Một số vấn đề đặt ra trong quản lý và phát triển du lịch tại các khu vực di sản thế giới ở Việt Nam
Đến nay, Việt Nam có 7 di sản được công nhận là di sản thế giới đó là Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Di sản văn hóa thế giới quần thể di tích Cố đô Huế, Di sản văn hóa thế giới phố cổ Hội An, Di sản văn hóa thế giới thánh địa Mỹ Sơn, Di sản văn hóa phi vật thể Nhã nhạc cung đình Huế, Di sản văn hóa phi vật thể văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên . Những di sản này có giá trị hấp dẫn du lịch rất lớn và thực tế đã trở thành những điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng của Việt Nam.
Hiện nay thị trường khách du lịch quốc tế đến các vùng di sản cũng là những thị trường khách trọng điểm đến Việt Nam như thị trường Đông Bắc á với các du khách Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, thị trường khách ASEAN, thị trường khách Tây Âu, thị trường Bắc Mỹ và một số nước Bắc Âu, châu Úc.. Tuy nhiên ở mỗi khu vực thứ tự xếp hạng có thể khác nhau ví dụ như khách quốc tế đến Hạ Long nhiều nhất là khách là thị trường Đông Bắc á, rồi đến ASEAN nhưng ở Huế hay Hội An dẫn đầu lại là khách Tây Âu rồi mới đến khách Nhật Bản, Hàn Quốc…
So với các khu vực khác, di sản VQG Phong Nha – Kẻ Bàng là khu vực có lượng khách quốc tế đến còn rất hạn chế, phần lớn khách đến đây là thị trường khách du lịch nội địa. Khác với Phong Nha – Kẻ Bàng, Hội An, Mỹ Sơn lại là những điểm du lịch đón lượng khách quốc tế nhiều hơn thị trường khách du lịch nội địa.
Lượng khách du lịch đến các khu vực di sản thế giới tại Việt Nam
(giai đoạn 2002 – 2006)
(đơn vị: lượt khách)
Năm |
2002 |
2003 |
2004 |
2005 |
2006 |
Tổng khách đến Hạ Long |
1.900.000 |
2.130.000 |
2.190.000 |
1.650.000 |
1.900.000 |
Khách quốc tê |
800.000 |
510.000 |
750.000 |
940.000 |
1.000.000 |
Khách nội địa |
1.100.000 |
1.620.000 |
1.440.000 |
710.000 |
900.000 |
Tổng khách đến PN-KB |
155.656 |
196.291 |
331.951 |
255.752 |
257.646 |
Khách quốc tế |
1.537 |
1.463 |
2.523 |
4.210 |
7.091 |
Khách nội địa |
154.119 |
194.820 |
329.438 |
251.542 |
250.555 |
Tổng khách đến Huế |
1.323.231 |
1.188.301 |
1.371.496 |
1.321.026 |
1.446.816 |
Khách quốc tế |
480.802 |
371.830 |
436.622 |
552.943 |
630.535 |
Khách nội địa |
842.429 |
816.471 |
934.874 |
768.083 |
816.281 |
Tổng khách đến Hội An |
219.888 |
214.444 |
270.087 |
346.902 |
394.547 |
Khách quốc tế Khách quốc tế |
190.885 |
161.976 |
216.688 |
289.082 |
323.760 |
Khách nội địa |
29.033 |
52.468 |
53.419 |
57.820 |
70.818 |
Tổng khách đến Mỹ Sơn |
77.558 |
83.515 |
107.512 |
116.988 |
140.000 |
Khách quốc tế |
62.397 |
51.994 |
66.034 |
82.461 |
90.000 |
Khách nội địa |
15.161 |
31.522 |
41.478 |
34.527 |
50.000 |
(Nguồn: Cơ quan quản lý du lịch các địa phương có di sản thế giới tại Việt Nam)
Các khu vực có di sản cũng đều rất quan tâm đến việc tổ chức khai thác du lịch. Hệ thống hạ tầng cơ sở (đường giao thông, điện, nước…) tại các di sản đều được xây dựng, nâng cấp để tạo điều kiện cho việc quản lý, bảo vệ và tham quan các du lịch. Tuy nhiên cơ sở hạ tầng cho đến nay vẫn là một hạn chế lớn trong việc thu hút du khách quốc tế đến với các vùng di sản này.
Tại các khu vực có di sản thế giới đã hình thành hệ thống tổ chức bộ máy chuyên trách quản lý bảo tồn và phát huy các giá trị di sản là các Ban Quản lý di sản hay các Trung tâm bảo tồn di tích, di sản, điều này có ý nghĩa tích cực trong việc nghiên cứu những nội dung lịch sử, giá trị văn hóa, nghệ thuật hay tính đa dạng sinh học của các di sản, thực hiện các công tác về bảo tồn, bảo tàng, trùng tu tôn tạo và nâng cao giá trị các di sản đồng thời mở rộng được các hoạt động hợp tác quốc tế, tranh thủ được sự hỗ trợ về chuyên môn và tài chính từ các tổ chức quốc tế trong việc triển khai các nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Nhiều nơi đã có các kế hoạch, dự án bảo tồn, trùng tu cụ thể như Huế, Hội An, Mỹ Sơn… Trong các dự án này đều có nghiên cứu tác động môi trường.
Nguồn thu du lịch chủ yếu từ bán vé tham quan, hướng dẫn, bán đồ lưu niệm… cho khách tham quan du lịch. Kinh phí này đã được chú trọng đầu tư cho công tác bảo tồn, tôn tạo các giá trị di sản, giá trị du lịch. Nhiều nơi đã chủ động trong thực hiện các dự án bảo tồn, bảo vệ, trùng tu, phục chế.
Đến nay, hầu hết các di sản thế giới (nhất là các di sản vật thể) đều đã được quan tâm bảo tồn theo đúng yêu cầu chuyên môn. các công trình được trung tu, tôn tạo đều cơ bản giữ được giá trị nguyên gốc của công trình nghĩa là bảo lưu được tính xác thực của di tích, riêng chỉ có di sản Mỹ Sơn còn có những khó khăn nhất định trong việc bảo tồn, tôn tạo di tích.
Bên cạnh công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, bảo vệ cảnh quan tại các khu di sản, các vấn đề về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên, đánh giá tác động môi trường cũng bắt đầu được được nghiên cứu và đề cập. Tại các khu di sản đều đã chú ý quy hoạch thiết kế hệ thống thoát nước thải, hệ thống các khu dịch vụ vệ sinh, công trình phụ tự hoại, hệ thống thu gom rác thải…
Không chỉ môi trường tự nhiên, các vấn đề về môi trường xã hội nhân văn cũng được quan tâm. Điển hình là tại thị xã Hội An – một di sản mang tính đặc thù, UBND thị xã đã ban hành quyết định cấm các loại xe có động cơ lưu thông trên khu phố cổ, và ngay lập tức quyết định này đã có tác động rất tốt, tạo một tâm lý thoải mái, an toàn cho khách du lịch khi đến thăm di sản này.
Sự phối hợp liên ngành Du lịch, Văn hóa – Thông tin, Nông nghiệp & phát triển nông thôn… trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản phục vụ cho phát triển du lịch cũng từng bước được nâng cao. Trước hết nó thể hiện trong các văn bản pháp lý của các ngành. Luật Di sản 2001, Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, và Luật Du lịch năm 2005 có hiệu lực thi hành là cơ sở pháp lý quan trọng về việc phân định trách nhiệm của các ngành.
Nhìn chung phát triển du lịch ở các khu vực di sản đã mang lại nhiều tác động tích cực:
– Thu hút được các dự án đầu tư, thu hút được nhiều sự quan tâm hỗ trợ của quốc tế đối với di sản (như tổ chức tình nguyện của Nhật hiện đang giúp đỡ, Huế Hội An hay 1 tổ chức của Italia đang giúp đỡ Mỹ Sơn…).
– Tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương, người dân có thu nhập khá đã giảm hẳn áp lực đối với các di sản. Đời sống dân cư ở khu vực di sản được cải thiện rõ, góp phần bảo tồn và nhận thức được giá trị di sản, tích cực tham gia bảo tồn và phát triển du lịch.
– Bên cạnh đó thông qua du lịch đã tuyên truyền cho người dân lợi ích từ phát triển du lịch và bảo tồn với phát triển. Nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư và các cấp quản lý về phát triển du lịch và bảo tồn rất tốt.
– Phát triển du lịch đã góp phần tích cực cho bảo tồn, phát triển địa phương (thể hiện rõ qua bộ mặt hạ tầng cơ sở phát triển). Du lịch đã góp phần kinh phí cho công tác bảo tồn (nuôi bộ máy bảo tồn, bảo tồn trực tiếp và quảng bá cho di sản, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng). Qua du lịch cũng góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể.
– Du lịch phát triển góp phần cải thiện hạ tầng trong và ngoài di sản (cộng đồng và chính quyền sở tại ý thức hơn về kiến trúc, xây dựng để hài hòa di sản).
Tuy nhiên phát triển du lịch di sản cũng có những tác động tiêu cực:
– Thương mại hóa hoạt động du lịch làm biến dạng các di sản. Thay đổi nét văn hóa cổ truyền của dân cư, tác động đến giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng. Trong quá trình phát triển du lịch, nhiều phong tục tập quán, các lễ hội, nghề truyền thống bị thương mại hóa nhằm đáp ứng thị hiếu của du khách do đó dẫn đến mất hết những đặc trưng của văn hóa địa phương.
– Những tệ nạn xã hội theo dòng khách du lịch và người lao động du nhập vào địa phương gia tăng làm ảnh hưởng đến đời sống văn hóa truyền thống của người dân (mại dâm, trộm cắp, buôn bán hàng quốc cấm, ăn xin, đeo bám…)
– Ô nhiễm môi trường, xuống cấp giá trị tài nguyên. Nước thải sinh hoạt của du khách, nước thải, khí thải từ các cơ sở dịch vụ du lịch, phương tiện vận chuyển du lịch… gây ra những áp lực lên môi trường (ví dụ như ở Hạ Long, khu vực Đại nội Huế, phố cổ Hội An vào những mùa cao điểm, mùa hè nóng nực…)
Một số vấn đề đặt ra tại các khu vực di sản thế giới ở Việt Nam:
– Ngoại trừ cố đô Huế, hầu như các khu vực có di sản thế giới ở Việt Nam đều chưa có quy hoạch phát triển du lịch cụ thể, nhiều nơi mới chỉ là kế hoạch ngắn hạn và các dự án lẻ, điều này đã dẫn đến việc đầu tư xây dựng bừa bãi, chưa có những quy định quản lý và phát triển hoạt động du lịch. Đây cũng là nguyên nhân của một thực tế hiện nay ở khu vực di sản là kinh phí đầu tư còn hạn chế, các hạng mục đầu tư vụn vặt.
– Việc thực hiện bảo vệ tài nguyên môi trường chưa được đặt lên hàng đầu, thiếu sự phối hợp giữa các ngành liên quan trong bảo tồn di sản và phát triển du lịch là nguyên nhân của tình trạng vi phạm di sản, bảo tồn tôn tạo không đúng quy cách…, suy giảm chất lượng môi trường…, ảnh hưởng đến việc nâng cao đời sống cho cộng đồng dân cư mà còn làm suy giảm giá trị và tính bền vững của các di sản.
– Một vấn đề nữa là về sức chứa và môi trường đặt ra trong khu vực di sản. Cũng như nhiều khu vực du lịch khác, hoạt động du lịch ở các khu vực di sản có tính thời vụ cao, chủ yếu tập trung vào mùa lễ hội hay mùa nắng. Vào những thời điểm này lượng du khách đến quá cao gây ra sự quá tải ngưỡng môi trường là nguyên nhân dẫn đến suy thoái, giảm sút chất lượng môi trường, hủy hoại tài nguyên trong khu vực di sản.
Cũng như nhiều khu vực du lịch khác, hoạt động du lịch ở các khu vực di sản có tính thời vụ cao, chủ yếu tập trung vào mùa lễ hội hay mùa nắng. Vào những thời điểm này lượng du khách đến quá cao gây ra sự quá tải ngưỡng môi trường là nguyên nhân dẫn đến suy thoái, giảm sút chất lượng môi trường, hủy hoại tài nguyên trong khu vực di sản.
– Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách cả về số lượng và chất lượng (như ở Phong Nha – Kẻ Bàng, Mỹ Sơn khách sạn, nhà hàng phục vụ còn thiếu, phương tiện vận chuyển, dịch vụ du lịch hạn chế, điện nước không ổn định…).
– Nhận thức của người dân còn chưa cao nhất là ở những nơi địa hình khó khăn, vùng xa như Phong Nha – Kẻ Bàng, hay Mỹ Sơn. Việc nâng cao nhận thức cộng đồng cần tập trung vào các hoạt động nâng cao nhận thức liên quan tới các hoạt động du lịch như hiểu biết về giá trị của các tài nguyên, môi trường, hiểu biết xã hội, những kiến thức pháp luật có liên quan, nghiệp vụ tham gia hướng dẫn, kinh doanh du lịch…
– Chính từ thực tế nhận thức của người dân còn thấp như trên nên một vấn đề đáng quan tâm nữa hiện nay đó là việc chưa phát triển khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo tồn và khai thác phát triển du lịch. Cộng đồng dân cư chính là chủ nhân của các nguồn tài nguyên du lịch, và hơn ai hết họ hiểu được giá trị của các nguồn tài nguyên đó. Tuy nhiên hiện nay, khi tiến hành các dự án trùng tu, bảo tồn, bảo vệ môi trường cũng như việc tổ chức khai thác các nguồn tài nguyên, các di sản phục vụ phát triển du lịch dường như người ta đã bỏ ra ngoài hoặc lờ đi cái vai trò của cộng đồng dân cư địa phương. Và đó chính là nguyên nhân của hàng loạt mâu thuẫn giữa cộng đồng địa phương với Ban Quản lý di tích hoặc các doanh nghiệp du lịch hoạt động trên địa bàn… Đã có rất nhiều di tích bị xâm hại, bị lấn chiếm bởi các kiot, nhà hàng, lều quán bán hàng… do người dân dựng nên gây trong các dịp lễ hội, các mùa vụ du lịch… gây ô nhiễm môi trường và mất trật tự an toàn tại các điểm du lịch.
– Sự phối hợp giữa các ban ngành trong quản lý và phát triển du lịch chưa tốt, còn chồng chéo, nhiều khi dẫn đến những lãng phí trong đầu tư phát triển.
– Du lịch di sản là loại hình có sự lựa chọn thị trường khách cao, thường là những khách am hiểu lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, tôn giáo do vậy cần có chiến lược cụ thể về thị trường – sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và mở rộng thị trường nhằm tạo ra hiệu quả cao từ hoạt động khai thác du lịch.
– Tuyên truyền quảng bá còn thiếu cả về thông tin và công cụ quảng bá nên các thông tin về các khu vực di sản cung cấp cho du khách chưa nhiều và tuyên truyền quảng bá định hướng thị trường chưa cao nhất là khu vực di sản Mỹ Sơn hay Phong Nha – Kẻ Bàng.