Hội thảo trực tuyến “Phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm vùng Đông Bắc”
Ngày 30/9/2021, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch tổ chức Hội thảo trực tuyến “Phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm vùng Đông Bắc”, đây là hoạt động thuộc khuôn khổ nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng năm 2021 của Viện về “Phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm vùng Đông Bắc”. TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện NCPT Du lịch chủ trì Hội thảo. Tham dự hội thảo có đại diện Lãnh đạo Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ Thị trường Du lịch, đại diện các Vụ chức năng và đơn vị sự nghiệp thuộc Tổng cục Du lịch; đại diện Cục An ninh đối ngoại (Bộ Công an); đại diện Lãnh đạo 04 Sở VHTTDL các tỉnh tiểu vùng Đông Bắc: Hà Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Bắc Kạn, đại biểu đại diện cho các Sở VHTTDL: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Giang và Cao Bằng. Ngoài ra, hội thảo còn có sự góp mặt của các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, lãnh đạo các doanh nghiệp du lịch cùng các nghiên cứu viên của Viện NCPT Du lịch.
Mở đầu, trong bài phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh: du lịch mạo hiểm là một xu hướng phát triển rất mạnh trên toàn thế giới trong những năm gần đây. Đất nước chúng ta sở hữu tiềm năng phát triển du lịch mạo hiểm rất lớn, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thị trường này, đặc biệt là các tỉnh khu vực tiểu vùng Đông Bắc. Tuy nhiên hiện nay sự phát triển du lịch mạo hiểm của các tỉnh trong vùng hầu như chưa phát triển, không tương xứng với tiềm năng lợi thế mà tự nhiên đã ưu ái ban tặng. Đẩy mạnh phát triển du lịch mạo hiểm các tỉnh tiểu vùng Đông Bắc trong thời gian tới, đặc biệt là giai đoạn hậu đại dịch sar-covi 2 khi ngành du lịch phục hồi là hướng đi đúng, phù hợp với các mục tiêu của ngành du lịch. Tại Việt Nam, nghiên cứu về du lịch mạo hiểm vẫn còn là một lĩnh vực mới mẻ, nhiều thuật ngữ, khái niệm còn chưa có sự thống nhất về cách hiểu giữa các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp. Thực tiễn phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm còn nhiều rào cản, khó khăn cần phải được chỉ ra và giải quyết. Hội thảo lần này bên cạnh việc xin ý kiến đóng góp để hoàn thiện báo cáo nhiệm vụ, cũng là một cơ hội tốt để các bên có liên quan cùng trao đổi, thảo luận đi đến thống nhất về nhận thức, quan điểm, cùng chia sẻ các kinh nghiệm phát triển du lịch mạo hiểm từ thực tiễn của địa phương, doanh nghiệp của mình cũng như tạo tiền đề cho sự hợp tác giữa các bên liên quan trong thời gian tới.
Thay mặt nhóm nghiên cứu, ThS. Nguyễn Quốc Hưng – chủ trì nhiệm vụ đã trình bày tóm lược kết quả nghiên cứu với những nội dung chính: (1) Cơ sở lý luận về du lịch mạo hiểm, (2) Thực trạng phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm tiểu vùng Đông Bắc, (3) Một số định hướng và giải pháp phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm vùng Đông Bắc.
Đóng góp ý kiến cho nhiệm vụ, TS. Nguyễn Văn Lưu đã trình bày bài tham luận về “Một số giải pháp liên kết, hợp tác trong phát triển loại hình du lịch mạo hiểm giữa 3 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn và các tỉnh trong vùng Đông Bắc; vai trò của Hiệp hội”. Trong tham luận, diễn giả đề xuất một loạt giải pháp liên kết hợp tác giữa các địa phương từ việc xây dựng, ban hành cơ chế chính sách, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho du lịch mạo hiểm đến xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu đến việc hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tiểu vùng Đông Bắc, hợp tác về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho du lịch mạo hiểm,…
Ông Nguyễn Tuấn Linh, Phó chủ tịch hiệp hội du lịch tỉnh Bắc Kạn, trình bày tham luận với chủ đề “Tiềm năng, thực trạng, định hướng, giải pháp và một số kiến nghị phát triển du lịch mạo hiểm tại tỉnh Bắc Kạn”. Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh tiềm năng phong phú, sự độc đáo, khác biệt của Vườn quốc gia Ba Bể so với các tài nguyên du lịch mạo hiểm của các tỉnh khác trong vùng. Ông cũng đề xuất nhiều ý tưởng hợp tác giữa Bắc Kạn với các tỉnh lân cận để hình thành các sản phẩm du lịch rất độc đáo.
Tiếp đó, ông Nguyễn Đức Anh – Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch và sự kiện Vplus Việt Nam trình bày tham luận với chủ đề “Kinh nghiệm tổ chức loại hình du lịch thể thao mạo hiểm và một số đề xuất phát triển loại hình du lịch thể thao mạo hiểm tại ba tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn và các tỉnh trong vùng Đông Bắc” với rất nhiều kinh nghiệm thực tế hoạt động của công ty mình, nhiều ý tưởng độc đáo về phát triển sản phẩm của công ty Vplus Việt Nam đưa ra được các đại biểu rất ngạc nhiên và thích thú.
Sau phần trình bày của các bài tham luận, hội thảo đã có phiên thảo luận góp ý sôi nổi. Các đại biểu tham dự, đặc biệt là đại diện các địa phương trong tiểu vùng Đông Bắc đều nhất trí cao với các nội dung nghiên cứu của nhiệm vụ, các đại biểu cho rằng nhiệm vụ rất có tính cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, các kết quả nghiên cứu nhiệm vụ là nguồn tham khảo hữu ích để các địa phương định hướng và phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm của địa phương, doanh nghiệp của mình trong thời gian tới.
Kết thúc hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn ghi nhận và cảm ơn những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đây sẽ là những ý kiến tham khảo quan trọng để nhóm nghiên cứu hoàn thiện báo cáo trước khi tổ chức nghiệm thu./.
Văn Dương