Chính sách phát triển du lịch Nhật Bản và những bài học cho xây dựng chính sách phát triển du lịch Việt Nam
Khách du lịch quốc tế đến Nhật Bản đạt kỷ lục 28,7 triệu lượt năm 2017, tăng 19% so với năm trước và đang dần tiến tới mục tiêu của chính phủ Nhật là đón 40 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến năm 2020.[1]
Chi tiêu của khách du lịch quốc tế đến Nhật năm 2017 đạt 4.400 tỷ Yên, tăng 17% so với năm 2016. Du lịch quốc tế hiện là nhân tố chính khiến giá đất tại Nhật tăng cao ở các điểm đông khách du lịch.
Hoa anh đào nở rộ bên bờ sông Matsukawa ở Toyama (JNTO)
Theo Cơ quan du lịch quốc gia Nhật Bản, khoảng 75% khách du lịch quốc tế đến Nhật chọn lưu trú tại khách sạn, 18% ở tại các khách sạn kiểu Nhật, 12% ở nhà dân và phòng trọ gọi là “minpaku” cho khách du lịch thuê. Tỷ lệ kín phòng ở các khách sạn trong thành phố và khách sạn công vụ đạt khoảng 80% trên toàn quốc, nhưng thường kín phòng tại Tokyo và các thành phố chính như Nagoya, Osaka và Fukuoka và các khu vực phụ cận. Tuy nhiên, tỷ lệ kín phòng của các khách sạn truyền thống kiểu Nhật vẫn khá thấp, đạt khoảng 50-60%, lý do thường bởi các khách sạn này không ở địa điểm thuận tiện hoặc có dịch vụ phù hợp với khách du lịch nước ngoài.
Khách du lịch quốc tế đến Nhật Bản thống kê theo tháng[2]
Lượng khách du lịch quốc tế đến Nhật Bản giai đoạn 1964-2016
Cơ cấu thị trường khách du lịch quốc tế đến Nhật Bản năm 2017
Khách du lịch đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Hồng Kông chiếm 70% tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Nhật Bản. Số lượng khách du lịch Trung Quốc tăng 15% đạt 7,35 triệu, Hàn Quốc tăng 40% đạt 7,14 triệu lượt[3]. Tuy nhiên, trong quá khứ, lượng khách du lịch từ 2 quốc gia này đột ngột giảm khi mối quan hệ giữa Nhật Bản và 2 nước này bị ảnh hưởng từ các vấn đề chính trị. Vì vậy, để tránh việc phụ thuộc vào 2 thị trường lớn và nhạy cảm với chính trị này, Chính phủ Nhật Bản tập trung vào các thị trường như các quốc gia khác ở Châu Á, Mỹ, Châu Úc, Châu Âu.
Chiến lược phát triển Du lịch Mới của Nhật Bản nhằm thúc đẩy nền kinh tế Nhật Bản (tháng 3/2016)
Chiến lược đặt mục tiêu: “Ngành công nghiệp du lịch đẳng cấp thế giới!” Nhật Bản sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế trên toàn quốc gia. Chính phủ mong muốn khuyến khích sự giao lưu văn hóa đa quốc gia để Nhật Bản có thể thực sự mở cửa với thế giới, nhanh chóng phát triển dịch vụ mới và các sáng kiến trong lĩnh vực du lịch để từ đó hình thành động lực cho phát triển kinh tế và công nghiệp của các vùng.
Mục tiêu cụ thể:
– Lượng khách du lịch quốc tế đến đạt 40 triệu người năm 2020, 60 triệu người năm 2030 (Mục tiêu cũ: 20 triệu năm 2020 và 30 triệu năm 2030)
– Chi tiêu của khách du lịch quốc tế đến Nhật Bản đạt 8.000 tỷ Yên năm 2020, 15.000 tỷ Yên năm 2030 (Mục tiêu cũ: 4.000 tỷ Yên trong năm đầu tiên có 20 triệu khách QT)
– Số đêm khách quốc tế nghỉ ngoài 3 khu đô thị chính đạt 70 triệu đêm/2020 và 130 triệu đêm/2030.
– Lượng khách du lịch quốc tế quay lại Nhật đạt 24 triệu năm 2020 và 36 triệu năm 2030.
– Chi tiêu của khách du lịch nội địa cho du lịch đạt 21.000 tỷ Yên năm 2020 và 22.000 tỷ Yên năm 2030.
Để đạt được các mục tiêu đề ra và khắc phục vấn đề hiện tại, chiến lược đưa ra 3 tầm nhìn và 10 vấn đề cần cải cách:
– Tầm nhìn 1: Tối đa hóa sự hấp dẫn của các tài nguyên du lịch để đưa du lịch thành nền tảng cho sự khôi phục cấp vùng.
+ Thu hút khách du lịch nội địa và quốc tế vào tham quan các điểm di sản công
+ Điều chỉnh sự cân bằng trong chính sách di sản từ “chỉ tập trung vào công tác bảo tồn” sang khuyến khích khách du lịch tìm hiểu nhiều hơn về điểm di sản (sử dụng tài sản văn hóa là cốt lõi cho 200 trung tâm du lịch; hình thành khoảng 1.000 dự án xây dựng hướng dẫn thông tin dễ hiểu cho du khách đa ngôn ngữ).
+ Nâng cấp các vườn quốc hiện tại thành các vườn quốc gia đẳng cấp thế giới (mục tiêu 5 vườn quốc gia của Nhật Bản).
+ Xây dựng các kế hoạch cải tạo cảnh quan cho các khu vực du lịch chính.
– Tầm nhìn 2: Tạo điều kiện thuận lợi cho sự sáng tạo trong du lịch để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế và đưa du lịch thành một trong những ngành công nghiệp chính.
+ Rà soát các quy định và quy tắc để ngành du lịch đạt hiệu quả cao hơn.
+ Tập trung phát triển các thị trường mới, thời gian lưu trú dài ngày hơn (thị trường Châu Âu, Mỹ, Úc; thị trường khách MICE).
+ Cải tạo và nâng cấp các khu resort nước suối khoáng nóng và các khu thị trấn địa phương thông qua cải cách phương án quản lý (xây dựng các mô hình DMOs đẳng cấp thế giới).
– Tầm nhìn 3: Đảm bảo tất cả du khách có trải nghiệm thoải mái, thỏa mãn và stress-free.
+ Nâng cấp toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng cứng và mềm đề khách du lịch có thể hưởng thụ môi trường cơ sở lưu trú tốt nhất trên thế giới.
+ Hoàn thành việc xây dựng “hành lang khôi phục cấp vùng” để khách du lịch có thể di chuyển một cách thoải mái tới tất cả các điểm đến trên nước Nhật (khách du lịch quốc tế được mua Thẻ đi tàu toàn quốc khi tới Nhật, nâng cấp các tuyến tàu cao tốc Shinkansen, xây mới các sân bay nội địa).
+ Hoàn thiện hệ thống “ngày làm việc” và “ngày nghỉ” tạo điều kiện cho người dân Nhật có kỳ nghỉ dài để đi du lịch.
Để thực hiện các tầm nhìn và giải pháp trên, mỗi tầm nhìn sẽ có 8 đến 10 Dự án chính để có thể triển khai Chiến lược đạt mục tiêu đề ra. Các Dự án chính được thực hiện bởi nhiều dự án nhỏ với thời gian, địa điểm và quy mô dự án cụ thể được đưa ra.
Ví dụ: với Tầm nhìn 1 – Tối đa hóa sự hấp dẫn của các tài nguyên du lịch để đưa du lịch thành nền tảng cho sự khôi phục cấp vùng, hành động cần làm là Thu hút khách du lịch nội địa và quốc tế vào tham quan các điểm di sản công.
Dự án cần thực hiện sẽ là: Các điểm di sản nổi bật về giá trị lịch sử và truyền thống của Chính phủ sẽ được mở cửa cho tất cả các đối tượng du khách, như Nhà khách chính phủ ở Kyoto, Nhà khách Chính phủ ở Akasaka.
Các dự án nhỏ: 1) Mở cửa tự do cả năm vào thăm Nhà khách Chính phủ ở Akasaka, bắt đầu từ 19/4/2016, trừ khi nơi này được sử dụng cho các sự kiện của chính phủ; 2) Mở cửa thử nghiệm từ ngày 28/4 đến 9/5 cho Nhà khách chính phủ ở Kyoto, dựa vào đó, mở cửa quanh năm muộn nhất vào cuối tháng 7/2016; 3) Việc mở cửa tự do cho các điểm của chính phủ khác sẽ được cân nhắc nếu có giá trị khai thác cho du lịch.
Một số chính sách cụ thể hỗ trợ phát triển du lịch của Chính phủ Nhật Bản thời gian qua
– Coi du lịch là động lực để phát triển cho các khu vực phụ cận vào nông thôn (không phải là các trung tâm đô thị chính);
– Năm 2013, thực hiện thỏa thuận “Bầu trời mở”, cho phép tăng chuyến bay tới các sân bay quốc tế;
– Năm 2014, miễn thị thực cho công dân của Thái Lan và Malaysia. Năm 2015, đơn giản hóa thủ tục xin visa cho công dân Trung Quốc, theo đó, người Trung Quốc với mức thu nhập trên mức quy định có thể có visa 5 năm vào Nhật Bản;
– Hạ giá trị đồng Yên xuống 30% so với đồng Đô la Mỹ trong giai đoạn 2012-2015
Bài học kinh nghiệm cho du lịch Việt Nam
– Xây dựng chiến lược với tầm nhìn, giải pháp, kế hoạch thực hiện nhất quán, đồng bộ để đạt được mục tiêu chung đề ra.
– Các giải pháp/hành động cụ thể, rõ ràng, với hoạt động cụ thể, thực hiện được, xác định được thời gian.
– Các chính sách phát triển được thực hiện đồng bộ, sự kết hợp liên ngành thể hiện rõ ràng trong từng chính sách, trong đó đặt phát triển du lịch là trọng tâm.