Hướng dẫn Hỏi đáp Quy định
  • EnglishEnglish
  • Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030

    Ngày 22/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 147/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. (Văn bản kèm theo)

    Trong nhiều năm trở lại đây, ngành du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, năm 2019, Việt Nam đón được trên 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2018, phục vụ khoảng 85 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 726.000 tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2018 (theo báo cáo của Tổng cục Du lịch). Chỉ số năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam cũng được nâng cao, tăng 4 bậc từ vị trí 67/136 (2017) lên 63/140 (2019) (theo Báo cáo xếp hạng năng lực cạnh tranh ngành lữ hành và du lịch của WEF). Các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành du lịch đều vượt xa so với dự báo và vượt mục tiêu mà “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã đề ra.
    Tuy nhiên, một số vấn đề mà du lịch Việt Nam vẫn còn phải cải thiện hơn nữa là môi trường kinh doanh và kết cấu hạ tầng dịch vụ du lịch; tốc độ tăng trưởng khả quan về lượng khách du lịch, nhưng về con số tuyệt đối của lượng khách và doanh thu so với các quốc gia phát triển ổn định trong khu vực như Thái Lan, Malaysia và Singapore thì vẫn còn khoảng cách khá xa; chỉ số năng lực cạnh tranh về nguồn nhân lực và thị trường lao động vẫn còn thấp… Bên cạnh đó, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến tất cả các khía cạnh của đời sống xã hội và các ngành kinh tế, thị trường du lịch Việt Nam cũng đang thay đổi do sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng nhanh của du lịch trực tuyến, đặt ra nhiều vấn đề cho quản lý và phát triển du lịch.
    Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030” để phù hợp với tình hình và xu hướng phát triển trong giai đoạn mới. Thực hiện Quyết định số 1472/QĐ–BVHTTDL ngày 24/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch giao Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch chủ trì thực hiện nhiệm vụ. Viện NCPT Du lịch đã nỗ lực thực hiện nghiên cứu, xin ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước; xin ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước để xây dựng và hoàn thiện các nội dung của báo cáo Chiến lược.
    Ngày 22/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 147/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 với những quan điểm phát triển:
    1. Phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại.
    2. Phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
    3. Chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc.
    4. Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
    5. Phát triển đồng thời du lịch quốc tế và du lịch nội địa; đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch; tăng cường liên kết nhằm phát huy lợi thế tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa; phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
    Mục tiêu phát triển như sau:
    – Đến năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, phấn đấu thuộc nhóm ba quốc gia dẫn đầu về phát triển du lịch trong khu vực Đông Nam Á và 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, trong đó tất cả 14 tiêu chí năng lực du lịch đều tăng, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững; (1) Tổng thu từ khách du lịch đạt 1.700 – 1.800 nghìn tỷ đồng (tương đương 77 – 80 tỷ USD), tăng trưởng bình quân 13 – 14%/năm; đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 12 – 14%. (2) Phấn đấu đón được ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách du lịch nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 12 – 14%/năm và khách nội địa từ 6 – 7%/năm.
    – Đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững. Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững; (1) Tổng thu từ khách du lịch đạt 3.100 – 3.200 tỷ đồng (tương đương 130 – 135 tỷ USD), tăng trưởng bình quân 11 – 12%/năm; đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 15 – 17%; (2) Tạo ra khoảng 8,5 triệu việc làm, trong đó có khoảng 3 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 8 – 9%/năm; (2) Phấn đấu đón được ít nhất 50 triệu lượt khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội địa; duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 8 – 10%/năm và khách nội địa từ 5 – 6%/năm.
    Để đạt được các mục tiêu trên, các giải pháp được đề ra trong Chiến lược gồm: (1) Tiếp tục đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; (2) Hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển du lịch; (3) Phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; (4) Phát triển nguồn nhân lực du lịch; (5) Phát triển và đa dạng hóa thị trường du lịch; (6) Phát triển sản phẩm du lịch; (7) Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch và hợp tác, hội nhập quốc tế về du lịch; (8) Ứng dụng khoa học công nghệ; (9) Quản lý nhà nước về du lịch.
    Các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá đã được đặt ra, bao gồm: (1) Tập trung xây dựng, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm: Quy hoạch phát triển du lịch theo quy định của pháp luật về quy hoạch và du lịch; Chương trình mục tiêu phát triển du lịch hạ tầng du lịch phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm; Các chương trình, đề án phát triển du lịch chuyên đề về thị trường, sản phẩm, nguồn nhân lực, xúc tiến, quảng bá. (2) Tập trung huy động nguồn lực triển khai một số nhiệm vụ đột phá về: Phát triển kết cầu hạ tầng; Tạo thuận lợi cho khách du lịch; Đầu tư hình thành một số cụm du lịch đồng bộ, chất lượng, có quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế; Phát triển du lịch thông minh; Phát triển du lịch cộng đồng.
    Thủ tướng Chính phủ cũng giao trách nhiệm các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện Chiến lược theo chức năng, nhiệm vụ do nhà nước quy định.
    Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được phê duyệt là định hướng chính sách quan trọng cho những bước phát triển đột phá hơn nữa của du lịch Việt Nam trong thập kỷ mới.

    Chiến Thắng

    Bài cùng chuyên mục