Khảo sát thực địa, đánh giá sức chịu tải môi trường tại Khu du lịch biển Sầm Sơn, Thanh Hóa
Triển khai Nhiệm vụ “Đánh giá sức chịu tải môi trường của một số khu, điểm du lịch, di tích quốc gia Việt Nam” thuộc Nhiệm môi trường 2019 – 2020 do Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch và Tổng cục Du lịch giao, từ ngày 28/5 đến ngày 02/6/2020, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã tổ chức đoàn khảo sát thực địa tại thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa do Phó Viện trưởng Trương Sỹ Vinh làm trưởng đoàn. Cùng tham gia đoàn khảo sát còn có các cán bộ, nghiên cứu viên của Viện và các chuyên gia về môi trường, quy hoạch du lịch.
Hiện nay, vấn đề môi trường đã và đang có tác động rất lớn đối với phát triển kinh tế đất nước nói chung và với sự phát triển của ngành du lịch nói riêng. Mặt khác, khi du lịch phát triển thì cũng có những tác động ngược lại tới môi trường, gồm cả những tác động tích cực lẫn tiêu cực.
Tại Sầm Sơn, trong những năm gần đây, tốc độ phát triển của du lịch thành phố luôn duy trì ở mức cao. Năm 2019, thành phố đón được 4.950.000 lượt khách, tăng 15,5% so với năm 2018. Phục vụ được 9.750.000 ngày khách, tăng 20,4 % so với năm 2018. Doanh thu đat 4.580 tỷ đồng, tăng 25,1% so với năm 2018. Kinh tế du lịch phát triển vượt bậc cả về quy mô, cơ cấu, chất lượng và hiệu quả; đến giữa năm 2020 thành phố có 690 cơ sở lưu trú, với 19.000 phòng, tăng 295 cơ sở và 9.400 phòng so với năm 2015. Lượng khách du lịch ngày càng tăng, bình quân tăng hăng năm đạt 8,9%.
Sự phát triển du lịch của thành phố Sầm Sơn đã khẳng định vai trò của một ngành kinh tế mũi nhọn với những đóng góp đặc biệt quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, không chỉ với thành phố Sầm Sơn mà cả tỉnh Thanh Hóa.
Tuy đã có những bước phát triển vượt bậc về du lịch nhưng kinh tế du lịch của thành phố vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là về môi trường du lịch. Do tính thời vụ rất cao của du lịch Sầm Sơn, xu hướng du lịch đại trà (mass tourism), sự thiếu hụt đầu tư cho cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng du lịch, hệ thống xử lý rác thải, nước thải… chưa theo kịp với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng về khách du lịch đã gây nên hiện tượng quá tải tại một số thời điểm, đặc biệt là mùa cao điểm, vượt sức chứa, sức tải cho phép, vượt khả năng kiểm soát, gây sức ép đến môi trường cũng như hình ảnh của du lịch thành phố.
Để có những căn cứ khoa học, chính xác, làm cơ sở cho việc đánh giá sức chịu tải của môi trường du lịch Sầm Sơn, nhóm thực hiện nhiệm vụ đã tiến hành khảo sát thực địa và điều tra xã hội học tại Khu du lịch Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa để đánh giá: hiện trạng phát triển du lịch; hiện trạng công tác bảo vệ môi trường; các tác động của hoạt động du lịch đến môi trường; sức chịu tải môi trường tại Khu du lịch Sầm Sơn…
Bên cạnh đó, Đoàn khảo sát đã tiến hành thu thập thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ nền, báo cáo phân tích số liệu quan trắc môi trường và các tài liệu, số liệu liên quan khác tại Khu du lịch Sầm Sơn để phục vụ việc viết chuyên đề và báo cáo tổng hợp. Ngoài ra, nhóm thực hiện nhiệm vụ đã tổ chức các buổi tọa đàm, thảo luận, họp chuyên gia tại UBND TP. Sầm Sơn với thành phần gồm có: đại diện UBND TP.Sầm Sơn; Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Thanh Hóa; Sở Tài nguyên & Môi trường Thanh Hóa; Công ty Môi trường đô thị TP. Sầm Sơn…
Đoàn công tác đã kết thúc chuyến khảo sát với những kết quả làm việc đáng ghi nhận, góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ “Đánh giá sức chịu tải môi trường của một số khu, điểm du lịch, di tích quốc gia Việt Nam”.
Một số hình ảnh của đoàn khảo sát:
Văn Dương