Hội thảo “Phát triển Du lịch tại các vùng chè ở tiểu vùng Đông Bắc, Việt Nam”: Cơ hội cho phát triển du lịch nông nghiệp bền vững
Sáng ngày 8/10/2024, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Phát triển du lịch tại các vùng chè ở tiểu vùng Đông Bắc, Việt Nam” tại Hà Nội. Đây là sự kiện quan trọng nằm trong khuôn khổ Nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Cục Du lịch quốc gia Việt Nam giao, nhằm đề xuất các giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp tại các vùng chè thuộc tiểu vùng Đông Bắc.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ VHTTDL), đại diện các đơn vị thuộc Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Hiệp hội Ẩm thực Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo đến từ Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh Thái Nguyên, Viện Nghiên cứu Trung Quốc – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội và Nhân văn, đại diện các doanh nghiệp du lịch, cơ quan báo chí, truyền thông.
Mở đầu hội thảo, TS. Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, đã phát biểu khai mạc, ông đã nhấn mạnh sự quan trọng của việc phát triển du lịch gắn liền với nông nghiệp, đặc biệt là các vùng chè có giá trị lịch sử và văn hóa lâu đời. Ông khẳng định: “Chè không chỉ là sản phẩm nông nghiệp mà còn là cầu nối giữa du lịch và văn hóa. Phát triển du lịch tại các vùng chè không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.”
Tiếp đó là báo cáo đề dẫn của TS. Lê Quang Đăng – Phó Trưởng phòng Chính sách, Quy hoạch và Môi trường Du lịch, chủ nhiệm nhiệm vụ. Theo TS. Lê Quang Đăng, mỗi vùng chè thuộc tiểu vùng Đông Bắc đều sở hữu những giá trị về tài nguyên tương đương, cùng gắn với nông nghiệp sản xuất chè. Tuy nhiên, mỗi vùng lại sở hữu những nét đặc trưng riêng, phản ánh rõ văn hóa và điều kiện tự nhiên cùng với kinh tế – xã hội từng địa phương. Các doanh nghiệp lữ hành cho rằng, nông nghiệp sản xuất chè và văn hóa trà có tiềm năng trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng cho cả tiểu vùng. Cùng với các tài nguyên khác, những giá trị này có thể là bước đệm tạo ra một hệ thống sản phẩm du lịch phong phú và đa dạng. Du lịch không chỉ giúp tăng thêm nguồn thu nhập mà còn tạo cơ hội để người dân quảng bá và bảo tồn văn hóa truyền thống của mình.
Trong tham luận của PGS.TS Bùi Thanh Thủy – Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, bà cũng nêu quan điểm rằng cần khai thác, đầu tư phân tích giá trị văn hóa cộng đồng ở các địa phương vùng chè phục vụ phát triển du lịch. Theo đó, cần bảo tồn, xúc tiến quảng bá du lịch, tích cực đầu tư và kêu gọi đầu tư, thực hiện công tác xã hội hóa và nâng cao nhận thức của người dân địa phương.
Chuyên gia văn hóa trà Trịnh Quang Dũng – thành viên Ban Tư vấn Hiệp hội Ẩm thực Việt Nam, đã chỉ ra rằng văn hóa trà Việt Nam là một di sản quý giá, song vẫn chưa được khai thác đúng cách. Ông cũng đề xuất nhiều hướng đi để phát triển sản phẩm du lịch dựa trên văn hóa trà như: Tổ chức các buổi thưởng trà, tour trải nghiệm thu hoạch chè, lớp học pha trà truyền thống, cũng như các lễ hội trà kết hợp với hoạt động văn hóa nghệ thuật. Không chỉ giúp tăng trưởng kinh tế, những hoạt động này còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa trà Việt, tạo sức hút đặc biệt với du khách. Bên cạnh đó, để văn hóa trà trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn, ông Dũng nhấn mạnh rằng cần có sự đầu tư vào nghiên cứu, quảng bá, tích hợp các yếu tố hiện đại nhằm mang lại những trải nghiệm mới mẻ và ý nghĩa.
Trong phần phát biểu thảo luận, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp quý báu, mang đến những góc nhìn mới về việc phát triển kinh doanh lưu trú và du lịch gắn liền với văn hóa trà tại các vùng chè Đông Bắc. Những đóng góp này không chỉ phản ánh thực trạng mà còn đề xuất những giải pháp khả thi nhằm nâng cao giá trị du lịch trà trong khu vực. Các đại biểu cũng đã bàn luận sâu hơn về các chính sách quản lý, cơ sở hạ tầng và liên kết phát triển du lịch. Ngoài ra, việc thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng địa phương vào các hoạt động du lịch cũng được đưa ra, nhằm đảm bảo rằng cư dân nơi đây có thể hưởng lợi từ sự phát triển của ngành du lịch tại vùng chè.
Một trong những điểm nhấn đặc sắc của hội thảo là màn trình diễn nghệ thuật pha trà cổ do nghệ nhân Nguyễn Đăng Bền – nhà sáng lập Thạch Cổ Trà thực hiện. Các đại biểu không chỉ được thưởng thức hương vị tinh túy của Thạch Cổ Trà mà còn được trải nghiệm sự tinh tế và truyền thống trong nghệ thuật pha trà – một biểu tượng văn hóa không thể thiếu trong du lịch tại các vùng chè.
Hội thảo đã diễn ra thành công, thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Các ý kiến đóng góp thể hiện tiềm năng lớn trong việc phát triển du lịch tại các vùng chè, nhưng cũng chỉ ra nhiều thách thức cần khắc phục như cơ sở hạ tầng, xúc tiến quảng bá và liên kết phát triển.
Tin & Ảnh: Phương Linh