Hội thảo khoa học “Những vấn đề đặt ra trong việc xây dựng và áp dụng mô hình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh vùng Bắc Trung Bộ”
Ngày 24/9/2021, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch tổ chức hội thảo trực tuyến “Những vấn đề đặt ra trong việc xây dựng và áp dụng mô hình phát triển du lịch tăng trưởng xanh vùng Bắc Trung Bộ”. Đây là hội thảo khoa học thuộc đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Bộ “Mô hình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh vùng Bắc Trung Bộ”, do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch giao Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch thực hiện trong 2 năm 2020 -2021.
Đề tài hướng đến mục tiêu nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cụ thể là xây dựng mô hình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh áp dụng cho vùng Bắc Trung Bộ – Việt Nam; Xác định được các nhân tố quyết định đến tăng trưởng xanh và bộ chỉ tiêu đo lường tăng trưởng xanh trong mô hình áp dụng cho vùng Bắc Trung Bộ.
Tham dự hội thảo có các đại biểu đến từ Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ VHTTDL), một số đơn vị của Tổng cục Du lịch, các Sở Du lịch, Sở VHTTDL khu vực Bắc Trung Bộ cùng một số địa phương khác; giảng viên và các nhà nghiên cứu thuộc các trường đại học, cao đẳng; đại diện một số vườn quốc gia và các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, cán bộ của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch.
Các đại biểu tham dự hội thảo đã được nghe chủ nhiệm đề tài – ThS. Nguyễn Quốc Hưng, Trưởng phòng Nghiên cứu Thị trường, Sản phẩm và Quy hoạch Du lịch, Viện NCPT Du lịch thay mặt nhóm nghiên cứu báo cáo tóm tắt các nội dung, các vấn đề đặt ra của đề tài. Tiếp đó, các diễn giả trình bày tham luận tại hội thảo, xoay quanh các vấn đề liên quan đến vấn đề phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh như Ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh vào lĩnh vực du lịch – một số vấn đề đặt ra (TS. Vũ Hoài Nam, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội); Hướng dẫn tăng trưởng xanh từ phát triển sản phẩm du lịch sinh thái và cộng đồng tại Vườn quốc gia Ba Bể và vùng lân cận (TS.Võ Quế – Trường Đại học Đông Á); Vai trò của cộng đồng và gợi ý mô hình phát triển du lịch cộng đồng theo hướng tăng trưởng xanh cho vùng Bắc Trung Bộ (TS. Trần Huy Đức – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân). Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về các nội dung của đề tài và góp ý để chủ nhiệm đề tài chỉnh sửa và hoàn thiện báo cáo.
Theo nhóm nghiên cứu, vùng Bắc Trung Bộ sở hữu tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa đa dạng, phong phú với nhiều di sản tự nhiên, văn hóa và phi vật thể được UNESCO công nhận, nhiều bãi biển đẹp nổi tiếng thu hút khách du lịch, nhiều di tích lịch sử cách mạng, văn hóa bản địa phong phú, mảnh đất của nhiều danh nhân văn hóa nổi tiếng của Việt Nam và thế giới, cảnh quan còn giữ được nét tự nhiên, tuy nhiên qua nghiên cứu số liệu từ năm 2012-2019 cho thấy du lịch vùng Bắc Trung Bộ trong những năm qua vẫn chưa đạt được những hiệu quả như mong muốn. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nhiều nguyên nhân do khách quan đem lại.
– Yếu tố thời tiết bất lợi luôn là nguyên nhân cản trở sự phát triển du lịch của vùng Bắc Trung Bộ với nhiệt độ quá nóng vào mùa hè và quá rét, rét đậm, rét hại vào mùa đông.
– Năm 2016, thảm họa do xả thải từ khu công nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã gây ra hậu quả vô cùng nặng nề về kinh tế – xã hội cho các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ. Mức độ ảnh hưởng của sự cố này còn kéo dài nhiều năm sau, tác động tới nhiều ngành đặc biệt là du lịch.
– Năm 2020, dịch Covid bùng phát, lượng khách du lịch đến các tỉnh trong vùng giảm đến 60 – 70% so với cùng kỳ năm 2019, nhiều doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng phải ngừng hoạt động.
– Du lịch vùng Bắc Trung Bộ chịu ảnh hưởng bởi tính thời vụ rất sâu sắc, gây ảnh hưởng bất lợi đến tất cả các thành phần của quá trình kinh doanh du lịch. Trong đó, yếu tố thời tiết, bão, lũ lụt luôn là những nhân tố chủ yếu quyết định đến tính thời vụ trong kinh doanh du lịch của vùng Bắc Trung Bộ.
Bên cạnh đó, hầu hết các tỉnh ở Bắc Trung Bộ chưa có đủ năng lực xử lý nước thải tập trung, quy mô lớn. Mặc dù các địa phương đã có đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, rác thải nhưng chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế. Nhiều khách sạn, nhà hàng trong vùng chưa có hệ thống xử lý nước thải tại chỗ, mà chủ yếu là xả thẳng vào nguồn nước mặt gây ô nhiễm nguồn nước của các con sông và vùng biển gần đó. Sự quá tải về lượng khách du lịch trong các thời kỳ cao điểm (nghỉ hè và các ngày lễ) tại vùng biển Cửa Lò (Nghệ An), Sầm Sơn (Thanh Hóa)… đã gây ra những tác động xấu đến môi trường biển ở khu vực này.
Lao động trong ngành du lịch của vùng mặc dù đã được chú trọng hơn tuy nhiên vẫn chưa đạt được tính chuyên nghiệp, thiếu kỹ năng mềm, cần thiết.
Để xây dựng và áp dụng được mô hình du lịch tăng trưởng xanh phù hợp cho khu vực, đề tài đã nghiên cứu nhiều mô hình như Mô hình cấu trúc hệ thống du lịch Beni, 1998, Mô hình I/O, Mô hình khung đo lường tăng trưởng xanh của tổ chức OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) và căn cứ tiềm năng phát triển du lịch, thực trạng hoạt động du lịch, các cơ chế chính sách có liên quan đến vấn đề nghiên cứu tại vùng Bắc Trung Bộ, nghiên cứu điển hình áp dụng thử nghiệm đối với vườn quốc gia Pù Mát, từ đó, xây dựng mô hình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh cho vùng Bắc Trung Bộ.
Trong quá trình hoàn thiện mô hình và nhân rộng áp dụng cho các khu, điểm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ, nhóm nghiên cứu nhận định việc áp dụng mô hình cho vùng Bắc Trung Bộ rất khó khả thi bởi có sự khác biệt lớn về tổ chức bộ máy, cơ quan quản lý, cơ chế vận hành, tài nguyên du lịch, hạ tầng cơ sở trong khu vực. Vì vậy, mô hình phát triển du lịch tăng trưởng vùng Bắc Trung Bộ được xây dựng theo 3 nhóm tài nguyên đặc trưng của vùng, mỗi nhóm tài nguyên đặc trưng thể hiện tính chất hoạt động du lịch của điểm đến, bao gồm:
– Hệ thống các khu dự trữ sinh quyển, các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên…;
– Hệ thống các di sản thế giới bao gồm các di sản văn hóa, giá trị văn hóa lịch sử tiêu biểu….;
– Hệ thống các khu du lịch biển, đảo.
Từ những phân tích về các vấn đề còn tồn tại, để mô hình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh có tính khả thi, được áp dụng trong thực tiễn cho các khu, điểm du lịch trong vùng Bắc Trung Bộ, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị cụ thể với các bên liên quan.
Đề tài KHCN “Mô hình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh cho vùng Bắc Trung Bộ” phù hợp với nhu cầu tất yếu của bối cảnh thế giới cũng như trong nước, giúp định hình sự phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh cho các tỉnh Bắc Trung Bộ, bảo đảm khai thác, sử dụng hiệu quả, hợp lý tài nguyên du lịch, góp phần khắc phục những hạn chế về nguồn lực, bảo vệ tài nguyên và môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, qua đó kích thích tăng trưởng và phát triển du lịch nói riêng và kinh tế – xã hội nói chung cho các tỉnh Bắc Trung Bộ theo đúng nguyên tắc phát triển bền vững.
Kim Thoa