Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Hợp tác du lịch Việt Nam – Pháp, một vài nét tổng quan và định hướng hợp tác trong thời gian tới

      viet-phapTóm tắt:
    Với mục tiêu đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam ra thế giới, trong thời gian qua ngành du lịch Việt Nam đã tích cực tham gia nhiều hoạt động hợp tác quốc tế, trong đó hợp tác du lịch song phương với Pháp đã có những kết quả khả quan. Trên cơ sở Hiệp định hợp tác song phương về du lịch và Nghị định thư triển khai thực hiện hiệp định hợp tác đã được ký kết giữa chính phủ Việt Nam và chính phủ Pháp, hai quốc gia đã có nhiều hoạt động triển khai hợp tác trong trao đổi khách, xúc tiến quảng bá, đầu tư và trao đổi kinh nghiệm trong quy hoạch và quản lý du lịch.  Trong tương lai, Việt Nam và Pháp tiếp tục tìm kiếm những cơ hội hợp tác phát triển du lịch nhằm phát huy thế mạnh và tương xứng với tiềm năng của cả hai bên.

       I. Du lịch Việt Nam và hội nhập quốc tế
       Du lịch Việt Nam đã và đang tích cực tham gia vào nhiều hoạt động hội nhập quốc tế, cả song phương và đa phương. Việt Nam đã nhận thức được du lịch không chỉ là một ngành kinh tế đặc biệt, ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp mà đây còn là một kênh ngoại giao hiệu quả. Phát triển du lịch và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực du lịch giúp quảng bá rộng rãi hơn hình ảnh đất nước và con người đến bạn bè quốc tế, góp phần nâng cao hơn nữa hình ảnh của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
       Tính đến hết năm 2015, Du lịch Việt Nam đã ký kết 08 văn bản hợp tác đa phương (gồm 01 Hiệp định, 01 Bản ghi nhớ, 01 Kế hoạch chung, 01 Thỏa thuận,  01 Nghị định thư, 01 Ý định thư, 02 Tuyên bố chung). Về quan hệ hợp tác song phương, du lịch Việt Nam đã ký kết 80 văn bản (gồm 28 Hiệp định, 20 Bản ghi nhớ, 09 Chương trình, 14 Kế hoạch, 04 Thỏa thuận, 02 Nghị định thư, 01 Ý định thư, 02 Tuyên bố chung) với các nước trong khu vực và các thị trường trọng điểm như ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Pháp, Tây Ban Nha… Trên cơ sở đó hợp tác với các nước Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Úc và châu Âu được đẩy mạnh. Đây cũng là những thị trường nguồn khách lớn, là những đối tác rất quan trọng của Việt Nam. Trong phạm vi các hiệp định được ký kết, các chương trình, kế hoạch hợp tác theo từng giai đoạn đã được thống nhất làm cơ sở cho các dự án, hoạt động hợp tác cụ thể về giới thiệu quảng bá, phát triển sản phẩm và đầu tư phát triển du lịch. Với các đối tác quan trọng, Ủy ban hợp tác du lịch song phương đã được thành lập để hai bên gặp gỡ, rà soát lại hoạt động định kỳ, đưa ra kế hoạch, chương trình hợp tác trong thời gian tiếp theo. Đây là nền tảng, định hướng cho việc mở rộng quan hệ phát triển du lịch, tạo điều kiện cho hợp tác giữa các địa phương, giữa các hiệp hội, các doanh nghiệp của các bên.
       Trong những năm qua, du lịch Việt Nam là thành viên tích cực của các tổ chức du lịch chuyên ngành như Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), Hiệp hội Du lịch châu Á – Thái Bình Dương (PATA), Hiệp hội Du lịch các nước ASEAN… tham gia hầu hết các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế như APEC, ASEAN, GMS, Hành lang Đông Tây… Trong các mối quan hệ đa phương, đa lĩnh vực, du lịch luôn được coi là một trong những ngành dịch vụ ưu tiên để hợp tác và đầu tư. Thông qua mở rộng hợp tác quốc tế, du lịch Việt Nam đã thu hút được nhiều dự án đầu tư từ nguồn vốn nước ngoài (FDI), góp phần quan trọng đáp ứng yêu cầu về nguồn lực và cơ sở vật chất kỹ thuật cho sự phát triển. Điều này giúp cho du lịch Việt Nam không chỉ tăng về nguồn lực phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, mà còn tranh thủ kinh nghiệm, công nghệ, nguồn khách từ các đối tác quốc tế. Nhiều dự án hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực quy hoạch du lịch, xây dựng và triển khai Luật Du lịch đã và đang được thực hiện hiệu quả.
       Năm 2015, mặc dù sau 13 tháng sụt giảm liên tiếp số lượng khách du lịch quốc tế đến song du lịch vẫn đạt được những kết quả khả quan và đạt chỉ tiêu ở phương án cao đã được xác định trong Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với 7.9 triệu lượt khách quốc tế, 57 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch năm 2015 đạt 337,83 nghìn tỷ đồng (Tổng cục Du lịch), ngành du lịch đóng góp khoảng 6% GDP của cả nước. Theo tính toán dự báo của một số chuyên gia du lịch, để đạt được mục tiêu hướng đến năm 2020, du lịch Việt Nam về cơ bản phát triển là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu và mang tính chuyên nghiệp cao, đến 2020 du lịch Việt Nam sẽ thu hút 14 – 15 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 70 – 75 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 30 tỷ USD và đóng góp được 9% vào GDP cả nước.
       Được coi là một trong các nhóm giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và với mục tiêu thu hút thêm nguồn ngoại lực cho phát triển, các hoạt động hợp tác quốc tế song phương và đa phương sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng để đảm bảo sự thành công của chiến dịch “Việt Nam – vẻ đẹp bất tận”, góp phần mở rộng thị trường nguồn khách quốc tế. Với các chủ trương, định hướng, chiến lược đã đề ra cho ngành, hợp tác quốc tế sẽ tiếp tục được đẩy mạnh có trọng tâm hơn, chú trọng hiệu quả hướng đến mục tiêu phát triển du lịch một cách bền vững và khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch thế giới.
       II. Tổng quan về tình hình hợp tác du lịch Việt Nam – Pháp
       Chính phủ Việt Nam và chính phủ Pháp đã tiến hành ký kết Hiệp định hợp tác về lĩnh vực du lịch vào ngày 17/01/1996, đây là cơ sở cho các hoạt động đầu tư, khai thác và phát triển về du lịch giữa hai quốc gia. Hai chính phủ đã thống nhất về một số nội dung, cụ thể là: khuyến khích phát triển du lịch song phương, tăng cường trao đổi đoàn; tạo điều kiện cho các doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch; trao đổi thông tin về du lịch và các lĩnh vực có tác động đến du lịch; nghiên cứu, thực hiện các dự án về du lịch, khuyến khích giúp đỡ kỹ thuật, trao đổi chuyên gia, dịch vụ, các hoạt động thúc đẩy du lịch; tập trung phát triển nguồn nhân lực, hợp tác trong quy hoạch…
       Nhằm củng cố và cụ thể hóa các quyết tâm hợp tác đã được thống nhất trong Hiệp định trên, đại diện của Chính phủ Việt Nam, Tổng cục Du lịch và đại diện của chính phủ Pháp là Bộ Trang thiết bị, Giao thông vận tải, Quy hoạch lãnh thổ, Du lịch và Biển đã ký kết Nghị định thư triển khai thực hiện vào ngày 27/7/2005. Nội dung của Hiệp định một lần nữa nhấn mạnh khuyến khích các doanh nghiệp của hai nước hợp tác trong phát triển du lịch; tăng cường hợp tác trong xúc tiến du lịch thông qua hoạt động của các cơ quan đại diện du lịch, cơ quan xúc tiến du lịch, hỗ trợ tổ chức các chương trình quảng bá du lịch, chương trình khảo sát; trao đổi thông tin và kinh nghiệm trong lĩnh vực hành chính, quản lý và hoạt động kinh doanh du lịch; và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực.
       Trên cơ sở của Hiệp định và Nghị định thư, Việt Nam và Pháp trong thời gian qua đã có nhiều hoạt động hợp tác trong trao đổi khách, xúc tiến quảng bá, đầu tư và trao đổi kinh nghiệm trong quy hoạch và quản lý du lịch.
       Về trao đổi khách
       Số lượng khách du lịch Pháp đến Việt Nam những năm gần đây được duy trì ổn định, nhưng chưa có sự tăng trưởng mạnh, được thể hiện qua những con số dưới đây:

    Bảng 1: Số lượng khách du lịch Pháp đến Việt Nam từ 2011 đến 2015

     

    2011

    2012

    2013

    2014

    2015

    Số lượng khách Pháp đến VN

    211.444

    219.721

    209.946

    213.745

    211.636

    Số lượng khách quốc tế đến VN

    6.014.032

    6.847.678

    7.572.352

    7.874.312

    7.943.651

    Tỷ lệ khách Pháp (%)

    3,51

    3,21

    2,77

    2,71

    2,66

    Vị trí của Pháp trong Top các thị trường khách quốc tế đến VN

    9

    10

    11

    11

    13

    (Nguồn: Tổng cục Du lịch)

       Pháp luôn được đánh giá là một trong những thị trường khách du lịch quan trọng của Việt Nam tại khu vực Tây Âu. Tháng 6/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 46/NQ-CP miễn thị thực cho công dân năm nước Tây Âu, trong đó có Pháp khi nhập cảnh vào Việt Nam với thời hạn không quá 15 ngày. Trong 6 tháng đầu năm 2016, số lượng khách Pháp đến Việt Nam đã tăng 16% so với 6 tháng đầu năm 2015, thời điểm chưa được miễn thị thực. Với việc miễn visa cho khách du lịch Pháp đến Việt Nam được kéo dài thêm một năm theo Nghị quyết 56/NQ-CP ngày 30/6/2016 của Chính phủ và sẽ được tiếp tục xem xét gia hạn, đây là cơ hội tốt để Việt Nam thu hút thêm nhiều khách du lịch Pháp.
       Pháp cũng đã có chính sách và cam kết để giảm bớt thủ tục, giấy tờ, đồng thời rút ngắn thời gian xin cấp visa cho khách du lịch Việt Nam đi du lịch tại Pháp. Hiện nay, người Việt Nam nếu xin visa qua các công ty lữ hành là đối tác của Đại sứ quán Pháp sẽ gặp thuận lợi trong việc đặt lịch hẹn nộp hồ sơ và xin visa. Sáu công ty lữ hành đang là đối tác của Đại sứ quán Pháp là Hanoi Red Tour, Hanoitourist, South Pacific Travel, Vietfoot Travel, Naci Travel và Hanoi Iso Tour. Số liệu của Đại sứ quán Pháp năm 2014 cho thấy khoảng 11.000 thị thực du lịch đã được cấp cho công dân Việt Nam, tăng 62% so với năm 2013. Việc đơn giản hóa các thủ tục xin visa chắc chắn sẽ thúc đẩy số lượng người Việt Nam đến Pháp du lịch.
       Về xúc tiến quảng bá du lịch
       Xác định Pháp là thị trường khách trọng điểm, Việt Nam, trong thời gian qua, đã tham gia và tổ chức một số hoạt động xúc tiến du lịch tại Pháp như Hội chợ Top Resa, Hội chợ du lịch tại đảo Réunion (Pháp) và Salon Mondial tại Paris, Hội báo nhân đạo. Năm 2016, Tổng cục Du lịch sẽ hợp tác với Sở Du lịch Hà Nội và các doanh nghiệp tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế TopResa (9/2016).  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch  của Việt Nam cũng đã tổ chức các sự kiện “Những ngày Việt Nam tại Pháp”, Năm Việt Nam tại Pháp, roadshow giới thiệu điểm đến du lịch Việt Nam tại Pháp; gặp gỡ người Việt Nam tại Pháp để khuyến khích đồng bào về du lịch quê nhà, đồng thời chung sức giới thiệu về du lịch Việt Nam đến cộng đồng bản địa; tham gia các lễ hội lớn được tổ chức tại Pháp, trong đó có hoạt động giới thiệu đất nước, con người Việt Nam nhằm tăng cường giao lưu văn hóa và thu hút khách du lịch Pháp tới Việt Nam.
       Vào tháng 1/2015, Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp đã tổ chức chương trình giới thiệu “Di sản văn hóa và phát triển du lịch ở Việt Nam”. Đây là hoạt động khởi động chiến dịch quảng bá hình ảnh Việt Nam tại châu Âu, nhằm triển khai kế hoạch tổng thế xúc tiến du lịch tại châu Âu trong giai đoạn 2015 – 2017 của Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch. Trong thời gian tới, Việt Nam hướng tới sẽ mở Văn phòng đại diện Cơ quan du lịch quốc gia tại Pháp, đây là chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt.
       Về đầu tư
       Mối quan hệ kinh tế năng động giữa Pháp và Việt Nam trong thời gian qua được thể hiện qua sự hiện diện của hơn 300 doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam tính đến năm 2013 (Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam), trong nhiều lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, giao thông, công nghiệp và y tế. Pháp còn là một trong những nhà tài trợ châu Âu lớn nhất của Việt Nam. Theo Bộ Ngoại giao, tính đến cuối năm 2011, Pháp đứng thứ 2 trong các nước châu Âu (sau Hà Lan) và đứng thứ 15 trong tổng số 92 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 340 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 3 tỷ USD. Việt Nam là một trong ít nước được hưởng cả ba kênh viện trợ tài chính của Pháp là viện trợ phát triển chính thức từ ngân khố và cho vay ưu đãi từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và từ Quỹ Đoàn kết ưu tiên (FSP).
       Năm 2012, Pháp đứng thứ 7 trong các nước, vùng lãnh thổ có đầu tư nhiều nhất vào lĩnh vực du lịch tại Việt Nam, với 14 dự án tổng trị giá 188 triệu USD (Bộ Ngoại giao). Năm 2014, tại cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lữ hành của Pháp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Anh Tuấn đã cho biết Pháp đứng thứ 8 trong danh sách các nước, vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, với 19 dự án đầu tư vào lĩnh vực khách sạn, du lịch, trị giá 175 triệu USD. Điều đó cho thấy bên cạnh là thị trường khách quốc tế quan trọng, Pháp cũng là nhà đầu tư lớn của du lịch Việt Nam.

       Hợp tác trao đổi kinh nghiệm
       Pháp là quốc gia có ngành du lịch phát triển, có nhiều kinh nghiệm về quản lý và phát triển du lịch, đặc biệt có thế mạnh về quy hoạch, quảng bá, xúc tiến, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch. Trong quá trình xây dựng Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Tổng cục Du lịch đã tổ chức đoàn công tác đi tìm hiểu kinh nghiệm tại Pháp. Đoàn công tác đã  nghiên cứu và trao đổi về các vấn đề trong việc xây dựng Chiến lược Phát triển Du lịch, xúc tiến điểm đến, phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu, đào tạo nhân lực, hợp tác giữa các đối tác nhà nước và tư nhân của Pháp. Trong khuôn khổ chuyến công tác, đại diện Tổng cục Du lịch cũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo Cục Du lịch Pháp để thảo luận các chính sách quốc gia và các chính sách phát triển vùng về du lịch, cũng như thảo luận những giải pháp triển khai thực hiện có hiệu quả “Hiệp định song phương về hợp tác du lịch” giữa Chính phủ Pháp và Chính phủ Việt Nam, và “Nghị định thư thực hiện Hiệp định về hợp tác du lịch”. Đoàn cũng làm việc, tiếp xúc và tiến tới việc thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực đào tạo giữa Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt Nam với Viện Nghiên cứu và Đào tạo cao học Pháp. Đây có thể coi là một bước triển khai đầu tiên và cụ thể của biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai ngành Du lịch.
       III. Định hướng và giải pháp để nâng cao hoạt động hợp tác du lịch Việt Nam – Pháp
       3.1 Định hướng hợp tác du lịch Việt Nam – Pháp trong thời gian tới
       Bên cạnh việc duy trì các hoạt động hợp tác đã có, dưới đây là một vài đề xuất về định hướng hợp tác du lịch Việt Nam – Pháp cần tập trung trong thời gian tới.
       Hợp tác thu hút đầu tư
       Việt Nam luôn được đánh giá là điểm đến an toàn, thân thiện cho du khách và là quốc gia hấp dẫn với các nhà đầu tư. Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai nhiều biện pháp thúc đẩy đầu tư, trong đó có đầu tư vào các lĩnh vực du lịch như cơ sở lưu trú, nhà hàng, nghỉ dưỡng, dịch vụ giải trí về đêm. Hiện nay một số tập đoàn khách sạn lớn của Pháp như Accor với các thương hiệu Sofitel, Pullman, Novotel và Mecure đã có mặt và đầu tư tại Việt Nam.
       Chính quyền các địa phương cần tổ chức các hoạt động để khuyến khích doanh nhân hai nước tăng cường trao đổi về cơ hội hợp tác kinh doanh, khuyến khích các doanh nghiệp của Pháp đầu tư trong lĩnh vực du lịch tại Việt Nam. Cơ hội trao đổi này có thể diễn ra thông qua các sự kiện, hội chợ du lịch, các đoàn khảo sát hoặc qua giới thiệu của các cơ quan xúc tiến đầu tư, xúc tiến du lịch… của hai quốc gia.
       Hợp tác trao đổi đoàn công tác, đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch
       Trong thời gian tới, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh việc trao đổi chuyên gia và các nghiên cứu về du lịch với Pháp. Đề nghị phía Pháp tăng cường hỗ trợ đào tạo về nhân lực có chất lượng cao cho ngành du lịch Việt Nam. Pháp là quốc gia phát triển và có nhiều điểm mạnh trong quy hoạch, quản lý và phát triển du lịch, trong xúc tiến quảng bá và phát triển nguồn nhân lực. Những kinh nghiệm của Pháp sẽ là những bài học vô cùng quý giá cho du lịch Việt Nam.
       Hợp tác trong xúc tiến, quảng bá du lịch
       Du lịch Việt Nam còn cần đẩy mạnh tăng cường hợp tác với các công ty du lịch của Pháp, thông qua các đầu mối để có thể kết nối việc tổ chức các đoàn, đưa các phóng viên, doanh nghiệp đến Việt Nam tìm hiểu, khảo sát thị trường và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với khách du lịch Pháp.
       3.2 Một vài giải pháp đẩy mạnh hoạt động hợp tác du lịch Việt Nam – Pháp
       Về phía Pháp
       – Tiếp tục hỗ trợ tích cực trong công tác tổ chức các đoàn khảo sát đến Việt Nam và đoàn Việt Nam đến Pháp; Khuyến khích và hỗ trợ các nhà đầu tư Pháp mong muốn đầu tư vào lĩnh vực du lịch tại Việt Nam;
       – Kết hợp giới thiệu và quảng bá về du lịch Việt Nam trong các kỳ hội chợ, các hoạt động văn hóa, sự kiện tại Pháp và rất cần sự hỗ trợ từ phía Pháp trong việc xây dựng các công cụ quảng bá để giới thiệu du lịch Việt Nam tại Pháp.
       – Tăng cường hỗ trợ đào tạo về nhân lực có chất lượng cao trong du lịch;  xem xét khả năng cấp học bổng đào tạo đại học và sau đại học chuyên ngành Du lịch tại Pháp cho Việt Nam; hỗ trợ liên kết đào tạo giữa các trường, các cơ sở đào tạo du lịch hai nước.
       Về phía Việt Nam
       – Tổ chức các chương trình, sự kiện Việt Nam tại Pháp để quảng bá thông tin về đất nước, con người và du lịch Việt Nam. Tổ chức chương trình và mời các doanh nghiệp của Pháp sang khảo sát để trao đổi, tìm kiếm cơ hội đầu tư; mời các hãng lữ hành lớn, phóng viên báo chí của Pháp sang tìm hiểu và đưa thông tin về du lịch Việt Nam.
       – Tham gia các sự kiện du lịch do Pháp tổ chức;
       – Các địa phương thiết lập các nhóm công tác, xây dựng các dự án tìm tài trợ và triển khai cụ thể từng chương trình, dự án hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp của Pháp. Chính quyền các cấp tạo sự chuyển biến căn bản, cải thiện môi trường đầu tư; Cải cách triệt để thủ tục hành chính, tạo môi trường minh bạch, lành mạnh, an toàn trong đầu tư.
       – Nghiên cứu đề đưa ra đề xuất cho các cơ quan chức năng liên quan tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào tham gia phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và sản phẩm du lịch.
       – Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, trao đổi với các chuyên gia có kinh nghiệm trong nghiên cứu quy hoạch và lập dự án phát triển du lịch di sản, du lịch biển, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa của Pháp.
       – Thực hiện nghiên cứu về thị trường khách du lịch Pháp, trao đổi thông tin, dữ liệu, số liệu và các văn bản quản lý du lịch của cả hai nước.
       – Nâng cao nhận thức của người dân về chính sách thu hút đầu tư của đất nước, của địa phương để tạo được sự đồng tinh ủng hộ và sự tham gia của cộng đồng trong công tác thu hút đầu tư cho ngành du lịch.  
       IV. Kết luận
       Việc ký kết Hiệp định hợp tác về du lịch giữa Việt Nam và Pháp từ năm 1996 cho thấy hai chính phủ đã sớm nhận thấy tiềm năng rất lớn trong hợp tác du lịch giữa hai quốc gia. Pháp là thị trường nguồn truyền thống quan trọng hàng đầu của Việt Nam và còn nhiều tiềm năng để phát triển. Mối quan hệ Việt Nam – Pháp những năm vừa qua đã phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu với nhiều văn kiện, kế hoạch và hoạt động hợp tác. Cả hai quốc gia đã có nhiều hoạt động để triển khai thực hiện các công việc cụ thể, trên các lĩnh vực có liên quan như trao đổi khách, xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch và trao đổi kinh nghiệm trong phát triển du lịch của hai quốc gia.
       Mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng trong trao đổi giao lưu văn hóa và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, kết quả hợp tác giữa Pháp và Việt Nam hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Trong thời gian tới, với thuận lợi là ngành du lịch Việt Nam đã lấy được đà phục hồi và đang tăng trưởng mạnh mẽ trên tất cả các chỉ tiêu và Chính phủ Việt Nam sẵn có các chính sách khuyến khích phát triển du lịch và ưu đãi đầu tư nước ngoài, cơ hội hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Pháp là vô cùng lớn. Các địa phương, doanh nghiệp và các nhà đầu tư của hai nước cần nắm bắt và tận dụng những cơ hội này để khai thác hiệu quả các tiềm năng sẵn có về du lịch giữa hai quốc gia.

    Hồng Nhung-QLKH

    Bài cùng chuyên mục