Khai thác tiềm năng du lịch huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi
Du lịch nông nghiệp gắn với trải nghiệm nghề truyền thống đã bước đầu đem đến cho du khách cảm giác mới lạ, sự tò mò, thú vị, góp phần nâng cao đời sống cho người dân địa phương. mô hình du lịch cộng đồng, homestay kết hợp trải nghiệm. Huyện Mộ Đức, thị trấn Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi mang trong mình đầy đủ nguồn tài nguyên thiên nhiên và những giá trị nhân văn quý giá, làm tiền đề cho phát triển du lịch nông nghiệp, nghỉ dưỡng, sinh thái. Mộ Đức có các ngành nghề truyền thống của xã như: Bánh tráng, mạch nha, nghề rèn, mộc… có thể xem xét khai thác phát triển du lịch để giúp du khách hiểu hơn phần nào về tập quán sinh hoạt, lao động, bên cạnh các danh lam, thắng cảnh của địa phương.
Nằm ở phía Nam sông Vệ, cách thành phố Quảng Ngãi gần 25km, cách sân bay Chu Lai hơn 60km, huyện Mộ Đức có dân số xấp xỉ 150 nghìn người, chủ yếu làm nông, lâm, ngư nghiệp trên tổng diện tích khoảng 212km2 được chia thành 12 xã và một thị trấn. Để đón đầu tuyến đường ven biển Quảng Ngãi – Sa Huỳnh đang được triển khai trên địa bàn, ông Phạm Ngọc Lân, Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức cho biết trong đề án phát triển du lịch 2021-2030, toàn huyện quyết tâm phát triển du lịch nông nghiệp, văn hóa cộng đồng, nghỉ dưỡng sinh thái biển và nước khoáng nóng theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả và bền vững, tạo ra sự khác biệt nhằm khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của mình trên bản đồ du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước. Ông cho biết thêm UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ra Văn bản số 162/QĐ-UBND năm 2019 về việc phê duyệt nhiệm vụ và dự toán Quy hoạch xây dựng phát triển vùng huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch vùng huyện Mộ Đức bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính huyện Mộ Đức, với quy mô diện tích 214,01km², gồm thị trấn Mộ Đức và 12 xã (Đức Nhuận, Đức Lợi, Đức Thắng, Đức Hiệp, Đức Hòa, Đức Chánh, Đức Thạnh, Đức Minh, Đức Tân, Đức Phú, Đức Phong và Đức Lân). Việc quy hoạch này với mục tiêu xây dựng và phát triển các khu vực trên địa bàn huyện Mộ Đức phù hợp với quốc phòng; bảo vệ cảnh quan môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững; Định hướng phát triển các đô thị, cụm công nghiệp và khu dân cư nông thôn trên cơ sở phân bố hợp lý mạng lưới công nghiệp – đô thị đồng bộ, hiện đại về hạ tầng xã hội cũng như hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo môi trường, giữ vai trò là động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế – xã hội của huyện và vùng lân cận.
Mộ Đức rất tự hào là quê hương của nhà chính trị lỗi lạc, nhà văn hóa lớn Phạm Văn Đồng mà người dân nơi đây thường thân mật gọi là bác Đồng. Khu lưu niệm cố Thủ tướng được xây dựng gần bờ sông Thoa, ngay khu du lịch văn hóa cộng đồng xóm Cây Gạo và xóm Thanh Thủy, xã Đức Tân bên cạnh quốc lộ 1A, hàng năm đón hơn 50 nghìn lượt khách đến thăm. Cách khu lưu niệm không xa là tượng đài chiến thắng Mỏ Cày và ngọn Núi Lớn, một trong những chiến khu của đội du kích Ba Tơ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1945.
Huyện còn được biết đến là vựa lúa mẫu, điển hình của tỉnh Quảng Ngãi, tạo bước đột phá về năng suất theo hướng chuyên canh với mô hình “cánh đồng 20 tấn”. Bên cạnh việc phát triển nông nghiệp, vị trí địa lý miền duyên hải Nam Trung Bộ đã ban tặng cho Mộ Đức tới 23km đường bờ biển. Dù chỉ là biển ngang không mấy thuận lợi cho việc đánh bắt nhưng là ngư trường tốt cho nuôi trồng hải sản và tiềm năng phát triển du lịch với những bãi biển đẹp đầy cát trắng dài miên man được tô điểm bởi những cánh rừng dương phòng hộ thẳng tắp tại địa bàn các xã như Đức Lợi, Đức Minh, Đức Phong… chưa kể đến các hồ, suối, thác vùng phụ cận như hồ Đá Bàn, Giếng Tiên, Hóc Sằm, Hóc Mít, thác Suối Mơ…
Nơi đây còn có nguồn nước khoáng nóng tự nhiên có thể luộc chín trứng nằm ngay sát quốc lộ 24 và quốc lộ 1A, giữa cánh đồng thôn Thạch Trụ, xã Đức Lân. Ông Võ Việt Cường, Trưởng phòng Văn Hóa – Thông Tin huyện Mộ Đức cho biết dự án Khu dịch vụ du lịch Quê Hương do Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Quê Hương làm chủ đầu tư đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp quyết định chủ trương đầu tư năm 2017 mở rộng qui mô với diện tích khoảng 23.276m2 gồm: khu vui chơi, giải trí, công viên nước; khu dịch vụ du lịch sinh thái suối khoáng nóng; khách sạn 100 phòng, 05 tầng với tổng diện tích sàn xây dựng 5.000m2; khu nghỉ dưỡng VIP với 12 Bungalow đơn, tổng diện tích sàn xây dựng 480m2, các hạng mục công trình xây dựng và phụ trợ khác và Quyết định số 875/QĐ-UBND năm 2019 chấp thuận chủ trương đầu tư của Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Long Phụng đối với Dự án Tổ hợp chăm sóc phục hồi sức khỏe, làm đẹp, du lịch và nghỉ dưỡng tại khu suối khoáng nóng Thạch Trụ, xã Đức Lân, dự án đầu tư các hạng mục Quảng trường Nam thiên Nhất Thạch Trụ, văn phòng nhà ở công nhân viên, resort, biệt thự nghỉ dưỡng, khu Spa, khu vật lý trị liệu, suối Thạch Tuyền, hồ khoáng nóng trên diện tích gần 2ha.
Về với Mộ Đức, một điều dễ dàng nhận thấy đó là sự chuyển mình của bộ mặt thôn quê nơi đây. Hệ thống đường xá giao thông liên thôn, liên xã thông suốt từ hợp tác xã trồng nấm Đức Nhuận ra làng nghề mạch nha truyền thống xã Đức Hòa, trang trại nuôi bò sữa Vinamilk xã Đức Phú rồi làng bánh mè xã Đức Phong tới làng rau hữu cơ An Mô xã Đức Lợi và đến tận khu nuôi trồng thủy sản xã Đức Minh…
Đặc biệt bà con thôn Dương Quang, xã Đức Thắng trong quá trình canh tác nông nghiệp dưới chân núi Long Phụng, đã tình cờ làm phát lộ các hiện vật bằng gốm thuộc di chỉ khảo cổ của nền văn hóa Sa Huỳnh. Đời sống văn hóa, tinh thần của bà con trên địa bàn được nâng cao. Huyện đã thành lập câu lạc bộ hát Bài Chòi, lập đội múa Sắc Bùa, tổ chức lễ hội ngày mùa và hội chợ văn hóa, ẩm thực, làng nghề nhằm bảo tồn và tôn vinh những giá trị truyền thống quê hương.
Tuy nhiên cho đến tận bây giờ, tất cả vẫn chỉ mới ở dạng tiềm năng, hoang sơ chưa được khai thác một cách hợp lý và hiệu quả. Ông Võ Việt Cường cho biết thêm, ngoài khu lưu niệm cố Thủ tướng, các hoạt động du lịch trên địa bàn huyện hiện nay còn rất khiêm tốn. Toàn huyện mới chỉ có một đơn vị có đăng ký chức năng kinh doanh lữ hành, một khách sạn và hơn 30 nhà nghỉ làm dịch vụ lưu trú. Thiết nghĩ, để từng bước phát triển du lịch nông nghiệp, sinh thái, cộng đồng trên địa bàn huyện Mộ Đức, cần xem xét một số khía cạnh như sau:
Về dịch vụ Homestay
– Nhà ở phải gắn với sân vườn và khung cảnh thiên nhiên để vừa bảo đảm nét đặc trưng riêng của từng nhà, vừa hoà vào không gian chung của làng xóm.
– Đảm bảo kiến trúc truyền thống trong các công trình xây dựng của các hộ gia đình như cổng ngõ, tường rào được sử dụng các vật liệu tự nhiên ở địa phương, hạn chế xây tường gạch bao quanh.
– Người dân có thái độ ứng xử thân thiện với khách du lịch, niềm nở chào đón khách và luôn tạo cảm giác an toàn, thoải mái cho khách trong thời gian lưu trú tại nhà;
– Cần có nhà vệ sinh riêng dành cho khách. Bên cạnh đó, cần có không gian tiện nghi cho khách sử dụng (tủ cất đồ, thay đồ, phòng ngủ, nơi ăn uống, sinh hoạt chung với chủ nhà…).
Dịch vụ cung ứng hàng hóa bản địa:
Sản xuất và cung ứng các loại rau cho thị trường; cung ứng thực phẩm tươi/chế biến; cung ứng hàng lưu niệm, đặc sản của địa phương.
Dịch vụ tham quan, văn nghệ, giải trí
– Thành lập đội hướng dẫn tham quan theo yêu cầu của khách du lịch.
– Dịch vụ văn nghệ: Thành lập câu lạc bộ diễn xướng dân gian, tổ chức tập luyện và biểu diễn định kỳ, gắn với cuối tuần, cuối tháng, ngày lễ hội…
Rời mảnh đất này trên nền tuyến đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh đi qua địa bàn huyện Mộ Đức đang còn ngổn ngang, dang dở, hy vọng một ngày không xa, du lịch nơi đây sẽ có nhiều khởi sắc như kỳ vọng và tâm huyết của lãnh đạo và nhân dân huyện Mộ Đức can trường.
Nguyễn Văn Gia