Mô hình phát triển du lịch xanh gắn với du lịch sinh thái cộng đồng tại Đồng Tháp
Thực hiện Nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển du lịch Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh”, ngày 24-25/7/2019, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã tổ chức Đoàn khảo sát do TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng làm trưởng đoàn, cùng các chuyên gia tham gia nhiệm vụ thực hiện khảo sát, nghiên cứu mô hình phát triển du lịch xanh tại Đồng Tháp.
Mô hình mà đoàn khảo sát đã tới tìm hiểu là Việt Mê Kông Farmstay, tọa lạc tại Ấp Trung, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Với tiêu chí “Kết nối giá trị – Trải nghiệm khác biệt”. Việt Mê Kông Farmstay đã và đang tạo ra những sản phẩm và dịch vụ du lịch xanh, rất độc đáo và đa dạng. Các sản phẩm và dịch vụ du lịch được chia theo 3 mùa: mùa nâu (mùa làm đất), mùa xanh (mùa lúa non) và mùa vàng (mùa lúa chín), mỗi mùa có những đặc trưng và sự hấp dẫn riêng, tạo nên những giá trị trải nghiệm khác biệt cho khách du lịch.
Việt Mê Kông Farmstay hiện có 8 bungalow với sức chứa từ 16 đến 20 khách và một lán trại tập thể với sức chứa khoảng 40 khách. Các bungalow được dựng bằng vật liệu tre, gỗ và lá, bên cạnh đầm sen, giữa cánh đồng lúa, rất gần gũi với thiên nhiên và thân thiện với môi trường.
Việt Mê Kông Farmstay phục vụ khách du lịch ẩm thực mang phong cách của người dân Miền Tây với các món ăn chế biến từ các loài thủy sản được nuôi trồng và đánh bắt từ sông Mê Kông, kết hợp với ẩm thực đồng quê dân dã.
Khách du lịch được thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc của các nghệ sĩ đờn ca tài tử bản địa, được nghe những câu chuyện kể về đời sống, văn hóa của đồng bào Miền Tây.
Bên cạnh đó, khách du lịch cũng được hóa thân thành những người nông dân Nam Bộ, mặc áo bà ba, quàng khăn rằn, đội nón lá, trải nghiệm các hoạt động trên cánh đồng.
Việt Mê Kông Farmstay luôn ý thức và coi trọng vấn đề bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái trong các hoạt động du lịch của mình, với tiêu chí: “phát triển du lịch trên nền tảng nông nghiệp sạch” và “phát triển nông nghiệp sạch để phục vụ du lịch”. Cây xanh và hoa được trồng nhiều quanh các bungalow, tạo không gian sống “xanh – sạch – đẹp”. Túi ni-lông và các vật dụng từ nhựa được hạn chế sử dụng, thay vào đó là các vật dụng làm từ chất liệu mây, tre và gỗ. Khách du lịch được khuyến khích mang theo khăn mặt, khăn tắm, bàn chải đánh răng để giảm thiểu chất tẩy rửa khi giặt và không nên mang theo túi ni-lông, chai nhựa, đồ ăn thức uống công nghiệp, thức uống có cồn để hạn chế rác thải từ các vật dụng sử dụng một lần.
Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa bản địa luôn được Việt Mê Kông Farmstay quan tâm hàng đầu trong các hoạt động du lịch của mình. Cụ thể: các chương trình giao lưu văn hóa văn nghệ được tổ chức cho các đoàn khách đã góp phần bảo tồn và lan tỏa dòng nhạc dân gian đờn ca tài tử; các hoạt động trải nghiệm của khách như mặc áo bà ba, quàng khăn rằn, đội nón lá đã góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa mặc của đồng bào Nam Bộ; những bữa cơm đãi khách đậm chất Miền Tây đã góp phần giới thiệu văn hóa ẩm thực nơi đây tới khách du lịch trong nước và quốc tế.
Hiện Việt Mê Kông Farmstay đã phục vụ nhiều đoàn khách đến từ các thành phố lớn trong nước và các đoàn khách quốc tế đến từ các nước Đông Âu và Bắc Mỹ. Tần suất khách đến Việt Mê Kông Farmstay trung bình đạt khoảng 30 người/tháng, cao điểm là vào các tháng 9 đến tháng 12 với tần suất trung bình đạt khoảng 40 – 50 người/tháng. Chi tiêu trung bình khách quốc tế khoảng 80 – 90 USD (2 ngày 1 đêm) và khách nội địa khoảng 70 USD.
Với những hoạt động hiện tại và những kết quả đã đạt được, Việt Mê Kông Farmstay đang có những bước đi đúng đắn về phát triển du lịch xanh. Việt Mê Kông Farmstay cùng với những mô hình tương tự trên địa bàn đã và đang góp phần tích cực thúc đẩy phát triển du lịch Đồng Tháp theo hướng tăng trưởng xanh.
Quang Đăng