Những nội dung mới trong triển khai chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2016-2020
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được thực hiện trong bối cảnh tình hình thế giới có những thay đổi quan trọng với nhiều cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Ở trong nước, ngành Du lịch Việt Nam đã có bước tiến bộ khá nhanh và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Sau gần 10 năm thực hiện, Luật du lịch năm 2005 đã khẳng định một bước tiến về khuôn khổ pháp lý, nhưng cũng thể hiện nhiều hạn chế, bất cập. Chiến lược, quy hoạch, các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phát triển du lịch được triển khai rộng khắp trên phạm vi cả nước. Hệ thống quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương tới địa phương được đổi mới và hoàn thiện cùng với sự khẳng định vai trò của Ban chỉ đạo nhà nước về du lịch. Sự trưởng thành và lớn mạnh không ngừng của hệ thống doanh nghiệp du lịch; sự xuất hiện một số nhà đầu tư chiến lược…trong việc phát triển và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng du lịch, khu nghỉ dưỡng, khách sạn, khu giải trí, các tuyến du lịch, loại hình du lịch.v.v…góp phần tạo nên diện mạo mới và tiền đề quan trọng để tạo đà cho du lịch Việt Nam phát triển trong những năm thực hiện Chiến lược tiếp theo.
Với quan điểm “phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng phát triển theo chiều sâu đảm bảo chất lượng và hiệu quả, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh” bước đầu ngành Du lịch đã đạt được những kết quả nhất định thông qua các chỉ tiêu về lượng khách, thu nhập, cơ sở vật chất kỹ thuật và việc làm. Kết quả đạt được đã ngày càng khẳng định vai trò của ngành Du lịch trong nền kinh tế quốc dân với những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo và vươn lên làm giàu, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, bảo vệ môi trường và giữ vững quốc phòng, an ninh.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, kết quả 5 năm thực hiện Chiến lược cho thấy ngành Du lịch còn nhiều hạn chế và bất cập; nhiều khó khăn, trở ngại vẫn chưa được giải quyết thoả đáng; chưa có bước phát triển đột phá để khẳng định thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn; kết quả chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của đất nước, phát triển nhưng vẫn ẩn chứa nhiều nguy cơ, yếu tố thiếu bền vững.
Xu hướng hội nhập, hợp tác, cạnh tranh toàn cầu, giao lưu mở rộng, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trong nền kinh tế tri thức trên thế giới tiếp tục tạo những cơ hội to lớn và nhiều thách thức mới đối với phát triển du lịch trong những năm tiếp theo.
Trước bối cảnh và xu hướng đó, ngành Du lịch Việt Nam cần thiết có những đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược giai đoạn đầu (2011-2015) nhằm rút ra được những thành tựu, điểm mạnh cũng như những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân để làm bài học kinh nghiệm cho những năm thực hiện Chiến lược tiếp theo.
1. Đánh giá những kết quả vượt bậc đạt được và những hạn chế bất cập trong giai đoạn phát triển từ 2011-2015
1.1. Những thành công và nguyên nhân
a) Những thành công:
– Quá trình thực hiện Chiến lược giai đoạn vừa qua luôn đảm bảo sự nhất quán với quan điểm phát triển. Đặc biệt, với những quan điểm mang tính đổi mới, đột phá như “phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng phát triển theo chiều sâu đảm bảo chất lượng và hiệu quả, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh…”, bước đầu phát triển du lịch hiệu quả hơn so với giai đoạn trước. Chất lượng dịch vụ được tăng lên đáng kể thể hiện qua các chỉ tiêu đánh giá về sản phẩm du lịch, cơ sở lưu trú, nguồn nhân lực…(đặc biệt là chất lượng cơ sở lưu trú). Ngành du lịch từng bước khẳng định vị thế là ngành kinh tế mũi nhọn.
– Việc triển khai thực hiện chương trình nâng cao nhận thức du lịch đã có kết quả bước đầu. Nhận thức về quản lý phát triển du lịch ở tầm vĩ mô; của các cấp, các ngành và của toàn xã hội đều đã có bước chuyển biến rõ rệt. Hoạt động du lịch đã thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội.
– Các chương trình hành động quốc gia về du lịch, xúc tiến du lịch quốc gia, Chương trình liên kết phát triển du lịch, Chương trình áp dụng tài khoản vệ tinh du lịch…trong chương trình hành động của Chiến lược đã được triển khai có hiệu quả.
– Các chỉ tiêu phát triển đều đạt, thậm chí vượt so với mục tiêu đề ra. Du lịch tiếp tục có bước tăng trưởng đáng ghi nhận, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội. Hoạt động du lịch sôi động ở nhiều địa phương đã tác động tích cực tới nhiều kinh tế ngành liên quan; góp phần tạo thêm việc làm, xóa đói giảm nghèo; xây dựng hình ảnh Việt Nam năng động, thân thiện trong khu vực và quốc tế.
+ Khách du lịch quốc tế tăng trưởng bình quân là 5,7%/năm.
+ Khách du lịch nội địa tăng trưởng bình quân là 16,3%/năm.
+ Tổng thu từ du lịch tăng trưởng bình quân đạt 25%/năm.
+ Số buồng lưu trú tăng trưởng bình quân đạt gần 16,0%/năm.
+ Lao động ngành Du lịch (cả trực tiếp và gián tiếp) tăng trưởng bình quân 13,4%.
b) Nguyên nhân thành công:
* Về khách quan: Mặc dầu thế giới có nhiều biến động nhưng du lịch vẫn là một nhu cầu cấp thiết của toàn xã hội. Du lịch thế giới có hướng phát triển mới với xu thế chuyển dần sang khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á.
* Về chủ quan: Môi trường du lịch trong nước tiếp tục được cải thiện. Đảng và Nhà nước quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt đối với sự nghiệp phát triển du lịch. Hệ thống pháp luật được hoàn thiện dần, Chương trình Hành động Quốc gia về Du lịch được triển khai có hiệu quả, tạo tiền đề và chuyển biến về chất trên diện rộng cho ngành Du lịch…
Hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục được xây dựng mới và nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác các tiềm năng du lịch, tăng khả năng giao lưu giữa các vùng, miền và phát triển các tuyến, điểm du lịch. Đời sống nhân dân được cải thiện, nhu cầu du lịch nội địa tăng nhanh.
Chế độ chính trị ổn định, an ninh đảm bảo, Việt Nam là điểm đến du lịch thân thiện, an toàn, là điều kiện đảm bảo cho du lịch phát triển nhanh và bền vững.
1.2. Những hạn chế, bất cấp và nguyên nhân
a) Những hạn chế, bất cập:
– Về thực hiện theo các quan điểm phát triển:
+ Quan điểm của chiến lược là phát triển du lịch đảm bảo khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, qua 5 năm, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt nam vẫn thấp và chuyển biến chưa nhiều (năng lực cạnh tranh của du lịch Việt nam hiện xếp sau Singapo, Malaysia, Thái Lan, Indonexia và Philipin), mức tăng hạng cạnh tranh thấp hơn nhiều so với các nước lân cận (năm 2014 VN tăng 5 bậc nhưng Malaysia tăng 9 bậc, Thái Lan tăng 8 bậc, Indonexia tăng 20 bậc, Philippin tăng 8 bậc…).
+ Phát triển du lịch vẫn chứa đựng các yếu tố thiếu bền vững. Môi trường du lịch còn nhiều vấn đề bức xúc: Thời gian qua, công tác triển khai Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 04/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần cải thiện môi trường du lịch tại một số địa phương. Tuy nhiên, nhiều nhiệm vụ đặt ra trong Chỉ thị số 18/CT-TTg vẫn chưa được triển khai hiệu quả, nhiều vấn đề còn chưa được giải quyết như Tình trạng chặt chém, phá giá, lừa đảo, đeo bám, ép khách; Nạn ăn xin và ăn cắp vặt; Vệ sinh ăn uống và an toàn thực phẩm; Vệ sinh môi trường, trong đó có nhà vệ sinh cho khách du lịch; Ứng xử thiếu văn minh với du khách vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi.
– Việc thực hiện các định hướng và giải pháp còn nhiều hạn chế:
+ Dù đã có nhiều cố gắng nhưng nhìn chung việc phát triển sản phẩm chưa đạt yêu cầu, còn thiếu những sản phẩm du lịch đặc thù mang bản sắc riêng của Việt Nam; sản phẩm còn kém sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế và do vậy khó thu hút được thị trường khách có khả năng chi trả cao; chưa có những thuơng hiệu du lịch nổi bật.
+ Công tác quảng bá, xúc tiến chưa có sự chuyến biến mang tính đột phá, chưa tương xứng với yêu cầu của phát triển du lịch. Thiếu văn phòng đại diện du lịch Việt Nam ở nước ngoài ảnh hưởng đến thông tin và hỗ trợ du khách trong việc tìm kiếm thông tin và lựa chọn các điểm đến du lịch Việt Nam.
+ Chất lượng nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế. Số lượng lao động có chất lượng cao, trình độ nghiệp vụ, kỹ năng nghề phù hợp với tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế đang rất hạn chế trong cả lĩnh vực quản lý và lao động nghề vì thế sẽ gặp khó khăn trong khi thực hiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch ASEAN. So với yêu cầu phát triển ngành thì lực lượng lao động vừa yếu vừa thiếu ở những khâu then chốt. Đội ngũ nhân lực làm việc trong lĩnh vực quản lý nhà nước còn mỏng (chỉ chiếm khoảng 1,9% so sánh với nhân lực kinh doanh du lịch là 98,1%), do vậy công tác điều hành, giám sát hoạt động Du lịch ở nhiều địa phương, nhiều khu, điểm du lịch hiệu quả còn thấp. Tỷ lệ lao động được đào tạo đúng chuyên môn du lịch, số lao động sử dụng thành thạo từ hai ngoại ngữ trở lên còn thấp.
+ Tổ chức bộ máy nhà nước về du lịch chưa tương ứng nhiệm vụ một ngành kinh tế mũi nhọn. Ở địa phương, cơ quan giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về du lịch là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch gặp khó khăn trong cơ chế quản lý đa ngành.
+ Hệ thống chính sách, cơ chế phát triển du lịch chưa thực sự thông thoáng, hiệu quả chưa cao. Chính sách thị thực tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho khách du lịch còn hạn chế, một số quy định chưa phù hợp, mang tính hình thức nên không áp dụng được hoặc áp dụng khó khăn. Chính sách miễn visa khi được ban hành chưa đủ thời gian để phát huy tác dụng thực sự đối với các thị trường nguồn, đặc biệt là đối với các thị trường Tây Âu thường có thói quen lập kế hoạch đi du lịch từ trước 6 – 12 tháng. Thiếu những chính sách cụ thể khuyến khích đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù có sức cạnh tranh, xây dựng thương hiệu, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng.
+ Nguồn kinh phí đầu tư cho du lịch còn thấp: đầu tư xúc tiến quảng bá, phát triển nguồn nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật., công tác quy hoạch phát triển du lịch.. Riêng với lĩnh vực xúc tiến quảng bá, so với các nước trong khu vực, đầu tư cho hoạt động này ở Việt Nam hiện còn rất khiêm tốn với mức trung bình khoảng 2 triệu USD/năm, chỉ bằng khoảng 2,9% của Thái Lan, 2,5% của Singapore, 1,9% của Malaysia. Năm 2015, Du lịch Việt Nam dự kiến tham gia 10 hội chợ, sự kiện du lịch quốc tế, chỉ bằng khoảng 1/3 so với Malaysia (28 hội chợ) và Campuchia (29 hội chợ).
+ Phát triển hạ tầng giao thông kết nối đến các khu, điểm du lịch vẫn còn hạn chế, đặc biệt là hệ thống các trạm dừng chân, cây xăng, bến đỗ xe tại các điểm tham quan trong đô thị chưa phát triển đồng bộ, chưa tạo thuận lợi cho vận chuyển hành khách. Hệ thống giao thông đường biển và vận tải thủy nội địa chưa đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch, chưa có cảng chuyên dụng để đón tàu biển du lịch.
– Về thực hiện các chương trình hành động:
+ Việc hoạch định chiến lược phát triển du lịch trên các lĩnh vực còn chậm. Đến cuối năm 2014, Chiến lược marketing du lịch đến năm 2020 mới được phê duyệt. Quy hoạch phát triển nhân lực ngành du lịch đến 2020 mặc dù được phê duyệt sớm, song triển khai còn khó khăn. Chương trình nâng cao nhận thức du lịch vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi, nhận thức về hội nhập còn hạn chế.
+ Việc triển khai lập quy hoạch còn chậm, đặc biệt là quy hoạch các khu du lịch quốc gia. Công tác quản lý triển khai quy hoạch sau phê duyệt còn nhiều bất cập, nhất là đối với các quy hoạch cấp vùng.
b) Nguyên nhân của hạn chế:
* Về khách quan: Giai đoạn 2011-2015 du lịch thế giới đứng trước nhiều biến động, diễn biến bất lợi và khó lường về chính trị, kinh tế, dịch bệnh và thời tiết ảnh hưởng đến thị trường nguồn.
* Về chủ quan:
– Nhận thức xã hội về du lịch tuy đã được nâng cao nhưng vẫn chưa đầy đủ và thiếu nhất quán, thể hiện thiếu tầm nhìn chiến lược. Đây được xem là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng “chèo kéo”, “chặt chém” khách hay “phá giá” dịch vụ tại nhiều khu, điểm du lịch; tình trạng xâm hại môi trường và tài nguyên du lịch. v.v…
– Luật du lịch thể hiện nhiều hạn chế, bất cập gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện sâu rộng.
– Công tác quản lý nhà nước theo cơ chế đa ngành cũng nảy sinh nhiều bất cập, hạn chế thể hiện trên các lĩnh vực: Cơ chế, chính sách và hệ thống pháp lý về du lịch; Bộ máy tổ chức; Công tác quy hoạch, kế hoạch; Môi trường và chính sách thu hút đầu tư; Sự phối kết hợp liên ngành, địa phương…
– Cơ sở hạ tầng, môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của du lịch.
– Các doanh nghiệp du lịch chưa thực sự năng động, thiếu tầm nhìn chiến lược, ý thức liên kết rất hạn chế.
2. Những yêu cầu và vấn đề đặt ra trong giai đoạn phát triển mới
Trong những năm tới tình hình thế giới sẽ còn nhiều diễn biến rất phức tạp, nhưng hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Cuộc cách mạng khoa học – công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển nhảy vọt trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia.
Tình hình chính trị – an ninh thế giới thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường; tình trạng xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp lãnh thổ và tài nguyên, xung đột sắc tộc, tôn giáo, can thiệp lật đổ, khủng bố, chiến tranh mạng, chiến tranh cục bộ,… tiếp tục diễn ra gay gắt ở nhiều khu vực.
Những vấn đề toàn cầu như an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh sẽ có nhiều diễn biến phức tạp.
Kinh tế thế giới phục hồi chậm, gặp nhiều khó khăn, thách thức và còn có nhiều biến động khó lường. Các quốc gia tham gia ngày càng sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Biến động của giá cả thế giới, sự bất ổn về tài chính, tiền tệ và vấn đề nợ công tiếp tục gây ra những hiệu ứng bất lợi đối với nền kinh tế thế giới. Hầu hết các nước trên thế giới đều điều chỉnh chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới thể chế kinh tế, ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ để phát triển. Cạnh tranh kinh tế, thương mại, tranh giành các nguồn tài nguyên, thị trường, công nghệ, nhân lực chất lượng cao giữa các nước ngày càng gay gắt. Xuất hiện nhiều hình thức liên kết kinh tế mới.
Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á, tiếp tục là trung tâm phát triển năng động, có vị trí địa kinh tế – chính trị chiến lược ngày càng quan trọng trên thế giới. Đồng thời, đây cũng là khu vực cạnh tranh chiến lược giữa một số nước lớn, có nhiều nhân tố bất ổn. Tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo trong khu vực và trên Biển Đông tiếp tục diễn ra gay gắt, phức tạp. ASEAN trở thành cộng đồng, tiếp tục phát huy vai trò quan trọng duy trì hoà bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế trong khu vực, nhưng cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức cả bên trong và bên ngoài.
Ở trong nước, thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước tăng lên, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Năm năm tới là thời kỳ Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết trong Cộng đồng ASEAN và WTO, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hội nhập quốc tế với tầm mức sâu rộng hơn nhiều so với giai đoạn trước, đòi hỏi Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải nỗ lực rất cao để tận dụng thời cơ, vượt qua những thách thức lớn trong quá trình hội nhập.
Kinh tế từng bước ra khỏi tình trạng suy giảm, lấy lại đà tăng trưởng, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc; nợ công tăng nhanh, nợ xấu đang giảm dần nhưng còn ở mức cao, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh kinh tế thấp.
Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra tiếp tục tồn tại, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nguy cơ “diễn biến hoà bình” của thế lực thù địch nhằm chống phá nước ta; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí diễn biến phức tạp; khoảng cách giàu – nghèo, phân hoá xã hội ngày càng tăng, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp đáng lo ngại, làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Bảo vệ chủ quyền biển, đảo đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn. Tình hình chính trị – xã hội ở một số địa bàn còn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định.
Tình hình thế giới và trong nước tạo ra cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới to lớn, phức tạp hơn đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đòi hỏi Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn.
Trước bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều yếu tố mới, vấn đề đặt ra cho ngành du lịch là tiếp tục thực hiện thành công các mục tiêu mà Chiến lược phát triển du lịch Việt nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đề ra:
Đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới. Việt Nam đón 10-10,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 47-48 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 18-19 tỷ USD, đóng góp 6,5-7% GDP cả nước; có tổng số 580.000 buồng lưu trú với 35-40% đạt chuẩn từ 3 đến 5; tạo ra 3 triệu việc làm trong đó có 870.000 lao động trực tiếp.
Đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển với tổng thu từ khách du lịch tăng gấp 2 lần năm 2020.
3. Những nhiệm vụ và giải pháp đột phá tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược trong giai đoạn 2016-2020
Từ kết quả đánh giá 5 năm (2011-2015) thực hiện Chiến lược và những nhận định yêu cầu và vấn đề đặt ra trong giai đoạn phát triển mới, để góp phần thực hiện thành công các định hướng và mục tiêu của Chiến lược trong giai đoạn tiếp theo, một số giải pháp quan trọng cần triển khai trong giai đoạn tới là:
– Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về du lịch để Du lịch có thể tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các Ban, Bộ, ngành các bên liên quan và sự đồng thuận của cộng đồng.
– Thực hiện có hiệu quả các chương trình đã được xây dựng trong chương trình hành động của Chiến lược.
– Triển khai tài khoản vệ tinh du lịch để có số liệu đánh giá đầy đủ và toàn diện về đóng góp của ngành Du lịch cũng như đề xuất các định hướng và giải pháp phát triển phù hợp.
– Đẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý theo quy hoạch, tiếp tục thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch các vùng, các khu du lịch quốc gia, các địa phương trên cả nước. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch gắn với việc thống nhất quy trình lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, quản lý và điều chỉnh quy hoạch phát triển du lịch trên phạm vi toàn quốc.
– Tăng cường kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược để tạo ra nhiều hơn các sản phẩm du lịch có thương hiệu, khả năng cạnh tranh cao.
– Tập trung quản lý điểm đến và chất lượng du lịch. Xây dựng điểm đến an toàn, thân thiện, môi trường trong sạch và hiếu khách thông qua việc tăng cường năng lực quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương tới địa phương; tăng cường phối hợp liên ngành; hình thành hệ thống kiểm soát chặt chẽ chất lượng dịch vụ để giải quyết triệt để những vấn nạn “chặt chém” hay “phá giá” trong kinh doanh du lịch cũng như nâng cao trách nhiệm gìn giữ và bảo vệ môi trường.
– Tiếp tục hoàn thiện luật, chính sách, cơ chế nhằm tháo gỡ rào cản cho phát triển du lịch. Sớm hoàn thiện công tác sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch; thực hiện chính sách tạo thuận tiện hơn về thị thực nhập cảnh như xem xét mở rộng miễn thị thực cho công dân các quốc gia là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, thị trường khách trọng điểm, thị trường khách tiềm năng đang cần khai thác (Anh, Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Canada, Úc, New Zealand).v.v…; ban hành chính sách thúc đẩy phát triển du lịch ở khu vực biên giới.
– Tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp liên ngành, liên kết vùng, liên kết công-tư trong việc huy động kinh phí đầu tư, xúc tiến, quảng bá và phát triển du lịch.
– Đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, nâng cao tính chuyên nghiệp làm tiền đề nâng cao chất lượng dịch vụ và giá trị gia tăng cho sản phẩm để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu./.
TS.KTS. Dương Đình Hiền – Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch