Tác động của Hiệp định CPTPP với phát triển du lịch Tp.Hồ Chí Minh
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương chính thức có hiệu lực tại Việt Nam ngày 14/01/2019. Đây là một Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, có độ mở cao, được đánh giá sẽ tác động mạnh mẽ đối với kinh tế – xã hội Việt Nam và đối với từng ngành, lĩnh vực cụ thể, trong đó có du lịch. Năm 2020, Tổng cục Du lịch giao Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch triển khai thực hiện Nhiệm vụ: “Đánh giá tác động của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đối với ngành du lịch Việt Nam”.
Để hiểu rõ và nắm bắt được những tác động của Hiệp định CPTPP đối với phát triển du lịch ở địa phương, từ ngày 25 – 28/10/2020, Viện NCPT Du lịch đã tổ chức đoàn khảo sát thực tế tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Đây là khu vực được đánh giá phát triển năng động về kinh tế và thương mại, có khả năng chịu tác động cao bởi Hiệp định CPTPP.
Trong khuôn khổ chuyến khảo sát, Đoàn công tác Viện NCPT Du lịch đã có cuộc họp với Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh và một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn nhằm trao đổi về một số vấn đề có liên quan đến tác động của Hiệp định CPTPP đối với du lịch TP. Hồ Chí Minh. TS. Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch tham dự và chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, TS. Lê Quang Đăng – Phó trưởng phòng Nghiên cứu CLCS&MT Du lịch, Viện NCPT Du lịch đã trao đổi những nội dung về Hiệp định CPTPP và đánh giá những tác động sơ bộ của Hiệp định đối với ngành du lịch. Theo đó, CPTPP đã và đang có những tác động nhất định đối với 7 khía cạnh chính của ngành du lịch, gồm: chính sách phát triển du lịch, đầu tư FDI cho du lịch, doanh nghiệp du lịch, lao động và việc làm du lịch, thị trường du lịch, vận tải hàng không và xuất nhập cảnh cho khách du lịch, thuế quan và hải quan. CPTPP mang lại nhiều cơ hội cho phát triển du lịch Việt Nam, đặc biệt là cơ hội thu hút các dòng vốn đầu tư FDI; cơ hội mở rộng thị trường sang những thị trường tiềm năng như Mexico, Chile, Peru và gia tăng lượng khách đến từ các thị trường giàu có như Nhật Bản, Australia, New Zealand, Canada; cơ hội việc làm cho lao động du lịch trong nước và hợp tác đào tạo nghề du lịch với các nước phát triển;… Bên cạnh đó, CPTPP cũng tạo ra thách thức không nhỏ cho du lịch Việt Nam, đặc biệt là thách thức cạnh tranh đối với các doanh nghiệp du lịch trong nước, sức ép cải cách thể chế, chính sách về du lịch,…
Trao đổi tại cuộc họp, đại diện Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã chia sẻ những vấn đề trong công tác quản lý hoạt động đầu tư và kinh doanh du lịch của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nói chung và doanh nghiệp các nước thành viên CPTPP nói riêng trên địa bàn thành phố. Nhìn chung, các doanh nghiệp FDI đã có những đóng góp tích cực cho phát triển du lịch thành phố, góp phần hình thành các sản phẩm và dịch vụ du lịch đa dạng, chất lượng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, còn tồn tại khá nhiều bất cập. Theo bà Võ Ngọc Điệp – Phó Trưởng phòng Quản lý lữ hành, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, hiện có khoảng hơn 20 văn phòng đại diện doanh nghiệp lữ hành của các nước đặt trụ sở trên địa bàn thành phố. Thực tế đang tồn tại rất nhiều hoạt động kinh doanh “núp bóng”, kinh doanh “chui” của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trên hồ sơ đăng ký kinh doanh thì 80-90% vốn là của doanh nghiệp Việt, chỉ có khoảng 10-20% vốn góp của doanh nghiệp nước ngoài, nhưng thực tế thì ngược lại. Việc tồn tại hình thức kinh doanh “núp bóng”, kinh doanh “chui” của một số doanh nghiệp nước ngoài đã gây ảnh hưởng rất lớn đối với du lịch thành phố.
Đồng quan điểm với bà Võ Ngọc Điệp, ông Nguyễn Thành Lưu – Phó TGĐ Saigontourist tại TP Hồ Chí Minh cho biết thêm: hiện có rất nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước khác đang kinh doanh theo hình thức này tại thành phố Hồ Chí Minh. Giấy tờ đăng ký kinh doanh là của người Việt Nam đứng tên nhưng vận hành, điều hành hoạt động kinh doanh lại do doanh nghiệp nước ngoài thực hiện, họ bao trọn tour, trọn gói cho khách du lịch từ khâu vận chuyển, lưu trú, ăn uống, tham quan, vui chơi giải trí, mua sắm,… Đây là hình thức kinh doanh và cạnh tranh không bình đẳng, gây ảnh hưởng rất lớn đối với các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế của Việt Nam.
Vấn đề lao động du lịch được khá nhiều đại biểu quan tâm khi CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam. Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng – Phó Tổng Giám đốc Vietravel chia sẻ: CPTPP mang lại cơ hội nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức đối với doanh nghiệp du lịch Việt Nam, đặc biệt là thách thức về nguồn nhân lực. Đối với các công ty lữ hành, cần chuẩn bị lực lượng hướng dẫn viên quốc tế có trình độ ngoại ngữ của một số thị trường như Mexico, Chile, Peru, Brunei, Malaysia… không dễ để có được đội ngũ hướng dẫn viên thành thạo ngôn ngữ các quốc gia này. Còn theo ông Trần Tuấn Anh – Giám đốc kinh doanh và marketing Khách sạn Mường Thanh Luxury Sài Gòn: khi doanh nghiệp các nước đầu tư vào Việt Nam, áp lực cạnh tranh là rất lớn, doanh nghiệp nội yếu thế hơn doanh nghiệp ngoại cả về quy mô vốn đầu tư, chất lượng dịch vụ, kinh nghiệm quản lý, trình độ khoa học công nghệ, chế độ đãi ngộ nhân viên. Doanh nghiệp nội rất có thể bị thua cả về cạnh tranh khách du lịch lẫn cạnh tranh thu hút lao động chất lượng cao.
Tại cuộc họp, có rất nhiều ý kiến phát biểu của đại diện đến từ các cơ quan quản lý nhà nước các lĩnh vực có liên quan như: Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, các cơ quan này sẵn sàng phối hợp với Sở Du lịch triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Hiệp định CPTPP đến cộng đồng các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố để các doanh nghiệp hiểu và nắm bắt được những cơ hội cũng như thách thức mà Hiệp định mang lại cho lĩnh vực du lịch; đồng thời, khuyến nghị Sở Du lịch cần có kế hoạch triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch tại các nước CPTPP, tạo cơ hội cho doanh nghiệp du lịch được tiếp cận và mở rộng thị trường sang các nước CPTPP.
Phát biểu kết thúc cuộc họp, TS. Trương Sỹ Vinh nhấn mạnh: CPTPP đặt ra nhất nhiều vấn đề đối với ngành du lịch, có cả những cơ hội, thuận lợi và những khó khăn, thách thức. Điều quan trọng là chúng ta tiếp cận Hiệp định thế nào để có thể phát huy những mặt tích cực, tận dụng cơ hội và vượt qua được những khó khăn, thách thức đó. Cạnh tranh là tất yếu đối với bất kỳ một Hiệp định thương mại tự do nào được ký kết giữa Việt Nam với các nước. Vì vậy, tham gia CPTPP, các doanh nghiệp du lịch Việt phải chuẩn bị và sẵn sàng đối diện với cạnh tranh, qua cạnh tranh sẽ giúp doanh nghiệp Việt ngày càng vững vàng hơn, năng động, sáng tạo hơn, đổi mới và phát triển hơn./.
Bùi Thị Nhẹ