Khảo sát Sản phẩm Du lịch liên quốc gia Việt – Trung
Từ ngày 02/8-8/8/2018, Tổng cục Du lịch tổ chức Đoàn khảo sát Sản phẩm Du lịch liên quốc gia Việt – Trung tại hai địa phương Lạng Sơn, Cao Bằng (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc). Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về tổ chức thực hiện Hiệp định bảo vệ, khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) – Đức Thiên (Trung Quốc).
Đoàn khảo sát do Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu làm trưởng đoàn. Tham gia đoàn công tác gồm đại diện các Vụ chức năng, Viện NCPT Du lịch, các cơ quan ban ngành, một số địa phương và doanh nghiệp du lịch.
Tại Lạng Sơn, đoàn đã khảo sát một số di tích và danh thắng tiêu biểu của Chi Lăng, Khu kinh tế của khẩu Hữu Nghị và Chùa Tam Thanh, động Nhị Thanh; một số điểm du lịch nổi tiếng của Cao Bằng như Cao nguyên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao bằng, khu du lịch thác Bản Giốc, khu kinh tế của khẩu Trà Lĩnh, suối Lê Nin, hang Pắc Pó. Tại địa phận tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đoàn công tác đã khảo sát, trải nghiệm những sản phẩm du lịch của Bằng Tường, Khu cảnh quan thác Đức Thiên và một số điểm du lịch của Tịnh Tây. Đây đều là những địa điểm du lịch nổi bật, hấp dẫn của các địa phương, thu hút được đông đảo khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu.
Bên cạnh những trải nghiệm thực tế tại các điểm du lịch, đoàn đã tham dự Tọa đàm “Liên kết phát triển sản phẩm du lịch liên quốc gia: Khu cảnh quan thác Bản Giốc” vào ngày 6/8/2018 tại tỉnh Cao Bằng. Tọa đàm nhằm thảo luận, góp ý để hoàn thiện dự thảo Đề án cơ chế chính sách đặc thù phát triển du lịch tại thác Bản Giốc, khả năng kết nối của Khu du lịch Thác Bản Giốc với phần còn lại của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, các công viên địa chất toàn cầu trong khu vực và trên thế giới.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến hữu ích đóng góp cho Đề án cơ chế chính sách đặc thù phát triển du lịch tại Thác Bản Giốc, trong đó tập trung vào các giải pháp nhằm thúc đẩy, phát triển khu du lịch Thác Bản Giốc như xây dựng cơ chế chính sách đặc thù với khu cảnh quan Thác Bản Giốc; tập trung đầu tư vào kết cấu hạ tầng cơ sở; quan tâm đến sản phẩm du lịch…
Chuyến khảo sát đã kết thúc thành công, mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc trong lĩnh vực du lịch và là tiền đề để xây dựng các chương trình, sản phẩm du lịch liên quốc gia./.