Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Thực trạng phát triển du lịch di sản tại Việt Nam và một số thách thức đối với chương trình đào tạo thuyết minh viên

      dulichdisan-2017Việt Nam, quốc gia với nền văn hoá lịch sử lâu đời, có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể giá trị. Điều đó được thể hiện ở những con số: 85 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 3.329 di tích quốc gia và 9.875 di tích cấp tỉnh, hàng chục nghìn di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh khác, bên cạnh đó là những lễ hội văn hoá đặc sắc, làng nghề truyền thống, tiết mục nghệ thuật dân gian… gắn bó với đời sống người dân Việt Nam từ hàng ngàn năm nay. Đặc biệt, Việt Nam đã có 5 di sảnvăn hoá vật thể và 1 di sản hỗn hợp văn hoá – thiên nhiên được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, đó là Quần thể tích Cố đô Huế, Thánh địa Mỹ Sơn, Phố cổ Hội An, Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Thành Nhà Hồ và Quần thể danh thắng Tràng An. Và 11 di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO công nhận là kiệt tác của nhân loại: Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Lễ hội Đền Gióng, Hát Xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Đàn ca tài tử Nam Bộ, Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh, Kéo co, Tín ngưỡng thờ Tam Phủ.

       Với ngành du lịch đang được chú trọng và tập trung đẩy mạnh để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam đặc biệt trở thành nguồn tài nguyên vô cùng quý giá để phát triển du lịch.Tiềm năng của các di sản văn hóa đã và đang phát huy mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc.
    Chính phủ Việt Nam cũng định hướng khai thác các di sản văn hoá phục vụ phát triển du lịch.Di sản văn hóa và du lịch di sản văn hóa được đề cập đến trong nhiều văn bản pháp luật, chủ trương, chính sách và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam, đặc biệt trong: Luật Du lịch; Luật Di sản văn hóa;Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đưa ra mục tiêu tổng quát: “…phát triển du lịch mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc…”, văn hóa vừa là động lực vừa là mục tiêu trong phát triển du lịch; sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc là yếu tố cuốn hút và nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới. Chiến lượccũng đưa ra các mục tiêu phát triển du lịch phải hướng tới góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Việt Nam; lấy du lịch là động lực, tạo nguồn lực để đẩy mạnh bảo tồn văn hóa; nguồn thu từ du lịch hướng tới đóng góp tích cực vào công tác bảo tồn, đồng thời tăng cường kiểm soát những tác động từ hoạt động du lịch lên các thiết chế văn hóa. Mục tiêu phát triển du lịch văn hóa cũng được nêu ra trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2016. Trong đó nêu rõ:Đưa du lịch văn hóa trở thành một trong những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Đến năm 2020, ngành du lịch văn hóa chiếm từ 10-25% trong tổng số 18-19 tỷ USD doanh thu từ khách du lịch. Đến năm 2030, du lịch văn hóa chiếm từ 15-20% trong tổng số 40 tỷ USD doanh thu từ khách du lịch. Vì vậy, du lịch văn hoá cũng được xác định là 1 trong 4 sản phẩm du lịch chính của Việt Namtại Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch.
       Năm 2016, Việt Nam đã đón 10triệu lượt khách du lịch quốc tế và 62 triệu lượt khách du lịch nội địatrong đó, khách du lịch đều lựa chọn tham gia hoạt động tham quan và tìm hiểu cácdi tích văn hoá-lịch sử và tham dự các lễ hội văn hoá, theo Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam, hoạt động thăm quan di sản tại Việt Nam là hoạt động được khách du lịch quốc tế ưa thích thứ 2 chỉ sau nghỉ dưỡng tắm biển.Có thể thấy, vai trò của các di sản văn hóa đã và đang phát huy mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển chung của ngành du lịch Việt Nam. Doanh thu du lịch thông qua bán vé các loại hình dịch vụ tại các điểm du lịch có Di sản văn hóa thế giới ngày càng tăng, góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương. Những điểm đến có di sản văn hoá thế giới đã trở thành điểm nhấn quan trọng trên bản đồ du lịch Việt Namvà là điểm-phải-đến của khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế, như Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), Quần thể di tích cố đô Huế (Thừa Thiên Huế), Khu thánh địa Mỹ Sơn và Phố cổ Hội An (Quảng Nam).Sản phẩm du lịch di sản văn hoá tại Việt Nam khá đa dạng và hấp dẫn như hoạt động tham quan di sản, nghiên cứu văn hoá lịch sử thông qua di sản, tìm hiểu và trải nghiệm văn hoá truyền thống… Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch di sản văn hoá còn là yếu tố tạo nên nét khác biệt cho hệ thống sản phẩm du lịch Việt Nam, kết nối và đa dạng hoá các tour, tuyến du lịch.
       Việc đi du lịch hiện nay không chỉ đơn thuần là thăm thú cảnh quan, mà du khách còn có nhu cầu tìm hiểu khám phá những nét độc đáo của truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của các điểm đến. Chính vì vậy, bên cạnh những hướng dẫn viên du lịch của các công ty lữ hành, đội ngũ những người làm công tác thuyết minh tại điểm là vô cùng cần thiết và quan trọng giúp du khách nói chung, nhất là đối với du khách quốc tế khi đến với Việt Nam hiểu biết sâu về những giá trị văn hóa lịch sử của mỗi một địa danh, mỗi di tích. Thuyết minh viên di sản là những người làm công tác thuyết minh, hướng dẫn giới thiệu tuyên truyền – giáo dục tại các điểm di tích lịch sử văn hóa, các khu bảo tồn thiên nhiên, các bảo tàng…, có kiến thức chuyên sâu về khu du lịch, điểm du lịch được giao quản lý. Số lượng di sản văn hóa rất lớn của Việt Nam đồng nghĩa với việc có hàng chục ngàn thuyết minh viên đã và đang hoạt động tại các điểm du lịch, các bảo tàng, khu di tích. Đội ngũ này đang âm thầm đóng góp công sức, trí tuệ của mình nhằm mục đích phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, giới thiệu với du khách trong nước và bạn bè quốc tế về những nét đẹp của đất nước và con người Việt Nam. Chính vì thế công tác đào tạo thuyết minh viên di sản là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài.Một trong những nhiệm vụ và giải pháp được đưa ra trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đó là “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch văn hóa, đặc biệt đối với nhân lực quản lý, hướng dẫn viên, thuyết minh viên và nhân lực phục vụ trực tiếp khách du lịch. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề du lịch văn hóa theo tiêu chuẩn nghề ASEAN”.
       Thời gian qua Tổng cục Du lịch Việt Nam đã triển khai thực hiện khá nhiều giảipháp nhằm từng bước tiêu chuẩn hóa đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch. Tranh thủ sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu (EU) và UNESCO về kỹ thuật, kinh phí để xây dựng các chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, ngoại ngữ cho các hướng dẫn viên, thuyết minh viên. Tổng cục Du lịch cũng đã tập trung nghiên cứu, xây dựng được một bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam (VTOS) cho 13 nghề, trong đó có nghiệp vụ hướng dẫn du lịch và thuyết minh viên du lịch. Thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội xây dựng và công bố các tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, trong đó có nghề thuyết minh viên du lịch. Một số tổ chức quốc tế cũng đã và đang hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng chương trình và đào tạo thuyết minh viên di sản. Điển hình là Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) xây dựng Khóa đào tạo giảng viên nguồn chương trình hướng dẫn viên du lịch tại các khu Di sản thế giới, đã được tổ chức tại các địa điểm có nhiều di sản văn hóa nổi bật của Việt Nam là Hà Nội, Quảng Nam, Huế, Đà Nẵng,…
       Thực trạng hiện nay là trình độ của đội ngũ thuyết minh viên ở các điểm du lịch không đồng đều, thậm chí còn chênh lệch nhau khá xa giữa các vùng miền, các địa phương. Trình độ của đội ngũ thuyết minh viên hiện nay cũng khá da dạng phong phú, có thuyết minh viên có trình độ đại học, trên đại học được đào tạo cơ bản (đội ngũ này phần lớn làm việc tại các di tích và bảo tàng lớn…). Tuy vậy, cũng có thuyết minh viên có trình độ văn hóa thấp chưa qua các lớp đào tạo, họ làm thuyết minh từ vốn hiểu biết, tự học hỏi từ công việc chuyên môn hằng ngày, hoặc qua truyền miệng… (đội ngũ này phần lớn ở các địa phương hoặc vùng sâu, vùng xa). Đội ngũ thuyết minh viên hiện có cũng đang được đào tạo ở nhiều chuyên ngành đa dạng khác nhau: lịch sử, văn hóa, Việt Nam học, du lịch…Điều này dẫn đến việc thuyết minh viên tại nhiều địa phương thiếu nền tảng kiến thức văn hóa, yếu về kiến thức lịch sử. Một hạn chế khác của các thuyết minh viên tại Việt Nam là trình độ ngoại ngữ. Với những thuyết minh viên biết ngoại ngữ thì đa phần chỉ biết tiếng Anh, thuyết minh viên biết tiếng Pháp, Trung Quốc còn ít và tiếngTây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc rất ít…
       Việt Nam đang hướng đến trong thời gian tới sẽ có chương trình đào tạo đạt chuẩn dành cho thuyết minh viên du lịch. Tuy nhiên, việc áp dụng một chương trình đào tạo hướng dẫn viên di sản chung cho tất cả các địa phương tại Việt Nam sẽ có một số khó khăn và thách thức như sau:
    – Nhiều địa phương còn đang thiếu cơ sở đào tạo chuyên ngành về du lịch và về nghề thuyết minh viên. Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến năm 2016, tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam có 156 cơ sở đào tạo du lịch, trong đó có: 48 trường đại học; 43 trường cao đẳng và cao đẳng nghề. Hiện nay, các cơ sở đào tạo còn gặp nhiều khó khăn trong việc trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị trong việc đào tạo và thực hành. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo du lịch tại Việt Nam còn thiếu giáo viên/giảng viên đạt chuẩn để giảng dạy chương trình đào tạo thuyết minh viên. Khóa đào tạo giảng viên nguồn chương trình hướng dẫn viên du lịch tại các khu Di sản thế giới của UNESCO là một giải pháp để giải quyết vấn đề này, tuy nhiên chương trình này mới chỉ được thực hiện trong một quy mô hẹp và chưa đươc nhân rộng.
       – Cần sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các cơ sở đào tạo, điểm du lịch và công ty lữ hành để các thuyết minh viên được đào tạo gắn với thực tế và có khả năng phát huy nghề nghiệp. Thực tế cho thấy, nguồn nhân lực do các cơ sở đào tạo cung cấp cho thị trường chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng.
       – Bên cạnh chương trình đào tạo mới, Việt Nam cũng cần có chương trình đào tạo bổ sung và đào tạo nâng cao cho đội ngũ thuyết minh viên hiện có. Điều này thực sự cần thiết do thực trạng chênh lệch về trình độ của đội ngũ thuyết minh viên giữa các vùng miền và các địa phương. Hiện nay các chương trình đạo tạo này vẫn thường do các địa phương tự xây dựng và tổ chức.
       Việt Nam đang đề ra mục tiêu đến năm 2020 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia. Và du lịch di sản văn hóa, một trong những sản phẩm du lịch được đánh giá là thế mạnh của Việt Nam, sẽ phải có vai trò rất lớn trong sự tăng trưởng đó, như được đề ra trong Chiến lược và Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Để nâng cao hình ảnh của di sản Việt Nam và chất lượng sản phẩm du lịch tại các điểm di sản, nâng cao chất lượng đội ngũ thuyết minh viên tại các điểm du lịch di sản là việc quan trọng và hết sức cần thiết. Tuy nhiên với thực trạng chưa có được một chương trình đào tạo thuyết minh viên đạt chuẩn và thống nhất trên cả nước; thiếu cơ sở đào tạo và người giảng dạy, việc đào tạo và phát triển đội ngũ thuyết minh viên di sản có chất lượng cao tại Việt Nam hiện còn gặp nhiều khó khăn.

    ThS. Đinh Thị Hồng Nhung – Phòng Quản lý khoa học & Hợp tác quốc tế

    Bài cùng chuyên mục