Dịch chuyển lao động trong cộng đồng kinh tế Asean
Với mục tiêu đầu tiên để hình thành một khu vực “Tự do trao đổi hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, lao động có tay nghề” trong ASEAN, cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã được thiết lập, trong đó, hợp tác dịch chuyển lao động nội khối “Sự trao đổi doanh nhân, lao động có tay nghề và tài năng” được xem như là một chìa khoá quan trọng trong hội nhập kinh tế của khu vực và là nhân tố có tác động trực tiếp nhất của AEC. Theo đó, lao động trẻ, có trình độ thuộc tám nhóm lĩnh vực nghề nghiệp gồm: hành nghề y khoa, nha sỹ, điều dưỡng, kiến trúc sư, kỹ sư, kế toán-kiểm toán, giám sát viên (điều tra, khảo sát) và du lịch sẽ được tự do di chuyển giữa các quốc gia.
Mục đích của hợp tác dịch chuyển lao động trong AEC hướng tới sự phát triển bền vững nguồn lao động ASEAN trong đó:
– Về chính trị – an ninh: Tăng cường các động thái công lý với vấn đề buôn người; Bảo vệ các nạn nhân của nạn buôn người.
– Về kinh tế: Tạo thuận lợi cho dịch chuyển lao động thông qua việc cấp visa và giấy phép việc làm cho doanh nghiệp và các lao động có tay nghề; Công nhận trình độ chuyên môn trên cơ sở thực hiện và phát triển MRAs (thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau); Phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực dịch vụ; Nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực cốt lõi trong các dịch vụ ưu tiên; Tăng cường năng lực chương trình thị trường lao động.
– Về văn hóa – xã hội: Phát triển lao động, tạo vệc làm cho xã hội theo hướng bền vững; Thúc đẩy và bảo vệ quyền cho người di cư lao động.
Về nguyên tắc, dịch chuyển lao động trong khu vực ASEAN không vượt quá quy định nghĩa vụ chung của “Phương thức 4” (Hiện diện thể nhân) về cung cấp dịch vụ của GATS (Hiệp định chung về thương mại và dịch vụ).
So với các khu vực khác, chế độ dịch chuyển lao động trong ASEAN tương tự như cách tiếp cận của NAFTA (Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ), nhưng phạm vi hội nhập khu vực, được đề ra có khác mục tiêu của NAFTA. Nếu so sánh với hiệp định của EU và hiệp định MERCOSUR (các quốc gia Nam Mỹ) nó vẫn còn khoảng cách với những cải cách tiến bộ về di cư lao động.
Không thể phủ nhận những nỗ lực được thực hiện bởi các nước thành viên ASEAN trong việc hình thành cộng đồng chung, tạo những dấu một mốc quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực ở Đông Nam Á và thực hiện hợp tác dịch chuyển lao động trong khu vực. ASEAN đã ký kết các hiệp định, thỏa thuận liên quan tới việc tạo điều kiện cho dịch chuyển lao động qua biên giới.
Hiệp định về di chuyển thể nhân giữa các nước trong khu vực – MNP
Ngày 19/11/2012 tại Phnom Penh (Campuchia) với mục tiêu dỡ bỏ các rào cản đối với việc di chuyển lao động tạm thời qua biên giới của các thể nhân tham gia vào thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư giữa các nước ASEAN, Hiệp định ASEAN về di chuyển thể nhân (MNP) đã được ký kết.
Hiệp định này áp dụng đối với các quy định ảnh hưởng tới việc di chuyển tạm thời qua biên giới của thể nhân của một nước ASEAN sang lãnh thổ của nước ASEAN khác trong các trường hợp:
1) Khách kinh doanh (business visitors)
2) Người di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp
3) Người cung cấp dịch vụ theo hợp đồng
4) Một số trường hợp khác quy định cụ thể trong Biểu lộ trình cam kết về Di chuyển thể nhân của mỗi nước đính kèm theo Hiệp định này.
Hiệp định không áp dụng đối với các quy định của một nước ASEAN liên quan tới việc hạn chế tiếp cận thị trường lao động của người lao động các nước ASEAN khác. Việc mở cửa thị trường lao động của mỗi nước chỉ áp dụng cho các ngành nghề được quy định cụ thể trong Biểu lộ trình cam kết của nước đó và thuộc một trong 4 trường hợp trên.
So sánh cam kết WTO và Pháp luật Việt Nam: Các cam kết của Việt Nam trong MNP phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong WTO và các quy định pháp luật nội địa của Việt Nam.
Tuy nhiên hiện nay Hiệp định này hiện vẫn chưa có hiệu lực do một số nước ASEAN chưa hoàn tất thủ tục phê chuẩn.
Thỏa thuận thừa nhận nhau trong ASEAN: MRA và MRA trong lĩnh vực du lịch: MRA-TP
Để tạo thuận lợi hơn cho sự dịch chuyển lao động có tay nghề giữa các nước ASEAN, các nước đã ký kết các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong một số lĩnh vực nhằm công nhận lẫn nhau về bằng cấp và trình độ của lao động có kỹ năng. Cho tới thời điểm hiện tại, các nước ASEAN đã ký 8 Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA) trong đó có lĩnh vực Du lịch.
MRA trong lĩnh vực Du lịch (MRA-TP) được các nước ASEAN ký ngày 9/11/2012 tại Bangkok, Thái Lan.
Về bản chất, MRA-TP là công cụ để tạo thuận lợi cho việc dịch chuyển lao động du lịch có tay nghề trong khu vực thông qua việc công nhận tương đương trình độ bằng cấp của lao động nghề du lịch giữa các nước ASEAN dựa trên một khung tham chiếu chung của khu vực. MRA-TP giúp giải quyết được sự mất cân bằng giữa cung và cầu về việc làm du lịch trong khu vực ASEAN và thiết lập cơ chế cho sự tự do dịch chuyển của lao động du lịch đã được công nhận năng lực trong khu vực ASEAN.
Nội dung chính của thỏa thuận: Trình độ của người lao động trong lĩnh vực du lịch của một nước ASEAN được một nước ASEAN khác công nhận, và được làm việc tại nước đó với điều kiện:
– Người lao động làm việc trong một trong 32 lĩnh vực dịch vụ khách sạn và lữ hành quy định trong Phụ lục đính kèm MRA-TP, trong đó không bao gồm Hướng dẫn viên du lịch.
– Người lao động phải được đào tạo và có Chứng nhận trình độ du lịch (còn hiệu lực) đáp ứng Tiêu chuẩn trình độ chung ASEAN về du lịch (ACCSTP) và được cấp bởi một Hội đồng chứng nhận nghề du lịch tại nước mình.
– Người lao động phải tuân thủ các quy định và pháp luật hiện hành của nước sở tại.
Hiện tại MRA-TP vẫn chưa có hiệu lực. Sáu nước Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore và Thái Lan đã hoàn thành các thủ tục và quy trình trong nước để thực hiện MRA -TP nhưng 4 nước còn lại trong ASEAN bao gồm Việt Nam vẫn đang trong quá trình chuẩn bị các điều kiện cơ bản để Thỏa thuận có thể được thực hiện tại từng nước và trong phạm vi khu, nhiều khả năng sẽ được chính thức vận hành vào cuối năm 2017.
Trên thực tế, có những hạn chế nhất định trong quản lý và thực hiện dịch chuyển lao động nhất là đối với chuyên gia có trình độ cao; chưa giải quyết được dòng chảy lao động (một thực trạng trong khu vực) và có thể bỏ lỡ những cơ hội và những tác động phát triển tích cực của các dòng dịch chuyển do chưa có cách tiếp cận quản lý dịch chuyển lao động tốt.
Chính sách bền vững lao động khu vực trong tương lai cần nhằm vào các chương trình hợp tác tăng cường lợi ích cho cả nước gửi và nước nhận lao động, và đảm bảo sự bảo vệ cho những người lao động di cư. Hợp tác phát triển lao động sâu hơn cần phát triển chính sách liên quan đến: i) Hài hoà/loại bỏ visa và các yêu cầu nhập cư, các rào cản khác liên quan đến kiểm tra kinh tế hoặc hạn chế số lượng và khoản thu của lao động liên quan đến việc dịch chuyển lao động tay nghề cao; ii) Những cải cách thể chế và chính sách liên quan đến trình độ chuyên môn, xem xét thoả thuận công nhận kĩ năng lẫn nhau với những nghề trung cấp, điều này có thể cung cấp một kênh quản lý tốt và minh bạch hơn nhằm giải quyết các dịch chuyển lao động đã và đang diễn ra trong khu vực, trong thời hạn ngắn và vừa để đáp ứng sự chênh lệch về dân số và thu nhập giữa các nước thành viên; iii) Bảo hộ lao động nhập cư và vấn đề an ninh với những chính sách bảo đảm sự bảo hộ cho những lao động di cư, các vấn đề an sinh xã hội. Thực hiện Tuyên bố ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư (Tuyên bố Cebu) để góp phần đấu tranh chống lại việc khai thác người lao động di cư và đảm bảo sự chuyển dịch con người có tổ chức trong khu vực. Giới thiệu chương trình khu vực về an sinh xã hội, tăng cường an ninh kinh tế khu vực và giảm chi phí với những người di cư trở và đồng thời cũng giảm bớt việc ở lại quá thời hạn.
Năm 2016 vừa qua đi, chưa có những thay đổi lớn trong dịch chuyển lao động giữa các nước ASEAN và Việt Nam. Với dự báo ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2050, với sự tăng trưởng, phát triển và nhu cầu lao động ngày càng cao, chắc chắn không chỉ có sự dịch chuyển lao động trong các lĩnh vực kinh tế mà dịch chuyển lao động quốc tế giữa các nước trong khu vực sẽ diễn ra mạnh mẽ và đó cũng là tất yếu cho những mong đợi của một thị trường khu vực hội nhập./.
TS. Đỗ Thị Thanh Hoa – Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch