Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Sự bùng nổ của du lịch trực tuyến và những tác động tới phát triển Du lịch Việt Nam

      dltructuyenpys-travel 1. Du lịch trực tuyến – Xu hướng mới của thời đại công nghệ

       1.1. Khái niệm Du lịch trực tuyến
       Du lịch trực tuyến (online tourism) hay còn gọi là du lịch điện tử (e-tourism) là việc sử dụng công nghệ số trong tất cả các quy trình và chuỗi giá trị trong du lịch, bao gồm lữ hành, khách sạn và phục vụ ăn uống, vận chuyển… để các đơn vị, tổ chức du lịch phát huy tối đa hiệu suất và hiệu quả hoạt động. (Buhalis, 2003) [1]. Khái niệm về du lịch trực tuyến là một hình thái du lịch có tính tương tác mạnh mẽ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với khách hàng và khách hàng với khách hàng, dựa trên phạm vi kỹ thuật số và nền tảng công nghệ là trang web du lịch.
       1.2. Xu thế của Du lịch trực tuyến
       1.2.1. Thế giới
       Hiện tại có hơn 2,5 tỷ người trên thế giới kết nối internet thông qua thiết bị di động, dịch vụ “Du lịch và khách sạn” được xếp thứ hai trong 5 mối quan tâm hàng đầu của người dùng các thiết bị điện thoại thông minh và máy tính bảng để truy cập internet, 63% khách du lịch sử dụng smartphone để tìm kiếm thông tin và dịch vụ lịch như chuyến bay, khách sạn, thuê xe và thực hiện đặt dịch vụ thông qua thiết bị di động. 72 % khách du lịch mong muốn các chủ kinh doanh tạo điều kiện để họ đặt lệnh qua điện thoại và 54% hy vọng chủ kinh doanh tương tác với họ qua thiết bị di động.[2]
       Du lịch trực tuyến đem lại lợi ích cho toàn ngành Du lịch. Sự gia tăng mạnh mẽ của đối tượng khách lẻ (free and independent traveler – FIT) sử dụng đại lý du lịch trực tuyến (Online Travel Agency – OTA) và các ứng dụng công nghệ để tự lập kế hoạch chuyến đi đã thay đổi đáng kể thị trường du lịch. Chính vì vậy, các tổ chức và doanh nghiệp hàng đầu thế giới đã đưa ra nhiều nhận định về xu thế phát triển của du lịch trực tuyến. UNWTO nhận định cuộc cách mạng công nghệ và ảnh hưởng mạnh mẽ của truyền thông xã hội là yếu tố quan trọng tạo nên sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch trong những năm gần đây. Hãng Google và tập đoàn Temasek Holdings của Singapore dự đoán quy mô của du lịch trực tuyến tại khu vực Đông Nam Á sẽ tăng mạnh từ 21,6 tỷ USD năm 2015 lên 89,6 tỷ USD vào năm 2025. Trong đó, du lịch trực tuyến tại Việt Nam chiếm 10%, tương đương 9 tỷ USD. Năm 2016, eMarketer ước tính doanh số du lịch trực tuyến toàn cầu sẽ tăng 13,8% và đạt khoảng 565 tỷ USD. Thị trường châu Á – Thái Bình Dương và châu Mỹ La tinh góp phần chủ yếu cho sự tăng trưởng nhanh này. Thị trường Bắc Mỹ vẫn là thị trường du lịch trực tuyến lớn nhất năm, nhưng từ năm 2017, châu Á – Thái Bình Dương sẽ chiếm ngôi đầu.
       Sự phát triển nhanh của công nghệ di động và các sàn cung cấp dịch vụ du lịch đã dẫn tới sự mở rộng của kinh tế chia sẻ (sharing ecomomy). Đây là một tác động sâu sắc của du khách lên lĩnh vực du lịch châu Á.
       1.2.2. Việt Nam
       Theo số liệu của Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện có hơn 50 triệu người Việt Nam sử dụng internet, chiếm 53% dân số, cao hơn mức bình quân của khu vực châu Á – Thái Bình Dương (46,64%) và trên thế giới (48,2%). Đặc biệt, trong số đó có tới 78% sử dụng internet hàng ngày. Du lịch trực tuyến tăng trưởng mạnh ở Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ lệ lớn khách outbound và inbound sử dụng dịch vụ của các sàn du lịch trực tuyến nước ngoài. Thậm chí, tỷ lệ khách du lịch nội địa sử dụng dịch vụ của các sàn du lịch trực tuyến nước ngoài là không nhỏ [3]. Số liệu của Hiệp hội Thương mại Điện tử (VECOM) cho thấy, các OTAs thương hiệu toàn cầu như Agoda.com, booking.com, Traveloka.com, Expedia.com (bao gồm Trivago.com, hotel.com) đang độc chiếm thị trường Việt Nam, với 80% thị phần. Trong khi đó, hiện chỉ có trên 10 công ty Việt Nam có kinh doanh du lịch trực tuyến như: Ivivu.com, chudu24.com, mytour.vn, tripi.vn, mytour.vn, gotadi.com, vntrip.vn,… Tuy nhiên các công ty này cũng chỉ phục vụ thị trường khách trong nước và số lượng giao dịch còn thấp. Theo tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International, doanh thu bán hàng du lịch trực tuyến tai Việt Nam sẽ duy trì mức độ tăng trưởng 12% trong giai đoạn 2015 – 2020.
       Xu hướng sử dụng dịch vụ trên internet để ra quyết định cho chuyến đi và các hoạt động du lịch ngày càng gia tăng. Hơn 40% các lệnh tìm kiếm du lịch trực tuyến được thực hiện từ điện thoại cầm tay, 66% đơn đặt hàng được đặt trực tuyến trong năm 2014 (khảo sát của Resonance Consultancy). Các ứng dụng trên điện thoại thông minh (như tìm địa điểm, đặt phương tiện đi lại, dịch vụ giải trí,…) đang dần thay thế các chức năng của bộ phận Hướng dẫn khách hàng (Concierge) tại khách sạn.
       2. Những tác động tới phát triển Du lịch Việt Nam
       2.1. Những tác động tích cực (cơ hội)
       Hầu hết các doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã chủ động tham gia vào các OTAs nước ngoài như agoda.com, booking.com, expedia.com… Nhiều công ty lữ hành lớn giới thiệu một số lượng lớn các sản phẩm phong phú kèm thông tin cụ thể về thời điểm, giá cả, dịch vụ trên trang web của họ. Như vậy, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam, chủ yếu là vừa và nhỏ, có cơ hội cạnh tranh bình đẳng hơn với các doanh nghiệp nước ngoài. Các đơn vị kinh doanh vận chuyển khác như Grab, các hãng hàng không ngày càng nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua các tiện ích trực tuyến như đặt chỗ, đặt chuyến, đổi, xuất vé và thanh toán. Theo báo cáo đánh giá của Euromonitor International: tỷ lệ thanh toán vé máy bay trực tuyến tại Việt Nam đạt khoảng 18,3% năm 2010, tăng lên 22,6% năm 2016 và ước đạt 29% vào năm 2020.
    Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch đã chú ý đến nhân sự CNTT, đặc biệt, một số doanh nghiệp lớn có trung tâm tin học để phát triển và ứng dụng CNTT cho doanh nghiệp mình.
       2.2. Những tác động tiêu cực (thách thức)
       Tuy nhiên, xu thế du lịch trực tuyến đặt ra thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp không thay đổi phương thức quản lý dựa vào CNTT, phương thức thủ công trong giới thiệu và bán sản phẩm, hoặc các điểm tham quan du lịch ở Việt Nam hầu như chưa áp dụng thương mại điện tử. Hoặc đa số các doanh nghiệp du lịch Việt Nam chưa ứng dụng thành công phương thức thanh toán trực tuyến mà vẫn áp dụng các biện pháp thanh toán thông thường như chuyển khoản, thanh toán bằng tiền mặt… Như vậy, các đơn vị này hầu như không thể cạnh tranh được trong tình hình mới.
       Nếu các doanh nghiệp không đủ kinh phí để đầu tư vào hệ thống CNTT, như hệ thống mạng nội bộ như LAN, WAN, Intranet, hoặc áp dụng thiếu chuyên nghiệp trong marketing trực tuyến, như trang web nghèo nàn, không có tính tương tác với khách hàng, thân thiện với điện thoại thông minh, hoặc gia tăng hiệu quả công cụ tìm kiếm SEO, SMO thì cũng gây ra hình ảnh tiêu cực cho doanh nghiệp, phản tác dụng.
       Thách thức không nhỏ đối với các loại hình vận chuyển du lịch bằng thuyền, tàu hỏa, xe khách… vè việc áp dụng đặt dịch vụ và thanh toán trực tuyến để nâng cao khả năng thu hút khách hàng.
       2.3. Những việc mà Việt nam đã làm để nắm bắt cơ hội
       2.3.1. Về quản lý nhà nước
       Luật Du lịch 2017 của Việt Nam có quy định liên quan đến giao dịch điện tử trong lĩnh vực du lịch: Điều 5: Chính sách phát triển du lịch quy định Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ Ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại phục vụ quản lý và phát triển du lịch. Điều 73: Tổ chức, quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch; nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực du lịch; hướng dẫn về giao dịch điện tử trong lĩnh vực du lịch
       Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và giảm thiểu những tác động tiêu cực của làn sóng này ở Việt Nam, trong đó nêu rõ du lịch là một trong những ngành kinh tế được ưu tiên xây dựng chiến lược chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thúc đẩy du lịch thông minh ở Việt Nam.
       Ngày 25/1/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2017/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, áp dụng cho công dân của 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các doanh nghiệp đề xuất nâng cao hơn tốc độ truy cập web thị thực điện tử này để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dùng.
       2.3.2. Về bước đột phá của một số doanh nghiệp
       Đáp ứng nhu cầu giao dịch và tương tác giữa khách hàng và doanh nghiệp trong thời đại du lịch trực tuyến, nhiều doanh nghiệp đã giới thiệu giải pháp công nghệ mới và những ứng dụng di động. Công ty ADT Creative ra mắt phần mềm ứng dụng du lịch thông minh (smart tourism) bằng công nghệ 360, thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và sử dụng ứng dụng trên màn hình tương tác… Công ty Tripi, Gotadi, Mytour.vn… cũng giới thiệu ứng dụng di động tích hợp đặt phòng khách sạn, vé tàu xe, tự động gợi ý gói du lịch thông minh trong khoảng thời gian khởi hành khách hàng yêu cầu và cung cấp thông tin du lịch cho khách hàng…
       3. Đề xuất định hướng giải quyết cho những vấn đề đặt ra
       3.1.1. Doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ du lịch trực tuyến
       Các doanh nghiệp cần ưu tiên đầu tư nhiều hơn cho CNTT để áp dụng trong kinh doanh và marketing du lịch. Tăng cường nguồn lực đội ngũ nhân sự CNTT tại chỗ. Cần chủ động liên kết trong phát triển các mô hình du lịch trực tuyến. Nghiên cứu trường hợp ở Thái Lan, chính phủ xây dựng chiến lược hướng tới khắc phục 2 điểm yếu lớn của du lịch Thái Lan (WEF 2017) là Môi trường dulịch và Chỉ số Công nghệ thông tin – truyền thông. Theo đó, chiến lược nêu rõ, Phát triển và nâng cao cấu trúc hạ tầng và cơ sở vật chất hỗ trợ du lịch, nhưng không tạo ra tác động tiêu cực cho cộng đồng và môi trường địa phương.[5]
       3.1.2. Thiếu hành lang pháp lý
       Thiết lập hành lang pháp lý về thương mại điện tử trong du lịch, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong đầu tư xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, đảm bảo công bằng trong cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp OTAs.
       Xây dựng chính sách hỗ trợ về thuế đối với các doanh thu từ hoạt động du lịch trực tuyến của doanh nghiệp trong nước [4].
       Chính phủ Đóng vai trò chủ chốt trong phát triển E-Tourism, xác định công nghệ là một trong các giải pháp mang tính đột phá nhằm tăng sức cạnh tranh du lịch quốc gia. Trước tiên, cần số hoá dữ liệu để xây dựng cơ sở dữ liệu du lịch quốc gia (điểm đến, khách sạn…); Xây dựng hoặc lồng ghép chiến lược phát triển E-Tourism ở Việt Nam với các hành động và lộ trình cụ thể. Nghiên cứu trường hợp điển hình của Thái Lan, trong Chiến lược Phát triển du lịch và lộ trình đến năm 2021 [5]: Phát triển và tăng cường ứng dụng như Tourism Gateway để tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch, cung cấp thông tin toàn diện cho tất cả các loại hình vận chuyển trên toàn quốc. Cụ thể, Thái Lan cần tiếp tục xây dựng và triển khai cơ sở dữ liệu thông tin tích hợp và các cổng thông tin hỗ trợ đặt chỗ. Thái Lan cần từng bước tích hợp nhiều phần mềm vào trong một ứng dụng duy nhất để tạo điều kiện sử dụng dễ dàng.
       3.1.3. Nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng đầy đủ về số lượng và chất lượng trong việc sử dụng và ứng dụng CNTT
       Ưu tiên đào tạo kỹ năng và chứng chỉ du lịch bằng công nghệ hiện đại, để tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng được với thời đại công nghệ số – đó là năng lực toán học, công nghệ thông tin và phẩm chất linh hoạt, nhạy bén, dám nghĩ và làm mới.
    Tài liệu tham khảo:
       1. Prof. Dr. Angelina Njeguš, Introduction to e-Tourism (ppt), 2014
       2. Tường Nghi, “Mắt xích” quan trọng trong phát triển du lịch 2018, trang 28, Tạp chí Vietnam Traveller, số tháng 1-2/2018
      3. Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử 2018 (http://ebi.vecom.vn/Upload/Document/Bao-Cao/Bao-cao-EBI-2017-Final.pdf)
      4. Vũ Thế Bình: “Ứng dụng CNTT trong các doanh nghiệp du lịch” – Tạp chí Du lịch, số 1/2018, trang 38
      5. Ministry of Tourism and Sports Thailand: The Second National Tourism Development Plan (2017 – 2021)

     

    Chiến Thắng

    Bài cùng chuyên mục