Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Hội thảo khoa học “Những xu hướng mới trong đầu tư phát triển du lịch ở Việt Nam”

    Sáng ngày 29/10/2024, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Những xu hướng mới trong đầu tư phát triển du lịch ở Việt Nam”.

    Hội thảo do TS. Phạm Văn Thủy – Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện NCPT Du lịch và TS. Đỗ Thị Thanh Hoa – Phó Viện trưởng Viện NCPT Du lịch đồng chủ trì. Tham dự hội thảo có đại diện Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ VHTTDL), đại diện các đơn vị trực thuộc Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Lãnh đạo và đại diện Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của các tỉnh thành (Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Ninh, Lào Cai, Yên Bái, Khánh Hòa, Kon Tum…); TS. Kim Sae Won – Viện trưởng và chuyên gia của Viện Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc, chuyên gia cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA); chuyên gia đến từ các Viện nghiên cứu, trường Đại học; Bảo tàng, Ban quản lý di tích; Hiệp hội du lịch; doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khách sạn; cơ quan báo chí và các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch.

    Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam – TS. Phạm Văn Thủy phát biểu khai mạc

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Phạm Văn Thủy cho biết, những năm qua, Chính phủ đã dành nhiều sự quan tâm cho ngành du lịch. Đầu tư trong du lịch được ưu tiên với việc huy động nhiều nguồn vốn, bao gồm các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, đầu tư tư nhân trong nước, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các nguồn vốn đầu tư của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ nước ngoài, và các nguồn vốn xã hội hóa khác. Hình thức đối tác công tư (PPP) trong đầu tư phát triển du lịch cũng được triển khai áp dụng, mang lại những hiệu quả tích cực thúc đẩy sự phát triển ngành du lịch. “Có thể nói, du lịch là một lĩnh vực hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, với số vốn lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng và những dự án có quy mô khác nhau, trong đó, chủ yếu là đầu tư vào các lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng du lịch, cơ sở lưu trú, sân golf, vui chơi giải trí, sản phẩm và dịch vụ du lịch…”- Phó Cục trưởng nhấn mạnh. Việc các tập đoàn lớn, các nhà đầu tư chiến lược tập trung đầu tư tạo nên những sản phẩm du lịch mang tính nổi trội, đẳng cấp quốc tế, không chỉ tạo động lực thúc đẩy du lịch phát triển mà còn có tác động lan tỏa, kích thích sự phát triển của các ngành kinh tế xã hội khác.

    Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Du lịch Hàn Quốc – TS. Kim Sae Won phát biểu tại Hội thảo

    TS. Kim Sea Won cho biết, năm 2024 là năm thứ 20 Viện Nghiên cứu và Phát triển Du lịch Việt Nam và Viện Văn hoá và Du lịch Hàn Quốc hợp tác. Bà Kim nói thêm Việt Nam đã đạt doanh thu in-bound đáng kinh ngạc. Hàn Quốc là thị trường du lịch lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam cũng là một trong những thị trường lớn nhất của Hàn Quốc. Hiện nay ở Hàn Quốc có xu hướng mới: Sau khi nghỉ hưu người dân Hàn Quốc thường dành một tháng du lịch, nghỉ ngơi tại Việt Nam. Đây kết quả của những xu hướng thu hút du lịch của Việt Nam. Theo bà Kim, các địa phương Việt Nam cần có những chính sách thu hút du lịch riêng, mang tính đặc thù, đơn giản hoá các thủ tục và cần đứng ở góc nhìn của các doanh nghiệp khi thu hút khách du lịch.

    Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch – TS. Nguyễn Anh Tuấn phát biểu đề dẫn

    Phát biểu đề dẫn hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, sự phát triển của thị trường khách nội địa và sự quan tâm ngày càng tăng của nhiều thị trường khách quốc tế đến Việt Nam cho thấy cơ hội trong đầu tư. Bằng cách nắm bắt kịp thời và nhận diện rõ nhu cầu, xu hướng mới của thị trường, các nhà đầu tư có thể tận dụng cơ hội để đầu tư, khai thác có hiệu quả các điểm đến mới nổi của du lịch Việt Nam. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn “Để tạo động lực cho các nhà đầu tư trong việc lựa chọn đầu tư vào lĩnh vực du lịch ở Việt Nam, cần dựa trên nhiều yếu tố nội tại như tiềm năng du lịch và thương hiệu điểm đến địa phương để thúc đẩy thu hút đầu tư vào du lịch, đặc biệt là đầu tư từ nước ngoài. Cần có chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cởi mở, môi trường đầu tư hấp dẫn, đặc biệt là sự sẵn sàng và chủ động của địa phương trong việc thúc đẩy thu hút đầu tư du lịch, tạo thuận lợi về thủ tục hành chính trong việc cấp chứng nhận đầu tư du lịch…”.

    Tiếp theo đó, hội thảo lắng nghe 4 bài tham luận của các chuyên gia liên quan hiện trạng, giải pháp đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch Việt Nam; đầu tư trong lĩnh vực du lịch dưới góc nhìn doanh nghiệp; phát huy hiệu quả các nguồn đầu tư trong xây dựng sản phẩm, phát triển du lịch; tham khảo chính sách thu hút đầu tư của Hàn Quốc vào phát triển du lịch và các khuyến nghị với Việt Nam…

    TS. Phạm Hoài Chung – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải trình bày tham luận

    Trong phần trình bày tham luận, TS. Phạm Hoài Chung cho biết, định hướng đến năm 2050, Việt Nam sẽ có 41 tuyến cao tốc với 9.014km, 173 tuyến quốc tộ với 29.854km; 25 tuyến đường sắt với 6.354km, hoàn thành tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam; 14 cảng hàng không quốc tế, 19 cảng hàng không nội địa; 36 cảng biển, đầu tư đồng bộ cảng, luồng hàng hải, công trình phụ trợ… Trên cơ sở những định hướng đó, ông Phạm Hoài Chung đề nghị thực hiện nghiêm túc các quy hoạch đã được phê duyệt, đảm bảo phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ và bền vững. Khuyến khích đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông từ thành phần kinh tế khác nhau, phát huy tối đa vai trò và nguồn lực của địa phương trong đầu tư cơ sở hạ tầng. Tập trung sử dụng vốn nhà nước vào các công trình trọng điểm quốc gia có tính “động lực, lan tỏa” để thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế khác vào các dự án hạ tầng của địa phương, vùng.

    TS. Kim Young Jun – chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu Văn hóa Du lịch Hàn Quốc trình bày tham luận

    Chia sẻ kinh nghiệm từ Hàn Quốc, trong bày trình bày của mình, TS. Kim Young Jun chia sẻ, tại Hàn Quốc, các khu phức hợp du lịch phát triển mạnh nhờ chính sách ưu đãi đầu tư và việc thúc đẩy từ cộng đồng địa phương. Chuyên gia Hàn Quốc kiến nghị Việt Nam xây dựng các nền tảng hợp tác và chính sách ưu đãi mạnh mẽ hơn nhằm thu hút vốn tư nhân, tạo sức bật cho các địa phương giàu tiềm năng du lịch.

    Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình – TS. Bùi Văn Mạnh trình bày tham luận

    Tại phần thảo luận, các ý kiến của các đại biểu cũng tập trung đề xuất việc tạo cơ chế chính sách thuận lợi thu hút đầu tư; tổ chức hội nghị chuyên đề thu hút đầu tư; đầu tư vào sản phẩm để thu hút du khách; đầu tư khai thác hiệu quả các xu hướng mới trong ẩm thực, halal food, du lịch cưới…

    Hội thảo cung cấp cái nhìn khá toàn diện về hiện trạng, cơ hội, thách thức và những vấn đề đặt ra cần giải quyết để thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển du lịch ở Việt Nam hiện nay; cùng với đó là xu hướng, triển vọng trong đầu tư vào lĩnh vực du lịch và giải pháp, chính sách thúc đẩy thu hút đầu tư du lịch, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong bối cảnh mới.

    Tin: Phương Nguyễn

    Bài cùng chuyên mục