Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Cập nhật nguy cơ tác động đến cảnh quan sinh thái của các khu du lịch theo kịch bản Biến đổi khí hậu và nước biển dâng 2012

    bdkh van 20150

       1. Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng năm 2012
       Khí hậu của Trái đất đang thay đổi và tiếp tục thay đổi trong suốt thế kỷ 21 hay xa hơn. Sự thay đổi theo chiều hướng có nhiều bất lợi cho sự sốngtrên Trái đất. Nhiệt độ sẽ tiếp tục gia tăng, kéo theo sự biến đổi giáng thủy giữa các nơi trên Trái đất, hiện tượng tan băng sẽ diễn ra nhanh hơn và nhiều sự biến đổi khác…
       Các minh chứng về biến đổi khí hậu đã được các nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu và kết luận theo cả một tiến trình rất dài. Các nhà khoa học bằng các phương pháp nghiên cứu về biến đổi khí hậu như việc đánh giá cổ khí hậu sử dụng các phương pháp: nghiên cứu chu kỳ bán rã của chất phóng xạ trong cổ sinh, địa tầng, vòng cây cổ đại (tree rings), nồng độ oxy 18 trong các vân cây cho biết thông tin về lượng mưa hoặc bão, lõi băng (ice cores),…phương pháp mô hình hóa khí hậu giúp mô phỏng khí hậu trong quá khứ, trong hiện tại và dự tính khí hậu tương lai qua các kịch bản phát thải, kịch bản biến đổi khí hậu.
    Hậu quả tác động của biến đổi khí hậu đối với các quốc gia trên thế giới là khác nhau. Biến đổi khí hậu có thể gây những tác động xấu, thậm chí rất tồi tệ đối với quốc gia này nhưng nó cũng có thể mang lại lợi ích cho một số quốc gia khác, đặc biệt với các quốc gia vùng ôn đới.
       Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Việt Nam coi ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa sống còn (theo Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam năm 2012).
       Biến đổi khí hậu sẽ tác động tới Việt Nam một cách toàn diện trên nhiều lĩnh vực, đối tượng khác nhau,…trong đó, ngành du lịch của Việt Nam sẽ chịu những tác động rất lớn của biến đổi khí hậu cũng như hiện tượng nước biển dâng. Để thấy rõ những ảnh hưởng, nguy cơ tác động tới ngành du lịch Việt Nam cần thiết phải nghiên cứu các Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong và ngoài nước. Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam năm 2012 là một cơ sở khoa học cho ta cái nhìn tổng quan về những nguy cơ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới ngành du lịch Việt Nam.
       Kịch bản biến đổi khí hậu là giả định có cơ sở khoa học và tính tin cậy về sự tiến triển trong tương lai của các mối quan hệ giữa kinh tế – xã hội, tổng thu nhập quốc dân, phát thải khí nhà kính, biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng, thể hiện mối ràng buộc giữa phát triển hành động toàn cầu trong tương lai (theo Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam năm 2012).
       Việt Nam trong tương lai không xa có thể sẽ phải gánh chịu những thiệt hại vô cùng to lớn do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam là một căn cứ khoa học, là nền tảng trước mắt để các cấp, các ngành, địa phương có những hành động trước mắt và lâu dài nhằm giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai tới mức nhỏ nhất có thể.
       Để có những giải pháp cho các cấp, các ngành, lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu cần hiểu rõ Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng và phải thường xuyên thực hiện việc cập nhật các Kịch bản mới để có những điều chỉnh phù hợp trong các Kế hoạch ứng phó.
       Đối với Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam năm 2012 cần nắm những nét chính về sự thay đổi nhiệt độ, lượng mưa và mực nước biển dâng:
       Về thay đổi nhiệt độ:
       – Theo kịch bản phát thải thấp: Đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ  trung bình năm tăng từ 1,6 đến 2,20C trên phần lớn diện tích phía Bắc lãnh thổ và dưới 1,60C ở đại bộ phận diện tích phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào).
       – Theo kịch bản phát thải trung bình: Đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình tăng từ 2 đến 30C trên phần lớn diện tích cả nước, riêng khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có nhiệt độ trung bình tăng nhanh hơn so với những nơi khác. Nhiệt độ thấp nhất trung bình tăng từ 2,2 đến 3,00C, nhiệt độ cao nhất trung bình tăng từ 2,0 đến 3,20C. Số ngày có nhiệt độ cao nhất trên 350C tăng từ 15 đến 30 ngày trên phần lớn diện tích cả nước.
       – Theo kịch bản phát thải cao: Đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm có mức tăng phổ biến từ 2,5 đến 3,70C trên hầu hết diện tích nước ta.”

    bdkh van 2015

    Hình 1: Mức tăng nhiệt độ trung bình năm (0C) vào cuối thế kỷ 21 theo kịch bản phát thải trung bình (Nguồn: Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam, năm 2012)

    Về thay đổi lượng mưa:
        – Theo kịch bản phát thải thấp: Đến cuối thế kỷ 21, lượng mưa tăng phổ biến khoảng trên 6%, riêng khu vực Tây Nguyên có mức tăng ít hơn, chỉ vào khoảng dưới 2%.
        – Theo kịch bản phát thải trung bình: Đến cuối thế kỷ 21, lượng mưa năm tăng trên hầu khắp lãnh thổ. Mức tăng phổ biến từ 2 đến 7%, riêng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ tăng ít hơn, dưới 3%. Xu thế chung là lượng mưa mùa khô giảm và lượng mưa mùa mưa tăng. Lượng mưa ngày lớn nhất tăng so với thời kỳ 1980-1999 ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và giảm ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ. Tuy nhiên, ở các khu vực khác nhau lại có thể xuất hiện ngày mưa dị thường với lượng mưa gấp đôi so với kỷ lục hiện nay.
        – Theo kịch bản phát thải cao: Lượng mưa năm vào cuối thế kỷ 21 tăng trên hầu khắp lãnh thổ nước ta với mức tăng phổ biến khoảng từ 2 đến 10%, riêng khu vực Tây Nguyên có mức tăng ít hơn, khoảng từ 1 đến 4%.”

    bdkh van 20151

        Hình 2: Mức thay đổi lượng mưa năm (%) vào cuối thế kỷ 21 theo kịch bản phát thải trung bình (Nguồn: Kịch bản biến đổi khí hậu và  nước biển dâng cho Việt Nam, năm 2012)

       Về mực nước biển dâng:
       – Theo kịch bản phát thải thấp: Vào cuối thế kỷ 21, mực nước biển dâng cao nhất ở khu vực Cà Mau đến Kiên Giang trong khoảng từ 54 đến 72cm: thấp nhất ở khu vực từ Móng Cái đến Hòn Dấu trong khoảng từ 42 đến 57cm. Trung bình toàn Việt Nam nước biển dâng trong khoảng 49 đến 64cm.
        – Theo kịch bản phát thải trung bình: Vào cuối thế kỷ 21, nước biển dâng cao nhất ở khu vực từ Cà Mau đến Kiên Giang trong khoảng từ 62 đến 82 cm; thấp nhất ở khu vực Móng Cái đến Hòn Dấu trong khoảng từ 49 đến 64 cm. Trung bình toàn Việt Nam nước biển dâng trong khoảng từ 57 đến 73 cm.
        – Theo kịch bản phát thải cao: Vào cuối thế kỷ 21, nước biển dâng cao nhất ở khu vực từ Cà Mau đến Kiến Giang trong khoảng từ 85 đến 105cm; thấp nhất ở khu vực từ Móng Cái đến Hòn Dấu trong khoảng từ 66 đến 85cm. Trung bình toàn Việt Nam, nước biển dâng trong khoảng từ 78 đến 95cm.
        Nếu mực nước biển dâng 1m, sẽ có khoảng 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, trên 10% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh, trên 2,5% diện tích thuộc các tỉnh ven biển miền Trung và trên 20% diện tích Thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ bị ngập; gần 35% dân số thuộc các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, trên 9% dân số vùng đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh, gần 9% dân số các tỉnh ven biển miền Trung và khoảng 7% dân số Thành phố Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng trực tiếp; trên 4% hệ thống đường sắt, trên 9% hệ thống quốc lộ và khoảng 12% hệ thống tỉnh lộ của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.

    bdkh van 20153

        Hình 3: Bản đồ nguy cơ ngập khu vực ven biển Việt Nam ứng với mực nước biển dâng 1m (Nguồn: Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam, năm 2012)

        Từ những thông tin về biến đổi của nhiệt độ, lương mưa, mực nước biển dâng xét theo đặc điểm tự nhiên, vị trí địa lý, địa hình của các khu du lịch trên lãnh thổ Việt Nam sẽ cho thấy những nguy cơ tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với mỗi khu du lịch.
       2. Nguy cơ tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng tới cảnh quan sinh thái của các khu du lịch Việt Nam
       Như thông tin Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam, các khu du lịch Việt Nam sẽ chịu những nguy cơ tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng khác nhau tuy vào từng khu du lịch ứng với xu thế thay đổi nhiệt độ, lượng mưa, mực nước biển dâng giữa các vùng trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam.
       2.1. Nguy cơ tác động do thay đổi nhiệt độ theo Kịch bản
       Sự nóng lên toàn cầu, các ranh giới nhiệt của các hệ sinh thái lục địa và nước ngọt sẽ dịch chuyển về phía cực, đồng thời cũng dịch chuyển lên cao hơn. Khi ấy các loài thực vật, động vật nhiệt đới có thể phát triển ở các vĩ độ cao hơn hoặc trên những vùng núi và cao nguyên cao hơn trước. Trái lại, các loài ưa lạnh bị thu hẹp lại, hoặc phải di cư đi nơi khác.
       Số loài sẽ thích ứng tốt hơn với sự biến đổi khí hậu trong khi một số khác không thích ứng nổi sẽ bị suy thoái dần, thậm chí tuyệt chủng.
       Một điều đáng chú ý là sự dịch chuyển ranh giới khí hậu được ghi nhận là đã xảy ra ở một số nơi trên thế giới.
       Sự thay đổi nhiệt độ trong tương lai trên lãnh thổ Việt Nam tới cuối thế kỷ 21 theo các kịch bản phát thải từ 1,6 đến 3,70C có thể gây ra sự thay đổi điều kiện sống của các loài động thực vật trên cạn hay dưới nước dẫn tới nhiều loài không thể thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ. Các loài có thể bị tuyệt chủng hoặc phải di chuyển tới vùng có nhiệt độ thích hợp để duy trì sự sống. Các loài thực vật có thể sẽ dịch chuyển từ vùng có địa hình thấp lên vùng có địa hình cao.
       Loài Thông Vân San Hoàng Liên – một loài chỉ tìm thấy duy nhất tại đây, trước đây chỉ sinh trưởng ở độ cao 2.200m – 2.400m, thì nay chỉ có thể gặp ở độ cao 2.400m – 2.700m. Cùng với nó, Thông thích Xi-Pan, Thông thích SaPa và một số loài khác cũng đang “leo” dần lên cao.

    bdkh van 20154 

       Hình 4: Loài Thông Vân San Hoàng Liên đã dịch chuyển vùng sinh sống lên địa hình cao hơn do sự thay đổi nhiệt độ

       Các nhà khoa học đã nhận định: chỉ cần nhiệt độ tăng lên 10C, khu rừng nhiệt đới ẩm Queensland, một di sản thiên nhiên thế giới ở Australia có thể bị giảm tới 50%, còn số loài cây bị mất có thể tới 40%.
       Như vậy, nếu tới cuối thể kỷ 21 nhiệt độ trên lãnh thổ Việt Nam tăng tới 3,70C theo kịch bản phát thải cao thì các hệ sinh thái rừng (trong đó có cây rừng, các loài động vật, chim, bà sát và vô số các loài khác nữa…), hệ sinh thái biển,… sẽ có thể bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Các hệ sinh thái bị suy giảm hay có sự biến đổi sẽ làm giảm sự hấp dẫn của các khu du lịch hình thành trên cơ sở cảnh quan sinh thái tự nhiên.
       Hơn nữa, sự thay đổi nhiệt độ có thể làm thay đổi tập tính của rất nhiều loài sinh vật như chim di cư, động vật di cư,…chúng có thể sẽ thay đổi nơi cư trú gây ảnh hưởng không nhỏ tới mùa du lịch hay nét đặc trưng của mỗi điểm du lịch. Các khu du lịch ở Việt Nam có biểu tượng của các loài động vật đặc hữu, chim di cư,…như Khu du lịch Hạ Long – Cát Bà, Khu du lịch Tam Đảo, khu du lịch Cần Giờ, Khu du lịch Năm Căn,…có thể sẽ có những thay đổi về vẻ đẹp tự nhiên trong tương lai do sự gia tăng nhiệt độ.

    bdkh van 20155

       Hình 5: Các loài chim di cư có thể thay đổi mùa di cư hay thay đổi điểm cư trú nếu nhiệt độ thay đổi

       2.2. Nguy cơ tác động do thay đổi lượng mưa theo Kịch bản
       BĐKH sẽ làm tăng tổng lượng mưa năm ở tất cả các vùng của Việt Nam. Tuy nhiên, sự thay đổi lượng mưa rất phức tạp tùy theo mùa và khu vực cụ thể. Xác suất xuất hiện của các trận mưa cực đoan và lũ lụt cũng sẽ tăng, đặc biệt là ở các vùng phía Bắc bao gồm Hà Nội, và tăng rủi ro sạt lở đất ở vùng núi. Viện khoa học Khí tượng, Thủy văn và Môi trường (IMHEN) đã nghiên cứu và dự đoán về xu hướng BĐKH trong tương lai tại Việt Nam từ các mô hình khí hậu toàn cầu. Theo đó, lượng mưa sẽ tăng trong những tháng mùa mưa thậm chí với mức độ nhiều hơn hiện nay, trong những tháng mùa khô (tháng mười hai – tháng năm), lượng mưa trung bình sẽ giảm khoảng 20% làm cho hạn hán trở nên trầm trọng hơn, đặc biệt là sẽ ảnh hưởng đến khu vực phía Nam bao gồm cả đồng bằng sông Cửu Long. Việc giảm lượng mưa trong các tháng mùa khô sẽ kéo theo sự gia tăng các rủi ro hạn hán đồng thời cũng làm tăng lượng bốc hơi do nhiệt độ cao.
       Với xu thế lượng mưa mùa khô giảm và lượng mưa mùa mưa tăng; ngày mưa dị thường có thể xuất hiện với lượng mưa gấp đôi so với kỷ lục hiện nay sẽ là nguy cơ gây gián đoạn mùa du lịch ở các khu du lịch ở Việt Nam. Mặt khác lượng mưa mùa mưa tăng, kết hợp có thể xuất hiện ngày mưa dị thường với lượng mưa rất lớn sẽ tác động rất lớn tới cơ sở hạ tầng tại các khu du lịch như đường giao thông, khuôn viên phục vụ ăn nghỉ, đặc biệt là các khu du lịch có dòng chảy bề mặt như sông, suối, vùng thấp, trũng hay đồi dốc dễ gây ngập úng hay xói lở.
       Tại Lào Cai, theo ghi nhận của Đài khí tượng thủy văn, tỉnh Lào Cai đã và đang chịu tác động mạnh mẽ của vòng xoáy BĐKH. Biểu hiện rõ nhất là các tai biến thiên nhiên ngày càng gia tăng về lượng và cường độ. Thiên tai khốc liệt hơn, có khi trở thành thảm họa lớn. Thời gian tới, nhiệt độ tại Lào Cai vẫn có xu thế tăng chung so với cả nước. Chế độ mưa thất thường, các đợt mưa lớn, nắng nóng, hạn hán, lũ quét, trượt lở đất đá, rét đậm, rét hại, băng giá, sương muối… sẽ gay gắt hơn trước tác động trên nhiều mặt, từ môi trường tự nhiên, cảnh quan sinh thái  đến đời sống xã hội; làm thay đổi chế độ nhiệt và mưa, gây ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên nước như làm giảm dòng chảy, tăng tần suất lũ; các hồ chứa bị ảnh hưởng do chế độ dòng chảy thay đổi. Ngoài ra, BĐKH sẽ tiếp tục gây ra những tác động không nhỏ tới sức khỏe con người, bệnh tật gia tăng, khả năng xuất hiện một số bệnh lạ.
     

    bdkh van 20156
       Hình 6: Lũ quét tại Sapa gây ảnh hưởng đến cảnh quan và giao thông tại Khu du lịch

       Những khu du lịch khác dễ bị ảnh hưởng của thay đổi lượng mưa như Khu du lịch Xứ sở Hạnh phúc với hơn 3km sông, các khu du lịch thuộc vùng Đông Nam Bộ có hệ thống sông Cửu Long, Khu du lịch Tràng An, Khu du lịch Hồ Hòa Bình có sông Đà và nhiều suối lớn đổ về,…

    bdkh van 20157

      Hình 7: Khu du lịch Xứ sở Hạnh phúc nằm cạnh sông có thể có nguy cơ ngập lụt nếu lượng mưa tăng bất thường trong tương lai

       Kết quả quan trắc và tính toán xói mòn thực nghiệm tại Trạm môi trường hồ chứa Hồ chứa Hòa Bình của Viện Khoa học, Khí tượng và Thủy văn cho thấy: Yếu tố mưa có ảnh hưởng lớn đến lượng xói mòn, đặc biệt đối với khu vực có độ dốc lớn như khu vực hồ Hòa Bình. Vì vậy, hàng năm do tác động của mưa đã bào mòn, rửa trôi một lượng bùn cát khá lớn xuống lòng hồ Hòa Bình gây ảnh hưởng đến môi trường và các hoạt động du lịch tại lòng Hồ.
       2.3. Nguy cơ tác động do mực nước biển dâng theo Kịch bản
       Ở Việt Nam có rất nhiều khu du lịch nằm ven biển hay trên vùng đồng bằng có địa hình thấp nằm trong bản đồ có nguy cơ ngập do nước biển dâng.
       Theo Kịch bản, nếu mực nước biển dâng 1m đến cuối thế kỷ 21 thì rất nhiều khu du lịch nằm trong bản đồ nguy cơ ngập do nước biển dâng sẽ bị ngập trong nước biển hoặc bị ngập do sự dâng ngược của nước sông từ trong đất liền chảy ra biển.
       Hầu hết dải bờ biển của nước ta đều đang bị xói lở với cường độ từ vài mét tới hàng chục mét mỗi năm, xu hướng gia tăng mạnh trong vài năm gần đây. Hiện tượng xâm thực bờ biển và mặn hóa đất liền hiện là mối lo đối với chất lượng nước ngầm, đặc biệt tại vùng duyên hải Bắc Bộ, nước ngầm nhiễm mặn đang diễn biến phức tạp. Các công trình đầu mối như cấp thoát nước, cấp điện, xử lý chất thải… tại các đô thị ven biển cũng có nguy cơ ảnh hưởng do biến đổi khí hậu.
       Theo các tài liệu điều tra cho thấy, đầu thế kỷ 20 làng mạc ở Cát Hải còn mở rộng ra phía biển 500m. Chỉ trong khoảng thời gian 54 năm, từ 1938 đến 1992, vùng triều phía ngoài Cát Hải rộng 1.100 ha bị xói lở và hiện biến mất trên thực địa. Tính đến năm 2014, tổng số chiều dài đường bờ biển Hải Phòng đã bị xói lở 16,1km, tốc độ trung bình 5,4m/năm trên tổng số 125km đường bờ biển, chiếm tổng số 23%. Với mực biển dâng cao như hiện nay, bãi biển Đồ Sơn sẽ bị thu hẹp chiều rộng 0,36- 0,45m/năm và mất đi 15-40% bề ngang trong 50 năm tới. Cùng với sự dâng cao mực nước biển, hiện tượng xói lở bờ biển diễn ra ở mức độ tối thiểu, bãi biển Đồ Sơn sẽ bị phá huỷ 50-80% trong 50 năm tới. Xói lở ở mức độ cao nhất, trong 25 năm tới, bãi biển Đồ Sơn sẽ bị xói lở hoàn toàn. 

    bdkh van 20158

    Hình 8: Xói lở bờ biển tại xã Phù Long – Huyện Cát Hải – Hải Phòng

       Còn khu vực mũi Cà Mau được xem có tốc độ lấn ra biển nhanh nhất (có năm tới 100m), nhưng hiện đang có biểu hiện xói lở mạnh nếu như không có giải pháp tối ưu ngăn chặn. Cà Mau được xác định là điểm cực Nam của đất nước, nhưng với tốc độ xói mòn, ăn sâu vào đất liền như hiện nay, điểm cực Nam mới có thể được xác định nằm trong địa bàn xóm Rẫy thuộc bãi Khai Long.

     bdkh van 20159
       Hình 9: Hình ảnh vệ tinh cho thấy Mũi Cà Mau bị xói mòn

       Một ví dụ điển hình khác, Khu du lịch Khai Long (Cà Mau) đã phải đóng cửa sau 5 năm hoạt động bởi xói lở do nước biển dâng. Khu du lịch Ana Mandara (Huế) cũng bị ảnh hưởng nặng nề. 
      

    bdkh van 201510bdkh van 201510.1

    Hình 10: Khu du lịch Khai Long với ảnh hưởng của nước biển dâng

       Tại Quảng Nam, các khu nghỉ dưỡng cao cấp như: Khu Victoria khi bắt đầu khai trương năm 2001 bãi biển nơi đây còn cách bờ kè của khu nghỉ dưỡng 50m nhưng từ tháng 9/2013 đến nay nước biển đã xâm thực đến sát bờ kè; Khu nghỉ dưỡng Đồng Dương sóng biển đã làm vỡ các bờ kè bằng bê tông kiên cố, cuốn trôi đất phía bên trong làm cho một dãy các căn hộ nhỏ trong khu nghỉ dưỡng này bị hỏng hoàn toàn. Các khu nghỉ dưỡng nằm liền kề khác như Golden Sand, SunRise, Vinpearl…và nhiều bãi tắm công cộng cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

      bdkh van 201511bdkh van 201511.2
       Hình 11: Khu nghỉ dưỡng Đồng Dương
    bdkh van 201512 
       Hình 12: Resort Fusion Alya ở ven Cửa Đại bị nhấn chìm xuống biển

       Các khu du lịch nằm trong danh sách có nguy cơ bị ngập do nước biển dâng như: Khu du lịch Cần Giờ, Khu du lịch Long Hải – Phước Hải, Khu du lịch Thới Sơn, Khu du lich Xứ sở Hạnh phúc, Khu du lịch Năm Căn, và một số khu du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ,…
       Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Xói lở bờ hiện nay đang diễn biến rất phức tạp, cứ sau mỗi mùa gió Đông Bắc đường bờ biển ở một số khu vực trong tỉnh lại tiếp tục bị xói lở nghiêm trọng đe dọa đến các khu du lịch, bãi tắm và khu dân cư ven bờ làm ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Theo báo cáo đánh giá thực trạng sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu của Viện Kỹ thuật biển (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay trên toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 6 đoạn thường xuyên bị xói lở bờ biển, tiềm ẩn gây nên những hậu quả khó lường như: Khu vực Trại Nhái (phường 12, TP Vũng Tàu), khu vực Phước Hải, Lộc An (huyện Ðất Ðỏ), khu vực Hồ Tràm – Hồ Cốc và Bình Châu (huyện Xuyên Mộc). Thực trạng xói lở tại các khu vực này đang diễn ra với tốc độ nhanh từ 2 mét/năm lên đến 30 mét/năm; trong đó, có điểm sạt lở tới hàng trăm mét. Ðiển hình như tại khu vực Trại Nhái trong vòng mười năm, biển đã lấn vào đất liền 720m, riêng trong 3 năm gần đây, biển đã lấn hơn 80m.

    bdkh van 201513 
       Hình 13: Hiện trạng xói lở bờ biển khu vực Trại Nhái – Vũng Tàu

       Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã nhận định: Du lịch biển Việt Nam có thể bị tổn thất nặng nề do tác động của biến đổi khí hậu và hiện tượng thời tiết cực đoan, trong khi đó thu nhập từ du lịch biển chiếm tới 70% doanh thu của toàn ngành. Biển và khu vực ven bờ là hệ sinh thái tổng hợp, nơi tập trung nhiều nguồn lực cho phát triển du lịch, gồm 2/3 số cảng biển, sân bay; 1/6 tổng số đô thị, trung tâm dịch vụ, 5/7 địa bàn du lịch trọng điểm; 3/4 các khu du lịch quốc gia. Nên nước biển dâng sẽ làm cho tài nguyên du lịch bị suy thoái, biến đổi và mất mát về lượng cũng như về giá trị phục vụ. Điều này sẽ làm cho khả năng phát triển sản phẩm du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tất yếu sẽ dẫn đến suy giảm các tiền đề phát triển du lịch biển đảo nói riêng và cả nước nói chung.

      bdkh van 201514.1bdkh van 201514.2

                     Khu du lịch Long Hải – Phước Hải                                Khu du lịch Cù Lao Chàm

    Hình 14: Các khu du lịch có thể bị tác động bởi nước biển dâng

       Với những cơ sở khoa học về sự thay đổi nhiệt độ, lượng mưa, mực nước biển dâng trên lãnh thổ Việt Nam theo Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam năm 2012 có thể thấy nguy cơ hiện hữu ở tương lai không xa ngành du lịch Việt Nam, cụ thể hơn là các khu du lịch sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn do biến đổi khí hậu. Ngành du lịch Việt Nam cần có những giải pháp, kế hoạch ứng phó phù hợp nhằm thích ứng cũng như giảm thiểu những tác động, sự thiệt hại do biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Các giải pháp, kế hoạch vừa mang tính trước mắt vừa có tầm nhìn lâu dài, chiến lược với sự điều chỉnh phù hợp theo những Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng mới nhất của Việt Nam cũng như nguồn tin đáng tin cậy nhất của tổ chức quốc tế nghiên cứu về biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
       Đối với Việt Nam biến đổi khí hậu mang lại thách thức lớn hơn là những cơ hội. Do đó, cần thiết phải huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước để ứng phó với biến đổi khí hậu.
     

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. Kịch bản Biến đổi khí hậu năm 2012;
    2. Trần Đức Thanh, “Khả năng ảnh hưởng sự dâng cao mực biển đến môi trường ven biển Hải Phòng”;
    3. Bùi Công Quang, “Bài giảng về biến đổi khí hậu”;
    4. Kết quả nghiên cứu của Viện khoa học Khí tượng, Thủy văn và Môi trường về biến đổi khí hậu tại Việt Nam;
    5. Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, “Sổ tay biến đổi khí hậu”;
    6. Trung tâm KHCN Khí tượng Thủy văn và Môi trường, “Tài liệu phổ biến kiến thức về Biến đổi khí hậu”;
    7. Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, “Các giải pháp thích ứng và ứng phó, góp phần giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu đối với hoạt động du lịch ở Việt Nam”;
    8. Viện Khí tượng thủy văn hải văn và môi trường “Nghiên cứu ảnh hưởng dòng chảy, ảnh hưởng của xâm nhập mặn, đề xuất giải pháp quản lý lưu vực sông và giảm thiểu tác động sự xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu đến lưu vực sông tỉnh Đồng Nai”;
    9. Báo cáo Đánh giá tác động của BĐKH – NBD đối với ĐBSCL đến năm 2020 và định hướng đến năm 2050, VNMC, 2011.

    ThS. Nguyễn Thùy Vân – Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

    Bài cùng chuyên mục