Hội thảo “Thực trạng và đề xuất phát triển du lịch tại các đảo ở vùng ven biển Việt Nam”
Trong khuôn khổ nhiệm vụ thuộc Chương trình hành động Quốc gia về Du lịch 2020, sáng ngày 11/12/2020, tại Khách sạn Thăng Long Opera, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã tổ chức Hội thảo “Thực trạng và đề xuất phát triển du lịch tại các đảo ở vùng ven biển Việt Nam”. Buổi hội thảo đã thu hút sự tham dự của đại diện các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Tổng cục Biển và Hải đảo; Tổng cục Du lịch; Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải; Cục An Ninh đối ngoại, Bộ Công An; đại diện lãnh đạo phòng Văn hóa thông tin của các huyện đảo như: Cô Tô (Quảng Ninh); Phú Quốc, Côn Đảo, Cát Bà; Hiệp hội Lữ hành, Hiệp hội Khách sạn; các viện nghiên cứu, các trường đại học, các doanh nghiệp lữ hành, các nhà nghiên cứu… Hội thảo được chủ trì bởi Bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch và TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương đã giới thiệu về nhiệm vụ, đồng thời nêu lên một số vấn đề về phát triển du lịch tại các đảo ở vùng ven biển Việt Nam, sự cần thiết phải đưa ra định hướng, giải pháp phát triển du lịch đảo xứng với tiềm năng thế mạnh, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch biển đảo trở thành sản phẩm du lịch chủ đạo của ngành du lịch Việt Nam theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 và Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bên cạnh đó, không chỉ dừng ở tiềm năng phát triển du lịch với vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, hệ thống các đảo vùng ven biển Việt Nam còn giữ vị trí vô cùng quan trọng đối với chính trị, an ninh quốc phòng. Có thể khẳng định việc khai thác tiềm năng đảo, ngoài việc đóng góp cho các ngành du lịch, kinh tế, còn khơi dậy được lòng tự hào dân tộc, ý thức gìn giữ môi trường, nâng cao được nhận thức về chủ quyền quốc gia. Việc khai thác tiềm năng, giá trị các đảo cũng nhằm mục đích cụ thể hóa quyền, nghĩa vụ của Việt Nam trong việc thực hiện Luật Biển 2013, thực thi các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế về biển, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Tiếp đó là phần trình bày báo cáo khái quát nhiệm vụ của ThS. Trần Thị Lan – Chủ trì nhiệm vụ. Trong đó, báo cáo tập trung vào 4 nội dung: Cơ sở khoa học phát triển du lịch đảo; Đánh giá thực trạng phát triển du lịch đảo vùng ven biển Việt Nam; Định hướng và giải pháp phát triển du lịch đảo vùng ven biển Việt Nam; Tổ chức thực hiện phát triển du lịch đảo vùng ven biển Việt Nam. Nhằm phát triển du lịch tại các đảo ven biển, nhóm nghiên cứu đã đề xuất phát triển theo sản phẩm du lịch đặc thù: du lịch tham quan tắm biển (bãi biển hoang sơ, vũng, vịnh); du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; du lịch thể thao mạo hiểm; du lịch khám phá địa chất, địa mạo; du lịch MICE; du lịch văn hóa; du lịch tàu biển; du lịch cộng đồng; du lịch ẩm thực… Tùy theo từng điều kiện, thế mạnh của mỗi vùng biển mà lựa chọn những sản phẩm phù hợp để tập trung phát triển, tạo thành những sản phẩm riêng, đặc trưng.
Hội thảo tiếp tục lắng nghe phần trình bày tham luận của Đại tá. TS. Vũ Đình Liêm, Trưởng phòng Khoa học Quân sự, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng với chủ đề “Phát triển du lịch biển đảo gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng, khẳng định chủ quyền biển, đảo”. Tiếp đến là phần trình bày tham luận của TS. Phạm Hoài Chung – Phó Viện trưởng – Viện Chiến lược và phát triển giao thông Vận Tải Việt Nam đã “Đánh giá hiện trạng hạ tầng giao thông phục vụ việc phát triển du lịch tại các đảo ven biển ở Việt Nam. Các vấn đề đặt ra và giải pháp”.
Sang phiên trao đổi và thảo luận, các đại biểu tham dự hội thảo đã góp ý cho nhóm thực hiện nhiệm vụ nhiều ý kiến quý báu, từ đó báo cáo nhiệm vụ sẽ được hoàn thiện hơn, thiết thực và đi vào cuộc sống hơn.
Kết luận hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã tổng kết lại các vấn đề chính sau 2 phiên làm việc, cụ thể:
– Tiềm năng du lịch đảo của Việt Nam rất lớn nhưng chưa khai thác được hết tiềm năng, thế mạnh của các đảo.
– Phát triển du lịch đảo hướng đến phát triển du lịch cao cấp – hướng đến lượng khách có khả năng chi trả.
– Phát triển du lịch ở tại các đảo chưa chú ý đến việc phát triển bền vững, chưa chú ý đến bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên du lịch.
– Phát triển du lịch tại các đảo cần đầu tư hạ tầng, đầu tư về các cơ sở vật chất kỹ thuật ngành.
– Việc xây dựng sản phẩm du lịch đảo, mỗi địa phương cần dựa trên những thế mạnh của đảo để xây dựng những sản phẩm riêng biệt, mang tính đặc thù, tạo sức hấp dẫn, xây dựng thương hiệu riêng không nhầm lẫn với các đảo khác.
– Cần có những cơ chế, chính sách riêng cho phát triển du lịch đảo (doanh nghiệp, thủ tục xuất nhập cảnh, khách quốc tế, cộng đồng,…), nhất là chính sách cho người dân trên đảo vì họ là những người trực tiếp tham gia và hưởng lợi từ hoạt động du lịch trên đảo.
– Để phát triển toàn diện thì đầu tiên phải quy hoạch đồng bộ các đảo, từ đó mới định hướng được khu vực nào phát triển du lịch, khu vực nào ngư nghiệp, khu vực nào hoạt động bảo tồn để đầu tư hạ tầng phù hợp.
– Đề xuất các nhiệm vụ quy mô lớn hơn để phát triển du lịch đảo Việt Nam.
Buổi hội thảo kết thúc tốt đẹp với những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đại biểu là nguồn thông tin và tư liệu quý giá giúp nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện nhiệm vụ.
Trần Lan