Hội thảo “Phát triển du lịch Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh”
Ngày 28/8/2020, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch tổ chức Hội thảo “Phát triển du lịch Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh”, đây là hoạt động thuộc đề tài KH&CN trọng điểm cấp Bộ: “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển du lịch Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh” do Viện chủ trì thực hiện trong năm 2019 – 2020. TS. Đỗ Thị Thanh Hoa – Phó Viện trưởng Viện NCPT Du lịch thay mặt cho Ban Lãnh đạo Viện chủ trì Hội thảo.
Tham dự hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các cơ quan, đơn vị, tổ chức khoa học và công nghệ trong lĩnh vực du lịch, kinh tế, môi trường và biến đổi khí hậu: Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Vụ Khách sạn, Vụ Lữ hành, Vụ Kế hoạch Tài chính thuộc Tổng cục Du lịch; Hiệp hội Du lịch Việt Nam; Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học KHXH&NV – Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường; đại diện một số doanh nghiệp du lịch và các chuyên gia Viện NCPT Du lịch.
Mở đầu hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện NCPT Du lịch, Chủ nhiệm đề tài đã thay mặt nhóm tác giả trình bày vắn tắt các kết quả nghiên cứu của đề tài. Đây là đề tài có tính cấp thiết và tính thời sự cao, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên và các vấn đề toàn cầu khác đang ngày một gia tăng. Đồng thời, đề tài có tính định hướng, xác lập cơ sở khoa học về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, là cơ sở tham mưu cho các cấp quản lý ban hành cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh với ngành du lịch.
Tiếp theo, các đại biểu đã đóng góp ý kiến cho các kết quả nghiên cứu của đề tài. Hội thảo ghi nhận những kết quả nghiên cứu ban đầu và đánh giá cao sự nỗ lực, nghiêm túc của nhóm tác giả đề tài. Đây là công trình được nghiên cứu công phu, có hàm lượng khoa học cao, có tính xác thực về cơ sở dữ liệu, có nhiều lập luận mới và sắc nét. Đề tài đã hệ thống hóa và đưa ra được nhiều vấn đề lý luận mới về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh; tìm hiểu kinh nghiệm thực tiễn tại một số quốc gia trên thế giới; đánh giá hiện trạng phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh ở Việt Nam và đề xuất được những giải pháp, khuyến nghị chính sách. Những vấn đề còn tồn tại và các nội dung liên quan đến đề tài cũng đã được trao đổi, thảo luận cởi mở tại hội thảo.
Theo PGS.TS. Trần Thị Minh Hòa (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV – Đại học Quốc gia Hà Nội): Đây là đề tài có tính chất định hướng, dẫn dắt, kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở khoa học cho các nghiên cứu cụ thể sau này. Vì thế, việc xác lập khung lý thuyết vững chắc về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, đặc biệt là các khái niệm, định nghĩa, các trụ cột phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh; các nguyên tắc, yếu tố tác động, bộ tiêu chí đánh giá phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh; mô hình khung về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh cho khu, điểm du lịch là rất cần thiết. Đồng quan điểm với PGS.TS. Trần Thị Minh Hòa, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng (Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) nhấn mạnh, nghiên cứu phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh có thể tiếp cận theo ba cách: Tiếp cận trụ cột (kinh tế – xã hội, môi trường); Tiếp cận chỉ tiêu, chỉ số; Tiếp cận hệ sinh thái. Theo đó, cách tiếp cận trụ cột là cách tiếp cận phổ biến, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững. Cần lưu ý thêm rằng, trụ cột kinh tế có ý nghĩa quan trọng, cần phải được đặt nên hàng đầu vì nó tạo ra giá trị gia tăng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế trên nền tảng bền vững về môi trường, ổn định về xã hội (sứ mạng thuộc về du lịch – ngành kinh tế mũi nhọn).
Nhấn mạnh yếu tố văn hóa – xã hội, TS. Từ Mạnh Lương (Nguyên Vụ trưởng Vụ KHCN&MT – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng: mục tiêu cao nhất của phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh là hướng đến con người, phát triển du lịch cho con người và vì con người. Do đó, đề tài phải chú trọng, làm sâu sắc hơn yếu tố văn hóa – xã hội, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến bảo tồn di sản và các giá trị văn hóa đặc sắc. Ông cũng nhấn mạnh thêm rằng, khách du lịch ngoài việc tham quan, thưởng ngoạn các giá trị cảnh quan thì phải được hưởng thụ các giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi điểm đến. Vì thế, việc xác lập mô hình khung cho khu, điểm du lịch cũng cần phải xác định từng mô hình cho mỗi giá trị tài nguyên (mô hình cho tài nguyên du lịch tự nhiên và mô hình cho tài nguyên du lịch văn hóa).
Ông Vũ Thế Bình (Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam) lại cho rằng, mỗi đề tài tùy theo đặc thù riêng có thể xác định hướng nghiên cứu ưu tiên nhất định. Đối với đề tài nghiên cứu về “phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh” thì cần bám sát vào Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Do đó, hai lĩnh vực cần ưu tiên tập trung nghiên cứu là Kinh tế (nhấn mạnh yếu tố khai thác phát triển du lịch phải gắn với bảo vệ tài nguyên và cảnh quan) và Môi trường (nhấn mạnh bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu). Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam và Thế giới đang phải hứng chịu hệ quả nghiêm trọng từ các vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu. Du lịch Việt Nam thời gian qua phát triển rất tốt, nhưng bên cạnh đó cũng để lại nhiều hệ lụy từ vấn đề khai thác tài nguyên thiếu hiệu quả, làm suy giảm giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên ở nhiều địa phương. Đề tài cần phải làm sáng tỏ được những vấn đề này, đánh giá chi tiết và nêu quan điểm của nhà nghiên cứu, đề xuất những giải pháp thích hợp để tham mưu cho các cấp quản lý ban hành cơ chế, chính sách phù hợp.
Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý cụ thể cho các nội dung nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học như PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thanh (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường), GS.TSKH. Trương Quang Học (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội), TS. Trần Huy Đức (Khoa Du lịch – Khách sạn, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), TS. Nguyễn Văn Lưu (nguyên hàm Vụ trưởng Vụ Đào tạo – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), TS. Phạm Lê Thảo (Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch) và nhiều chuyên gia khác. Mặc dù có nhiều vấn đề còn đáng tranh luận và ý kiến khác nhau về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh nhưng đây là đề tài mới, có tính định hướng, với phạm vi nghiên cứu rộng nên chủ nhiệm đề tài và nhóm tác giả nghiêm túc tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện đề tài trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận, TS. Đỗ Thị Thanh Hoa – Chủ trì hội thảo, đã trân trọng cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học đã tới dự và đóng góp ý kiến cho hội thảo. Đây là hội thảo mở, là diễn đàn để các nhà khoa học trao đổi chuyên môn, kinh nghiệm, quan điểm về những vấn đề nghiên cứu liên quan đến đề tài. Hội thảo đã được nghe ý kiến góp ý của 14 chuyên gia, nhà khoa học. Những ý kiến góp ý quý báu này sẽ gợi mở cho nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện đề tài và đạt được kết quả tốt nhất. Cuối cùng, TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện NCPT Du lịch, Chủ nhiệm đề tài đã thay mặt Lãnh đạo Viện NCPT Du lịch và thành viên đề tài, một lần nữa bày tỏ lời cảm ơn tới các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã tham gia, đóng góp ý kiến cho hội thảo và mong muốn các đại biểu tiếp tục đồng hành cùng Viện NCPT Du lịch trong việc thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trong thời gian tới.
Quang Đăng, Chiến Thắng