WB và UNWTO phối hợp hỗ trợ ngành du lịch Việt Nam phục hồi và phát triển bền vững
Ngày 29/5, tại trụ sở Tổng cục Du lịch đã diễn ra cuộc họp trực tuyến giữa Tổng cục Du lịch và nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WBG), Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), PATA để bàn về việc phối hợp hỗ trợ ngành du lịch Việt Nam phục hồi và phát triển bền vững sau đại dịch COVID-19. Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đồng chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp trực tuyến còn có các chuyên gia quốc tế của Ngân hàng Thế giới (WB) gồm ông Ahmed Eiweida, Điều phối viên toàn cầu về Di sản văn hóa & Du lịch bền vững, ông Brian Mtonya, Chuyên gia kinh tế cấp cao, chuyên gia của UNWTO, ông Zorita Urosevic, Giám đốc Ban Đối tác và Quan hệ Thể chế, bà Suman Billa, Giám đốc Chương trình Phát triển Hợp tác kỹ thuật và Con đường Tơ lụa; về phía Hiệp hội Du lịch châu Á – Thái Bình Dương (PATA) có ông Paul Pruangkarn, Giám đốc Truyền thông và đối ngoại và nhiều chuyên gia khác của các cơ quan và đơn vị chức năng của Tổng cục Du lịch.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu đã chia sẻ những thông tin về tình hình của ngành du lịch Việt Nam thời gian qua dưới tác động của đại dịch Covid-19. Để khôi phục ngành du lịch, Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh tới nhu cầu cần thiết phải đẩy mạnh đầu tư công để làm đòn bẩy phát triển cho doanh nghiệp vận hành trong mô hình kinh doanh mới, sáng tạo khởi nghiệp, chuyển đổi kinh tế số, kết nối doanh nghiệp và thu hút nguồn nhân lực du lịch, tạo việc làm. Phó Tổng cục trưởng cũng bày tỏ hy vọng đây là cơ hội để ngành du lịch nghiên cứu và đưa ra giải pháp làm mới và cấu trúc lại hệ thống doanh nghiệp và quản lý kinh doanh du lịch theo hướng bền vững hơn.
Đại diện phía WB, bà Jessie McComb, Cán bộ điều hành và ông Brian Mtonya, Chuyên gia kinh tế cao cấp chia sẻ thông tin về tình hình phát triển du lịch trên thế giới và trong khu vực, trình bày 6 khuyến nghị về chính sách và phát triển khu vực tư nhân. Theo đó, các khuyến nghị ngắn hạn (6 đến 12 tháng) gồm các biện pháp đảm bảo sức khỏe người dân và an toàn cho người lao động ngành du lịch và du khách; Khuyến nghị trung hạn (12 đến 24 tháng) gồm (a) tập trung xây dựng chiến lược mục tiêu nhằm khôi phục du lịch, (b) thúc đẩy các mô hình kinh doanh du lịch trên nền tảng kỹ thuật số cho hệ sinh thái ngành du lịch và (c) nâng cao chất lượng điểm đến, quản lý, chất lượng sản phẩm và tăng cường kết nối điểm đến; Khuyến nghị dài hạn (12 đến 36 tháng) chú trọng vào đẩy mạnh môi trường thuận lợi nhằm hỗ trợ tăng trưởng du lịch lâu dài và bền vững.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đánh giá cao tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch gắn với thiên nhiên, trong đó lưu ý tới sản phẩm du lịch đảm bảo an toàn và giải pháp ưu tiên khai thác du lịch nội địa và sau đó là du lịch quốc tế. Bà Suman Billa chia sẻ, UNWTO rất tích cực trong việc hỗ trợ các quốc gia thành viên khắc phục hậu quả của dịch COVID-19. UNWTO hoan nghênh sáng kiến của WB ủng hộ cho các hoạt động marketing, quảng bá, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi giá trị du lịch. Bà nhấn mạnh, trong lĩnh vực phát triển thị trường cần có các kịch bản khác nhau, theo đó cần xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng quốc gia. UNWTO có thể hỗ trợ các quốc gia về chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và xây dựng quy hoạch tổng thể để phù hợp với bối cảnh cụ thể.
Ông Kyle Kelhofer, đồng chủ tọa cuộc họp nhấn mạnh 3 lĩnh vực mà Việt Nam có thể chú trọng kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ: (1) điểm đến an toàn đang hồi phục với dư địa lớn của du lịch nội địa, triển vọng hồi phục du lịch quốc tế và phát triển đa dạng các loại hình du lịch khác; (2) Trong chuỗi giá trị ngành du lịch, du lịch nội địa đóng góp khoảng 70 – 75% tổng giá trị gia tăng, có nghĩa là du lịch quốc tế chiếm phần còn lại khoảng 25 – 30%. Vấn đề tương tự đối với các ngành khác như chế tạo máy, nông nghiệp… Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, cần phải liên kết các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước với các doanh nghiệp đa quốc gia hoặc doanh nghiệp nước ngoài để tăng thêm vị thế cho doanh nghiệp Việt Nam và tăng thêm tỷ phần đóng góp của họ trong chuỗi giá trị; (3) Nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động ngành du lịch nhờ tăng cường hiệu quả của mối quan hệ đối tác công tư trong việc hỗ trợ phát triển đào tạo. Một định hướng đáng quan tâm là nâng cấp các cơ sở giáo dục đào tạo của Việt Nam đủ điều kiện quốc tế để sinh viên Việt Nam có thể học chuẩn kiến thức quốc tế nhưng không phải ra nước ngoài.
Phát biểu kết thúc cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu một lần nữa đánh giá cao sáng kiến tổ chức cuộc họp trực tuyến của WB, UNWTO, PATA và tham gia đóng góp những ý kiến quý báu cho ngành du lịch Việt Nam. Phó Tổng cục trưởng bày tỏ lời cảm ơn chân thành và tin tưởng trong tương lai ngành du lịch sẽ huy động những kênh hỗ trợ của các bên liên quan trong nước và quốc tế cả về tri thức và kỹ năng, nâng cao năng lực nguồn nhân lực, đầu tư, tăng cường thể chế, phát bền vững và hiệu quả trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Chiến Thắng