Ô nhiễm trắng trên biển và đại dương – nỗi lo của ngành du lịch
* Bài viết hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 5/6/2022 – “Chỉ một Trái đất”
Ô nhiễm trắng là loại ô nhiễm môi trường do túi nilon và chất thải nhựa gây ra. Nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường du lịch và sức khoẻ con người. Hiện nay tình hình ô nhiễm trắng đang ở mức báo động ở nước ta.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi năm trên toàn thế giới sử dụng khoảng 500 tỷ chai nhựa, hơn 500 tỷ túi ni-lông. Lượng rác thải nhựa đủ để phủ kín gấp bốn lần diện tích bề mặt Trái đất, trong đó 13 triệu tấn rác nhựa thải ra đại dương. Việc lạm dụng sử dụng túi ni-lông khó phân hủy, các sản phẩm nhựa, nhất là đồ nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả khôn lường với môi trường.
Tại Việt Nam, vấn nạn “ô nhiễm trắng” đang ngày càng tăng lên đến mức báo động, theo thống kê, tại nước ta mỗi năm có khoảng 730.000 tấn rác thải nhựa ra biển, mỗi hộ gia đình Việt Nam thải ra hơn 1 túi nylon mỗi ngày và hàng triệu túi nylon được sử dụng thải ra môi trường hàng ngày. Nguyên nhân là bởi hiện nay các sản phẩm nhựa và túi nilon đã trở thành những vật dụng phổ biến và trở nên quen thuộc trong đời sống sinh hoạt của con người. Không thể phủ nhận sự tiện ích từ các sản phẩm từ nhựa và nilon, nhưng nó cũng chính là tác nhân lớn gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người. Rõ ràng nhựa và túi nilon đã trở thành một trong những vật liệu phổ biến nhất thế giới nhờ tính hữu dụng cũng như chi phí sản xuất thấp của nó.
Vậy cần bao nhiêu thời gian để rác thải nhựa có thể phân hủy?
Đối với túi nilon cần ít nhất 100 năm, còn đối với chai nhựa thì cần ít nhất là 200 năm mới có thể phân hủy được – đó là một con số đáng báo động, bởi trong hàng trăm năm đó, rác thải nhựa không mất đi và hệ lụy gây ra đối với môi trường, đặc biệt là sức khỏe của con người rất lớn.
Thói quen sử dụng túi ni lông, nhựa dùng một lần có thể đem lại sự tiện lợi cho con người trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng ít ai ngờ nó lại là tác nhân đẩy môi trường đứng trước thảm họa ô nhiễm. Những ống hút, cốc nhựa dùng một lần, hộp xốp và đặc biệt là túi ni-lông, với ưu điểm bền, chắc, tiện dụng, giá thành thấp đã và đang được sử dụng hầu như ở mọi lúc, mọi nơi, từ cửa hàng bán rau đến các siêu thị, những trung tâm thương mại lớn, chúng được dùng để đựng thực phẩm sống, chín, thậm chí ngay cả những thực phẩm chiên, rán còn nóng.
Bất kỳ ai cũng thấy sự tiện lợi trước mắt đó mà không biết rằng khi thực phẩm được đựng trong các túi nilong, các hộp nhựa tái chế thì các hóa chất từ các túi, hộp đó sẽ thôi nhiễm vào thức ăn sau đó được hấp thụ vào cơ thể con người. Theo thời gian, các hóa chất này có thể gây ưng thư, thay đổi nội tiết tố và nhiều hệ lụy khác cho sức khỏe của con người. Bên cạnh đó rác thải nhựa, ni-lông được đốt ở ngoài môi trường sẽ tạo ra nhiều loại khí độc trong đó có Dioxin và Furan, là những chất cực độc có khả năng gây khó thở, ảnh hưởng tới tuyến nội tiết, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hoá và các dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ. Đặc biệt là gây ung thư khi phơi nhiễm thường xuyên. Đặc biệt với đặc tính khó phân hủy, khó xử lý, rác thải nhựa và nilon được thải mỗi ngày ra môi trường với số lượng lớn khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.
Rác thải nhựa đại dương đang đe dọa nghiêm trọng đến ngành các kinh tế biển trong đó có ngành du lịch. Hơn bao giờ hết, ngay lúc này, chúng ta phải thay đổi cách nhìn nhận về những tác hại của rác thải nhựa và phải có hành động kịp thời để xử lý những tác hại đó.
Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược thuận lợi về biển – đảo. Lãnh thổ đất liền của Việt Nam được bao bọc bởi bờ biển trải dài trên 3.200 km theo 3 hướng: Đông, Nam và Tây Nam với diện tích vùng biển rộng trên 1 triệu km2. Vùng biển ven biển có 2.773 hòn đảo lớn nhỏ các loại, với diện tích khoảng 1.700km2, trong đó có 3 đảo có diện tích lớn hơn 100km2, 23 đảo có diện tích lớn hơn 10km2, 82 đảo có diện tích lớn hơn 1km2 và hàng nghìn đảo chưa có tên. Việt Nam có hệ thống tài nguyên biển phong phú để có thể phát triển mạnh ngành du lịch gắn với biển. Những bãi biển, vịnh được đông đảo du khách trên thế giới biết đến như Hạ Long, Nha Trang, Ðà Nẵng đã nói lên sức hút của biển Việt Nam. Phát huy lợi thế nêu trên, những năm qua, du lịch biển ở Việt Nam đã thu hút hàng triệu lượt du khách trong nước và nước ngoài đến tham quan và nghỉ dưỡng mỗi năm. Trung bình mỗi năm có hơn 75% số khách quốc tế chọn du lịch biển, đảo; 28 tỉnh, thành phố có biển đã đóng góp tới 71,5% tổng doanh thu du lịch lữ hành của cả nước…
Tuy nhiên, do lượng khách du lịch tăng cao cho nên hiện nay tại nhiều khu du lịch biển ở nước ta đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải, trong đó có rác thải nhựa và túi nilon gây ra. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm biển là do phát triển công nghiệp, du lịch tràn lan, cùng với hoạt động nuôi trồng thủy sản bất hợp lý, thói quen thiếu văn minh của bộ phận không nhỏ người dân sống tại các khu du lịch ven biển, du khách… dẫn đến từ 70% đến 80% lượng rác thải trên biển có nguồn gốc từ đất liền. Ðáng lo ngại, nhiều loại rác thải nhựa như chai, lọ, ống hút, túi ni-lông, bao bì, xốp được các nhà hàng, khách sạn, du khách thải, bỏ ra môi trường nhưng chưa được thu gom, xử lý đúng quy định.
Việc rác thải nhựa và nilon gia tăng sẽ kéo theo nhiều hệ lụy môi trường liên quan đến hạt vi nhựa. Vi nhựa là những mảnh nhựa có chiều dài nhỏ hơn 5 mm, của rác thải nhựa bị phân rã, xâm nhập vào môi trường và đi vào chuỗi thức ăn của các loài động vật, nhất là các loài sinh vật biển. Các loài động vật biển nuốt phải rác thải nhựa, hấp thụ chất độc sẽ chuyển hóa thành thức ăn cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe khi con người ăn phải các loài động vật đó. Rác thải nhựa có thể phá hủy nhiều sinh cảnh biển quan trọng như bãi cát biển, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, hay các rạn san hô… Số liệu thống kê của các nhà khoa học cho thấy: có đến 54% số loài động vật biển đã ăn, hoặc bị vướng vào các mảnh rác nhựa, trong đó rùa biển, chim biển và các động vật giáp xác rất dễ bị tổn thương do nuốt phải, hoặc bị hóc rác thải nhựa do chúng nhầm lẫn là thức ăn. Trong khi đó, Việt Nam hiện là một trong bốn quốc gia có lượng rác thải nhựa thải ra biển nhiều nhất thế giới, khoảng từ 280 nghìn đến 730 nghìn tấn/năm (tương đương khoảng 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển của thế giới).
Tác hại mà rác thải nhựa mang đến cho đại dương nói chung và ngành du lịch nói riêng là vô cùng khôn lường. Chính vì vậy, ngay lúc này chúng ta cần có biện pháp kịp thời để giảm thiểu tình trạng xả rác thải nhựa ra đại dương:
Ðể góp phần phát triển du lịch biển bền vững, nhất là từng bước giảm tình trạng ô nhiễm môi trường trong hoạt động du lịch do chất thải nhựa và túi nilon gây ra, các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường du lịch đề nghị chính quyền các địa phương có biển tập trung triển khai đồng bộ giải pháp thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa. Ðồng thời áp dụng biện pháp xử lý nghiêm đối với các cơ quan, doanh nghiệp vi phạm quy định tại Nghị định số 38/NÐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu; Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại. Xây dựng quy trình phân loại và thu gom phế thải nhựa có thể tái chế và triển khai hình thức dán nhãn mác đối với các vật liệu để xác định khả năng tái chế chất thải nhựa. Ðẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục bảo vệ môi trường biển cho người làm du lịch và du khách; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch và đội ngũ cán bộ, nhân viên trong việc bảo vệ môi trường tại các địa phương ven biển. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về bảo vệ môi trường biển…
Bên cạnh ban hành các cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi thu hút nguồn lực đầu tư các dự án phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển, các địa phương cần áp dụng công nghệ bảo vệ môi trường du lịch. Các cơ quan liên quan cần nghiên cứu, xây dựng phương pháp xác định lượng chất thải nhựa trên biển Việt Nam; áp dụng công cụ kinh tế để phòng ngừa, giảm chất thải nhựa và nilon, nhất là ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm giảm tác động của các thiết bị nuôi trồng, đánh bắt hải sản sau thải bỏ.
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sản xuất các loại vật liệu thân thiện với môi trường thay thế cho sản phẩm nhựa, túi ni-lông, ống hút nhựa… sử dụng một lần tại các khu du lịch biển, đảo. Kịp thời biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các điển hình tiên tiến, mô hình tốt, cách làm hay, sáng kiến có giá trị trong lĩnh vực này.
Không xả rác thải ra sông, suối… vì đây là nguồn rác chính đổ thẳng ra biển. Thay vào đó hãy phân loại rác và vứt rác đúng nơi quy định.
Hạn chế tối đa việc sử dụng đồ nhựa, nhất là đồ nhựa dùng một lần. Xây dựng quy trình tái chế rác thải nhựa an toàn, thân thiện với môi trường.
Không vứt rác ra bãi biển, nâng cao ý thức du lịch biển. Cần dọn dẹp rác thải ngay sau khi thực hiện các hoạt động vui chơi giải trí trên biển.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức của ngư dân, cộng đồng dân cư, khách du lịch tham quan nghỉ dưỡng biển đảo về tác hại của rác thải nhựa phát sinh từ các hoạt động vui chơi giải trí trên biển, đánh bắt thủy sản hải sản; không vứt các ngư cụ hỏng (lưới đánh cá, dây câu…) xuống biển; tuyên dương những cá nhân, tập thể điển hình góp phần làm sạch môi trường du lịch.
Chung tay làm sạch biển, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường vì một đại dương không còn rác./.
Tin & Bài: Trần Lan