Hội thảo trực tuyến “Phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, mô hình và giải pháp”
Ngày 21/9/2021, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch tổ chức Hội thảo trực tuyến “Phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh (TTX) vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, mô hình và giải pháp”, đây là hoạt động thuộc đề tài KH&CN cấp Bộ: “Mô hình phát triển du lịch theo hướng TTX vùng Duyên hải Nam Trung Bộ” do Viện chủ trì thực hiện trong năm 2020 – 2021. TS. Đỗ Thị Thanh Hoa – Phó Viện trưởng Viện NCPT Du lịch chủ trì Hội thảo. Tham dự hội thảo có đại diện Lãnh đạo Vụ Khách sạn, Vụ Lữ hành, Vụ Kế hoạch Tài chính (Tổng cục Du lịch); Lãnh đạo Sở VHTTDL các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận); Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường); khoa du lịch thuộc các trường Đại học KHXH&NV, Đại học Thương Mại, Đại học Mở Hà Nội, Đại học Giao thông vận tải; doanh nghiệp du lịch và nghiên cứu viên của Viện NCPT Du lịch.
Mở đầu, trong bài phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Đỗ Thị Thanh Hoa đã nêu rõ: Phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh là một xu hướng đang được nhiều quốc gia quan tâm và triển khai trên nhiều lĩnh vực trong đó có ngành du lịch. Mục tiêu chung của xu hướng này là hướng đến một ngành du lịch duy trì được mức tăng trưởng ổn định, giảm phát thải, gia tăng khả năng chống chịu và thích ứng với BĐKH đồng thời mang lại cho cộng đồng địa phương sự công bằng trong chia sẻ lợi ích cũng như trách nhiệm. Việc triển khai nghiên cứu đề tài “Mô hình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh Vùng duyên hải Nam Trung Bộ” thực sự cần thiết, nhằm mục đích hệ thống hóa được cơ sở lý luận và xây dựng mô hình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh cho một vùng du lịch Việt Nam.
Thay mặt nhóm nghiên cứu, ThS. Nguyễn Thị Lan Hương – chủ nhiệm đề tài đã trình bày tóm lược kết quả nghiên cứu với những nội dung chính: (1) Một số vấn đề cơ sở lý luận chung về TTX và mô hình phát triển du lịch theo hướng TTX, (2) Thực trạng phát triển du lịch theo hướng TTX vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, (3) Giới thiệu mô hình phát triển du lịch theo hướng TTX vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.
Đóng góp ý kiến cho đề tài, PGS.TS. Nguyễn Phượng Lê – Học Viện Nông nghiệp Việt Nam, đã trình bày bài tham luận về “Những vấn đề đặt ra trong việc xây dựng mô hình phát triển du lịch theo hướng TTX vùng duyên hải Nam Trung Bộ”. Trong tham luận, diễn giả nhận định những vấn đề đặt ra hiện nay để phát triển du lịch gắn với TTX ở vùng nghiên cứu đó chính là thay đổi nhận thức và cần có chiến lược phát triển du lịch gắn với tăng trưởng xanh.
ThS. Nguyễn Đức Tâm, chuyên gia nghiên cứu độc lập trình bày tham luận với chủ đề “Tiêu chí phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh tại khu vực duyên hải Nam Trung Bộ”. Theo đó, căn cứ kết quả nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển du lịch Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh” do Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch thực hiện năm 2019 – 2020 và các đặc điểm của phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh khu vực duyên hải Nam Trung bộ, tham luận đề xuất 07 tiêu chí cho phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh tại khu vực duyên hải Nam Trung bộ bao gồm: (1) Quản lý chất thải rắn (2) Quản lý rác thải biển đặc biệt là rác thải nhựa (3) Sử dụng tài nguyên nước và quản lý nước thải (4) Giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu (5) Sử dụng năng lượng tái tạo (6) Bảo tồn đa dạng sinh học và (7) Bảo vệ và phát triển sinh thái biển. Trong đó 04 tiêu chí có hệ số ưu tiên 2 là Quản lý chất thải rắn; Quản lý rác thải biển đặc biệt là rác thải nhựa; Sử dụng tài nguyên nước và quản lý nước thải và Sử dụng tài nguyên nước và quản lý nước thải. Ba tiêu chí còn lại có hệ số ưu tiên 1.
Tiếp đó, ThS. Trần Xuân Mới – Tổng giám đốc Công ty quản lý du lịch cao cấp Châu Á (ATM Asia Co., Ltd) trình bày tham luận với chủ đề “Chất lượng nguồn nhân lực và việc làm xanh, bền vững trong phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh tại khu vực duyên hải Nam Trung Bộ”. Trong bày trình bày, diễn giả đưa ra nhiều nhận định mới phù hợp với bối cảnh hiện tại của ngành du lịch như ban hành chính sách khởi nghiệp xanh, quản lý xanh và nhân lực xanh chuẩn bị cho làn sóng khởi nghiệp sau đại dịch Covid-19, khởi nghiệp kích cầu như thế nào do nguồn nhân lực sụt giảm, dịch chuyển nghề nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Sau phần trình bày của các bài tham luận, hội thảo đã có phiên thảo luận góp ý sôi nổi. Các đại biểu tham dự, đặc biệt là đại diện các địa phương trong Vùng DHNTB đều nhất trí cao với mô hình đề xuất của đề tài và cho rằng Vùng có đầy đủ điều kiện để áp dụng mô hình, mong muốn sau khi nghiệm thu, kết quả của đề tài sẽ được phổ biến rộng rãi để các địa phương tham khảo, áp dụng mô hình trong phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, các chuyên gia đã nhiệt tình chia sẻ những ý kiến, kinh nghiệm nhằm đóng góp xây dựng cho đề tài, tập trung xoay quanh những vấn đề sau:
– Cần bổ sung khung lý thuyết trong báo cáo của đề tài;
– Để mô hình phát triển du lịch theo hướng TTX áp dụng được trong thực tiễn là bài toán khó, cần có thời gian thực hiện và quá trình thực hiện cần được đánh giá, giám sát thông qua bộ tiêu chí, chỉ số giám sát, đánh giá tăng trưởng xanh.
– Với mô hình đề xuất cho vịnh Xuân Đài: cần xem xét lại các chiến lược trong quá trình thực hiện của vịnh Xuân Đài, hiện đang thiên về các yếu tố môi trường hơn là các khía cạnh tài nguyên. Đặc biệt quan tâm đến nhóm khách du lịch trong thành phần tham gia vào mô hình phát triển du lịch theo hướng TTX vì đây là nhóm khó tác động, lại có nhiều ảnh hưởng đến môi trường.
Kết thúc hội thảo, TS. Đỗ Thị Thanh Hoa ghi nhận và cảm ơn những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đây sẽ là những ý kiến tham khảo quan trọng để Ban chủ nhiệm hoàn thiện báo cáo trước khi tổ chức nghiệm thu đề tài./
Thanh Hiền