Khảo sát tại Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá tác động của xu thế kinh tế chia sẻ đến lĩnh vực lưu trú du lịch
Thực hiện nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng năm 2020 do Tổng cục Du lịch giao về “Đánh giá tác động của xu thế kinh tế chia sẻ đến lĩnh vực lưu trú du lịch tại Việt Nam”, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã tổ chức đoàn công tác do TS. Đỗ Thị Thanh Hoa – Phó Viện trưởng làm trưởng đoàn cùng các cán bộ nghiên cứu tham gia nhiệm vụ khảo sát đợt 1 tại 2 thành phố lớn – Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là 2 trong số những tỉnh thành phát triển nhất Việt Nam về loại hình kinh doanh lưu trú du lịch trên nền tảng kinh tế chia sẻ.
Trong chuyến khảo sát, đoàn đã làm việc, phỏng vấn với chủ một số cơ sở kinh doanh lưu trú hoạt động trên nền tảng kinh tế chia sẻ tại các Quận Hải Châu, Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) và Quận 1, Quận 3, Quận 5 (Thành phố Hồ Chí Minh), để nắm bắt rõ thực tế về cách thức kinh doanh, hiện trạng và chất lượng của các hộ kinh doanh theo hình thức mới này, đồng thời cũng tiếp nhận được thông tin, phản hồi về những thuận lợi và khó khăn từ chính các chủ các cơ sở kinh doanh.
Tại Đà Nẵng, đoàn đã có buổi làm việc với Sở Du lịch Đà Nẵng, Công an Thành phố Đà Nẵng, đại diện Hiệp hội khách sạn Đà Nẵng, đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng, cùng đại diện UBND một số quận có tập trung đông những hộ kinh doanh cơ sở lưu trú trên nền tảng kinh tế chia sẻ như Quận Hải Châu, Quận Ngũ Hành Sơn, Quận Thanh Khê về hiện trạng và những khó khăn trong vấn đề quản lý loại hình lưu trú mới này. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, đoàn cũng đã đến làm việc và trao dổi trực tiếp với UBND các Quận 1, Quận 3, Quận 5 và đại diện một số phường thuộc các quận trên. Nhìn chung, các địa phương đều gặp phải những khó khăn chung trong vấn đề quản lý loại hình cơ sở lưu trú trên nền tảng kinh tế chia sẻ, cụ thể:
– Loại hình kinh doanh cơ sở lưu trú trên nền tảng kinh tế chia sẻ đang được diễn ra theo nhiều hình thức đa dạng, khó quản lý;
– Đa phần các Quận/ Phường đều không nắm được chính xác số hộ kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch trên nền tảng kinh tế chia sẻ do chủ yếu các hộ kinh doanh loại hình này đều không thực hiện đăng kí kinh doanh;
– Việc quản lý, kiểm tra an ninh, an toàn, phòng cháy chữa cháy gặp khó khăn vì chủ hộ hoặc không sinh sống tại đó hoặc không chịu hợp tác, khai báo;
– Vấn đề quản lý tạm trú, tạm vắng đối với khách du lịch quốc tế và nội địa còn nhiều bất cập, chủ hộ kinh doanh không tự giác đăng kí cho khách thuê;
– Chính sách thuế chưa phù hợp đối với loại hình kinh doanh cơ sở lưu trú theo hình thức mới này, dẫn đến việc người dân không tự giác đăng kí kinh doanh.
Bên cạnh đó, tại các buổi làm việc, các địa phương cũng đưa ra một số đề xuất nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý loại hình kinh doanh mới này, cụ thể:
– Tăng cường sự phối hợp của doanh nghiệp công nghệ trung gian với cơ quan quản lý nhà nước trong việc chia sẻ thông tin đăng kí của các hộ kinh doanh lưu trú, cũng như quản lý vấn đề tạm trú, tạm vắng của du khách thông qua việc tích hợp khai báo tạm trú online trên các website khi đặt phòng,
– Xây dựng kho dữ liệu dùng chung đối với các tỉnh/ thành, sở, quận/huyện nhằm nhanh chóng nắm bắt hiện trạng hoạt động và quản lý chặt chẽ hơn hình thức kinh doanh mới này.
– Tăng cường công tác tuyên truyền và tập huấn đến người dân và các hộ kinh doanh lưu trú nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc đăng kí kinh doanh, khai báo tạm trú tạm vắng đối với khách và đảm bảo an ninh, an toàn, phòng cháy chữa cháy.
Một số hình ảnh của Đoàn công tác:
Phương Mai