Hội thảo quốc tế trực tuyến “Bảo vệ nông nghiệp và cây xanh ở khu vực miền núi”
Ngày 29/9/2021, Trường Đại học Quý Châu phối hợp với Sở Nông nghiệp và Nông thôn tỉnh Quý Châu; Trung tâm Dịch vụ Khuyến nông Quốc gia Trung Quốc tổ chức Hội thảo trực tuyến “Bảo vệ nông nghiệp và cây xanh ở khu vực miền núi”. Hội thảo nhằm chia sẽ những kinh nghiệm, cách làm mới và thành tựu mới trong phát triển nông nghiệp, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn miền núi ở Trung Quốc và các nước ASEAN.
Tham dự hội thảo trực tuyến, bên cạnh chủ nhà Trung Quốc, có các đại biểu đến từ Việt Nam, Mỹ, Ukraina, Thái Lan, Singapore, Lào, Campuchia, Srilanka và một số quốc gia khác.
Nhận lời mời của Ban Tổ chức và phát biểu tại buổi khai mạc, TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch nhấn mạnh, đất và môi trường là cơ sở bền vững để phát triển nông nghiệp. Đối với nông nghiệp, đất là tài sản vô giá, là nguồn tài nguyên tái tạo được, vừa là tư liệu sản xuất vừa là đối tượng lao động. Tuy nhiên, ở khu vực miền núi cao, dốc nên các quá trình gây thoái hoá đất như xói mòn, rửa trôi khiến đất có độ phì nhiêu thấp, mất cân bằng dinh dưỡng, thoái hoá hữu cơ, ô nhiễm, khô hạn, hoang mạc hoá, trượt đất, nứt đất. Hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn giúp điều tiết dòng chảy, hạn chế lũ lụt vùng hạ lưu, hạn chế xói mòn, duy trì nguồn nước, chống sạt lở đất, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan. Vì vậy bảo vệ và phát triển cây xanh, trồng rừng là yếu tố sống còn cho nông nghiệp và phát triển nông thôn bền vững. Ngược lại, phát triển nông nghiệp xanh ở các khu vực miền núi có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đất, bảo vệ rừng. Quản lý và sử dụng chất bảo vệ thực vật đúng cách, đúng liều lượng, xen canh nông lâm nghiệp đa dạng hoá cây trồng, vận dụng quy luật tự nhiên, luân canh… giúp việc bảo vệ môi trường đất nông nghiệp và đất rừng được hiệu quả. Ngoài ra, khi người nông dân được giao khoán bảo vệ rừng cũng giúp nâng cao độ che phủ rừng, bảo tồn nguồn gen quý hiếm, giảm tình trạng phá rừng, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập.
Tuy nhiên, hiện nay ở các vùng nông thôn miền núi nạn săn bắt trái phép, chặt phá rừng còn diễn ra, sự mất cân bằng nguồn lao động, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật cao vào canh tác, trồng rừng, hoa màu còn nhiều hạn chế cả về kiến thức và thiếu thốn về trang thiết bị… cho nên hiệu quả và năng suất mang lại chưa cao, thu nhập người dân địa phương bị ảnh hưởng, đối diện nhiều khó khăn. Vì vậy, việc hỗ trợ người dân miền núi có thêm sinh kế kết hợp với phát triển nông nghiệp công nghệ cao sẽ giúp duy trì và phát triển nền nông nghiệp bền vững, đồng thời đóng góp vào công tác trồng và bảo vệ cây xanh, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường.
Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, nhằm khuyến khích người dân phát triển nông nghiệp và đảm bảo sinh kế, một trong những giải pháp thiết thực hiện nay là lồng ghép phát triển du lịch với hoạt động nông nghiệp. Các mô hình như du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng núi đang phát triển ở nhiều vùng nông thôn miền núi và đem lại những hiệu quả đáng ghi nhận về gia tăng thu nhập cho người dân, tạo việc làm lúc nông nhàn, tăng giá bán nông sản. Du lịch phát triển kéo theo cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật của khu vực, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trong vùng. Người dân cũng từ đó nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường đất, phát triển nông nghiệp xanh và bền vững. Ngoài ra, những nông sản độc đáo của vùng núi cao thông qua hoạt động du lịch lại được tôn vinh, tái sản xuất với chất lượng và quy mô lớn hơn để bán cho khách du lịch.
Cũng tại hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch mong muốn các đại biểu tham dự đề ra được những giải pháp hiệu quả về phát triển nông nghiệp kết hợp bảo vệ cây xanh, bảo vệ rừng khu vực núi cao, để tạo nền tảng cho ngành du lịch phát triển, hỗ trợ cuộc sống cộng đồng. Qua đó mở ra những cơ hội hợp tác về nghiên cứu, trao đổi kiến thức và những hành động thiết thực nhằm phát triển du lịch nông nghiệp – nông thôn, du lịch cộng đồng giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Sau phần khai mạc, hội thảo tiếp tục với các phần trình bày tham luận của các đại biểu đến từ Mỹ, Ukraina, Thái Lan, Srilanka… trao đổi và thảo luận về các lý thuyết mới, phương pháp mới, ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động thực tiễn phát triển nông nghiệp, nông thôn miền núi góp phần thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp, ổn định khu vực, thịnh vượng chung của Trung Quốc và các nước ASEAN./.
Cường Trần