Hội thảo “Hỗ trợ cộng đồng dân cư khu vực ven biển chuyển đổi sinh kế, phát triển du lịch”
Ngày 21/11/2019, tại khách sạn Công Đoàn, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã tổ chức buổi Hội thảo xin ý kiến chuyên gia cho nhiệm vụ thuộc Chương trình hành động quốc gia “Hỗ trợ cộng đồng dân cư khu vực ven biển chuyển đổi sinh kế, phát triển du lịch”. Buổi hội thảo được dẫn dắt dưới sự chủ trì của Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch – TS. Đỗ Thị Thanh Hoa. Hội thảo có sự tham gia của đại diện Vụ lữ hành, Vụ kế hoạch tài chính thuộc Tổng cục Du lịch, các chuyên gia như PGS. TS. Nguyễn Phượng Lê thuộc học viện Nông nghiệp Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Tòng – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng Mỹ thuật sản phẩm làng nghề Việt Nam, ThS. Hoàng Hà – Giám đốc trung tâm phát triển cộng đồng sinh thái (ECODE), cùng đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đại diện Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, đại diện một số doanh nghiệp du lịch, trường đại học và cơ quan báo chí.
Mở đầu, TS. Đỗ Thị Thanh Hoa đã có bài phát biểu khai mạc hội thảo. Tiếp đó, ThS Nguyễn Thị Lan Hương – chủ trì nhiệm vụ đã trình bày báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu với những nội dung chính: (1) Tính cấp thiết của nhiệm vụ, (2) Cơ sở lý luận sinh kế và chuyển đổi sinh kế, (3) Thực trạng chuyển đổi sinh kế khu vực ven biển Việt Nam, (4) Định hướng và giải pháp hỗ trợ mở rộng và chuyển đổi sinh kế khu vực ven biển Việt Nam.
Đóng góp ý kiến cho nhiệm vụ, PGS. TS. Nguyễn Phương Lê cũng đã trình bày bài tham luận “Phát triển du lịch gắn với cải thiện sinh kế của người dân ven biển Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu”. Bên cạnh việc chỉ rõ những đặc điểm sinh kế của người dân ven biển, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sinh kế người dân ven biển, bài trình bày cũng chia sẻ những kinh nghiệm về phát triển du lịch gắn với sinh kế người dân ven biển ở một số quốc gia trên thế giới như: Tanzania, Dominica, Mỹ, Tunuo – Indonesia, Phuket – Thái Lan. Đồng thời, diễn giả cũng đưa ra một số giải pháp cụ thể phát triển du lịch ven biển gắn với sinh kế người dân địa phương tại Việt Nam về huy động sự tham gia của cộng đồng; xây dựng chiến lược bảo tồn và phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương; tăng cường quản lý nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh du lịch và các hoạt động kinh doanh phục vụ du lịch…
Sau phiên giải lao, hội thảo đã có phiên thảo luận hết sức sôi nổi. Các chuyên gia đã nhiệt tình chia sẻ những ý kiến, kinh nghiệm nhằm đóng góp xây dựng cho nhiệm vụ. Trong đó, các ý kiến tập trung xoay quanh những vẫn đề sau:
- Để gắn phát triển du lịch với sinh kế của cộng đồng ven biển thì các nhà quản lý, các doanh nghiệp du lịch cần phải là những người hướng dẫn, hỗ trợ và cùng làm với người dân;
- Đối với chuyển đổi sinh kế cộng đồng ven biển cần xem xét, tính toán đến những kịch bản biến đổi khí hậu trong tương lai để đưa ra được những phương án, giải pháp hiệu quả và tối ưu nhất;
- Tăng cường kết nối những nơi nghỉ dưỡng, điểm du lịch đến các khu vực của cộng động dân cư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các tour du lịch mang lại lợi ích cho cộng đồng;
- Đẩy mạnh thu hút đầu tư cho các sản phẩm, mô hình phát triển du lịch cộng đồng nhằm tạo điều kiện mở rộng và chuyển đổi sinh kế cho người dân ven biển;
- Thúc đẩy mô hình đào tạo tại nhà cho người dân trong lĩnh vực du lịch nhằm nâng cao nhận thức, kĩ năng chuyên môn cho cộng đồng dân cư ven biển.
Kết thúc hội thảo, TS. Đỗ Thị Thanh Hoa đã phát biểu ghi nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, cộng tác từ các cơ quan, tổ chức, chuyên gia và các doanh nghiệp trong các dự án tiếp sau nhằm phát triển du lịch, đẩy mạnh việc chuyển đổi, mở rộng sinh kế hơn nữa cho cộng đồng dân cư ven biển Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Phương Mai