Đánh giá khả năng cạnh tranh sản phẩm du lịch của Việt Nam với sản phẩm du lịch của Trung Quốc
* Một số chỉ tiêu kinh tế của hai nước
Việt Nam là đất nước nhỏ bé so với Trung Quốc, theo thống kê năm 2005 thì dân số của Việt Nam chỉ bằng 6,8% dân số của Trung Quốc. Về diện tích thì Việt Nam chỉ bằng khoảng 3,5% diện tích của Trung Quốc. Điều đó cho thấy Trung Quốc là một đất nước rộng lớn và đông dân hơn rất nhiều so với Việt Nam.
Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế của Trung Quốc cũng rất ấn tượng, theo thống kê năm 2005 giá trị GDP của Trung Quốc đạt 2.234,1 tỷ USD trong khi đó chỉ số này ở Việt Nam mới chỉ là 51,4 tỷ USD chỉ bằng 2,3% tổng giá trị GDP mà Trung Quốc tạo ra. Trong đó tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc đạt 10,2% trong khi đó tóc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt 8,4%. Những con số này cho thấy Trung Quốc là nền kinh tế lớn và phát triển hơn rất nhiều so với nền kinh tế của Việt Nam.
* Một số chỉ tiêu du lịch:
Năm 2005, giá trị GDP mà ngành du lịch Trung Quốc tạo ra là 63.424 triệu USD trong khi đó với chỉ tiêu này thì ngành du lịch Việt Nam tạo ra được 1.834 triệu USD chỉ chiếm khoảng 2,9% giá trị GDP mà ngành du lịch Trung Quốc tạo ra. Theo dự báo của tổ chức du lịch và lữ hành quốc tế thì trong giai đoạn 2007 đến 2016 thì tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ là 8,7% trong khi đó cũng theo dự báo của tổ chức này thì tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ chỉ là 6,2%. Với quy mô rất lớn cộng với tốc độ tăng trưởng dự kiến lớn hơn nhiều so với Việt Nam thì trong giai đoạn 2007 đến 2016 thì du lịch Trung Quốc càng vượt rất xa so với du lịch của Việt Nam.
Năm 2005, du lịch Trung Quốc đã tạo ra 17.383 ngàn việc làm trực tiếp từ các hoạt động du lịch, trong khi đó số lao động trực tiếp mà ngành du lịch Việt Nam tạo ra là 953 ngàn lao động chỉ chiếm 5,5% lực lượng lao động mà ngành du lịch Trung Quốc tạo ra, điều này càng khẳng định du lịch Trung Quốc có quy mô rất lớn so với du lịch Việt Nam. Lượng lao động mà ngành du lịch Trung Quốc tạo ra chiếm 10,3% lượng lao động của toàn bộ nền kinh tế trong khi đó lượng lao động mà ngành du lịch Việt Nam tạo ra chỉ chiếm 2,5% lượng lao động trong toàn bộ nền kinh tế. Điều đó cho thấy vai trò của ngành du lịch Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế của Trung Quốc, còn du lịch Việt Nam thì mức độ ảnh hưởng là thấp hơn nhiều.
Lượng khách du lịch quốc tế đến Trung Quốc là 46,8 triệu lượt khách, trong khi đó lượt khách quốc tế đến du lịch Việt Nam mới chỉ đạt gần 3,5 triệu lượt khách chỉ bằng khoảng 7,4% lượng khách đến Trung Quốc. Từ những chỉ tiêu trên đây có thể kết luận được rằng quy mô của ngành du lịch Việt Nam thực sự là rất nhỏ bé so với quy mô ngành du lịch Trung Quốc. Chính vì thế mà mọi sự so sánh giữa sản phẩm du lịch của Trung Quốc và sản phẩm du lịch của Việt Nam đều chỉ là sự so sánh tương đối mà thôi.
Đánh giá một số tiêu chí cạnh tranh giữa sản phẩm du lịch của Trung Quốc với sản phẩm du lịch của Việt Nam:
* Các yếu tố nội hàm:
a- Tính hấp dẫn của tài nguyên du lịch:
a- Tính hấp dẫn của tài nguyên du lịch:
Tiêu chí về tài nguyên văn hóa thì Trung Quốc thực sự có lợi thế rất lớn so với Việt Nam. Theo đánh giá của tổ chức du lịch và lữ hành quốc tế năm 2007 thì Trung Quốc được xếp hạng thứ 60 và đạt số điểm 4,4 trong khi đó Việt Nam kém tới 24 bậc và được xếp hạng thứ 84 và chỉ đạt số điểm là 3,8 điểm.
Tiêu chí đánh giá các khu vực được quốc gia bảo vệ thì Trung Quốc được đánh giá ở vị trí khá xếp thứ 56 trong khi đó du lịch Việt Nam được đánh giá ở mức thấp xếp thứ 88. Tiêu chí đánh giá về số lượng di sản thế giới thì Trung Quốc được đánh giá rất cao và đây là một trong 3 cường quốc có số lượng lớn về di sản thế giới, với tiêu chí này Việt Nam chỉ đứng thứ 48.
Điều này cho thấy Trung Quốc có lợi thế vượt trội so với Việt Nam về tài nguyên du lịch văn hóa, với lợi thế to lớn này thì Việt Nam khó có thể cạnh tranh với du lịch Trung Quốc về loại sản phẩm du lịch mà dựa trên yếu tố tài nguyên du lịch văn hóa.
b- Khả năng tiếp cận sản phẩm du lịch:
Về tiêu chí thủ tục Visa, Theo đánh giá của tổ chức du lịch và lữ hành thì tiêu chí này của Việt Nam và Trung Quốc là tương đương nhau và được xếp ở vị trí thứ 94.
Tiêu chí về cơ sở vận chuyển hàng không: đây là tiêu chí khá quan trọng đối với hoạt động du lịch trong thời kỳ hội nhập và mở cửa với thế giới, nó rút bớt khoảng cách về mặt không gian, đồng thời có thể tiết kiệm về mặt thời gian và tiền bạc cho du khách. Với tiêu chí này thì Trung Quốc được đánh giá khá cao xếp thứ 36, trong khi đó tiêu chí này của Việt Nam chỉ được đánh giá ở mức yếu và được xếp ở hạng 90.
Tiêu chí về cơ sở vận chuyển đường bộ: cũng là tiêu chí có ảnh hưởng lớn tới năng lực cạnh tranh của sản phẩm du lịch của mỗi quốc gia. Tiêu chí này, Trung Quốc cũng được đánh giá là khá tốt, được xếp hạng 45 trong khi đó chỉ tiêu này của Việt Nam được đánh giá ở mức thấp xếp thứ 85.
Tiêu chí về phương tiện vận chuyển đường sắt: cũng là một trong những tiêu chí có ảnh hưởng lớn đến chất lượng dịch vụ du lịch. Theo đánh giá của tổ chức du lịch và lữ hành quốc tế thì tiêu chí về phương tiện vận chuyển đường sắt của Trung Quốc được xếp thứ 33 trong khi đó tiêu chí này của Việt Nam là 70 điều này cho thấy khả năng cạnh tranh về phương tiện vận chuyển đường sắt của Việt Nam so với Trung Quốc là khó có thể cạnh tranh được trong thời gian ngắn.
Tiêu chí về cơ sở hạ tầng hỗ trợ phát triển du lịch của Trung Quốc và Việt Nam đều bị đánh giá ở mức yếu kém, Trung Quốc xếp thứ 113 thì Việt Nam chỉ đứng trên có 3 nước xếp hạng thứ 121. Đây là tiêu chí cần phải được quan tâm để nâng cao lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm du lịch tại mỗi điểm đến.
c- Giá cả:
Tiêu chí về giá sản phẩm du lịch của Việt Nam và Trung Quốc đều được đánh giá ở mức cao, Trung Quốc xếp thứ 11 thì tiêu chí này của Việt Nam xếp thứ 10. Điều đó cho thấy về giá thì sản phẩm du lịch của Việt Nam và Trung Quốc đều có lợi thế rất lớn về giá, mặc dù sản phẩm du lịch Việt Nam có lợi thế hơn một chút về giá so với sản phẩm du lịch Trung Quốc tuy nhiên tiêu chí cạnh tranh này chưa thực sự rõ ràng bởi lợi thế về giá giữa sản phẩm du lịch Trung Quốc và Việt Nam là gần như tương đương nhau. Có thể lấy ví dụ: giá vé vào các khu du lịch ở Trung Quốc không rẻ như ở Việt Nam vé vào cổng vạn Lý Trường thành hay vào Cố Cung giá tới 90 nhân dân tệ, tương đương với 170 ngàn đồng Việt Nam, nhưng bù lại, du khách lại được thong dong, ở khu du lịch nào cũng có hướng dẫn viên du lịch biết tiếng địa phương hay ngoại ngữ để du khách “thuê” hướng dẫn, được sử dụng toilet sạch sẽ và quan trọng nhất là một môi trường sạch, các khu du lịch có quy mô đồ sộ, nhưng không có rác trên đường. Điều này làm cho yếu tố về giá sản phẩm du lịch giữa hai nước là không có lợi thế vượt trội.
d- Chất lượng phục vụ:
Chi tiêu của du khách phần nhiều vào ăn nghỉ, thường chi phí này chiếm từ 20 đến 30% tổng chi phí cho toàn bộ chuyến du lịch, chính vì thế đối với du khách và những nhà nghiên cứu thì tiêu chí đánh giá về cơ sở vật chất ngành du lịch rất được quan tâm. Tiêu chí về hệ thống phòng khách sạn của Việt Nam và Trung Quốc được đánh giá tương đương nhau trong khi Trung Quốc được xếp hạng thứ 87 thì Việt Nam được xếp hạng thứ 88. Điều này cho thấy khả năng cạnh tranh về phòng khách sạn của 2 nước là tương đương nhau, không có sự trênh lệch nhiều.
Nguồn nhân lực có vai trò quan trọng đối với hoạt động du lịch, nó có tính quyết định lớn tới chất lượng các loại hình dịch vụ du lịch và là nhân tố cần thiết đảm bảo khả năng thực thi các hoạt động du lịch tại mỗi điểm đến. Theo đánh giá, về nguồn nhân lực của du lịch Trung Quốc đứng thứ 74/124 nước, số điểm đánh giá là 5 điểm. Trong khi đó nguồn lao động của Việt Nam đứng thứ 81 kém Trung Quốc 7 bậc và có được số điểm là 4,9 điểm.
Về chất lượng giáo dục và đào tạo trong ngành du lịch thì Trung Quốc được xếp thứ 72 và có được số điểm là 4,6 điểm, cũng theo tiêu chí này thì Việt Nam chỉ đứng thứ 82 kém Trung Quốc 10 bậc và có được số điểm theo đánh giá là 4,3 điểm.
Tiêu chí số lượng người lao động trong ngành du lịch được đào tạo sơ cấp thì Trung Quốc được đánh giá ở vị trí rất cao, xếp vị trí thứ nhất. Điều đó cho thấy sự phổ cập giáo dục về du lịch của Trung Quốc là rất tốt mà Việt Nam cần phải học tập để giáo dục du lịch tại các điểm đến. Trong khi đó giáo dục đào tạo sơ cấp về du lịch cho đội ngũ nhân viên du lịch của Việt Nam được đánh giá ở mức yếu chỉ đứng thứ 94.
Đánh giá tiêu chí về các loại hình dịch vụ đào tạo và khả năng nghiên cứu du lịch tại mỗi điểm đến. Tiêu chí này thì Trung Quốc được đánh giá ở vị trí thứ 46 trong khi đó Việt Nam được đánh giá ở mức thấp hơn xếp vị trí thứ 76, kém Trung Quốc tới 30 bậc điều đó cho thấy những yếu kém và bất cập trong công tác nghiên cứu và đào tạo du lịch của Việt Nam so với Trung Quốc. Số lượng lao động trong ngành du lịch được đào tạo trung cấp về nghiệp vụ du lịch của Việt Nam được đánh giá cao hơn một chút so với Trung Quốc, song cả 2 nước đều đứng ở mức thấp, Việt Nam được xếp thứ 81 thì Trung Quốc được xếp thứ 83.
Về tiêu chí trình độ chuyên môn nghiệp vụ du lịch thì du lịch Trung Quốc có tính chuyên nghiệp cao hơn so với Việt Nam, theo đánh giá xếp hạng thì tiêu chí này của Trung Quốc được xếp thứ 79 và đạt 6,0 điểm, còn Việt Nam chỉ đứng thứ 83 và số điểm chỉ đạt 5,9 điểm.
Tiêu chí đánh giá thái độ của cộng đồng dân cư tại điểm đến đối với khách du lịch thì Việt Nam có lợi thế hơn hẳn so với Trung Quốc trong khi Việt Nam xếp ở vị trí thứ 66 thì Trung Quốc được đánh giá rất thấp xếp thứ 112.
e- Khả năng được đầu tư, xúc tiến:
Vai trò của chính phủ trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp của nước ngoài tại Việt Nam trong mấy năm gần đây được cải thiện rất nhiều, đầu tư trực tiếp của nước ngoài trong lĩnh vực du lịch đã có được nhiều tiến bộ lớn song do thời gian mở cửa nền kinh tế của Việt Nam chưa lâu do vậy mà tiêu chí này của Việt Nam còn thấp xếp thứ 73 trong khi đó tiêu chí này của Trung Quốc được đánh giá ở mức khá xếp thứ 42. Đây là tiêu chí khá quan trọng và cần thiết để tạo động lực to lớn cho hoạt động du lịch phát triển. Chính vì vậy mà chính phủ và ngành du lịch Việt Nam cần quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài có môi trường tốt để họ có thể đầu tư vào lĩnh vực du lịch của Việt Nam đồng thời nâng cao được khả năng cạnh tranh cho sản phẩm du lịch Việt Nam trên trường quốc tế.
Đầu tư nước ngoài thường tạo ra động lực to lớn cho phát triển du lịch tại mỗi điểm đến, những rào cản mà nước sở tại tạo ra đối với những thu nhập của cá nhân người nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực du lịch sẽ có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư du lịch tại mỗi điểm đến. Điều này có thể gây ra những ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng dịch vụ tại mỗi điểm đến, chính vì vậy đây là tiêu chí cần được quan tâm. Theo đánh giá của tổ chức du lịch và lữ hành quốc tế thì tiêu chí này của Việt Nam được đánh giá là rất yếu kém xếp thứ 121 trong khi đó tiêu chí này của Trung Quốc có lợi thế hơn hẳn và được xếp hạng thứ 87. Đây là tiêu chí mà chính phủ Việt Nam và các bộ ngành có liên quan cần quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động du lịch nâng cao được lợi thế cạnh tranh.
Tiêu chí đánh giá sự ưu tiên của chính phủ trong hoạt động du lịch, trong đó đánh giá sự ưu tiên của chính phủ đối với các hoạt động du lịch thì Trung Quốc và Việt Nam đều được đánh giá ở mức khá. Theo đánh giá thì tiêu chí này của Trung Quốc có phần trội hơn so với Việt Nam được xếp thứ 49 trong khi đó Việt Nam được xếp thứ 61.
Trong tiêu chí cạnh tranh về khung pháp lý thì tiêu chí về chiến lược ưu tiên đối với phát triển du lịch tại mỗi điểm đến giữa Trung Quốc và Việt Nam được xếp hạng như sau: tiêu chí này thì Trung Quốc được xếp hạng thứ 33 trong khi đó tại Việt Nam thì tiêu chí này là 76, thấp hơn 43 bậc, điều đó cho thấy sự quan tâm, đầu tư của nhà nước và chiến lược ưu tiên phát triển du lịch của Trung Quốc rất được quan tâm.
Tiêu chí đánh giá sự tham gia các hội trợ du lịch quốc tế nhằm quảng bá hình ảnh và thương hiệu sản phẩm du lịch cho một điểm đến. Đây là một tiêu chí nhằm đánh giá các hình thức quảng bá về đất nước con người và các sản phẩm du lịch đặc trưng của một điểm đến. Với tiêu chí này, Du lịch Trung Quốc được đánh giá rất cao, xếp hạng thứ 4 trong khi đó du lịch Việt Nam chỉ được đánh giá ở mức trung bình khá và xếp hạng thứ 48.
f – Vấn đề tổ chức sản phẩm:
Môi trường kinh doanh du lịch là nhân tố tác động đến đối tượng cung du lịch, nó có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm du lịch tại mỗi điểm đến. Một điểm đến mà có môi trường kinh doanh thông thoáng, lành mạnh, đảm bảo sự kinh doanh công bằng và có sự bảo vệ của nhà nước trong hoạt động du lịch là yếu tố thực sự cần thiết và là cơ sở để cho các hoạt động du lịch tại điểm đến có cơ hội hoạt động và phát triển. Theo tổ chức du lịch và lữ hành quốc tế đánh giá thì tiêu chí về sự nghiêm ngặt trong các quy định về môi trường kinh doanh du lịch thì Việt Nam được xếp hạng thứ 108 tức là ở mức yếu kém, trong khi đó cũng chỉ tiêu này thì Trung Quốc được xếp hạng thứ 97 tức là hơn Việt Nam 11 bậc. Tuy nhiên với tiêu chí này thì cả Việt Nam và Trung Quốc đều được đánh giá ở mức yếu kém.
Tiêu chí về sự ổn định và minh bạch trong các quy định về môi trường kinh doanh du lịch thì Trung Quốc được đánh giá ở mức 76 trong khi đó Việt Nam được đánh giá ở mức yếu kém về tính minh bạch và xếp ở mức 101.
Tiêu chí về sức khỏe và vệ sinh an toàn thực phẩm tại mỗi điểm đến thì du lịch Trung Quốc được xếp hạng thứ 84 trong khi đó chỉ tiêu này của Việt Nam chỉ là 94 thấp hơn 10 bậc, điều này cho thấy vấn đề vệ sinh đảm bảo sức khỏe cho du khách tại mỗi điểm đến của Việt Nam cần phải được đầu tư và quan tâm nhiều hơn nữa để có thể cải thiện vệ sinh đảm bảo sức khỏe cho du khách tại mỗi điểm đến mới mong có thể cạnh tranh được với sản phẩm du lịch của Trung Quốc.
Tiêu chí về các biện pháp của chính phủ nhằm làm giảm rủi ro về sức khỏe cho du khách từ các dịch bệnh, đây là một trong những tiêu chí khá quan trọng vì nó đảm bảo tính mạng cho du khách khi tham gia các hoạt động du lịch tại mỗi điểm đến. Tiêu chí này mà cao thì du khách cảm thấy sẽ được an tâm trong hành trình du lịch của mình, chính điều này làm cho thương hiệu về sản phẩm du lịch được nâng cao hơn. Với tiêu chí này thì Việt Nam và Trung Quốc đều được đánh giá ở mức tốt tuy nhiên với tiêu chí này Việt Nam được đánh giá cao hơn so với Trung Quốc. Việt Nam được xếp thứ 15 trong khi đó Trung Quốc được xếp ở hạng 24.
Tiêu chí về các biện pháp của chính phủ và các địa phương nhằm cải thiện nguồn nước uống đây chính là một trong những tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mỗi điểm đến. Với tiêu chí này Việt Nam được xếp hạng thứ 83 cao hơn với cùng tiêu chí này của Trung Quốc là 6 bậc. Tiêu chí về mật độ bác sỹ thì Việt Nam được xếp ở vị trí thứ 92 trong khi đó Trung Quốc được đánh giá ở mức cao hơn 13 bậc và xếp ở vị trí thứ 79.
Hệ thống các trạm ATM ngày nay càng trở nên cần thiết đối với du khách, đặc biệt là du khách quốc tế, với tiêu chí này thì Việt Nam được đánh giá ở mức thấp hơn nhiều so với Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc được xếp ở thứ 85 thì Việt Nam được xếp ở hạng 93, khoảng cách này cho thấy Việt Nam cũng bị mất lợi thế cạnh tranh về tiêu chí này so với Trung Quốc.
Trong thời đại của công nghệ thông tin và truyền thông thì tiêu chí về cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc có ảnh hưởng nhiều tới hoạt động du lịch tại mỗi điểm đến. Với tiêu chí này thì Trung Quốc được xếp ở mức trung bình xếp thứ 63 trong khi đó tiêu chí này của Việt Nam xếp ở mức 88 tức là ở mức yếu.
Sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghệ thông tin của Việt Nam trong mấy năm trở lại đây được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao, song việc ứng dụng internet cho hoạt động du lịch của Việt Nam vẫn bị đánh giá thấp về quy mô sử dụng, Việt Nam chỉ được xếp hạng thứ 111 trong khi đó Trung Quốc được xếp hạng thứ 75. Hiện tại khả năng cạnh tranh của Việt Nam về tiêu chí này so với Trung Quốc là chưa thể, song với sự phát triển nhanh chóng và vượt bậc của ngành viễn thông của Việt Nam trong thời gian tới thì trong tương lai tiêu chí này của Việt Nam sẽ được cải thiện nhanh chóng và có thể đây sẽ là một lợi thế mà Việt Nam có thể cạnh tranh được với Trung Quốc.
* Các yếu tố ảnh hưởng:
a- Thương hiệu:
a- Thương hiệu:
Tiêu chí về quyền sở hữu là tiêu chí cho thấy sự đảm bảo của nhà nước và chính phủ của nước sở tại cho môi trường hoạt động du lịch tại mỗi điểm đến, nó tạo ra sự bình đẳng và công bằng trong các hoạt động kinh doanh du lịch tại mỗi điểm đến. Theo tổ chức du lịch và lữ hành quốc tế thì tiêu chí này của Việt Nam là khá tốt đứng thứ 69 trong khi đó tiêu chí này của Trung Quốc đứng thứ 82 đây là một lợi thế mà Việt Nam cần phải phát huy và nâng cao hơn nữa để có thể nâng cao lợi thế so sánh đối với sản phẩm du lịch của mình.
Về tiêu chí đánh giá ấn tượng về thị trường và thương hiệu từ thị trường khách du lịch thì tiêu chí này của Việt Nam và Trung Quốc đều được đánh giá ở mức khá tuy nhiên Việt Nam có nhỉnh hơn một chút. Việt Nam xếp thứ 56 trong khi Trung Quốc xếp thứ 57. Điều này cho thấy thị trường và thương hiệu sản phẩm du lịch của Trung Quốc và Việt Nam rất có triển vọng để phát triển du lịch.
Có thể lấy ví dụ như du khách tìm hiểu lịch sử và thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên của đất nước Trung Hoa, Ngành du lịch từ trung ương tới địa phương luôn tạo ấn tượng cho du khách bằng cái tên ấn tượng cho mỗi điểm đến như: Bắc Kinh còn đó vàng son của quá khứ hay Bắc Kinh trái tim hồng của Trung Quốc, Vân Nam lẩn khuất mây trời hay vùng đất phía Nam những tầng mây, Nam Ninh hiện đại và giàu bản sắc, Côn Minh xa mà gần, Quế Lâm thành phố Quế Hoa, Thượng Hải xưa và nay đồng hiện, Tô Châu cổ kính và hiện đại,…
b- Chu kỳ sống của sản phẩm:
Đối với sản phẩm du lịch dựa trên yếu tố về tài nguyên du lịch văn hóa thì chu kỳ sống của sản phẩm du lịch này dài hay ngắn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng đầu tư cho bảo vệ, tu tạo, sửa chữa và phục chế… Có thể nói, những di tích, những công trình kiến trúc, những hiện vật liên quan, thậm chí là những giai đoạn lịch sử của người Trung Quốc cánh đây hàng trăm năm, hàng ngàn năm đều được chính quyền địa phương tại Trung Quốc gìn giữ và bảo tồn một cách nguyên vẹn. Đây chính là lợi thế quan trọng nhất của ngành du lịch Trung Quốc có được. Một điều dễ dàng có thể nhận thấy rằng hầu hết các tài nguyên văn hóa của Trung Quốc đều được Nhà nước, các địa phương quan tâm rất nhiều trong việc bảo tồn, sửa chữa và tôn tạo hầu như nguyên trạng, lượng tiền đầu tư hàng năm cho công tác trùng tu và bảo dưỡng là rất lớn.
Trong khi đó ở Việt Nam các công trình văn hóa chưa được quan tâm nhiều, nhiều nơi còn để cho các di tích chuyển thành phế tích, công tác quy hoạch chưa được chú trọng, việc bảo vệ và tôn tạo các di tích cũng bị buông lỏng, làm cho nhiều tài nguyên du lịch văn hóa bị xuống cấp, nhiều di tích bị xâm hại nghiêm trọng, điều này làm rút ngắn chu kỳ sống đối với từng sản phẩm du lịch đơn lẻ. Từ những yếu tố đó cho thấy sản phẩm du lich Trung Quốc có được lợi thế hơn hơn nhiều về chu kỳ sống của sản phẩm du lịch.
Việc khai thác sản phẩm du lịch như thế nào để không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và ảnh hưởng trực tiếp đến sản phẩm du lịch của một điểm đến. Theo đánh giá của tổ chức du lịch và lữ hành quốc tế thì tiêu chí đánh giá các hoạt động kinh doanh du lịch làm ảnh hưởng đến môi trường và hệ sinh thái tại mỗi điểm đến của Việt Nam được xếp hạng thứ 99 trong khi đó Trung Quốc lại được đánh giá cao hơn xếp ở vị trí thứ 85, điều này cho thấy việc bảo về môi trường sinh thái đối với các hoạt động du lịch tại mỗi điểm đến của Trung Quốc là tốt hơn so với Việt Nam.
Tiêu chí đánh giá về sự ô nhiễm môi trường do khí điôxit các bon gây ra thì Trung Quốc bị đánh giá ở mức thấp xếp thứ 104 trong khi đó Việt Nam được đánh giá ở mức cao hơn song cũng bị xếp vào những nước mà môi trường bị ô nhiễm nặng do hoạt động công nghiệp khai thác gây ra và xếp ở vị trí thứ 98. Tiêu chí này có thể đe dọa đến tuổi thọ của sản phẩm du lịch.
c- Tính tương đồng với tâm lý thị trường:
Khi đời sống của con người ngày càng cao, thì sự ham muốn khám phá những nền văn hóa lớn trên thế giới ngày càng nhiều, đó chính là điều kiện cần thiết để nảy sinh nhu cầu du lịch của du khách đến với các nền văn hóa lớn trên thế giới. Hầu hết các du khách đều muốn khám phá tất cả những “hương vị” tinh hoa văn hóa của loài người, sự khám phá này càng được rõ nét hơn nếu họ được tận mắt nhìn thấy những công trình lịch sử vĩ đại, với quy mô hoành tráng, nét điêu khắc tinh sảo, nghệ thuật kiến trúc và bản sắc dân tộc độc đáo…
Trung Quốc là đất nước có nền văn hóa – lịch sử rất lâu đời và ít nhiều có ảnh hưởng đến văn minh của nhân loại. Đây là nền văn hóa có ảnh hưởng lớn tới văn hóa phương Đông đặc biệt là khu vực Châu Á. Văn hóa Trung Quốc mang đệm nét của văn minh Hoàng Hà còn văn hóa Việt Nam mang đậm nét văn minh Sông Hồng tuy nhiên đều có sự tương đồng đó là văn hóa mang phong cách phương Đông. Xét về khía cạnh lịch sử thì nền văn hóa của Trung Quốc được đánh giá lâu đời hơn so với Việt Nam thông qua các di tích lịch sử được lưu giữ, chính vì vậy mà đối với khách du lịch khi đánh giá sản phẩm du lịch dựa trên yếu tố văn hóa – lịch sử thì họ thường cho rằng sản phẩm này của Trung Quốc thường được đánh giá cao hơn so với Việt Nam.
d – Tiêu chí nổi trội:
Tiêu chí về an ninh, an toàn tại các điểm đến thì Việt Nam được đánh giá khá cao so với Trung Quốc, với tiêu chí này thì Việt Nam được xếp thứ 51 trong khi đó Trung Quốc được đánh giá xếp thứ 83. Đây có thể là một lợi thế mà sản phẩm du lịch Việt Nam cần tận dụng cho tốt để khai thác sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh với sản phẩm du lịch của Trung Quốc.
* Kết luận:
– Trung Quốc thực sự có lợi thế hơn hẳn so với Việt Nam về tài nguyên du lịch nhân văn. Chính vì thế để nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm du lịch của Việt Nam so với sản phẩm du lịch của Trung Quốc thì ngành du lịch Việt Nam cần phải lựa chọn các sản phẩm du lịch dựa trên các nguồn tài nguyên tự nhiên độc đáo mà sản phẩm du lịch Trung Quốc không có hoặc không có lợi thế như: sản phẩm du lịch biển, sản phẩm du lịch rừng ngập mặn, sản phẩm du lịch dựa trên các nguồn tài nguyên lịch sử trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Pháp và Mỹ,….
– Chất lượng dịch vụ du lịch của Việt Nam cần được nâng cao, cần đa dạng hóa các loại hình dịch vụ du lịch tại mỗi điểm đến, nâng cao tính chuyên nghiệp trong quản lý du lịch. Chính vì yếu tố dịch vụ kém mà làm cho hình ảnh của du lịch Việt Nam ngày càng đi xuống. Cần quan tâm tới vấn đề đào tạo nghiệp vụ chuyên môn về du lịch cho lực lượng lao động trong ngành du lịch đây là yếu tố có ảnh hưởng nhiều đến chất lượng dịch vụ du lịch.
– Nhà nước, chính phủ, chính quyền địa phương, các bộ ngành liên quan cần phải quan tâm, phối hợp với ngành du lịch để có tiếng nói chung, đồng tâm hiệp lực cùng nhau nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm du lịch cho mỗi điểm đến, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch và nâng cao vị thế cạnh tranh của du lịch Việt Nam trên trường quốc tế.
– Để có thể nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm du lịch của Việt Nam trong dài hạn thì điều cần quan tâm đó là phải xác định cho được vị trí và tầm quan trọng của ngành du lịch trong nền kinh tế quốc dân. Xây dựng một chiến lược thực sự có tầm để phát triển du lịch trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn, điều này sẽ làm cho các hoạt động du lịch phát triển đúng hướng. Đầu tư vào du lịch có chọn lọc, trọng tâm và dựa vào lợi thế sẵn có về tài nguyên du lịch nổi trội để đem lại hiệu quả kinh tế cao tại các điểm đến, đồng thời nâng cao lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm du lịch của Việt Nam trong dài hạn.
– Vấn đề vệ sinh, an ninh, an toàn thực phẩm tại mỗi điểm đến của Việt Nam cần phải được quan tâm đầu tư, giáo dục cộng đồng dân cư và du khách về giữ vệ sinh bảo đảm môi trường sinh thái của mỗi điểm đến.