Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự thay đổi thế giới ngay từ bây giờ

       cmcn4.02Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư (còn gọi là CMCN 4.0) xuất hiện chỉ sau cuộc CMCN lần thứ 3 chưa đầy nửa thế kỷ khi những chiếc máy tính, thiết bị điện tử lần đầu tiên ra đời vào những năm 1970 và internet được chính thức xuất hiện những năm 1990, nhưng mức độ ảnh hưởng, lan tỏa của cuộc cách mạng này diễn ra trên quy mô toàn cầu, với tốc độ nhanh hơn những gì đã xảy ra từ trước đến nay và dự báo sẽ làm thay đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị trên toàn thế giới.

       Đặc trưng của CMCN 4.0 là việc sử dụng hợp nhất cả phần cứng, người máy và khả năng tính toán lớn để mở rộng công nghệ thông tin vượt qua cả phần mềm, với sự giao thoa của các công nghệ tiên tiến như điện toán đám mây (cloud computing), Internet vạn vật (IoT-Internet of things), trí tuệ nhân tạo (AI-Artifical Intelligence), thực tế ảo (AR/VR- Virtual Reality/ Augmented Reality), khai thác dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ di động không dây (wifi), công nghệ tin học lượng tử (quantum information technology), công nghệ nano (nanotechnology),…
       Các công nghệ này hứa hẹn đáp ứng kỳ vọng của người dùng bởi tính liên ngành sâu rộng, nghĩa là thành tựu công nghệ của ngành này có thể áp dụng rộng rãi trong ngành khác và ngược lại. Các kỹ sư, các nhà thiết kế và các kiến trúc sư đang kết hợp các thiết kế trên máy tính với các loại vật liệu mới và các kỹ thuật sinh học tổng hợp để tạo ra các sản phẩm kết hợp của vi sinh vật với cơ thể con người, với sản phẩm con người tiêu thụ. Trong tương lai, nhờ robot, các đơn đặt hàng theo màu sắc, hình dạng và kích cỡ riêng sẽ được thực hiện ngày càng nhiều hơn. Nó hoàn toàn khác cách thức sản xuất hiện nay. Sản phẩm và dịch vụ sẽ được tạo ra theo yêu cầu cụ thể của khách hàng với chi phí phù hợp và hệ thống sản xuất hàng loạt có khả năng linh hoạt điều chỉnh theo thay đổi của nhu cầu xã hội, tối ưu lợi ích cho các bên liên quan. Ảnh hưởng của công nghệ phần cứng và phần mềm như người máy và Internet vạn vật (IoT) được cho rằng sẽ có những tác động đến hầu hết mọi lĩnh vực sau năm 2018.
       Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF, Davos 17-20/1/2017) với tổng số 446 phiên họp xoay quanh chủ đề xuyên suốt “Lãnh đạo hành động và có trách nhiệm – Responsive and Responsible Leadership” nhưng ngay trong ngày đầu tiên, lãnh đạo của các tập đoàn hàng đầu thế giới như Infosys, Salesforce, General Motors… đã tham gia tọa đàm “Thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Điều đó thể hiện cuộc CMCN 4.0 đang có tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế thế giới. Phái đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu và có bài phát biểu tại phiên thảo luận vào ngày 19/1/2017 “Tương lai nền sản xuất dưới góc độ chiến lược khu vực”.

    cmcn4.01

    Các đại biểu tham dự Hội nghị lần thứ 47 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos ngày 20/01/2017

       Tại đây, WEF công bố một báo cáo phân tích về ảnh hưởng của công nghệ và xã hội học đến việc làm. Báo cáo của WEF với tiêu đề “Tương lai của việc làm” (The Future of Jobs) đã khảo sát các nhà điều hành cao cấp và phụ trách nhân sự của nhiều doanh nghiệp đại diện cho hơn 13 triệu lao động trong 9 lĩnh vực công nghiệp ở 15 nền kinh tế phát triển và mới nổi, và một số vùng kinh tế đã xác nhận rằng công nghệ ngày càng ảnh hưởng nhiều hơn đến xu hướng việc làm trên toàn cầu, và cho rằng thế giới đang ở giai đoạn cao nhất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Một số dữ liệu thống kê cho thấy, các công ty “bậc thầy” về công nghệ vượt trội hơn 9% về doanh thu; 26% về khả năng thu lợi và 12% về giá trị thị trường so với các doanh nghiệp khác.
       Có thể nói cả thế giới, đặc biệt tại các nước phát triển trong vài năm qua đều có các chương trình chiến lược về sản xuất khi những tiến bộ của khoa học và công nghệ đang diễn ra rất nhanh. Mỹ có “Chiến lược quốc gia về sản xuất tiên tiến” cho ba thập kỷ tới; Pháp – “Bộ mặt mới của công nghiệp nước Pháp”; Anh kỳ vọng việc số hóa các nhà máy có thể khôi phục lại sản xuất. Riêng Đức đặc biệt chú trọng đến chương trình công nghiệp 4.0 vì ngành sản xuất là xương sống của nền kinh tế nước này. Các công ty Đức đang đẩy mạnh đầu tư cho công nghệ để đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp mới. Khảo sát của Strategy& và PwC với 235 công ty công nghiệp có trụ sở tại Đức hồi tháng 10/2014 cho thấy, công nghệ công nghiệp 4.0 chiếm hơn 50% số vốn đầu tư hoạch định cho 5 năm tới. Ở châu Á, Hàn Quốc có “Chương trình tăng trưởng của Hàn Quốc trong tương lai”; Trung Quốc – “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025”; Nhật Bản – “Xã hội thông minh 5.0”; Trung Quốc đang chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu lực lượng lao động. Trong số trên 230.000 robot được bán trên thế giới trong năm 2014 thì có tới 60.000 robot được bán cho Trung Quốc.
       Tại Việt Nam, chính phủ cũng quan tâm mạnh mẽ và đặt nhiều kỳ vọng vào bước đột phá đồng thời xác định các thách thức đối với các doanh nghiệp về việc hoạch định chiến lược trong sản xuất, thương mại, nông nghiệp và dịch vụ thích ứng với cơ hội của CMCN 4.0.
       Ngay từ đầu năm 2017 đã có nhiều sự kiện thu hút rộng rãi các đối tượng lãnh đạo các Bộ, ngành, chủ tịch điều hành của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn và các hiệp hội doanh nghiệp thảo luận về xu thế và ảnh hưởng của cuộc CMCN 4.0. Trong số đó có thể kể tới Toạ đàm Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và Ứng phó của Doanh nghiệp trong Thời đại Đổi thay do báo Thế Giới Tiếp Thị kết hợp với câu lạc bộ Quản trị và Khởi nghiệp tổ chức đầu năm 2017; Diễn đàn “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 – Được và mất” do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 7/4; Diễn đàn Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) do Bộ Công thương tổ chức ngày 11/4. Kết quả khảo sát ngày 7/4 “Việt Nam có bắt kịp cách mạng công nghiệp lần thứ 4 không” cho thấy 67% số người khảo sát cho rằng Việt Nam không bắt kịp được CMCN, và chỉ có 33% cho rằng có thể.
       Vậy có phải chúng ta đã quá lạc quan vào tiềm năng phát triển của dân số vàng với 55% sử dụng điện thoại di động và khả năng tham gia trong lĩnh vực Internet và truyền thông của đất nước với tỷ lệ người dùng Internet Việt Nam đã đạt 52% dân số và dự báo đến năm 2020 sẽ có khoảng 1 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin (theo Cục Viễn thông – Bộ Thông tin và Truyền thông – 2015) và thời gian sử dụng Internet 5,2 giờ mỗi ngày đứng thứ tư trên thế giới, và đứng thứ 22 trên thế giới tính theo dân số về số người sử dụng mạng xã hội (thống kê của wearesocial.net). Nhưng Việt Nam cũng là quốc gia có thị trường lao động phổ thông lớn. Hiện Việt Nam có khoảng 55,5 triệu người trong độ tuổi lao động, đa số trình độ phổ thông, và đây chính là đối tượng bị robot thay thế công việc nhiều nhất. Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên hiệp quốc cho biết trong 10 năm tới, 86% lao động Việt Nam trong ngành da giày có thể bị mất việc vì robot. Trong khi đó, Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy năng suất lao động của Việt Nam vẫn quá thấp so với các quốc gia trong khu vực, chỉ bằng 4,4% so với Singapore, 17,4% so với Malaysia, 32,5% với Thái Lan, 48,5% với Philippines và 48,8% của Indonesia… Vì thế, có thể nói, thách thức lớn nhất mà của CMCN 4.0 đối với Việt Nam là phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng cao mà không thể thay thế bằng bằng máy móc tự động hay robot và yêu cầu đầu tư đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực của Việt Nam có tính cấp thiết.
       Lịch sử tiến bộ khoa học và công nghệ thế giới đã chứng kiến nhiều cuộc cách mạng trong đó trí tuệ con người đã làm chủ, dẫn dắt sự đổi mới của máy móc để tăng năng suất, mang lại thêm nhiều giá trị cho xã hội và đóng góp tích cực cho sự phát triển về thể chất và tinh thần của nhân loại. Tuy nhiên, cuộc CMCN lần thứ tư không chỉ đơn thuần là sự kế thừa thành quả của ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đó với thế giới kỹ thuật số mà còn tạo ra sự thay đổi toàn diện kinh tế thế giới trên 3 khía cạnh vận tốc, phạm vi và hệ thống, chứng kiến sự suy giảm của các quốc gia phát triển chủ yếu vào khai thác tài nguyên, tăng cường vai trò chủ đạo của những nước chú trọng nền công nghệ sáng tạo./.

    cmcn4.0

       4 cuộc cách mạng công nghiệp trong lịch sử: (1) Cơ khí hóa với máy chạy bằng thủy lực và hơi nước. (2) Động cơ điện và dây chuyền sản xuất hàng loạt. (3) Kỷ nguyên máy tính và tự động hóa. (4) Các hệ thống liên kết thế giới thực và ảo.

    Tin: Chiến Thắng – QLKH&HTQT

    Bài cùng chuyên mục