Hội thảo “Tiếp thị và Định vị thương hiệu Du lịch Việt Nam – Phục hồi từ COVID-19 – Chuyển đổi sang mô hình du lịch mới”
Chiều ngày 08/7/2022, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Tiếp thị và Định vị thương hiệu Du lịch Việt Nam – Phục hồi từ COVID-19 – Chuyển đổi sang mô hình du lịch mới” do Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) tổ chức. Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã cử đại biểu tham gia sự kiện trên. Ông Hoàng Nhân Chính (Trưởng ban thư ký TAB) điều hành hội thảo, các diễn giả quốc tế có Kai Partale và Juan Carlos. Hội thảo có sự tham gia của đại diện Tổng cục Du lịch, Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, các doanh nghiệp du lịch, cơ sở đào tạo du lịch và các cơ quan báo chí.
Mở đầu hội thảo, tại phiên thứ nhất, ông Kai Partale (Chuyên gia tiếp thị du lịch, Dự án SSTP) đã trình bày các xu hướng quốc tế hiện nay và sự thay đổi trong hành vi du lịch của các thị trường nguồn đến Việt Nam. Một vài xu hướng mới nổi bao gồm các yếu tố nội địa, khỏe mạnh, vệ sinh, công nghệ cao, linh hoạt, ngoài trời, bền vững, ý nghĩa, cân bằng và địa phương. Khảo sát với du khách đến từ 27 nước thành viên EU thực hiển bởi Ủy ban Châu Âu năm 2021 cho biết, khi lựa chọn điểm đến, du khách sẽ lần lượt cân nhắc các sản phẩm giới thiệu văn hóa, tại điểm đến, giá cả chung của cả chuyến đi, môi trường thiên nhiên tại điểm đến, các hoạt động có sẵn tại điểm đến, khả năng tiếp cận dịch vụ và các hoạt động… Họ cũng dần thay đổi hành vi du lịch của mình theo hướng bền vững hơn qua các hành động như tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc địa phương và giảm thiểu rác thải, lượng nước sử dụng trong kỳ nghỉ, đi du lịch dịch ngoài thời gian cao điểm, du lịch đến các địa điểm ít phổ biến và lựa chọn các phương án di chuyển dựa trên tác động sinh thái… Khi lên kế hoạch du lịch, họ thường tìm kiếm các thông tin liên quan đến mức đọ phù hợp của các điểm đến với trẻ em, cách tham gia vào các hoạt động của địa phương, đồ ăn địa phương, các hoạt động thân thiện với môi trường hay chứng nhận bền vững của các cơ sở lưu trú… Bên cạnh các quốc gia EU, những thị trường lớn khác như Trung Quốc, Mỹ, Anh, Úc cũng lựa chọn biển, vườn quốc gia và các thị trấn nhỏ/ vùng nông thôn là các điểm đến được yêu thích và tham quan nhiều hơn so với trước đại dịch Covid-19 và cũng ưu tiên các điểm đến ít đông đúc hơn để nghỉ ngơi, thư giãn. Đặc biệt, du khách Úc và Trung Quốc đều đặc biệt quan tâm đến các yếu tố an toàn, thiên nhiên, khí hậu/thời tiết, nhà hàng/ẩm thực địa phương và trị giá tương ứng với đồng tiền.
Bên cạnh các thị trường quốc tế, ông Hoàng Nhân Chính (TAB) đã trình bày kết quả khảo sát về khách du lịch nội địa thực hiện bởi TAB, phối hợp với Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (Ban IV) và VnExpress. Theo đó, hơn 90% người được khảo sát muốn đi du lịch ngay trong vòng 10 tháng tới, trong đó du lịch ngắn ngày, theo nhóm nhỏ, bằng máy bay và ô tô riêng là các xu hướng chính. Quyết định du lịch của du khách Việt bị ảnh hưởng trực tiếp với yếu tố an toàn và giá tương ứng và họ thường ưu tiên các hoạt động nghỉ dưỡng biển, khám phá thiên nhiên và thưởng thức ẩm thực. Du khách Việt cũng mong muốn chuyển đổi số mạnh mẽ, trước hết với việc cung cấp thông tin du lịch, an toàn dịch bệnh; đặt, mua, thanh toán dịch vụ du lịch; chăm sóc, phục vụ khách hàng…
Kết thúc phiên thứ nhất, ông Kai Partale đã đưa ra một vài kiến nghị cho hoạt động marketing của Việt Nam dựa trên điểm mạnh, rào cản, cơ hội và rủi ro của Việt Nam. Chiến lược xây dựng thương hiệu – định vị lại Việt Nam tập trung vào 4 chủ đề chính: tự nhiên, văn hóa, thực phẩm và khu vực ven biển. Các lĩnh vực chiến lược bao gồm sự tham gia của các bên liên quan; marketing đến khách hàng; phát triển thương mại du lịch; phương tiện truyền thông đại chúng và truyền thông; tạo dựng thương hiệu và định vị; trải nghiệm của khách hàng, lễ hội và sự kiện, hội nghị, hội thảo; và cơ sở dữ liệu và phân tích.
Trong phiên hội thảo thứ hai, ông Juan Carlos (Chuyên gia định vị thương hiệu, Dự án SSTP) đã phân tích và đánh giá thương hiệu du lịch Việt Nam – “Vẻ đẹp bất tận”. Thương hiệu của du lịch Việt Nam hiện nay nên được đổi mới cho giai đoạn mở cửa trở lại và kỷ nguyên du lịch hậu Covid-19. Việt Nam có thể tạo ra một thương hiệu hấp dẫn hơn, rõ ràng hơn và có trọng tâm hơn dựa trên những đặc điểm và tài nguyên du lịch độc đáo của Việt Nam, đồng thời tạo ra sự phù hợp giữa các xu hướng mới nổi và những thay đổi tiềm năng trong du lịch và hành vi du lịch hậu Covid-19.
Kết thúc hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận và đóng góp ý kiến cho dự thảo chiến lược tiếp thị và định vị thương hiệu đề xuất bởi các chuyên gia quốc tế. Các đại biểu cũng trao đổi những vấn đề khó khăn và ý tưởng, giải pháp để phục hồi và phát triển ngành du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới.
Tin & Ảnh: Hồng Anh