo thuận lợi cho người học và gắn với nhu cầu sử dụng lao động, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu du lịch của khách nội địa và quốc tế. Tuy chưa thống kê được đầy đủ số cơ sở đào tạo mới được thành lập và số lượng trung tâm đào tạo nghề du lịch ngắn hạn nhưng hầu như các tỉnh, thành phố đề có trung tâm chuyên đào tạo bồi dưỡng nghề du lịch ngắn hạn hoặc trung tâm đào tạo đa nghề tham gia đào tạo du lịch
       Các đơn vị sử dụng nhân lực du lịch

    Theo thống kê của Tổng cục du lịch, số lượng cac doanh nghiệp lữ hành và khách sạn như sau:

    1.hoptaclienket0

    (Nguồn: Tổng cục Du lịch)

    1.hoptaclienket

       Với số liệu trên đây có thể thấy, việc triển khai công tác đào tạo khá phổ biến với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Ngoài các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, nhiều đơn vị có đội ngũ quản lý có trình độ chuyên môn tốt có thể đảm nhận vị trí đào tạo viên tại chỗ. Họ có thể đảm bảo yếu tố kết hợp kiến thức và kinh nghiệm thực tế được truyền tại ngay tại môi trường làm việc giúp người học tiếp thu và có khả năng vận dụng tốt hơn. Tuy nhiên, nhiều đơn vị, đội ngũ quản lý còn thiếu kiến thức về quản trị kinh doanh du lịch, thậm chí không có chuyên môn nghiệp vụ du lịch cũng có những ảnh hưởng không nhỏ đối với chất lượng nguồn nhân lực. Một trong những điểm yếu có thể kể đến đó là tuy đã được đào tạo song trình độ tay nghề của một bộ phận lớn lực lượng lao động trực tiếp còn nhiều hạn chế, tính chuyên nghiệp chưa cao, phục vụ còn nặng theo thói quen do sự thiếu đồng bộ và thiếu tính chuyên nghiệp ngay từ những cấp học ban đầu. Điều này dẫn đến tình trạng mẫu thuẫn ngay trong chính nội bộ đơn vị.
       Thực trạng trên bắt buộc các đơn vị sử dụng nhân lực du lịch muốn nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh tế của doanh nghiệp thì phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đơn vị. Vì vậy, vai trò của công tác đào tạo và tầm quan trọng của việc liên kết đào tạo giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp là hết sức cần thiết.
       Các cơ quản quản lý nhà nước và các đơn vị liên quan khác:
       Nhìn chung, công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực không chỉ phụ thuộc vào cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động mà công việc này cần được sự hỗ trợ tích cực với hành lang pháp lý phù hợp nhằm thúc đẩy sự phát triển và đổi mới có hiệu quả. Hội đồng cấp chứng chỉ nghiệp vụ du lịch (VTCB) là mô hình tổ chức có sự liên kết giữa các bên trong quá trình quản lý, đào tạo, sử dụng lao động trong ngành du lịch. Là cơ quan cấp chứng chỉ nghiệp vụ du lịch quốc gia của ngành du lịch. Hoạt động chính tập trung ở 4 lĩnh vực: Chương trình giáo trình: nghiên cứu, khảo sát, xác định nhu cầu đào tạo, đổi mới, hoàn thiện giáo trình; Đào tạo phát triển đội ngũ giáo viên, đào tạo viên, giám sát viên, tập huấn giám khảo đánh giá thực hành; Tổ chức đánh giá, thi: Thiết lập và áp dụng hệ thống đào tạo, thi và đánh giá thực hành, xây dựng quy trình và tiêu chí đánh giá, ngân hàng đề thi, chứng nhận đủ điều kiện đối với cơ sở đào tạo; Tổ chức cấp chứng chỉ: Đánh giá, xếp loại kết quả thi, cấp chứng chỉ, đánh giá tổng kết chương trình, thừa nhận trọng nước, quốc tế. Đây là mô hình liên kết gắn bó giữa cơ quan quản lý nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp du lịch. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều vấn đề do cơ chế và các thủ tục cần thiết để Hội đồng có thể có tầm ảnh hưởng lớn hơn và sâu rộng hơn trong các hoạt động của ngành du lịch, đặc biệt là trên phương diện hội nhập quốc tế và trong khu vực.
       Hiệp hội du lịch, khách sạn và các chi hội nghề nghiệp
       Hiệp hội du lịch, Hiệp hội khách sạn và các chi hội nghề nghiệp được coi là cầu nối tạo sự liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài vùng hay với các doanh nghiệp ngước ngoài nhằm tạo cơ hội cho lao động du lịch giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và có thể chia sẻ thiếu hụt lao động những lúc cao điểm. Cùng với cơ quan, ban, ngành quản lý du lịch (nhà nước) với các đơn vị đào tạo nghề du lịch (nhà trường) và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch (Doanh nghiệp) tạo nên mối liên kết chặt chẽ trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. về cơ bản các hiệp hội du lịch và khách sạn trong thời gian qua đã hoạt động khá hiệu quả trong công tác phát triển ngành, xây dựng mối liên kết du lịch trong và ngoài nước. Sự ra đời của Ban đào tạo trong Hiệp hội nhằm mục địch thường xuyên tổ chức khảo sát, đánh giá chất lượng nguồn nhân lực du lịch, qua đó, đề xuất kế hoạch chương trình nhằm nâng cao năng lực lao động phù hợp với thực tế. Kêt hợp với các doanh nghiệp du lịch đánh giá chất lượng nguồn nhân lực thông qua ý kiến của khách du lịch để có sự bổ sung điều chỉnh hướng tới sự chuẩn hóa đội ngũ nhân viên trong ngành. Bên cạnh đó, Ban có thể được coi là nhân tố tích cực thúc đẩy công tác đào tạo chất lượng cao trong ngành du lịch trên góc độ quản lý nhà nước và doanh nghiệp cũng như các cơ sở đào tạo, một trong những định hướng nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
       Giải pháp
       Theo “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” với mục tiêu tổng quát: Phấn đấu đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh; mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, thân thiện với môi trường; đưa Việt Nam trở thành điểm đến có đẳng cấp trong khu vực. Đến năm 2030, đưa Việt Nam thành một trong những điểm đến du lịch ưa chuộng, có đẳng cấp trên thế giới.
    Trong các chỉ tiêu phát triển ngành thì chỉ tiêu việc làm được nêu cụ thể cho các gia đoạn như sau: Năm 2020 tạo ra việc làm cho 2,9 triệu lao động trong đó có 870 ngàn lao động trực tiếp; Năm 2025 tạo ra việc làm cho 3,5 triệu lao động trong đó có 1,05 triệu lao động trực tiếp; Năm 2025 tạo ra việc làm cho 4,7 triệu lao động trong đó có 1,4 triệu lao động trực tiếp.
      Nhu cầu về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực du lịch trong giai đoạn tới đặt ra yêu cầu đối với hệ thống giáo dục và đào tạo du lịch cần thích ứng để cung cấp kiến thức, kỹ năng và dịch vụ đào tạo phù hợp. Mục đích hướng tới là xây dựng lực lượng lao động ngành du lịch đáp ứng về số lượng, đảm bảo chất lượng hợp lý về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo để đảm bảo tính chuyên nghiệp, đủ sức cạnh tranh và hội nhập khu vực
       Đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn khi mà lực lượng lao động du lịch ở các địa phương nhất là vùng sâu, vùng xa chưa qua đào tạo nghề du lịch hiện nay còn chiếm tỷ lệ lớn so với lực lượng lao động du lịch hiện có của từng địa phương, doanh nghiệp.
       Nhằm thúc đẩy việc liên kết đào tạo là một biện pháp thiết thực và hiệu quả, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:
       Một là, hoàn thiện về hệ thống tiêu chuẩn nghề và đánh giá cấp chứng chỉ trong ngành phù hợp với điều kiện của Việt Nam và hội nhập với khu vực ASEAN. Thường xuyên phổ biến, áp dụng đồng đều trên tất cả các khu vực trong cả nước nhằm tạo tiền đề để xây dựng chương trình và nâng cấp đào tạo đối với các cơ sở đào tạo.
       Hai là, tiếp tục kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo trong việc xây dựng và triển khai các hoạt động đào tạo, đánh giá kết quả đào tạo trên cơ sở ký kết các thỏa thuận đào tạo ràng buộc. Xây dựng tốt mô hình điển hình để có thể nhân rộng thực hiện trong toàn ngành. Trong đó, Hiệp hội du lịch, khách sạn giữ vai trò chủ đạo trong việc làm  trung gian kết nối và xây dựng các thỏa thuận, chương trình hành động tránh để tình trạng rủi ro do thiếu hụt nhân sự hay hạn chế về trình độ, tay nghề, cơ sở vật chất….xảy ra. Các hoạt động này rất cần thiết, mang lại lợi ích nhiều mặt cho cả hai phía và cuối cùng là cho toàn ngành du lịch.
       Ba là, đảm bảo yếu tố hội nhập quốc tế trên cơ sở đánh giá khách quan đối với các hoạt động đào tạo. Chủ động tích cực các chương trình trao đổi về nhân lực, trao đổi kinh nghiệm với các đối tác nước ngoài trên cơ sở xây dựng mối quan hệ chặt chẽ và thật sự bền vững, có những ràng buộc nhất định về yêu cầu của các bên.
       Kết luận
       Việc liên kết đào tạo, hỗ trợ và bồi dưỡng nghiệp vụ lẫn nhau giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp có một vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và dịch vụ du lịch đồng thời đem lại lợi ích nhiều mặt cho cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, học sinh sinh viên và xã hội. Vì vậy một mặt cần đa dạng hóa các quan hệ hợp tác ở nhiều hình thức và cấp độ, có chính sách ưu đãi các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác hỗ trợ cơ sở đào tạo. Để có thể phát triển một cách tích cực nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành là điều hết sức quan trọng và cần thiết khi mà nền kinh tế tri thức đang có những đòi hỏi đối với sự đổi mới. Làm tốt công tác đào tạo có thể khẳng định vị thế và năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong tình hình mới.

    Tài liệu tham khảo:
       1. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Tổng cục Du lịch, 2013.
       2. Báo cáo “Đào tạo nhân lực du lịch theo nhu cầu xã hội”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 2010.
       3. http://www.vietnamtourism.gov.vn/

    Lan Hương – QLKH

    Bài cùng chuyên mục