Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Hội thảo “Du lịch giáo dục Việt Nam – Định hướng và giải pháp”

    Ngày 30/08/2024 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu  Phát triển Du lịch tổ chức Hội thảo “Du lịch giáo dục Việt Nam – Định hướng và giải pháp” trong khuôn khổ nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng năm 2024.

    TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện NCPTDL và TS. Đỗ Thị Thanh Hoa – Phó Viện trưởng đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự hội thảo trực tiếp và trực tuyến có các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các cơ quan, đơn vị, tổ chức khoa học công nghệ trong lĩnh vực du lịch: Đại diện Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của các tỉnh thành (Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Nam Định, Quảng Trị, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng…); Các đại diện đến từ các Viện nghiên cứu, trường Đại học; Bảo tàng, Ban quản lý di tích; Các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch; Đại diện một số doanh nghiệp du lịch; Cơ quan báo chí và các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch.

    TS. Nguyễn Anh Tuấn phát biểu khai mạc hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho biết, du lịch giáo dục là một loại hình du lịch mới nổi, dựa trên việc khai thác các lợi thế về lịch sử, văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, phong tục tập quán địa phương; hướng tới những đối tượng du khách là người yêu thích khám phá, trải nghiệm, nghiên cứu chuyên sâu như học sinh, sinh viên, người làm công tác nghiên cứu.

    Thực tế cho thấy, giáo dục và du lịch trong quá trình phát triển luôn song hành và bổ sung cho nhau. Một trong nhiều cách thú vị để có được giáo dục tích cực là thông qua du lịch và lữ hành. Thông qua du lịch giáo dục, mọi người có thể tìm hiểu thêm về các chương trình hoặc mục tiêu học tập của mình cũng như môi trường tự nhiên, môi trường kinh tế xã hội và môi trường văn hóa xung quanh. Thuật ngữ “du lịch giáo dục” cũng chỉ ra các trải nghiệm du lịch giáo dục được lên kế hoạch và tạo ra với mục đích đáp ứng hoặc hoàn thành chính xác các mục tiêu giáo dục. Các chuyến tham quan và du lịch như vậy cho phép sinh viên và người tham gia có được trải nghiệm học tập toàn cầu và trọn đời với chất lượng đẳng cấp thế giới, giúp nâng cao đáng kể kiến ​​thức của họ bên ngoài lớp học. Những yếu tố vui vẻ kết hợp với việc học chất lượng cao trong các kỳ nghỉ và trong các trải nghiệm du lịch giáo dục có thể tạo sức hút cao hơn với nhiều phân khúc thị trường đồng thời tạo ra lợi ích nhiều mặt với các bên liên quan. Nhu cầu ngày càng tăng đối với việc học các kỹ năng mới và tiếp thu kiến ​​thức từ những nơi tốt nhất trên trái đất đã hình thành loại hình du lịch giáo dục trên toàn cầu như một ngành du lịch và lữ hành độc đáo đáp ứng xu hướng phát triển mới của du lịch. 

    Du lịch trải nghiệm giáo dục nhận được sự ủng rộng rãi của toàn xã hội. Sự tham gia tích cực của các bên liên quan đã hình thành một chuỗi dịch vụ gồm hệ thống các điểm đến, các cơ sở du lịch trải nghiệm, trại nghiên cứu theo chủ đề, lớp học du lịch trải nghiệm giáo dục… tạo nên các sản phẩm du lịch trải nghiệm phong phú thu hút lượng khách rất lớn. Đáng chú ý, bên cạnh các điểm đến quen thuộc, một số địa phương còn xây dựng một loạt công trình văn hóa mới phục vụ du lịch trải nghiệm, học tập và nghiên cứu để đón đầu xu hướng. 

    Tiếp đó, chủ nhiệm nhiệm vụ bà Nguyễn Thị Lan Hương – Trưởng phòng Phòng Thị trường, Sản phẩm và Quản lý khoa học đã trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu: “Giải pháp phát triển loại hình du lịch giáo dục tại Việt Nam”. Theo bà Hương, du lịch giáo dục là trải nghiệm học tập được tổ chức và quản lý bởi các tổ chức giáo dục và tổ chức kinh doanh du lịch ngoài nơi cư trú thường xuyên của người học. Việc học tập được thực hiện kết hợp với các loại hình du lịch phù hợp để đáp ứng nhu cầu của người học và mục tiêu của tổ chức. Tại Việt Nam, theo khảo sát, chất lượng cơ sở lưu trú và cơ sở ăn uống được lựa chọn trong các chương trình du lịch giáo dục chưa đồng đều. Các công trình vui chơi, giải trí gắn với điểm du lịch giáo dục còn đơn giản, chủ yếu tập trung vào hoạt động tham quan, bơi lội, chơi bóng, đánh cầu hoặc kết nối nhóm (team building). Đáng nói, nhân lực tại các điểm du lịch còn ít, kiêm nhiệm nhiều hoạt động, trình độ nhân lực chưa cao, hạn chế về kiến thức, kinh nghiệm và ít có cơ hội được giao lưu, học hỏi. Các sản phẩm du lịch giáo dục hiện nay thường gắn với chủ đề: Lịch sử và văn hóa, Môi trường và sinh thái, Khoa học và công nghệ, Ngôn ngữ. Đối tượng khách được chia thành nhiều độ tuổi.

    Để phát triển du lịch giáo dục, chủ nhiệm đề cập đến định hướng nghiên cứu thị trường, phát triển nhiều sản phẩm phù hợp với phân khúc thị trường và xu hướng du lịch giáo dục quốc tế. Bên cạnh việc khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương, các sản phẩm du lịch giáo dục phải xây dựng được quan hệ liên kết hợp tác với các tổ chức giáo dục, được tiếp thị và quảng bá tốt hơn nữa.

    Bà Nguyễn Thị Lan Hương, chủ nhiệm nhiệm vụ trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu

    Ngay sau báo cáo kết quả nghiên cứu là các bài trình bày tham luận của các chuyên gia: Ông Nguyễn Đức Thắng – Trưởng Khoa Du lịch, trường Đại học Đông Á (Tổng thư ký liên chi hội Đào tạo Du lịch Việt Nam) trình bày tham luận với chủ đề: “Phát triển du lịch giáo dục – rào cản và định hướng trong thời kỳ mới. Ông Phùng Quang Thắng – Phó chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam trình bày tham luận: “Tăng cường trải nghiệm trong sản phẩm du lịch giáo dục”; và Bà Nguyễn Thị Trang, Giám đốc Khu du lịch Quảng Ninh Gate trình bày tham luận: “Phát triển mô hình nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp với du lịch giáo dục tại khu du lịch Quảng Ninh Gate, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh”.

    Sau phần trình bày tham luận, các đại biểu tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan đến hiện trạng phát triển loại hình du lịch giáo dục, các khó khăn, vướng mắc hiện tại và những vấn đề liên quan khác. Các đại biểu tham dự hội thảo đồng tình và đánh giá cao báo cáo tham luận nghiên cứu và đã có thêm những ý kiến đóng góp quý báu.

    Tổng kết và bế mạc hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn cảm ơn những ý kiến đánh giá, đóng góp rất tâm huyết và cởi mở của các đại biểu tham dự Hội thảo, đây sẽ là những thông tin hữu ích để giúp nhóm nghiên cứu hoàn thiện báo cáo và chuẩn bị trình nghiệm thu nhiệm vụ.

    Toàn cảnh hội thảo

    Tin & ảnh: Nguyễn Phương

    Bài cùng chuyên mục