Quốc phòng – An ninh tạo đà cho Du lịch phát triển
Kể từ ngày 22/12/1944 lịch sử cho đến nay, Quân đội nhân dân Việt Nam đã có 77 năm hình thành và phát triển, đóng góp cho nền độc lập của nước nhà. Nhìn lại diễn trình lịch sử, lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng: là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, đi tiên phong trong quá trình thống nhất đất nước, và cho đến ngày hôm nay, họ đóng vai trò giữ ổn định nền an ninh quốc phòng, tạo điều kiện cho sự phát triển của các ngành kinh tế, trong đó có du lịch.
1. Nhìn từ lý thuyết
Theo Peattie và Moutinho (2009), du lịch là một ngành kinh tế có tính tổng hợp, đa ngành và dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động bên ngoài. Trong đó, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng được hai học giả này xác định là một trong những điều kiện tiên quyết để có thể thúc đẩy sự tăng trưởng của du lịch. Ổn định về an ninh chính trị đồng nghĩa với một sự bảo đảm về an toàn cho du khách, và đồng thời là yếu tố ảnh hưởng tới sự thu hút của điểm đến trong mắt khách du lịch (Khan et al., 2020, 2021). Nguyễn Tuấn Dũng (2016) chỉ ra rằng, sự đối lập về mức độ phát triển du lịch cũng như sức hấp dẫn với du khách của các quốc gia ổn định chính trị (như Singapore, Maldives…), so với các quốc gia có mức độ bất ổn cao (Bắc Phi, Trung Đông) chính là minh chứng rõ ràng nhất cho tầm quan trọng của an ninh – quốc phòng. Những nghiên cứu kể trên đã chỉ ra rằng, lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam đóng vai trò hết sức thiết yếu không chỉ trong công tác đảm bảo an toàn cho du khách, mà còn đang thầm lặng đóng góp cho sự hấp dẫn của điểm đến Việt Nam.
Thêm vào đó, quân đội cũng là lực lượng có nhiệm vụ kiểm soát những nguy cơ an ninh tiềm ẩn từ hoạt động du lịch. Nghiên cứu của Khan và cộng sự (2020) nhận định, những đối tượng khủng bố, các thế lực thù địch có xu hướng trà trộn vào các du khách, lợi dụng du lịch như là một con đường để thực hiện những âm mưu chống phá của chúng. Trong những tình huống kể trên, lực lượng quân đội sẽ chính là một trong những thành phần nòng cốt, đi đầu trong công tác ngăn chặn ảnh hưởng của các hoạt động phá hoại trật tự xã hội và an toàn của người dân cũng như du khách.
Những phát hiện kể trên đã đặt ra vấn đề: Cần phát triển du lịch gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng. Thực tế đây không còn là một vấn đề mới, đã được nhiều lần đề cập tới trong những văn kiện, những chính sách của các cấp từ Trung ương tới địa phương. Luật Du lịch năm 2005 đã xác định, “Bảo đảm chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội” là một trong 6 trụ cột trong nguyên tắc phát triển kinh tế du lịch. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng nêu rõ quan điểm “Phát triển du lịch bền vững” gắn với “bảo đảm quốc phòng, an ninh” (Tổng cục Du lịch, 2020).
2. Liên kết cùng phát triển
Trong những năm vừa qua, Quân đội nhân dân Việt Nam, đặc biệt là lực lượng biên phòng và ngành Du lịch đã có sự hợp tác chặt chẽ. Tại các cửa khẩu đường bộ, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã có những chỉ đạo sát sao trong việc đảm bảo các đơn vị cửa khẩu thực hiện quá trình kiểm tra, giám sát người xuất nhập cảnh trên cơ sở vừa đảm bảo an ninh, vừa đơn giản hóa quy trình, thủ tục để khách du lịch có thể nhanh chóng xuất, nhập cảnh. Những nỗ lực này của lực lượng quân đội đã tạo điều kiện để mô hình du lịch biên giới có thể phát triển mạnh mẽ.
Còn với hoạt động đón khách đường biển, chính Bộ đội Biên phòng đã nghiên cứu, đề xuất phương án quy trình thủ tục mới, đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp du lịch trong việc kiểm tra danh sách khách trước khi nhập cảnh, nhằm đảm bảo các thủ tục cần thiết được thực hiện nhanh chóng.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, toàn xã hội phải thực hiện việc sống chung với đại dịch, lực lượng bộ đội biên phòng giữ nhiệm vụ quan trọng: Đảm bảo an ninh biên giới, ngăn chặn hiện tượng nhập cảnh trái phép làm lây lan dịch bệnh. Những nỗ lực này của lực lượng vũ trang đang không chỉ mang lại sự an toàn cho người dân Việt Nam, mà còn với cả các du khách sang tham quan các điểm đến thí điểm mở cửa cho du lịch quốc tế.
3. Hợp tác để vượt qua thách thức
Mặc dù nhận được sự quan tâm, chú ý của các cấp chính quyền, cũng như mối quan hệ hợp tác giữa ngành Du lịch – Quốc phòng đã đạt được một số thành tựu trong thời gian vừa qua, song việc phát triển du lịch đi đôi với đảm bảo an ninh quốc phòng vẫn còn tồn tại một số vấn đề bất cập như phát triển tự phát quá mức hoặc có những vi phạm trong việc xây dựng các công trình trong phạm vi đảm bảo an ninh quốc phòng… Ngoài ra, các thế lực thù địch có thể lợi dụng để thực hiện các hoạt động chống phá, chia rẽ đoàn kết dân tộc thông qua con đường du lịch. Do đó, sự phối hợp của các doanh nghiệp du lịch với các lực lượng an ninh quốc phòng và các bên liên quan trong các hoạt động du lịch không chỉ là giải pháp tích cực để giải quyết các vấn đề trên mà nó còn là yếu tố cơ bản trong việc đảm bảo an toàn cho khách du lịch và cộng đồng điểm đến.
Trong bối cảnh du lịch và an ninh quốc phòng có mối quan hệ mật thiết, tương hỗ lẫn nhau, việc tăng cường hơn nữa quá trình hợp tác liên ngành là đặc biệt cần thiết để đảm bảo phát triển bền vững và giữ vững chủ quyền độc lập, an ninh quốc phòng. Chỉ trong điều kiện đó, các hoạt động du lịch mới có thể được diễn ra an toàn để giữ được mức tăng trưởng ổn định. Đặc biệt, với tình hình dịch bệnh hiện nay đang không chỉ đặt ra yêu cầu phục hồi và phát triển trở lại cho ngành du lịch, mà còn buộc ngành du lịch phải chuyển dịch theo hướng bền vững hơn, và một trong những khía cạnh để phát triển bền vững chính là đảm bảo an toàn xã hội thông qua an ninh, quốc phòng.
Tài liệu tham khảo:
1. Khan, A. et al. (2020) ‘Unraveling the Nexuses of Tourism, Terrorism, and Well-Being: Evidence from Pakistan’, Journal of Hospitality and Tourism Research, 44(6), pp. 974–1001. doi: 10.1177/1096348020917742.
2. Khan, A. et al. (2021) ‘Tourism Development and Well-Being: The Role of Population and Political Stability’, Fudan Journal of the Humanities and Social Sciences. doi: 10.1007/s40647-021-00316-8.
3. Nguyễn Tuấn Dũng (2016) ‘Phát triển kinh tế du lịch biển-đảo gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh trong bối cảnh hội nhập hiện nay’, Tạp chí phát triển khoa học và công nghệ, 19. Available at: https://scholar.google.com/citations?view_op=view_citation&hl=vi&user=Slo0N-sAAAAJ&citation_for_view=Slo0N-sAAAAJ:d1gkVwhDpl0C (Accessed: 20 December 2021).
4. Peattie, K. and Moutinho, L. (2009) ‘The marketing environment for travel and tourism.’, in Strategic management in tourism. CABI Publishing, pp. 17–37. doi: 10.1079/9780851992822.0017.
5. Tổng cục Du lịch (2020) Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.
Minh Đức