Hội thảo “Làng nghề truyền thống ven biển Bắc Bộ – Những vấn đề và giải pháp trongchuyển đổi và mở rộng sinh kế gắn với phát triển du lịch”
Trong khuôn khổ nhiệm vụ thuộc Chương trình hành động Quốc gia về Du lịch 2020 “Nghiên cứu, xây dựng mô hình thí điểm chuyển đổi và mở rộng sinh kế cho các làng nghề ven biển Bắc Bộ”, ngày 11/12/2020, tại Khách sạn Thăng Long Opera, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã tổ chức Hội thảo “Làng nghề truyền thống ven biển Bắc Bộ – Những vấn đề và giải pháp trong chuyển đổi và mở rộng sinh kế gắn với phát triển du lịch”. Buổi hội thảo đã thu hút sự tham dự của đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục Du lịch, các Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các viện nghiên cứu, các trường đại học, các doanh nghiệp làng nghề, doanh nghiệp lữ hành và đặc biệt của cộng đồng người dân làng nghề truyền thống đan cói, bèo xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn, Ninh Bình. Hội thảo được chủ trì bởi Bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch và TS. Đỗ Thị Thanh Hoa – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch. Buổi hội thảo đã diễn ra với 3 phiên chính: Phiên 1: Phát biểu khai mạc hội thảo và phần báo cáo của chủ trì nhiệm vụ; Phiên 2: Trình bày tham luận của các diễn giả; Phiên 3: Trao đổi thảo luận của các đại biểu và tổng kết ý kiến của chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương đã giới thiệu về nhiệm vụ, đồng thời nêu lên một số vấn đề về hiện trạng của những làng nghề truyền thống ven biển Bắc Bộ và thể hiện mong muốn buổi hội thảo sẽ góp phần thắp lửa cho những sản phẩm du lịch văn hóa mang nét đẹp truyền thống làng nghề, duy trì và bảo tồn những giá trị sáng tạo mà ông cha để lại, là sợi dây kết nối làng nghề truyền thống với du lịch, kết nối con người với thiên nhiên, kết nối bảo tồn với phát triển.
Tiếp đó là phần trình bày báo cáo nhiệm vụ của ThS. Nguyễn Thị Lan Hương – Chủ trì nhiệm vụ. Trong đó, báo cáo tập trung làm sáng rõ tính cấp thiết của vấn đề; quá trình thực hiện nhiệm vụ; phương pháp nghiên cứu; nội dung và kế hoạch triển khai. Phần nội dung nhiệm vụ, báo cáo tập trung đến tổng quan về cơ sở lý luận về sinh kế và làng nghề truyền thống ven biển; thực trạng phát triển du lịch tại các tỉnh ven biển Bắc Bộ; đánh giá, lựa chọn mô hình thí điểm hỗ trợ; và những đề xuất giải pháp thực hiện và nhân rộng mô hình.
Trong phiên thứ hai, Hội thảo lắng nghe phần trình bày tham luận của các diễn giả. Đầu tiên với chủ đề “Du lịch làng nghề gắn với mở rộng sinh kế người dân vùng ben biển Bắc Bộ” , TS. Lưu Văn Duy – Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã làm rõ những đặc điểm sinh kế của người dân ở các làng nghề truyền thống ven biển Bắc Bộ; nghiên cứu một số những kinh nghiệm trên thế giới và trong nước về việc phát triển du lịch gắn với làng nghề; đồng thời đưa ra một số những gợi ý chính sách.
Tiếp đến là phần trình bày tham luận của diễn giả Trần Thị Miên về câu chuyện người làm nghề truyền thống đến với doanh nghiệp du lịch với những khó khăn của người đã chèo lái đưa sản xuất thủ công mỹ nghệ truyền thống của An Dương, Hải Phòng trở thành kế sinh nhai cho những người khuyết tật, phụ nữ và những người yếu thế của địa phương.
Cuối cùng là phần trình bày của bà Bùi Thị Nhàn – CEO Ecohost Asia với chủ đề về bài học kinh nghiệm trong kết nối làng nghề với doanh nghiệp du lịch. Trong đó, diễn giả tập trung làm rõ những khó khăn của các doanh nghiệp lữ hành khi kết nối, phát triển sản phẩm du lịch tại các làng nghề, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm của Ecohost Asia trong thời gian qua.
Sau phiên thảo luận sôi nổi của các đại biểu, buổi Hội thảo kết thúc với những đánh giá và tổng kết của TS. Đỗ Thị Thanh Hoa – đồng chủ trì, cụ thể:
– Vai trò to lớn của các làng nghề truyền thống trong phát triển du lịch, giúp cho các sản phẩm du lịch trở nên đa dạng hơn, giá trị hơn, sâu sắc hơn;
– Ý nghĩa nhân văn từ việc phát triển làng nghề là tạo ra công ăn việc làm cho những người yếu thế trong xã hội;
– Vai trò của các bên có liên quan như cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hiệp hội, các viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo, các tổ chức đoàn thể xã hội trong việc đưa làng nghề gắn với phát triển du lịch;
– Nhìn nhận được vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp làng nghề, doanh nghiệp du lịch trong việc liên kết không gian, sản phẩm để tạo điều kiện cho phát triển làng nghề, đáp ứng nhu cầu của các thị trường tiêu thụ;
– Thấy được các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn lựa chọn làng nghề đưa hoạt động du lịch vào phát triển;
– Chính du lịch là hoạt động có thể nâng tầm giá trị của làng nghề.
Buổi hội thảo kết thúc tốt đẹp với những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đại biểu là nguồn thông tin và tư liệu quý giá giúp nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện nhiệm vụ.
Một số hình ảnh trong phiên thảo luận Hội thảo:
Phương Mai