Hội thảo Khoa học Quốc gia “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh CMCN 4.0”
Ngày 8/7/2020, Trường Đại học Thương mại phối hợp với Trường Đại học Ngoại thương và Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0”.
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện NCPT Du lịch phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh CMCN 4.0” là diễn đàn chia sẻ những sáng kiến về định hướng trong nghiên cứu, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Tham dự Hội thảo, về phía cơ quan quản lý nhà nước, có PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; PGS.TS. Vũ Đức Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo – Văn xã, Văn phòng Chính phủ. Về phía các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, có GS.TS. Nguyễn Văn Đính, Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Hà Tĩnh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Hiệp hội Du lịch Việt Nam. Hội thảo thu hút nhiều học giả, các nhà nghiên cứu, đồng thời là lãnh đạo khoa du lịch của các cơ sở đào tạo của nhiều tỉnh thành trên cả nước như Đại học Văn hóa, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Điện Lực, Đại học Mở, Đại học Công Nghiệp, Đại học Thủ Đô, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội (Hà Nội), Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Thanh Hóa); Đại học Hải Phòng; cùng đại diện các doanh nghiệp du lịch, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài ngành và các cơ quan thông tấn báo chí.
Hội thảo đã tuyển chọn được tổng số 58 bài tham luận liên quan đến chủ đề chính về phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh CMCN lần thứ tư của các học giả, nhà nghiên cứu du lịch trên toàn quốc. Nhiều đóng góp tại hội trường đã nêu những vấn đề đặt ra cho ngành du lịch đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Trong đó, nổi bật là các cơ sở đào tạo phải nâng cao điều kiện cơ sở vật chất; nhân lực trong toàn ngành phải nâng cao năng lực về công nghệ thông tin; Bên cạnh đó, các thách thức và cơ hội được nêu ra vấn đề cần phải thích ứng với nhiều rủi ro và việc xuất hiện cơ hội việc làm mới từ kinh tế chia sẻ, dịch vụ và xu hướng du lịch mới với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. Hơn nữa, thách thức đối với phương thức đào tạo liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp.
PGS.TS. Nguyễn Thị Nguyên Hồng, Trưởng khoa Khách sạn – Du lịch, Đại học Thương Mai, thay mặt BTC Hội thảo đã nhấn mạnh: Trường đại học Thương mại, Trường đại học Ngoại thương và Viện Nghiên cứu phát triển du lịch với vai trò là những trường đại học, Viện nghiên cứu đầu ngành về các lĩnh vực khoa học du lịch, kinh tế và quản trị kinh doanh thương mại và dịch vụ hiện đại của cả nước đã có nhiều đóng góp cả về hoạt động nghiên cứu khoa học và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch. Hội thảo này là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách và quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch, các nhà quản trị doanh nghiệp bổ sung thêm những luận cứ khoa học và thực tiễn toàn diện và xác đáng hơn trong phát triển du lịch đặc biệt trong bối cảnh CMCN lần thứ tư. Bà cũng bày tỏ tin tưởng rằng kết quả của Hội thảo sẽ góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo các chuyên ngành về du lịch ở các trường đại học.
Đại diện Tổng cục Du lịch, Bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn chia sẻ: Khách sạn dù được trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật hạng sang nhưng nếu cơ sở đó không có nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu tiêu chuẩn dịch vụ thì không thể mang danh hiệu ở hạng sao tương ứng. Ngành du lịch thường rất dễ chịu ảnh hưởng của sự biến động thị trường, kinh tế, xã hội, nên nhiều khả năng có sự dịch chuyển lao động từ ngành du lịch sang các ngành khác.
Trên quan điểm nâng cao năng lực cốt lõi trong thời đại CMCN lần thứ tư, PGS.TS. Nguyễn Văn Đính cho rằng việc quan trọng nhất cần phải làm là trình độ sử dụng thiết bị và ứng dụng công nghệ thông tin, Internet kết nối vạn vật, tự động hoá, tái tạo năng lượng trong cung ứng dịch vụ. Ông nhấn mạnh có khoảng thiếu hụt đáng kể trong trình độ nhân lực ở các vùng miền, trong các lĩnh vực ngành du lịch như khách sạn, ăn uống, lữ hành.
Để giải quyết các vấn đề đặt ra, các đại biểu đã tập trung thảo luận các giải pháp như sau:
1. Thay đổi nhận thứ, tư duy trong sử dụng thiết bị và ứng dụng công nghệ thông tin: Nguồn nhân lực du lịch ở các vị trí việc làm khác nhau từ cán bộ quản lý nhà nước, giảng viên các cơ sở đào tạo, nhân viên trực tiếp phục vụ khách cần phải chú trọng, xác định tầm quan trọng của việc sử dụng công nghệ thông tin, phải đặc biệt yêu cầu kiến thức thực hành và trải nghiệm thực tế.
2. Cần có sự hợp tác liên ngành giữa 3 Bộ: Giáo dục và Đào tạo; Lao động, Thương binh và Xã hội; Văn hóa, Thể thao và Du lịch liên quan đến việc thống nhất về nội dụng và mục tiêu đào tạo.
3. Liên kết trong đào tạo: Mô hình hợp tác trong đào tạo đã được nhắc đến nhiều. Cần tiếp tục thúc đẩy thực hiện trong các cơ sở đào tạo, đảm bảo có lực lượng giảng viên cơ hữu là lãnh đạo các doanh nghiệp tham gia giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng nghề, và các trường, trung tâm giáo dục nghề nghiệp về nghề du lịch.
4. Đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì xây dựng chiến lược về phát triển nguồn nhân lực trong CMCN 4.0. Đồng thời khuyến nghị Nhà nước có nguồn lực hỗ trợ đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin cho các vị trí quản lý ở trung ương và địa phương, các giảng viên tại cơ sở đào tạo du lịch, các nhân viên trực tiếp phục vụ khách ở các doanh nghiệp.
Hội thảo có ý nghĩa thiết thực đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN lần thứ tư, cải thiện chất lượng dịch vụ và hội nhập khu vực và quốc tế. Các kết quả của Hội thảo góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo các chuyên ngành về du lịch ở các cơ quan, tổ chức nghiên cứu, quản lý và đào tạo nguồn nhân lực du lịch ở Việt Nam.
Chiến Thắng
Truy cập toàn văn Kỷ yếu hội thảo tại đây!