Khảo sát tình hình phát triển du lịch golf và du lịch khu vực ven biển tại các tỉnh Bình Định – Phú Yên – Khánh Hòa
Từ ngày 05/8 đến 09/8/2019, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã kết hợp thực hiện khảo sát nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng năm 2019 là
“Phân tích, đánh giá xu hướng phát triển du lịch golf ở Việt Nam” và nhiệm vụ thuộc Chương trình hành động quốc gia về du lịch “Hỗ trợ cộng đồng dân cư ven biển chuyển đổi sinh kế, phát triển du lịch”. Đoàn khảo sát do TS. Đỗ Thị Thanh Hoa – Phó Viện trưởng làm trưởng đoàn cùng với các cán bộ nghiên cứu viên của Viện đã đi thực địa một số sân golf và các cộng đồng dân cư khu vực ven biển, đánh giá khả năng chuyển đổi, mở rộng sinh kế tại một số tỉnh miền trung, cụ thể tại Bình Định – Phú Yên – Khánh Hòa.
Tại Bình Định, đoàn công tác của Viện đã có buổi họp xin ý kiến với đại diện Sở Du lịch Bình Định, Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, Sở Lao động – Thương binh và xã hội Bình Định, Hiệp hội du lịch Bình Định, Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch, BQL sân golf, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành tại địa phương,… Tại buổi làm việc, các bên đã có những trao đổi, thảo luận cụ thể, cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho đoàn công tác về tiềm năng, thực trạng du lịch golf, những yêu cầu định hướng phát triển du lịch golf tại Bình Định và những thông tin đánh giá tiềm năng, hiện trạng cũng như định hướng chuyển đổi sinh kế các làng khu vực ven biển gắn với phát triển du lịch và đề xuất, kiến nghị của địa phương.
Sau đó, đoàn khảo sát đã đi thực tế và thu thập tài liệu, điều tra về hiện trạng phát triển golf tại FLC Quy Nhon Golf Links và về hỗ trợ phát triển du lịch tại các làng nghề ven biển tại khu vực Bãi Xép, Ghềnh Ráng, Tp. Quy Nhơn; xã Nhơn Hải, Nhơn Lý; xã Cát Khánh, huyện Phù Cát…
Tiếp đó, tại Phú Yên, đoàn đã tới khảo sát thực tế về hiện trạng phát triển du lịch gắn với làng nghề ven biển tại làng dệt chiếu Phú Tân thuộc xã An Cư (huyện Tuy An, Phú Yên); Làng nghề hấp sấy cá cơm Xuân Hòa (thị xã Sông Cầu); Làng làm nước mắm Gành Đỏ tại thôn Tân Thạnh, xã Xuân Thọ 2, huyện Sông Cầu; Làng nghề đan thuyền thúng Phú Mỹ tại thôn Phú Mỹ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên)… Đoàn cũng có buổi làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Yên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Phú Yên , Hiệp hội Du lịch Phú Yên , Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch… để thu thập số liệu hiện trạng, cũng như lắng nghe những định hướng phát triển các làng nghề gắn với du lịch tại địa phương.
Cuối cùng, tại Khánh Hòa, để đánh giá tình hình phát triển du lịch golf tại địa phương, đoàn công tác của Viện đã tới khảo sát 02 sân golf của Khánh Hòa là sân Diamond Bay Golf & Villas và sân KN Golf Link. Đoàn có buổi làm việc trao đổi cởi mở với đại diện ban quản lý sân golf xoay quanh một số nội dung như đối tượng khách du lịch golf, đào tạo nhân lực phục vụ du lịch golf, các hình thức xúc tiến quảng bá, vấn đề bảo vệ môi trường tại các sân golf, liên kết với doanh nghiệp du lịch để phát triển du lịch golf… Qua trao đổi, đại diện ban quản lý các sân golf cũng đề xuất một số chính sách nhằm hỗ trợ phát triển du lịch golf tại địa phương cũng như du lịch golf ở Việt Nam như cần hỗ trợ chính sách thuế, đào tạo nhân lực, đơn giản hóa các thủ tục hành chính…
Chuyến công tác đã kết thúc tốt đẹp với những kết quả về thu thập thông tin, tư liệu cần thiết, bước đầu đánh giá về hiện trạng, tiềm năng phát triển du lịch golf và hỗ trợ cộng đồng dân cư ven biển chuyển đổi sinh kế, phát triển du lịch tại miền Trung phục vụ cho các nhiệm vụ nghiên cứu./.
Hoàng Mai – Thái Hà