Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Cuộc họp lần thứ 17 của Hội đồng Tư vấn Du lịch

    Ngày 22/4/2021, tại khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội, 56 Lý Thái Tổ, Hà Nội diễn ra cuộc họp lần thứ 17 của Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB). Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) và ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch TAB đồng chủ trì cuộc họp. Đến dự còn có ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ VHTTDL; Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL); các thành viên của TAB; đại diện các vụ chức năng của TCDL; Phái đoàn Liên minh châu Âu; Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ; Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Cục Hàng không, Bộ GTVT; các chuyên gia tư vấn và phóng viên báo chí.
    Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh du lịch Việt Nam vẫn đang đứng trước thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra, cùng với sự sụt giảm lượng khách và doanh thu, gây khó khăn cho ngành và triển vọng phục hồi trong thời gian tới. Vì vậy, thông qua cuộc họp này, TAB mong muốn sẽ có kết quả như dự kiến trên 3 phương diện: (1) Du lịch Việt Nam mở cửa trở lại an toàn (2) Biến thách thức của cuộc khủng hoảng trở thành cơ hội tạo ra bước tiến lớn? (3) Coi thị trường du lịch nội địa như là một phương tiện cứu cánh trong thời gian tới.
    Phát biểu chào mừng cuộc họp, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nêu những điểm khái quát về thực trạng ngành trong tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới và Việt Nam. Tổng cục trưởng nhấn mạnh du lịch nội địa là ưu tiên trong năm 2021, đánh giá cao hoạt động và kết quả cuộc khảo sát của TAB, làm cơ sở để đề xuất giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và từng bước an toàn mở cửa trở lại đối với khách du lịch quốc tế. TCDL ủng hộ TAB với vai trò là cầu nối, là diễn đàn hiệu quả góp phần phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam.
    Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL nhấn mạnh các vấn đề các đại biểu cần quan tâm. Làm thế nào để phát triển du lịch nội địa bền vững và để du lịch nội địa sẽ cứu cánh cho ngành du lịch dựa trên chiến lược dài hạn; giải pháp để vượt qua khó khăn hiện nay liên quan đến chuyển đổi số và làm mới sản phẩm du lịch như thế nào cho có hiệu quả; cần làm gì để thực hiện kế hoạch mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế.

    Các đại biểu tại cuộc họp lần thứ 17 của TAB chụp ảnh lưu niệm

    Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận và thống nhất ý kiến dựa trên các vấn đề Bộ trưởng đặt ra. Theo đó, các nội dung chính đã được nhất trí như sau:
    – Trong thời gian trước mắt, việc tập trung hơn nữa nghiên cứu, tạo điều kiện phát triển thị trường nội địa có ý nghĩa thiết thực và góp phần phát triển du lịch bền vững trong dài hạn. Thị trường nội địa cần được thúc đẩy dựa trên tạo dựng niềm tin và giá trị tương xứng với mức chi phí hợp lý, không đồng nghĩa với việc kích cầu giảm giá. Để phát triển bền vững du lịch nội địa, cần tăng cường truyền thông, marketing, khuyến khích đầu tư về cơ sở hạ tầng, tăng sức chứa, thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm đối với khách hàng, nhân viên và cộng đồng doanh nghiệp.
    – Trong thời điểm này, cần khuyến khích các doanh nghiệp đi tiên phong trong việc tiếp cận xu hướng mới và sản phẩm mới để phù hợp với yêu cầu phát triển. Du lịch vaccine có thể là một xu hướng trên thế giới. Khách du lịch outbound sẽ có xu hướng tìm đến các quốc gia có vaccine. Ngược lại, khách du lịch inbound sẽ có thể là thị trường khách Việt Nam ở nước ngoài được tiêm vaccine trở về nước. Vì vậy, cần có chính sách riêng đối với thị phần khách này. Bên cạnh đó, các xu hướng lớn trong du lịch cần tiếp tục được quan tâm nghiên cứu và phát triển, gồm du lịch xanh, có trách nhiệm với môi trường, kinh tế – xã hội; chuyển đổi số trong du lịch. Chuyển đổi số để nâng cao trải nghiệm khách hàng, tạo mô hình kinh doanh mới, đạt được hiệu quả cao hơn trong kinh doanh, đặc biệt, đối với các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ của Việt Nam.
    – Đề án thí điểm đón khách quốc tế trở lại sẽ cần có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều bộ ngành, trong đó có bộ Y tế – cơ quan kiểm soát về sức khỏe và các quy chuẩn y tế, bộ Giao thông vận tải – cơ quan quản lý vấn đề vận chuyển hàng không, đưa ra quyết định lựa chọn sân bay đón khách, bộ Công an – cơ quan quyết định về các thủ tục xuất nhập cảnh cần thiết, bộ VHTTDL – cơ quan quản lý về du lịch và điểm đến du lịch an toàn cho du khách… Trong đó, Bộ VHTTDL, với vai trò là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về du lịch sẽ đưa ra ý tưởng trước để các bộ ngành khác góp ý.
    Kết thúc cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng một lần nữa nhấn mạnh: Bộ VHTTDL, TCDL đánh giá cao TAB trong việc nghiên cứu, tư vấn về hoạch định chính sách phù hợp và đúng thời điểm. Sau cuộc họp này, TAB sẽ tập hợp ý kiến để gửi lên Bộ VHTTDL, TCDL về các khuyến nghị chính sách để phục hồi, phát triển du lịch trong những năm tới.

    Chiến Thắng

    Bài cùng chuyên mục