Hội thảo “Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù Quận Hoàn Kiếm, thực trạng và giải pháp”
Ngày 16/6/2020, tại khách sạn Công Đoàn, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã tổ chức Hội thảo “Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù Quận Hoàn Kiếm, thực trạng và giải pháp”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Đề án “Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù Quận Hoàn Kiếm đến năm 2025, tầm nhìn 2030” do Ủy ban Nhân dân Quận Hoàn Kiếm làm chủ trì và Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch là đơn vị tư vấn. Buổi hội thảo được chủ trì bởi TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch và Ông Nguyễn Anh Quân – Phó Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm. Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu đến từ Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch Hà Nội, một số phòng ban của UBND Quận Hoàn Kiếm, các Viện nghiên cứu, trường đại học, Hiệp hội Du lịch, các ban quản lý, điểm di tích, bảo tàng, đại diện một số doanh nghiệp du lịch, và các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, văn hóa.
Mở đầu, TS. Nguyễn Anh Tuấn đã có bài phát biểu khai mạc hội thảo, nêu rõ sự cần thiết và những yêu cầu đặt ra của việc xây dựng đề án. Tiếp đó, Ông Nguyễn Anh Quân – Phó Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm cũng có đôi lời phát biểu về đề án và những kì vọng mà Quận đã đặt ra đối với đề án này.
Đại diện nhóm nghiên cứu của Viện NCPT Du lịch, ThS. Nguyễn Thị Lan Hương đã trình bày báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu với những nội dung chính: (1) Tính cấp thiết và mục đích của đề án, (2) Cơ sở lý luận và thực tiễn về sản phẩm du lịch đặc thù, (3) Phân tích đánh giá tiềm năng và thực trạng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù Quận Hoàn Kiếm (4) Định hướng và giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tại Quận Hoàn Kiếm, (5) Kế hoạch hành động phát triển sản phẩm du lịch Quận Hoàn Kiếm đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Đóng góp ý kiến cho đề án, TSKH Nguyễn Thị Tòng – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng mỹ thuật sản phẩm làng nghề Việt Nam, đã trình bày bài tham luận về “Tiềm năng và định hướng khôi phục các phố nghề, làng nghề nhằm phát triển sản phẩm du lịch đặc thù Quận Hoàn Kiếm”. Trong tham luận, diễn giả tập trung làm rõ những giá trị, tiềm năng của làng nghề, phố nghề, đồng thời đưa ra giải pháp hướng tới nâng cao giá trị thẩm mĩ các sản phẩm làng nghề và kiến nghị hỗ trợ tài chính của nhà nước như một định hướng chính để thu hút các nguồn lực khác.
Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam – Bà Nguyễn Hải Vân cũng trình bày tham luận với chủ đề “Phát triển sản phẩm du lịch gắn với bảo tàng trên địa bàn Quận Hoàn Kiếm”. Trong đó, diễn giả có nhấn mạnh vai trò cũng như trách nhiệm của bảo tàng trong việc góp phần phát triển du lịch, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm và thành công của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam trong việc thu hút khách tham quan, du lịch. Cùng với đó, tham luận cũng đưa ra những đề xuất đối với UBND Quận Hoàn Kiếm trong việc phối kết hợp với bảo tàng Phụ nữ nói riêng và các bảo tàng trên địa bàn quận nói chung nhằm phát huy được thế mạnh, vai trò của hoạt động văn hóa này đối với phát triển du lịch Hoàn Kiếm
Tiếp đó, Bà Trần Thị Thúy Lan – Phó trưởng Ban quản lý phố cổ Hà Nội cũng đã trình bày tham luận về những vẩn đề ưu tiên đầu tư nhằm bảo tồn và khai thác các giá trị di tích khu vực phố cổ trong phát triển sản phẩm du lịch tại Quận Hoàn Kiếm. Trong phần trình bày, bà Lan cũng chú trọng đến những hạn chế và tồn tại trong công tác quản lý các di tích trên địa bàn quận và đề xuất những giải pháp cần thiết để bảo tồn và khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch khu phố cổ.
Sau phần trình bày của các bài tham luận, hội thảo đã có phiên thảo luận góp ý sôi nổi. Các chuyên gia đã nhiệt tình chia sẻ những ý kiến, kinh nghiệm nhằm đóng góp xây dựng cho đề án. Trong đó, các ý kiến tập trung xoay quanh những vẫn đề sau:
– Những vấn đề về an ninh, an toàn trong tổ chức các hoạt động du lịch, dịch vụ trên địa bàn Quận Hoàn Kiếm và một số giải pháp
– Sản phẩm du lịch Quận Hoàn Kiếm cần chú trọng đến việc khai thác các giá trị văn hóa có chiều sâu, những giá trị, tiềm năng do chính con người tạo ra
– Đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, du lịch trên địa bàn quận hơn nữa, nâng cao chất lượng, tính hữu dụng, tính mỹ thuật trong các sản phẩm lưu niệm, thủ công…nhằm nâng cao gái trị thương hiệu, tăng sự chi tiêu của du khách, kéo dài thời gian lưu trú tại quận.
Kết thúc hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn ghi nhận và cảm ơn những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, để hoàn thiện đề án, đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, cộng tác từ các cơ quan, tổ chức, chuyên gia và các doanh nghiệp, tăng cường sự phối hợp giữa các bên liên quan với Quận Hoàn Kiếm nhằm triển khai thực hiện đề án hướng tới đưa Hoàn Kiếm trở thành một trong những điểm đến không thể bỏ qua khi tới Hà Nội, Việt Nam.
Phương Mai