Bàn giải pháp xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù Khu Du lịch thác Bản Giốc
Ngày 27 tháng 11 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã tổ chức Hội thảo Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù Khu du lịch thác Bản Giốc.
Hội thảo thuộc Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù cho Khu du lịch thác Bản Giốc đến năm 2025, tầm nhìn 2030” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tổng cục Du lịch giao cho Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch chủ trì thực hiện.
Tham dự Hội thảo có Bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; ông Võ Quốc Đoàn – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ Bộ VHTTDL; ông Phan Kiều Trung – Phó Vụ trưởng Vụ Biên giới Việt Trung – Ủy ban Biên giới Quốc gia – Bộ Ngoại giao; ông Trương Thế Vinh – Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Cao Bằng, cùng đại diện Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; lãnh đạo các vụ và đơn vị sự nghiệp thuộc Tổng cục Du lịch; các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Hà Nội và tỉnh Cao Bằng.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết: Trong những năm qua, du lịch Cao Bằng có những chuyển biến tích cực, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh cũng như sự phát triển du lịch chung của cả nước. Năm 2018, Cao Bằng đón trên 1,2 triệu lượt khách, tăng 30% so với năm 2017, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 360 tỷ đồng, tăng 90%. Sáu tháng đầu năm 2019, lượng khách đến với Cao Bằng đạt 736.018 lượt, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm 2018. Đạt được kết quả trên, theo Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương, một phần nhờ vào sức hút của công viên Địa chất Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu ngày 14/4/2018. Công viên địa chất Non nước Cao Bằng nằm trên địa bàn 9 huyện, trong đó điểm nhấn là Khu du lịch thác Bản Giốc. Ngày 15/11/2015, Việt Nam và Trung Quốc ký Hiệp định Hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên Khu du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) – Đức Thiên (Trung Quốc), trong đó nhấn mạnh tăng cường hợp tác giữa hai bên để thúc đẩy du lịch phát triển mạnh mẽ tại Khu du lịch thác Bản Giốc – Đức Thiên. Tuy nhiên, đến nay Khu du lịch thác Bản Giốc phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh vốn có của Khu.
Vì vậy, Hội thảo được tổ chức nhằm tranh thủ ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý góp ý vào dự thảo Đề án “Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù khu du lịch thác Bản Giốc”, đặc biệt là bàn giải pháp xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù hiệu quả, phát huy tối ưu tiềm năng và thế mạnh của Khu du lịch thác Bản Giốc trong thời gian tới” – Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh.
Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù cho Khu du lịch thác Bản Giốc đến năm 2025, tầm nhìn 2030” được triển khai thực hiện từ tháng 7 năm 2019. Theo kết quả của nhóm nghiên cứu, với những tài nguyên tự nhiên và văn hóa đặc sắc trong đó nổi bật nhất chính là thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao và văn hóa của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Khu du lịch thác Bản Giốc cần tập trung xây dựng 5 nhóm sản phẩm chính gồm: Du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng; Du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe; Du lịch thể thao, mạo hiểm; Du lịch văn hóa, lễ hội và tâm linh; Du lịch ẩm thực.
Dự thảo đề án cũng đã đưa ra những giải pháp để tỉnh Cao Bằng có thể triển khai thực hiện xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù có chất lượng cao cho Khu du lịch thác Bản Giốc như: Giải pháp về cơ chế, chính sách; Giải pháp về đầu tư phát triển sản phẩm du lịch; Giải pháp phát triển nguồn nhân lực; Giải pháp xúc tiến quảng bá; Giải pháp tổ chức quản lý hoạt động du lịch; Giải pháp ứng dụng KHCN trong phát triển du lịch; Giải pháp liên kết, hợp tác quốc tế; Giải pháp bảo vệ tài nguyên và môi trường; Giải pháp khuyến khích hỗ trợ cộng đồng du lịch.
Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã được nghe hai tham luận của Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải và Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch Đầu tư gồm: Một số chính sách và giải pháp đầu tư hạ tầng giao thông cho Khu du lịch thác Bản Giốc và Lý luận Quy hoạch Khu du lịch đặc thù địa điểm và kinh nghiệm quốc tế trong quy hoạch khu du lịch.
Tiếp đó, tại phiên thảo luận, các đại biểu đã tích cực trao đổi, đóng góp nhiều ý kiến để phát triển sản phẩm du lịch tại thác Bản Giốc. Hầu hết ý kiến đóng góp của các đại biểu đều thống nhất cho rằng để có thể phát huy tốt tiềm năng cũng như có thể phát triển du lịch tại Khu du lịch thác Bản Giốc, bên cạnh việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của Khu, quan trọng nhất là phát triển hạ tầng đường giao thông kết nối giữa Cao Bằng với các tỉnh/thành cũng như giữa thác Bản Giốc với thành phố Cao Bằng và các khu/ điểm du lịch khác. Bên cạnh đó, công tác nâng cao nguồn nhân lực phục vụ du lịch cũng cần được đặc biệt quan tâm bởi hiện nay nguồn lực du lịch tại Cao Bằng nói chung, Khu du lịch thác Bản Giốc nói riêng còn rất hạn chế. Đội ngũ cán bộ quản lý của ngành mỏng, nhân lực phục vụ tại các cơ sơ lưu trú, dịch vụ không được đào tạo bài bảm, nhận thức của người dân địa phương về du lịch gần như không có.
Trên cơ sở những ý kiến đóng góp của các đại biểu, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch sẽ tiếp tục cập nhật và hoàn thiện Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù cho Khu du lịch thác Bản Giốc đến năm 2025, tầm nhìn 2030”.
Lan Hương – Trung tâm Tư vấn và Đào tạo Du lịch