Hội thảo trực tuyến “Nâng cao năng lực quản lý di sản văn hóa bền vững”
Trong hai ngày 14 và 15/06/2022, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã tham gia chuỗi hội thảo trực tuyến về “Nâng cao năng lực quản lý di sản văn hóa bền vững” do Viện Nghiên cứu Du lịch Macao tổ chức. Hai buổi hội thảo được điều hành bởi TS. Ubaldino Couto và TS. Henrique Ngan cùng các diễn giả: TS. Vicky Chen, Carla Figueiredo và TS. Sharif Shams Imon. Thông qua chuỗi hội thảo, đại biểu được hiểu thêm những vấn đề nền tảng về cách quản lý tài nguyên di sản văn hóa, quản lý di sản văn hóa bền vững trong các quyết định quy hoạch và phát triển du lịch cũng như cách đưa ra quyết định sáng suốt về việc áp dụng “Đánh giá Tác động Di sản” (Heritage Impact Assessment – HIA) trong các kịch bản phát triển liên quan đến di sản văn hóa.
Chủ đề của buổi hội thảo thứ nhất là Quản lý Di sản Văn hóa. Mở đầu buổi hội thảo, TS. Vicky Chen (Viện Nghiên cứu Du lịch Macao) đã trình bày về định nghĩa di sản, phân loại di sản, phân loại di sản văn hóa và mối quan hệ giữa di sản và du lịch và từ đó, lý giải tại sao các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cần có sự am hiểu sâu sắc về di sản. Diễn giả cho biết du lịch và di sản có thể phát triển cùng có lợi, cùng tồn tại không ảnh hưởng lẫn nhau hoặc xung đột. Việc chính quyền và người dân địa phương quá tập trung vào việc bảo tồn có thể làm suy giảm tiềm năng kinh tế của di sản. Trong khi đó, việc các bên liên quan chỉ tập trung vào phát triển du lịch mà không cân nhắc các biện pháp bảo tồn di sản sẽ dẫn đến việc khai thác di sản quá mức, tổn hại vĩnh viễn về mặt vật chất của cấu trúc di sản và làm mất đi giá trị và tính chân thật của di sản văn hóa.
Bà Carla Figueiredo (Cục Văn hóa Macao) đã tiếp nối buổi hội thảo với chủ đề “Bảo vệ và Quản lý Tài nguyên Du lịch Di sản” với ví dụ thực tiễn từ Trung tâm Lịch sử Macao. Là một thuộc địa của Bồ Đào Nha, Trung tâm Lịch sử Macao quản lý các di sản kiến trúc của thành phố như các quảng trường, đường phố, nhà thờ, đền thờ và nhà hát với sự kết hợp giữa hai nền văn hóa Trung Quốc và Bồ Đào Nha. Năm 2005, các địa điểm này được UNESCO công nhận là di sản thế giới thứ 31 ở Trung Quốc. Việc bảo tồn Trung tâm Lịch sử Macao được đảm bảo theo các Nghị định Luật liên quan trực tiếp đến việc quản lý và thực hiện việc bảo tồn của từng di sản với bối cảnh đô thị tương ứng. Chính quyền địa phương cũng tập trung vào việc giải quyết các tác động từ áp lực phát triển bên ngoài khu vực di sản như khu vực xung quanh đồi Guia, các hành lang thị giác và mối liên kết giữa Ngọn Hải Đăng và biển.
Trong buổi hội thảo thứ hai, TS. Sharif Shams Imon (Viện Nghiên cứu Du lịch Macao) đã đi sâu vào quá trình đánh giá các tác động lên di sản. Cụ thể, di sản có khả năng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tự nhiên như động đất, sóng thần, ngập lụt, côn trùng và cả các yếu tố con người như chiến tranh, trộm cắp, các dự án, công trình phát triển cơ sở hạ tầng công cộng. Việc áp dụng hệ thống “Đánh giá Tác động Di sản” (HIA) có thể phát triển cơ sở dữ liệu di sản, quản lý, cân bằng quá trình phát triển và bảo tồn di sản cũng như nâng cao nhận thức cộng đồng và các chuyên gia trong ngành. Quá trình HIA bao gồm 8 bước: (1) đánh giá và điều tra sơ bộ, (2) xác định phạm vi cụ thể, (3) đánh giá cơ sở, (4) đề xuất hành động và các giải pháp thay thế, (5) xác định và dự đoán tác động, (6) đánh giá tác động, (7) tăng cường tác động tích cực và giảm thiểu tác động tiêu cực và (8) báo cáo. Trong đó, hai bước đầu được thực hiện bởi cấp nhà nước và sáu bước sau được thực hiện bởi đội đánh giá tác động di sản chuyên biệt. Báo cáo HIA sau đó sẽ được gửi về các cơ quan cấp nhà nước để đưa ra quyết định thực hiện cuối cùng.
Phát biểu kết thúc chuỗi hội thảo, GS. John Ap từ Viện Nghiên cứu Du lịch Macao một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc quản lý hiệu quả các di sản văn hóa của cộng đồng thông qua việc đánh giá tác động và đề xuất các phương án, giải pháp bảo tồn phù hợp.
Tin: Hồng Anh