Khảo sát các làng nghề truyền thống ven biển Bắc Bộ tại Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình
Thực hiện nhiệm vụ thuộc Chương trình hành động Quốc gia về du lịch 2020 “Nghiên cứu, xây dựng thí điểm mô hình hỗ trợ, chuyển đổi sinh kế làng nghề truyền thống ven biển Bắc Bộ”, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã tổ chức đoàn khảo sát do TS. Đỗ Thị Thanh Hoa – Phó Viện trưởng làm trưởng đoàn cùng các cán bộ nghiên cứu tham gia khảo sát đợt 2 tại 3 tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình từ ngày 09/11 – 14/11/2020.
Trong chuyến khảo sát, đoàn đã đến làm việc, tiếp xúc và phỏng vấn một số hộ gia đình tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn 3 tỉnh như Làng chạm bạc Đồng Sâm, làng Mây tre đan Tây An và làng Muối Thụy Hải (Thái Bình); làng Đúc Đồng Ý Yên, làng gỗ La Xuyên, làng múa rối và sơn mài Yên Tiến, Làng cây cảnh Điền Xã – Nam Trực (Nam Định); Làng thêu ren Văn Lâm, Làng nghề cói, bèo bòng thuộc huyện Kim Sơn (Ninh Bình). Tại Ninh Bình, đoàn cũng đã có buổi làm việc với Sở Du lịch tỉnh nhằm làm rõ thực trạng phát triển các làng nghề truyền thống tại địa phương, cũng như những định hướng của tỉnh, đồng thời đưa ra những khuyến nghị trong việc duy trì văn hóa các làng nghề để gắn với việc phát triển du lịch, mở rộng và hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng địa phương.
Qua quá trình làm việc với các cán bộ địa phương, và trao đổi, phỏng vấn các hộ làm nghề truyền thống, nhận thấy:
– Các nghề thủ công truyền thống phổ biến tại các tỉnh khảo sát: sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ, các làng nghề phục vụ sản xuất đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản
– Thu nhập bình quân của các lao động làng nghề không đồng đều giữa các khu vực. Giao động từ 3-5 triệu/tháng (khu vực có thu nhập thấp) cá biệt có những khu vực từ 10 triệu/tháng trở lên.
– Nhân lực làm nghề chủ yếu có độ tuổi từ 45 – 70 tuổi; những người đã nghỉ hưu, không đủ sức lao động, phụ nữ, người già, trẻ em, người khuyết tật, những người yếu thế trong xã hội, những người bị mất ruộng đất do quy hoạch phát triển khu du lịch và các khu công nghiệp.
– Thị trường tiêu thụ sản phẩm nghề truyền thống bao gồm trong nước và nước ngoài. Các mặt hàng thêu ren, cói bèo bồng, mây tre đan… chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Hiện nay, mức độ yêu cầu về sản phẩm cả về chất lượng và mẫu mã khá đa dạng, chất lượng cao. Lượng đặt hàng cá biệt có nơi đạt trên 300% tính từ tháng 6 năm 2020. Thị trường chủ yếu là Mỹ và các nước Châu Âu, Nhật Bản.
– Ngoài ra, qua quá trình khảo sát, đoàn cũng nhận thấy rằng, các làng nghề truyền thống ven biển Bắc Bộ đang chủ yếu duy trì theo hai hướng:
• Đang dần mai một bởi những việc duy trì nghề truyền thống không thể đảm bảo được sinh kế cho người dân địa phương.
• Đang phát triển thịnh vượng, người dân có thể sống tốt với nghề, thậm chí hình thành nên những doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công truyền thống và tập trung vào thương mại, xuất khẩu nước ngoài.
Tuy nhiên, việc phát triển du lịch bị đứt gãy khá nhiều đặc biệt là với những khu vực mức độ sản xuất đáp ứng nhu cầu xuất khẩu tăng cao. Còn lại phần lớn chưa được tiếp xúc và phát triển theo hướng kết hợp với du lịch.
Một số hình ảnh của đoàn khảo sát:
Phương Mai