UNESCO hỗ trợ ngành du lịch Việt Nam phục hồi và phát triển sau dịch COVID-19
Ngày 27/5/2020, tại Tổng cục Du lịch đã diễn ra cuộc họp với văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam. Về phía Tổng cục Du lịch có Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu chủ trì cuộc họp, đại diện các Vụ Hợp tác Quốc tế, Vụ Lữ hành, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Báo Du lịch và Tạp chí Du lịch tham gia.
Tại cuộc họp, Phó Tổng cục Trưởng Hà Văn Siêu đã khái quát thông tin về tình hình phát triển du lịch của các điểm đến di sản thế giới tại Việt Nam, những khó khăn ngành du lịch phải đối mặt trong giai đoạn sau dịch COVID-19. Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh các thị trường khách quốc tế lớn của Việt Nam và cả du lịch nội địa chưa hồi phục vì tâm lý e ngại đi du lịch dài ngày, đến những nơi tập trung đông người và học sinh trở lại trường học trong dịp hè tới đây. Bên cạnh đó, các thị trường xa còn chưa mở cửa trao đổi khách trở lại. Theo đó, ngành du lịch Việt Nam đề xuất kế hoạch dự kiến thúc đẩy du lịch quốc tế trở lại đối với các thị trường nguồn như Đài Loan, Thái Lan, Hàn Quốc, New Zealand, Úc… trong các tháng cuối năm.
Ông Michael Croft, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam bày tỏ việc UNESCO sẽ luôn đồng hành cùng Việt Nam trong nỗ lực phục hồi hoạt động du lịch tại các điểm đến di sản thế giới tại Việt Nam, coi đây là cơ hội để ngành du lịch chuyển đổi cơ cấu thị trường. Ông đánh giá cao điển hình tốt là khu di sản thế giới Tràng An trong việc quản lý phục hồi du lịch. Dự kiến, UNESCO sẽ hỗ trợ Tràng An tổ chức một hội thảo kỹ thuật về chia sẻ thông tin, phát triển du lịch ứng phó với tình huống khủng hoảng, tăng cường tác động tích cực của du lịch đối với bảo vệ di sản và làm giàu cho di sản và nâng cao lợi ích của các bên liên quan.
Tại cuộc họp, các chuyên gia UNESCO cũng chia sẻ những ý tưởng có thể tăng cường hợp tác giữa hai bên. UNESCO sẽ hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá tác động của du lịch di sản đối với phát triển bền vững; tăng cường quảng bá các điểm đến di sản thế giới ở Việt Nam thông qua những người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng lớn tới công chúng, ví dụ như kết hợp với sự kiện người mẫu Jessica Minh Anh xây dựng các tập phim biểu diễn thời trang tại các khu di sản thế giới ở Việt Nam; hoặc mời chuyên gia quốc tế trình bày tại hội thảo tại Tràng An về việc áp dụng phần mềm trên điện thoại thông minh hỗ trợ khách du lịch độc lập, qua đó quảng bá các di sản thế giới ở Việt Nam trên nền tảng số.
Đặc biệt, UNESCO mong muốn ngành du lịch Việt Nam tham gia với tư cách cơ quan quản lý ngành phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh và các bên liên quan xây dựng báo cáo kỹ thuật cho Vịnh Hạ Long để báo cáo tại cuộc họp lần thứ 44 của Ủy ban Di sản Thế giới trong năm nay. Ngành du lịch cần phải đưa ra những bằng chứng khoa học về việc phát triển du lịch có hoạch định trong khả năng sức chứa cho phép của điểm đến để thuyết phục Ủy ban Di sản Thế giới về nỗ lực bảo tồn di sản của Việt Nam, đồng thời với sự phát triển bền vững của du lịch, kinh tế và môi trường.
Viện NCPT Du lịch bày tỏ sự sẵn sàng phối hợp cùng với các đơn vị trực thuộc Tổng cục Du lịch trong các nhiệm vụ mà UNESCO quan tâm, trong đó có điều tra thị trường, tính toán sức chịu tải của điểm đến, tổ chức hội thảo khoa học…
Kết thúc buổi họp, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu bày tỏ đánh giá cao những nỗ lực của UNESCO trong việc hỗ trợ ngành du lịch Việt Nam trong những năm qua, đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy di sản, và hi vọng UNESCO sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong việc phục hồi hoạt động du lịch sau dịch COVID-19.
Chiến Thắng