Định hướng phát triển sản phẩm du lịch liên kết đặc trưng vùng Tây Bắc
Vùng Tây Bắc giàu tiềm năng phát triển du lịch với nhiều giá trị tài nguyên nổi bật như thiên nhiên hùng vĩ, địa hình địa chất độc đáo, văn hóa dân tộc thiểu số đặc sắc, các giá trị truyền thống lâu đời và quần thể di tích lịch sử cách mạng quan trọng. Dựa vào những lợi thế đó, du lịch Tây Bắc trong những năm vừa qua đã có bước phát triển đáng kể, tạo dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng, có thương hiệu trên bản đồ du lịch Việt Nam như du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa dân tộc thiểu số, du lịch sinh thái. Tuy vậy, do đặc thù về địa lý, địa hình núi cao, trải rộng, điều kiện giao thông đi lại giữa các điểm đến khó khăn và trình độ phát triển du lịch chưa đồng đều trong vùng, hướng khai thác sản phẩm còn trùng lắp chưa mang tính đặc thù, hạn chế trong khai thác tài nguyên nên du lịch Tây Bắc mới chỉ phát triển tập trung vào một số khu vực, địa phương dẫn đến tình trạng quá tải vào mùa cao điểm trong khi nhiều địa bàn trong vùng mặc dù có tiềm năng cho phát triển lại vẫn không thu hút được du khách;ảnh hưởng tới phát triển kinh tế xã hội và du lịch bền vững.
Định hướng phát triển du lịch vùng Tây Bắc đã được xác định tại Chiến lược và Quy hoạch tổng thể du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030 Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2020 và cụ thể hóa tại đề án Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng miền núi phía Bắc. Các địa phương trong vùng cũng đang nỗ lực triển khai các nội dung, chương trình, quyết tâm phát triển du lịch Tây Bắc trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo đúng tinh thần của Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Một nội dung, vấn đề đặt ra hiện nay cho du lịch vùng Tây Bắc là phải đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, đồng thời liên kết hình thành các tuyến du lịch tạo dựng thương hiệu cho du lịch vùng. Việc làm này giúp phát huy các tài nguyên thế mạnh của từng địa phương và kết nối các dịch vụ liên quan, góp phần vào phát triển kinh tế cộng đồng địa phương bền vững.
Triển khai các định hướng tại các Chiến lược, Quy hoạch phát triển du lịch đã được duyệt, Đề án Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng miền núi phía Bắc đã xác định hệ thống các sản phẩm du lịch đặc thù có ý nghĩa quốc gia/quốc tế và cấp vùng cần được phát triển để mang lại thương hiệu khác biệt cho du lịch Tây Bắc. Các sản phẩm du lịch đặc thù của vùng Tây Bắc đã được định hướng phát triển, đó là:
Du lịch mạo hiểm – trải nghiệm các giá trị địa hình núi cao/địa hình karst: Du lịch Trải nghiệm các giá trị cảnh quan địa hình núi cao – địa hình karst gắn với đời sống sinh hoạt truyền thống cộng đồng các dân tộc ít người vùng núi cao. Không gian đặc trưng để phát triển dòng sản phẩm du lịch đặc thù này kéo dài từ Sìn Hồ (Lai Châu) qua Sa Pa (Lào Cai) đến Đồng Văn (Hà Giang) với trọng tâm là dãy Hoàng Liên Sơn và cao nguyên đá Đồng Văn.
Du lịch thể thao mạo hiểm, chinh phục các đỉnh núi cao, các hẻm vực sâu; vượt thác ghềnh dọc theo các dòng sông lớn; dù lượn; xe vượt địa hình. Không gian đặc trưng để phát triển dòng sản phẩm du lịch đặc thù này là khu vực dãy Hoàng Liên Sơn (Lào Cai); cao nguyên đá Đồng Văn, đặc biệt ở vùng núi Mèo Vạc, Quản Bạ (Hà Giang); vùng núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn) và dọc các sông Hồng, sông Lô, sông Đà và sông Mã.
Du lịch nghiên cứu khám phá các giá trị địa hình – địa mạo (địa cảnh), hệ thống các hang động được hình thành trong lịch sử hoạt động kiến tạo địa chất của vùng. Không gian đặc trưng để phát triển dòng sản phẩm du lịch này tập trung tại Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu.
Du lịch tìm hiểu, trải nghiệm các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người vùng núi cao: Trải nghiệm các giá trị văn hóa dân tộc ít người là dòng sản phẩm rất đặc thù khi khách du lịch được giao lưu cùng đồng bào, đặc biệt trong các hoạt động lễ hội hoặc tín ngưỡng truyền thống. Chương trình (tour) du lịch “Chợ phiên vùng cao”; “Sắc hoa Tây Bắc”; “Lễ hội vùng cao”; v.v. là những sản phẩm du lịch cụ thể thuộc dòng sản phẩm này.
Du lịch sinh thái – Trải nghiệm thiên nhiên hùng vĩ: tìm hiểu và trải nghiệm các giá trị đa dạng sinh học, cảnh quan và văn hóa bản địa ở các sinh cảnh tiêu biểu của hệ sinh thái núi cao ở vùng núi phía Bắc; thưởng ngoạn khí hậu núi cao. Không gian đặc trưng để phát triển dòng sản phẩm du lịch đặc thù này ở vùng núi phía Bắc bao gồm Sinh cảnh rừng thường xanh á nhiệt đới – cận ôn đới núi cao: tập trung ở vùng núi cao Hoàng Liên Sơn; một số dãy núi cao Pusilung, Puluông, Phu Hoạt Tây Côn Lĩnh trên địa phận các tỉnh Lào Cai và Hà Giang và khu vực núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn). Những sinh cảnh này còn được bảo tồn khá nguyên ven ở VQG Hoàng Liên, Khu BTTN núi Mẫu Sơn. Sinh cảnh rừng thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi trung bình và thấp khá phổ biến ở trên toàn lãnh thổ vùng núi phía Bắc, tuy nhiên những giá trị nguyên bản của sinh cảnh này được bảo tồn khá nguyên vẹn tại VQG Núi Phia Oắc – Phia Đén (Cao Bằng), VQG Xuân Sơn (Phú Thọ); Khu BTTN Bắc Mê (Hà Giang), Mường Nhé (Điện Biên), Hang Kia – Pà Cò (Hòa Bình). Sinh cảnh rừng nhiệt đới thường xanh trên địa hình karst còn bảo tồn khá điển hình ở VQG Ba Bể (Bắc Kạn) và VQG Du Già – Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang).
Du lịch về nguồn: Đây là loại sản phẩm du lịch tham quan các di tích lịch sử văn hóa ghi lại những dấu ấn/kỳ tích của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc và thực dân Pháp mà tiêu biểu nhất là di tích Điện Biên Phủ. Có thể nói chỉ có đến với vùng núi phía Bắc, du khách với có thể có những trải nghiệm đầy đủ nhất về dấu ấn lịch sử của cha ông ở thời kỳ đáng tự hào này của dân tộc Việt Nam. Chương trình (tour) du lịch “Dấu chân huyền thoại” – Khám phá các cung đường hành quân trong chiến dịch Điện Biên lịch sử có thể được xem là một sản phẩm điển hình cụ thể thuộc dòng sản phẩm du lịch đặc thù này.
Du lịch sinh thái nông nghiệp: Các trang trại vùng trung du và một số tỉnh miền núi với sản lượng nông nghiệp cao, hình thức canh tác đặc thù có thể trở thành các sản phẩm du lịch phục vụ khách. Các hoạt động cho khách tham quan, tìm hiểu đơn giản hoặc tham gia trải nghiệm các quy trình vắt sữa, quy trình chế biến và đóng gói các sản phẩm sữa, quy trình hái chè, chế biến chè… tại Mộc Châu, Thái Nguyên, Phia Đén, Sa Pa, Sìn Hồ… Ngắm cảnh theo mùa nông nghiệp (mùa hoa, mùa ruộng bậc thang) như ngắm hoa đào, hoa mận (Sơn La, Hà Giang); thu hoạch cam Cao Phong (Hòa Bình); hoa cải (Sơn La), ngắm hoa Ban (Sơn La, Điện Biên, Lai Châu); ngắm ruộng bậc thang mùa lúa chín Hoàng Su Phì (Hà Giang), ruộng bậc thang Mù Căng Chải (Yên Bái); ngắm hoa Tam giác mạch (Hà Giang) hoa Dã Quỳ (Lai Châu); hoa Anh Đào (Sa Pa), hồ Pá Khoang (Điện Biên); thu hoạch cam canh, cam sành (Hà Giang, Hàm Yên – Tuyên Quang), quýt (Bắc Sơn – Lạng Sơn)…
Trên cơ sở tình hình phát triển du lịch của vùng Tây Bắc, cùng với sự phù hợp về vị trí địa lý và trình độ phát triển du lịch, để có thể khai thác tối đa hiệu quả của các giá trị tài nguyên du lịch đặc thù theo các định hướng trên cần đẩy mạnh sự liên kết giữa các địa phương trong việc hình thành rõ nét các tuyến du lịch kết nối các sản phẩm du lịch đặc thù này, tạo dựng thương hiệu du lịch chung cho vùng. Quan điểm phát triển sản phẩm du lịch liên kết mang tính đặc thù vùng Tây Bắc xác định mỗi địa phương trong vùng phải phát huy thế mạnh riêng để tạo nên các sản phẩm du lịch có sự khác biệt trở thành một mắt xích quan trọng trong một chuỗi sản phẩm hấp dẫn.
Về liên kết nội vùng, du lịch Tây Bắc cần đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, tập trung theo chuyên đề của từng dòng sản phẩm du lịch, làm nổi bật và định vị các sản phẩm du lịch của vùng, làm mờ ranh giới giữa các địa phương. Sản phẩm du lịch liên kết được xây dựng là sản phẩm tổng hợp, đi qua nhiều điểm đến, kết hợp nhiều trải nghiệm độc đáo, đặc thù của vùng và liên kết được nhiều địa phương cũng như kéo dài được ngày lưu trú trung bình của khách du lịch.
Nhằm đảm bảo liên kết phát triển du lịch phù hợp với địa hình, năng lực của các địa phương và nhu cầu của thị trường, hướng liên kết theo tuyến du lịch dọc hành lang các sông Lô, sông Hồng và sông Đà được định hướng sẽ tạo ra sự khác biệt về sản phẩm du lịch vùng Tây Bắc, cụ thể:
Tuyến sản phẩm du lịch dọc theo hành lang sông Lô: Tuyên Quang – Hà Giang – Bắc Kạn – Cao Bằng – Lạng Sơn. Tập trung liên kết các sản phẩm du lịch đặc thù như du lịch mạo hiểm, trải nghiệm các địa hình núi cao; du lịch sinh thái nông nghiệp; du lịch trải nghiệm văn hóa bản địa.
Tuyến sản phẩm du lịch dọc theo hành lang sông Đà: Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên – Lai Châu. Tập trung liên kết các sản phẩm du lịch đặc thù như du lịch về nguồn; du lịch sinh thái nông nghiệp; du lịch trải nghiệm văn hóa cộng đồng.
Tuyến sản phẩm du lịch dọc theo hành lang sông Hồng: Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai – Hà Giang. Tập trung liên kết sản phẩm du lịch đặc thù theo hướng du lịch mạo hiểm trải nghiệm địa hình núi cao; du lịch sinh thái trải nghiệm thiên nhiên hùng vĩ; du lịch sinh thái nông nghiệp; du lịch trải nghiệm văn hóa bản địa.
Cột mốc 92 tại Lũng Pô, Lào Cai – “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”
Về liên kết ngoại vùng, chú trọng liên kết phát triển các sản phẩm, các tour du lịch theo tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Hà Nội – Hải Phòng; Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Quảng Ninh, liên kết với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, với các tỉnh biên giới của nước bạn Lào, Trung Quốc.
Việc liên kết phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của các địa phương trong vùng Tây Bắc phải được thực hiện dựa trên các nguyên tắc tự nguyện, đồng thuận, bình đẳng, chia sẻ và cùng có lợi. Các địa phương quản lý khai thác tài nguyên du lịch có tính chất tương đồng, huy động nguồn lực hỗ trợ trong việc phát triển chung các sản phẩm du lịch đặc thù đã được định hướng, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch phục vụ phát triển du lịch. Các địa phương cũng cần khuyến khích tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tập trung đầu tư theo định hướng sản phẩm liên kết đã xác định, phát huy tính sáng tạo của doanh nghiệp trong khai thác phát triển các sản phẩm du lịch mới bổ sung, đồng hành cùng địa phương trong xây dựng chương trình xúc tiến quảng bá du lịch.
Phát triển du lịch tại vùng Tây Bắc với những tài nguyên tự nhiên và nhân văn hấp dẫn và độc đáo là vô cùng thuận lợi nếu có sự khai thác một cách bài bản, thống nhất giữa các địa phương theo định hướng chung và đảm bảo yêu cầu về phát triển bền vững. Du lịch là ngành kinh tế quan trọng của vùng Tây Bắc góp phần tích cực vào xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cộng đồng địa phương, bảo vệ môi trường tự nhiên sinh thái và các giá trị văn hoá. Song song với việc tạo dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch liên kết đặc trưng, các tỉnh vùng Tây Bắc cần có sự đổi mới toàn diện về nhận thức tư duy về phát triển du lịch, xây dựng chính sách, phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cùng với đó là sự vào cuộc của các Bộ, ban, ngành liên quan, các cộng đồng địa phương trong toàn vùng sẽ tạo động lực mạnh mẽ đưa du lịch Tây Bắc phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thực hiện mục tiêuNghị quyết 08-NQ/TW đã đề ra.
Hoàng Mai