Hội thảo “Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới – Thách thức và triển vọng”
Sáng ngày 25/7/2023 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã tổ chức hội thảo khoa học: “Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới – Thách thức và triển vọng” với hình thức trực tiếp (tại Hà Nội) và trực tuyến tới 20 đầu cầu cả nước.
Tham dự Hội thảo có Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam – TS. Phạm Văn Thủy, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch – TS. Nguyễn Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) – PGS.TS. Lê Anh Tuấn; đại diện các đơn vị trực thuộc Cục Du lịch quốc gia Việt Nam; Lãnh đạo các Sở quản lý du lịch địa phương; đại diện một số cơ sở giáo dục Đại học, Cao đẳng và trung cấp nghề trong lĩnh vực du lịch; đại diện một số Hiệp hội du lịch; đại diện các doanh nghiệp du lịch, lữ hành; các chuyên gia và nhà khoa học…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Cục trưởng Phạm Văn Thủy cho rằng, thời gian qua, ngành Du lịch Việt Nam cũng như toàn thế giới bị ảnh hưởng nặng nề trước tác động của đại dịch Covid-19. Khi dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, có thời điểm gần như toàn bộ ngành Du lịch ngừng hoạt động. Nhân lực nghỉ việc tới 92%, nhiều đơn vị kinh doanh chỉ hầu như giữ lại lực lượng chủ chốt để duy trì sự vận hành tối thiểu. Trong khi đó, từ trước đến nay, nhân lực du lịch của nước ta vẫn luôn được cho là vẫn còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Đặc biệt là nhân lực gặp nhiều hạn chế về kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ. Chất lượng dịch vụ, chưa đáp ứng được nhu cầu và sự chuyển biến liên tục của ngành. Thực tế nêu trên đặt ra nhu cầu phát triển đội ngũ nhân lực du lịch chất lượng cao có khả năng thích ứng dưới tác động đa chiều của các yếu tố kinh tế, an ninh phi truyền thống và đặc biệt là những xu hướng mới của thời đại công nghệ 4.0 đáp ứng đầy đủ yêu cầu về số lượng và chất lượng nhân lực cho ngành trong quá trình phát triển trong giai đoạn mới.
Phó Cục trưởng cũng nhấn mạnh rằng, hội thảo sẽ là cơ hội để các vị học giả, chuyên gia, nghiên cứu viên, giảng viên, các nhà quản lý Du lịch cũng như toàn thể quý vị đại biểu, các vị khách quý có mặt tại Hội thảo có thể cùng nhau chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm và đóng góp của mình để góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững nguồn nhân lực du lịch Việt Nam, đáp ứng được những nhu cầu và xu hướng mới của thời đại.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch – TS. Đỗ Thị Thanh Hoa cho rằng, du lịch là một trong những hoạt động kinh tế đặc biệt quan trọng, được coi là ngành kinh tế hàng đầu trong nền kinh tế thị trường đòi hỏi lao động chuyên nghiệp và tạo ra nhiều lợi ích. Nguồn nhân lực có vai trò quyết định không chỉ đối với sự phát triển du lịch mà còn góp phần quan trọng đến sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Nguồn nhân lực trong lĩnh vực này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, nâng cao năng suất và chất lượng ở tất cả các cấp trong các tổ chức, điểm đến và quốc gia.
Trong bối cảnh chung hiện nay, thật sự là Việt Nam rất thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn, có tay nghề đạt tiêu chuẩn quốc tế và có đủ niềm đam mê để làm trong ngành du lịch. Bởi theo đánh giá của các chuyên gia, mặt bằng chung chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch Việt Nam vẫn thấp, vừa thiếu, vừa yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển ngành Du lịch trong nước. Tuy nhiên, cơ hội vẫn trong tay chúng ta khi du lịch là ngành kinh tế cần cảm xúc, có nhiều sự tiếp xúc giữa con người với con người mà không máy móc hay công nghệ nào có thể thay thế được.
PGS.TS. Lê Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ VHTTDL trình bày tham luận với chủ đề: “Tổng quan phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam: từ chủ trương chính sách đến thực tiễn” cho rằng còn có sự bất cập trong việc đưa chính sách đào tạo nguồn nhân lực vào cuộc sống, nhân lực du lịch Việt Nam bị ảnh hưởng bởi đại dịch về số lượng, chất lượng và tâm lý người lao động ngành không ổn định, cùng với đó là yêu cầu cao trong giai đoạn hiện nay. Giải pháp đề xuất là cần có điều tra nguồn nhân lực; rà soát, tái cơ cấu hệ thống cơ sở đào tạo; triển khai tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và tăng cường chất lượng đào tạo.
ThS. Phạm Duy Phong – Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình trình bày tham luận với chủ đề: “Phát triển nguồn nhân lực du lịch Ninh Bình – Những vấn đề đặt ra”, đã nêu ra: Thực trạng lao động ngành du lịch Ninh Bình. Dự báo bối cảnh quốc tế, trong nước; xu thế du lịch và dự báo chỉ tiêu phát triển nguồn lao động du lịch trong những năm tới. Giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.
Ông Phạm Duy Phong – Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết số lượng khách du lịch đến với Ninh Bình ngày càng tăng, nhu cầu nhân lực trong ngành du lịch vì thế cũng tăng theo. Tuy nhiên, thực tế thì lực lượng lao động làm du lịch tại Ninh Bình đang còn thiếu cả về số lượng và chất lượng. “Số lao động trực tiếp bình quân trên một buồng lưu trú ở tỉnh Ninh Bình còn rất thấp… Năm 2019, chỉ số này chỉ đạt xấp xỉ 0,66 lao động trực tiếp trên 1 buồng lưu trú (5.600 lao động trực tiếp/8.508 buồng lưu trú)”. Trong khi đó theo quy chuẩn của ngành du lịch, bình quân các khách sạn cần khoảng 0,96 lao động/phòng.
ThS. Vũ An Dân – Khoa Du lịch, trường Đại học Mở Hà Nội trình bày tham luận với chủ đề: “Đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch đáp ứng nhu cầu mở rộng thị trường khách du lịch ở Việt Nam trong thời kỳ mới”. Theo ThS. Vũ An Dân, Khoa du lịch, Trường Đại học mở Hà Nội đánh giá sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp 4.0, sự ra đời của các nền tảng sử dụng trí tuệ nhân tạo AI, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế chia sẻ và các công cụ chỉ đường, tìm kiếm thông tin, biên và phiên dịch đang mang lại nhiều thách thức về công nghệ dần thay thế hướng dẫn viên. Trong cuộc chạy đua với công nghệ, hướng dẫn viên cần được đào tạo sử dụng thành thạo các công nghệ trong du lịch để thực sự làm chủ công nghệ, dùng công nghệ để hỗ trợ công việc. Việc mở rộng thị trường du lịch đồng nghĩa với việc nắm bắt đặc điểm của khách từ thị trường mới và đặc biệt là ngôn ngữ mới. Do đó cần đào tạo để chuẩn bị cho thị trường địa lý mới, nhóm khách hàng mới với nhu cầu mới.
TS. Hà Thanh Hải – Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) trình bày tham luận với chủ đề: “Giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch trong các cơ sở lưu trú du lịch” cho rằng thực trạng trên đòi hỏi nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực du lịch. “Ví dụ 2 khách sạn 5 sao có cùng quy mô, cùng đóng trên một địa bàn, có danh mục dịch vụ tương đồng và nhắm cùng thị trường khách hàng mục tiêu, nhưng có chất lượng dịch vụ và kết quả kinh doanh khác nhau. Khách sạn nào có đội ngũ quản lý tốt, nhân viên được tuyển dụng, được kèm cặp hướng dẫn, được đào tạo về kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nghề, về thái độ phục vụ và có chính sách đãi ngộ nhân sự tốt hơn thì khách sạn đó sẽ có nhiều khách hơn, bán được giá tốt hơn và có kết quả kinh doanh tốt hơn khách sạn kia”.
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến của đại biểu đã tập trung thảo luận về thực trạng nguồn nhân lực du lịch ở các địa phương; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam hiện nay; công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại các cơ sở đào tạo; giải pháp phát triển, đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên và nhân lực du lịch trong các cơ sở lưu trú để đáp ứng trong bối cảnh mới…
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đính cho rằng cần nghiên cứu ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực du lịch như đi lại, ăn ở, học phí nhằm thu hút sinh viên theo học ngành du lịch như tỉnh Ninh Bình đã thực hiện. Bên cạnh đó, GS.TS Nguyễn Văn Đính đề nghị cần bổ sung mã ngành đào tạo về du lịch. Cần có đào tạo tại chỗ (tại doanh nghiệp), tại trường và tại cộng đồng để tạo sự đồng bộ, toàn diện. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên: cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, chính quyền; gắn đào tạo lý thuyết và thực tế, thực hành.
Còn theo PGS. TS. Phạm Hồng Long – Trưởng Khoa Du lịch, Trường ĐH KHXH&NV, cần có định hướng đào tạo rõ ràng hơn nữa giữa các cấp đào tạo (trường đại học, trường cao đẳng, trường nghề) để tạo sự đồng bộ, đúng đối tượng, đúng nhu cầu. Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp trong nhu cầu nguồn nhân lực.
Bà Mai Oanh – Đại diện Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Yên Bái đưa ra một vài ý kiến. Hiện tại, khoảng cách giữa người đào tạo và người cần đào tạo quá xa. Tại Yên Bái đã xây dựng và triển khai chương trình thí điểm hội nghị không đồng, thu hút sự tham gia và đóng góp của những người tham gia. Điều đó cho thấy chất lượng đào tạo đáp ứng được nhu cầu của người học. Một trăm phần trăm nhân sự tham mưu về du lịch không có bất cứ người nào có lĩnh vực chuyên môn về du lịch. Phương châm phát triển du lịch của Yên Bái theo hướng xanh, bền vững: khoanh vùng các khu vực phát triển du lịch, bảo tồn, không xâm phạm và giao cho Huyện phát triển du lịch. Xây dựng chương trình học, đào tạo nguồn nhân lực linh hoạt, phù hợp với thời lượng, hoàn cảnh.
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đánh giá cao sự tham gia của các đại biểu tham gia trực tiếp và từ 20 đầu cầu trực tuyến ở các địa phương. Điều này cho thấy, vấn đề nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực du lịch đang khiến những người làm du lịch trên cả nước quan tâm, trăn trở rất nhiều.
Việc phát triển nguồn nhân lực du lịch đang đặt ra những cơ hội, thách thức trong thời kỳ mới. Tuy nhiên, cũng có nhiều triển vọng, sáng kiến và giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam được các đại biểu đề cập. Trong đó, có việc đào tạo nhân lực du lịch trên toàn hệ thống, từ cơ quan quản lý nhà nước tới các doanh nghiệp, người làm du lịch trực tiếp; định hướng đào tạo rõ ràng (theo hướng học thuật, nghiên cứu hay đào tạo kỹ năng nghề hoặc phối hợp cả 2); cơ chế, chính sách đào tạo nguồn nhân lực du lịch; thống nhất và cập nhật giáo trình đào tạo; mô hình đào tạo du lịch; chuyển đổi số trong đào tạo du lịch…
Tin & Ảnh: Nguyễn Phương, Trần Lan