Đánh giá tác động của xu thế kinh tế chia sẻ đến lĩnh vực lưu trú du lịch tại Hà Nội
Thực hiện nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng năm 2020 “Đánh giá tác động của xu thế kinh tế chia sẻ đối với lĩnh vực lưu trú du lịch tại Việt Nam” do Tổng cục Du lịch giao, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã tổ chức đoàn công tác do TS. Đỗ Thị Thanh Hoa – Phó Viện trưởng làm trưởng đoàn cùng các cán bộ nghiên cứu tham gia nhiệm vụ khảo sát đợt 2 tại Hà Nội từ ngày 12 – 14/8/2020.
Trong chuyến khảo sát, đoàn đã có buổi làm việc với UBND Quận Tây Hồ và đại diện công an khu vực quận, đại diện các phường trên địa bàn quận như Phường Quảng An, Phường Nhật Tân, Phường Tứ Liên để nắm rõ thực tế quản lý hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch trên nền tảng kinh tế chia sẻ tại quận, đồng thời xác định rõ những khó khăn trong cơ chế quản lý của địa phương đối với loại hình kinh doanh này.
Các đại diện của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đã chia sẻ những khó khăn như: Khó quản lý, nắm bắt tình hình an ninh trật tự vì những chủ nhà thực hiện loại hình kinh doanh này không tự giác khai báo đầy đủ, chính xác các thông tin về khách, dẫn đến những nguy cơ xảy ra các hoạt động mất an toàn, an ninh khu vực. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu những hướng dẫn, quy định và chính sách cụ thể đối với loại hình kinh doanh lưu trú du lịch trên nền tảng kinh tế chia sẻ, dẫn đến không có hình thức, chế tài để quản lý, xử phạt các trường hợp sai phạm.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đã làm việc với một số các chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh lưu trú du lịch trên nền tảng kinh tế chia sẻ và một số chủ nhà đã và đang hoạt động tích cực trong kinh doanh loại hình lưu trú này. Qua các cuộc tiếp xúc, trao đổi và phỏng vấn, đoàn đã ghi nhận được những thông tin hữu ích về thực tế hiện trạng của hoạt động kinh doanh này như xu hướng bão hòa và thương mại hóa; Sự biến tướng về bản chất của loại hình kinh doanh này so với mục đích ban đầu; Những khó khăn và rủi ro mà chủ nhà có thể gặp phải khi kinh doanh lưu trú du lịch trên nền tảng kinh tế chia sẻ (tiêu chuẩn, giấy phép yêu cầu không phù hợp với loại hình, chính sách thuế chưa thỏa đáng, hình thức thuế khoán chưa thực sự phù hợp…).
Qua chuyến khảo sát tại Hà Nội, đoàn công tác đã thu thập được những ý kiến khách quan từ cơ quan quản lý nhà nước cũng như các chuyên gia và những chủ nhà đã và đang trực tiếp hoạt động kinh doanh loại hình lưu trú du lịch trên nền tảng kinh tế chia sẻ. Câu hỏi cần đặt ra là ý nghĩa thực sự của kinh doanh lưu trú trên nền tảng kinh tế chia sẻ, ngoài giá trị về kinh tế, thì giá trị văn hóa – xã hội nó mang lại là gì? Sự chuyển biến trong văn hóa kinh doanh của loại hình này đã dẫn đến những thay đổi sâu sắc về cách thức làm kinh doanh, về nhận thức của người làm kinh doanh cũng như của du khách khi tham gia vào việc thỏa thuận và thực hiện những giao dịch qua nền tảng công nghệ, đồng thời kéo theo nhiều hiện tượng tiêu cực, gây tổn hại về vật chất và uy tín đối với chủ nhà, đánh mất cơ hội được giao lưu văn hóa của khách đối với chủ nhà tại địa phương hay những tranh chấp, bất đồng không đáng có… Thị trường kinh doanh lưu trú du lịch trên nền tảng kinh tế chia sẻ có thực sự đang bước vào giai đoạn bão hòa hay không? Tương lai của loại hình kinh doanh này sẽ đi đến đâu, thoái trào hay cần phải có sự thay đổi, chuyển biến để tồn tại và phát triển theo một chiều hướng mới sẽ là vấn đề mà các nhà quản lý, nhà nghiên cứu cần tập trung làm rõ.
Phương Mai