Hội thảo trực tuyến Tham vấn về Báo cáo quốc gia Phân tích tình hình khu vực tư nhân: Chuyên đề ngành Du lịch
Ngày 25/8/2020, Viện NCPT Du lịch đã tham gia Hội thảo trực tuyến Tham vấn về Báo cáo quốc gia Phân tích tình hình khu vực tư nhân: Chuyên đề ngành Du lịch. Hội thảo do Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) tổ chức nhằm thu thập ý kiến đóng góp của các bên liên quan trong ngành du lịch để hoàn thiện Báo cáo quốc gia về tình hình khu vực tư nhân (CPSD) trong bối cảnh ứng phó với tác động của dịch Covid-19. Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc quốc gia phụ trách Campuchia, Lào, Việt Nam của Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) tại Việt Nam chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo trực tuyến còn có nhiều chuyên gia đại diện Ban Nghiên cứu Kinh tế Tư nhân của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (Ban IV), Hội đồng Tư vấn Du lịch, chuyên gia kinh tế tại trụ sở WBG và nhiều đại diện doanh nghiệp du lịch lớn trên cả nước.
CPSD là báo cáo được thực hiện với sự phối hợp của IFC và Ngân hàng Thế giới, trong đó phân tích các điểm hạn chế chủ đạo đối với sự phát triển của khu vực tư nhân trong tất cả các lĩnh vực kinh tế chủ đạo của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Báo cáo đưa ra các khuyến nghị cải cách về thu hút đầu tư và huy động nguồn lực tài chính của khu vực tư nhân trong ngắn và trung hạn theo chu kỳ cải cách từ 3 đến 5 năm.
Tại phiên Hội thảo chuyên ngành du lịch, nhóm chuyên gia xây dựng báo cáo mong muốn nhận được sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức đóng góp nhiều ý kiến và kinh nghiệm của các bên liên quan trong việc hỗ trợ khu vực tư nhân trong ngành du lịch vượt qua thách thức và hạn chế đến mức thấp nhất khủng hoảng thị trường du lịch trong ngắn hạn cũng như khôi phục lại thị trường trong trung và dài hạn. Qua đó, báo cáo CPSD sẽ đề xuất với Chính phủ những biện pháp chính sách ưu tiên nhằm hỗ trợ và tái cấu trúc khu vực tư nhân ứng phó với tình hình bình thường mới và hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi bền vững sau dịch Covid-19.
Tại Hội thảo trực tuyến này, các đại biểu đã chia sẻ ý kiến liên quan tới các vấn đề thuộc chuyên đề du lịch của Báo cáo CPSD Việt Nam, bao gồm: (1) Biện pháp của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp du lịch ứng phó với tình hình “làn sóng mới” của dịch Covid-19; (2) Trong bối cảnh Covid-19, có những sản phẩm du lịch mới hoặc cơ hội đầu tư nào; (3) Trong tương lai, làm thế nào để quản lý tốt hơn việc phát triển cơ sở hạ tầng tại các điểm đến du lịch nổi tiếng? Làm thế nào để tăng cường hiệu quả và đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện quy hoạch tổng thể du lịch của các địa phương? (4) Tương lai của thị trường Condotel? Các chủ đầu tư có tự tin về tác động tài chính lâu dài trong lĩnh vực đầu tư này không? Ngoài ra, các đại biểu cũng đã nêu quan điểm cần có thêm sự hỗ trợ cho khu vực tư nhân trong quá trình số hóa doanh nghiệp và tăng cường phối hợp với các ngành kinh tế khác kinh doanh trên nền tảng số.
Tham gia ý kiến tại Hội thảo trực tuyến, Viện NCPT Du lịch khẳng định thống nhất cao với nhóm giải pháp về việc Chính phủ hỗ trợ tổ chức các chương trình đào tạo ngắn hạn cho nhân viên ngành du lịch trong giai đoạn hiện nay bên cạnh việc doanh nghiệp trả một phần tiền lương để có thể duy trì lực lượng lao động ngành du lịch sau khi kiểm soát được dịch bệnh. Liên quan tới việc phối hợp hiệu quả giữa các ngành, Viện NCPT Du lịch có ý kiến ngành Du lịch cần phối hợp chặt chẽ với ngành Y Tế, ngành Ngân hàng và ngành Điện lực trong việc đưa ra được cơ chế, chính sách và những giải pháp hỗ trợ cụ thể đối với các doanh nghiệp du lịch trong bối cảnh dịch bệnh.
Viện NCPT Du lịch hoan nghênh sáng kiến của WBG tổ chức Hội thảo tham vấn xây dựng Báo cáo CPSD Việt Nam, coi đây là một trong những hỗ trợ thiết thực của WBG cho ngành du lịch Việt Nam giúp hỗ trợ khu vực tư nhân vượt qua thách thức của khủng hoảng do dịch Covid-19.
Chiến Thắng